Tommy Hilfiger thách thức giới hạn thực-ảo với show diễn bùng nổ ở New York
Tommy Hilfiger đã mang thương hiệu trị giá 9,3 tỷ USD của mình trở lại New York lần đầu tiên sau ba năm. Buổi trình diễn BST Thu-Đông 2022 mang tên “The Factory” đã làm thăng hoa những di sản gắn liền với các giá trị và hình ảnh của “thời trang Mỹ”.
Lấy cảm hứng từ di sản của nghệ sĩ thị giác Andy Warhol, show diễn được đặt tên theo một studio cũ của Warhol, nơi tụ họp của những nhà sáng tạo trẻ và cũng là nơi Tommy Hilfiger lần đầu gặp nghệ sĩ Warhol vào thập niên 80. Ghế ngồi, sàn diễn và các chi tiết trang trí đều được bọc trong tấm phim mylar bạc chiếu theo nội thất trong Warhol Factory. Đường băng trải dài theo đường chân trời ở Brooklyn đón một cơn mưa bất ngờ. Những luồng ánh sáng trắng phản chiếu trên tấm phim mylar thắp sáng những hạt mưa trút xuống từ bầu trời đêm.
Kate Moss ở hàng ghế đầu hướng ánh mắt đến con gái Lila Moss là gương mặt mở màn cho show diễn có lẽ đã nhớ lại tuổi trẻ của mình. BST lần này của Tommy Hilfiger có thật nhiều hơi thở tuổi trẻ. Về với New York cùng bản sắc preppy, nhà mốt phủ đầy sàn diễn với những đường kẻ sọc trải dài qua từng lớp áo, giao nhau và tạo thành họa tiết carô đặc trưng của thời trang học đường.
“The Factory” nghe qua như một xưởng sản xuất với những dây chuyền công nghiệp và sự lặp đi lặp lại của máy
móc. Nhưng mỗi thiết kế xuất hiện trên sàn diễn là một sự chuyển nhịp liên hồi của các màu sắc đỏ burgundy,
đen, vàng, xanh navy và xanh lá. Áo phao, cardigan và áo phông xếp chồng lên nhau như tái hiện khung cảnh thời trang hiện đại trên đường phố nhộn nhịp ở những khu downtown tại New York, Mỹ.
BST giới thiệu cả trang phục nam và nữ nhưng trên cả là bản hòa phối bất ngờ của tính nam và tính nữ trên
cùng một set đồ. Như một cuộc gặp gỡ thú vị, những chiếc áo polo “quá khổ” làm quen với chân váy thướt tha hay thiết kế quần jogger tạo nên hình ảnh phóng khoáng tự do một cách có tính toán. Tổng thể còn được nâng tầm bằng đôi bốt kéo cao và găng tay da sang trọng.
Sau cuộc nổi loạn của những đường kẻ, bảng màu gồm xanh lam, vàng, đỏ, nâu nhạt được chia nhỏ trở thành chủ
đề cho những đoạn sau của BST, và TH Monogram “mới toanh” cũng được trình làng. Xếp chồng lên nhau hai ký
tự viết tắt tên thương hiệu, họa sĩ minh họa – NTK đồ họa Fergus Purcell dùng một font chữ mang đậm nét cổ điển để tạo ra bản họa tiết sang trọng, thể hiện tất cả “DNA” preppy của nhà mốt.
Hồi sau của buổi trình diễn nghênh đón 40 sáng tạo phá cách nằm trong BST hợp tác với NTK người Anh Richard Quinn. Phong cách thiết kế nhấn mạnh vào họa tiết và lối cấu trúc siêu kịch tính của Richard Quinn tiến nhập vào sân chơi thời trang của nước Mỹ với những màn pha trộn dấu ấn văn hóa độc đáo. Chẳng hạn như chi tiết hoa hồng mang tính biểu tượng của xứ sở sương mù được đặt xen kẽ với TH Monogram, tạo thành bản hòa ca đầy nghệ thuật giữa chất Anh quốc và văn hóa Mỹ Americana.
Áo liền quần, áo khoác đinh tán hay roi da… như cuộc nổi loạn sau các thiết kế thể hiện kỹ thuật tailoring ở phần đầu. Có những chiếc trench coat giấu đi vóc dáng nhưng cũng có những bộ bodysuit ôm sát đường cong cơ thể. Như Tommy Hilfiger đã chia sẻ, hai thẩm mỹ riêng biệt được kết hợp với nhau sẽ cho chúng ta thấy nét tươi mới và bất ngờ trước sự sáng tạo vượt biên giới.
Đây cũng là một trong những show diễn có dàn mẫu đa dạng nhất tuần lễ thời trang lần này. Sàn catwalk có sự
xuất hiện của những người mẫu ngoại cỡ đình đám nhất hiện nay là Paloma Elsesser, nhà hoạt động Quannah
Chasinghorse, vẻ đẹp bạch biến Winnie Harlow, diễn viên Julia Fox, biên tập viên 75 tuổi Bob Colacello… cùng khoảng 20 người mẫu nghiệp dư khác. Những sải bước mang tính tuyên ngôn của họ góp phần nhấn mạnh thông điệp về tinh thần tự do của Hoa Kỳ và thế kỷ 21.
Buổi trình diễn của Tommy Hilfiger không chỉ đặc biệt về thiết kế thời trang mà còn mang đến cho khán giả trải nghiệm mang tính tiên phong khi phá bỏ rào cản giữa hai thế giới thực và ảo. Ngay khi các người mẫu bắt đầu sải bước trên sàn runway ở New York, một phiên bản khác của show diễn cũng được phát sóng trực tiếp trên tựa
game Roblox với những người mẫu và trang phục số. Những “KOL ảo” như Superplastic, Guggimon và Dayzee đã khuấy động đường băng này.
Các tín đồ có thể chọn mua các thiết kế cả trong trò chơi và ngoài đời ngay khi chúng xuất hiện trước mọi giác
quan thông qua các nền tảng số và cửa hàng của Tommy Hilfiger. Đây chính là dự án “See Now, Buy Now” mang tính cách mạng để hướng tới tương lai, khi Metaverse cũng như internet đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Tại Việt Nam, Tommy Hilfiger được phân phối độc quyền bởi Công Ty TNHH Thời Trang & Mỹ Phẩm Âu Châu (ACFC). Bạn có thể tham khảo và mua hàng online tại đây.
Bài: Diệu Thanh
Ảnh: Tommy Hilfiger
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE