Thời trang / Thế giới thời trang

Nhìn lại những bộ trang phục của Ngụy Anh Lạc trong Diên Hi Công Lược

Trang phục của Ngụy Anh Lạc từ cung nữ đến đỉnh cao quyền lực đã thể hiện đây là một hành trình phải đánh đổi bằng máu, nước mắt và cả sinh mệnh của những người bạn yêu quý nhất.

Diên Hi Công Lược đang là tác phẩm truyền hình khiến khán giả Trung Quốc lẫn Việt Nam phát sốt vì đề tài hậu cung tranh đấu vô cùng hấp dẫn và mang nhiều nét độc đáo mới lạ do Vu Chính sản xuất, cùng dàn diễn viên toàn mỹ nhân của Trung Quốc như Tần Lam, Ngô Cẩn Ngôn, Xa Thi Mạn, Đàm Trác… tham gia diễn xuất.

Diên Hi Công Lược 1

Con đường bước đến đỉnh cao quyền lực của cung nữ Ngụy Anh Lạc là một hành trình đầy khó khăn, phải đánh đổi bằng máu, nước mắt và cả sinh mệnh của những người bạn thân thiết nhất.

Diên Hi Công Lược lấy bối cảnh những năm đầu triều đại Càn Long, thiếu nữ Ngụy Anh Lạc (Ngô Cẩn Ngôn) nhập cung làm cung nữ để điều tra chân tướng về cái chết của người chị gái và thề muốn giành lại công lý cho chị mình. Được sự bảo bọc của Phú Sát hoàng hậu (Tần Lam), nên Ngụy Anh Lạc trưởng thành từng bước thành một nữ quan chính trực, kiên cường, bỏ lại lòng oán hận để sống tiếp. Thương cho cái chết của hoàng hậu bất hạnh, khiến cho Ngụy Anh Lạc đối với Càn Long (Nhiếp Viễn) hiểu lầm chồng chất, hai người từ căm ghét lẫn nhau cuối cùng dần thấu hiểu và giúp đỡ đối phương. Bằng sự dũng cảm, mưu trí hơn người của mình, Anh Lạc đã hóa giải những sóng gió nơi chốn hậu cung, cuối cùng trở thành Hoàng Quý phi được vua Càn Long sủng ái nhất.

Đằng sau những thước phim chân thực tái hiện cuộc sống chốn thâm cung, thì phục sức quá công phu, tinh xảo còn khiến khán giả choáng ngợp vì bám sát lịch sử. Với kinh phí đầu tư 250 triệu NDT ( khoảng 853 tỷ VNĐ) dành riêng cho trang phục, bối cảnh nên đích thân Vu Chính cùng nhà thiết kế tạo hình Tống Hiểu Đào đã tìm hiểu sâu về văn hóa thời nhà Thanh dưới triều đại Càn Long và mời về những thợ thêu giỏi nhất Bắc Kinh để thực hiện phần phục trang cho phim.

Diên Hi Công Lược 2

Hoa văn trên trang phục đời Thanh cũng kết cấu theo ý nghĩa văn hóa: “Đồ tất hữu ý, ý tất cát tường“. Cách bố trí trên trang phục thể hiện một tài nghệ nghệ thuật vô cùng cao, từng lớp rõ ràng. Những hoa văn này đều dùng kỹ thuật thủ công, thêu thùa phức tạp, có những bộ thậm chí còn không nhìn thấy được nguyên liệu vải ban đầu mà chỉ thấy chi chít những đường thêu.

Trong quá trình thực hiện, ê kíp phục trang bộ phim Diên Hi Công Lược đã cất công tìm kiếm các tư liệu không có trong bất kỳ phim cổ trang nào khác với hi vọng khiến cho những vật dụng đặc trưng của thời Càn Long trở nên phổ biến hơn.

Clip hậu trường chế tác phục trang phim bom tấn cổ trang Diên Hi Công Lược

Những món đồ trang sức thịnh hành của phi tử như điểm thúy, thiêu lam… đều được các nghệ nhân bậc thầy chế tác lại bằng tay, dưới sự chỉ đạo của trang điểm Lâm An Kỳ – người chịu trách nhiệm chế tác những món đồ trang sức trong phim Diên Hi Công Lược.

