CEO Dòng Dòng Sài Gòn – Trần Kiều Anh: Tự nhiên mà sống “xanh”

Đăng ngày:

Cô chủ của thương hiệu phụ kiện tái chế Dòng Dòng Sài Gòn – Kiều Anh đã kể về hành trình của thương hiệu trong số báo ELLE chủ đề bền vững vào đúng 1 năm trước. Năm nay, Kiều Anh lại “xuất hiện” nhưng để kể về những thói quen, sở thích và lựa chọn “xanh” hơn trong cuộc sống hằng ngày.

Có lẽ do có ba mẹ thuộc thế hệ “boomers” nên mình thấy việc sống xanh đến khá tự nhiên vì từ nhỏ lúc nào mình cũng được tập hạn chế lãng phí. Những việc như tắt đèn, quạt khi ra khỏi phòng, không để vòi nước chảy khi đánh răng, nấu vừa ăn đủ, tái sử dụng bao nylon… được nhắc nhở mỗi ngày (đến bây giờ vẫn nhắc). Tất nhiên là với thế hệ trước, việc sống tiết kiệm đến từ lý do cuộc sống sau chiến tranh nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng cũng nhờ đó mà mình thấy việc “sống xanh” khá tự nhiên và không quá khó.

tran kieu anh dong dong sg

CEO Dòng Dòng Saigon – Trần Kiều Anh

SỐNG XANH LÀ…

Sống xanh với mình là mỗi ngày khi làm những việc bình thường nhất như mua sắm, ăn uống, đi lại… nếu được chọn giữa những thứ tương tự nhau thì mình có thể ưu tiên thứ ít hại môi trường hơn. Chọn hộp bã mía thay vì hộp mút, dùng xà bông, chất tẩy rửa chưng cất từ thực vật thay vì công nghiệp, không dùng ống hút nếu không cần thiết, đi bộ thay vì gọi xe khi khoảng cách gần chẳng hạn. 99% những lựa chọn này không chỉ “xanh” hơn, mà còn “sạch” hơn cho chính sức khỏe của mình, vậy tại sao lại không nhỉ!

dong dong saigon

Với Kiều Anh sống xanh là những lựa chọn tự nhiên được hình thành theo năm tháng. (Ảnh: @dongdongsg)

Ngoài ra, mình đang thực hành ăn chay một trong ba bữa mỗi ngày, hy vọng sẽ dần hướng đến ăn chay toàn phần. Với bản thân mình, lý do chính để hướng đến ăn chay (còn mạnh hơn vì sức khỏe và môi trường), chính là không muốn nhiều sinh vật phải bị giết mổ vì mình. Mong là sẽ có một ngày con người sống hòa hợp với thiên nhiên và vạn vật hơn.

FAN ĐỒ “PRE-OWNED”

Mình là fan đồ “si-đa”, hiện chiếm hơn phân nửa tủ quần áo. Cũng giống như những thói quen sống xanh khác, nếu biết cách chọn mua đồ quần áo vừa đẹp, không đụng hàng, chất lượng rất tốt mà giá cả thì “hạt dẻ” so với danh tiếng thương hiệu. Mình nghĩ sản phẩm bền vững không thể xem việc thân thiện môi trường là đặc tính quan trọng nhất và duy nhất, bởi như vậy là không đủ để người mua móc hầu bao. Bản chất sản phẩm phải đáp ứng về mặt công năng và cả thẩm mỹ.

Cộng đồng đồ si tại Việt Nam tuy còn im hơi lặng tiếng nhưng phát triển khá nhanh. Mua đồ si có 3 cấp độ. Cấp độ đầu tiên khá đơn giản là tìm mua tại các cửa hàng bán đồ second-hand thường thấy, rất đa dạng về mẫu mã, giá cả mềm, đồ được tuyển từ nhiều nguồn khác nhau.

thoi trang ben vung song xanh

Cấp độ 1 là tìm mua tại các cửa hàng bán đồ second-hand thường thấy, rất đa dạng về mẫu mã, giá cả mềm, đồ được tuyển từ nhiều nguồn khác nhau. (Ảnh: @dongdongsg)

Cấp độ hai là tùy vào món đồ bạn cần mua mà biết nên mua ở đâu. Ví dụ như với đầm, áo nữ thì quần áo từ Nhật rất phù hợp bởi thường là những chất vải cao cấp (linen, lanh, lụa…), kiểu dáng dễ mặc, đường may tỉ mỉ, đẹp. Nếu bạn muốn mua áo thun, denim, quần áo có cá tính một chút thì nên tìm đến đồ Âu Mỹ, không thiếu các nơi tuyển những món đồ có thương hiệu tượng đài như Levi’s, Wrangler, Lacoste… với giá chỉ bằng một phần mười. Nếu sành, bạn còn săn được những món hàng vintage hiếm, có thể bán lại với giá rất cao.

thoi trang tai che xanh

Cấp độ hai là tùy vào món đồ bạn cần mua mà biết nên mua ở đâu. (Ảnh: @dongdongsg)

Cấp độ cuối cùng mình yêu thích nhất, nhưng hiện còn khá ít ở Việt Nam. Đó là những hiệu đồ si “remake”, tức là có sự cắt ghép, chỉnh sửa, thêu hoặc vẽ thêm để biến đồ cũ thành một món đồ mới độc nhất vô nhị. Mình rất khâm phục sự khéo léo, tính sáng tạo cũng như sự tài tình của những người làm việc này. Thường những món đồ này (ở Việt Nam cũng như nước ngoài) được người mua săn lùng, chờ mua từng món như vé concert dù giá cao hơn cả đồ mới nói chung. Điều này cũng làm mình vững tin hơn về hướng đi của ngành thời trang, rằng sẽ luôn có chỗ đứng cho những sản phẩm bền vững có sự đầu tư chỉn chu về kỹ thuật, thiết kế và đặc biệt nhất là câu chuyện đằng sau chất liệu.

song xanh dong dong sg tai che

Cấp độ cuối cùng là những hiệu đồ si “remake”. Dòng Dòng Saigon là một trong những thương hiệu nổi bật trong lĩnh vực này khi tái chế các tấm bạt thành túi và balo. (Ảnh: @dongdongsg)

túi làm từ tấm bạt hy lạp xanh

Ảnh: @dongdongsg

túi cưới

Ảnh: @dongdongsg

 

Nhóm thực hiện

Bài: Thuỳ Trang
Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more