Diên Hi Công Lược 3

Những món trang sức thông dụng mang nét đặc sắc không thể lẫn ở thời Càn Long, được phục dựng đặc biệt tỉ mỉ, nên tốn nhiều thời gian và công sức.  

Màu sắc trang phục trong Diên Hi Công Lược, được vận dụng tài tình hệ thống màu của họa sĩ nổi tiếng người Ý – Giorgio Morandi với những tông màu trầm lặng (muted colors) thiên ghi xám tạo cảm giác dễ chịu khi ngắm nhìn và đem đến nét hài hòa, trang nhã tuyệt đối cho cho các nhân vật khi diện lên mình, toát ra đúng khí chất của những bậc cung phi cao sang, quyền quý, lại vừa sát với lối ăn vận tinh giản của thời sơ kỳ nhà Thanh.

Diên Hi Công Lược 4

Thường phục của Hoàng Hậu và các quý phi trong Diên Hi Công Lược đa số là tone màu đậm, nhẹ nhàng, không rực rỡ chói lóa như những phim đời Thanh khác.

Kiểu tóc cũng là một thay đổi quan trọng vì giai đoạn sơ kỳ như Diên Hi Công Lược, phụ nữ vẫn còn vấn tóc kiểu tiểu lưỡng bả đầu, khác với đa số những phim cổ trang thời nhà Thanh, thường cho phụ nữ đội đại lạp sí chỉ sử dụng vào cuối triều Thanh.

Diên Hi Công Lược 5

Đeo ba chiếc khuyên tai (nhất kỹ tam kiềng), đi hài Hoa Bổn là phong tục tổ tiên đời Thanh để lại. Lối trang điểm tô son lòng môi, kẻ lông mày khá mảnh, phần đuôi lông mày được kẻ xuôi, hơi cao hơn 1 chút so với phần đầu lông mày, đem lại vẻ tự nhiên, và tôn lên ánh mắt sáng, chính trực cho Ngụy Anh Lạc.  

Nhập cung

Diên Hi Công Lược 6

Ngụy Anh Lạc xuất thân trong gia tộc Ngụy thị thuộc tầng lớp Bao y, nhờ lệ thuộc Nội vụ phủ nên có thể đã lấy thân phận cung nữ nhập cung, nhưng không được lấy thân phận tú nữ tham gia ứng tuyển phi tần do không xuất thân từ Bát Kỳ cao quý.

Cung nữ

Diên Hi Công Lược 7

Thêu thùa là phong tục truyền thống của phụ nữ dân tộc Mãn, phải học thêu từ thuở nhỏ, đến khi thành thạo hàng trăm mẫu mới có thể xuất giá. Nên nhờ tài nghệ thêu thùa khéo léo của mình mà Anh Lạc từ tú nữ xưởng thêu đã được chọn làm cung nữ thân cận của Phú Sát Hoàng hậu.  

Diên Hi Công Lược 8

Món phụ kiện quý phái, sang trọng trên tóc của các vị cung tần, mỹ nữ là loại mão được gọi là Điền tử (Hán tự: ), phổ biến nhất kể từ thời đại Càn Long, với cách dùng lụa đen vấn tóc và điểm xuyết thêm những món trang sức vàng, bạc, đá quý… tùy theo cấp bậc, chức vị trong hậu cung mà món phục sức này sẽ có vẻ ngoài khác nhau. Và chỉ được dùng trong ngày thường và những dịp hỷ khánh, lễ, tiệc. Còn riêng các dịp trọng đại thì Triều quan và Cát phục quan sẽ được dùng để thể hiện sự uy nghi.

Diên Hi Công Lược 9

Bị đày đến làm nô tì ở Tân Giả Khố, thì trang phục làm bằng loại gấm thường, thêu hoa văn đơn giản và trên Điền tử không có gắn trang sức.  

Quý nhân

Diên Hi Công Lược 10

Năm Càn Long thứ 10 (1745), Ngụy Anh Lạc trở thành Quý nhân. Trang phục bằng gấm thượng hạng có đường viền hoa (hoa biên) thêu họa tiết sắc xảo, gắn vào các trang phục để tôn lên vẻ nữ tính mềm mại cho người phụ nữ thời Thanh.

Lệnh phi

Ngụy Quý nhân được phong Tần, thuộc hàng Chính tứ phẩm trong hệ thống hậu cung, huy hiệu là Lệnh tần, có nghĩa là “Thông tuệ”, “Sáng suốt”. Năm thứ 14 (1748), ngày 1 tháng 7, Lệnh tần Ngụy Anh Lạc được phong làm Lệnh phi (令妃).

Diên Hi Công Lược 11

Phần cổ áo may vạt xòe như cánh quạt đẹp tinh tế là điểm nhấn cho bộ trang phục thêu hoa văn trang nhã.

Diên Hi Công Lược 12

Các hình dạng hoa văn cát tường trên trang phục thể hiện tính thẩm mỹ hấp thụ vẻ đẹp của thiên nhiên, từ đó đưa vẻ đẹp này vào trong trang phục của người xưa.

Hoàng quý phi

Năm Càn Long thứ 30 (1765), Hoàng đế ra chỉ dụ tấn phong Hoàng quý phi cho đến cuối đời vào năm Càn Long thứ 40 (1775), hưởng thọ 47 tuổi. Sau khi qua đời được ban thụy hiệu Lệnh Ý Hoàng quý phi, là người cuối cùng trong 5 người được hợp táng cùng với Càn Long tại địa cung. Quan tài của bà ở phía bên phải đế quan của Càn Long. Năm Càn Long thứ 60 (1795) được truy phong Hiếu Nghi Hoàng hậu, do là sinh mẫu của vua Gia Khánh.

Diên Hi Công Lược 13

Triều phục được mặc trong nghi lễ sắc phong làm Hoàng Quý Phi. Đầu đội triều quan, sẽ được đính một vật trang trí, tầng giữa có hình Kim phượng (chim phượng hoàng bằng vàng), xung quanh cũng có gắn Kim phượng và đằng sau là đuôi Kim địch (lông chim trĩ màu vàng). Phần dưới của triều quan có dây Rũ châu và phía sau có 1 tấm Hộ lãnh. Món đồ này được chia làm 2 mùa, với thiết kế của mùa Đông sẽ được phối lông để giữ ấm cho đầu.

Diên Hi Công Lược 14

Hình thể cuối cùng của mão Điền tử được gắn nhiều trang sức hơn gọi là Thiên can (Hán tự: 挑杆)

Diên Hi Công Lược 15

Ống tay áo được may rộng vừa phải, điểm xuyết bằng các họa tiết thêu hoa cầu kỳ, làm tô điểm thêm nét thanh tao cho bộ trang phục nền nã.

Diên Hi Công Lược 16

Nhẫn móng tay (Hộ giáp) bắt đầu xuất hiện từ thời Chiến quốc, đến thời nhà Thanh, phục sức này càng được ưa chuộng hơn, đặc biệt là để các phi tần, mỹ nữ phân cấp địa vị, quyền lực trong hậu cung. Địa vị càng cao thì chất liệu chế tác hộ giáp và họa tiết chạm khắc bên trên càng sang trọng, quý giá. Ngoài ra, còn có thể làm vũ khí phòng thân hay tấn công vì nó rất sắc và nhọn.

Trailer phim truyền hình Trung Quốc Diên Hy Công Lược

Xem thêm: 

Khi sao Hoa ngữ tái hiện giai nhân xưa – Vẻ đẹp mười phân vẹn mười (Phần 1)

Nhan sắc Trương Gia Nghê: Từ tạo hình cổ trang đến hiện đại đều “khuynh đảo” màn ảnh nhỏ

Bí quyết làm đẹp của mỹ nhân cung đình Trung Hoa cổ đại

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)