Khi Hoàng tử George có chuyến công du đầu tiên cùng bố mẹ ở New Zealand vào năm 2014, mọi ánh mắt đều đổ dồn vào cậu bé chỉ mới 8 tháng tuổi. Lúc đó, Hoàng tử George mặc chiếc áo vải trúc bâu thô có hình con thuyền do Rachel Riley thiết kế. Mẫu áo này chỉ vài giờ sau đó đã “cháy hàng”.
Tại lễ rửa tội của Công chúa Charlotte vào năm 2015, Hoàng tử George mặc áo trắng và quần shorts đỏ do Riley thiết kế, gần giống với trang phục của Hoàng tử William từng mặc vào năm 1984 khi lần đầu đến gặp Hoàng tử Harry vừa mới được sinh ra tại bệnh viện. Riley nói rằng, trang phục của những đứa trẻ hoàng gia ở Cambridge đều được cân nhắc kĩ càng, chính vì thế việc lặp lại này đều là có chủ ý.
Tương tự vậy, Hoàng tử út Louis cũng mặc bộ đồ màu xanh – trắng của La Coqueta vào năm ngoái. Bộ đồ này giống với trang phục của Hoàng tử William lúc xưa. Những chiếc đầm hoa mà Công chúa Charlotte mặc cũng từng được Hoàng hậu và Công chúa Anne mặc khi họ còn nhỏ. Năm 2015, tại sự kiện Trooping the Colour – Lễ diễu hành mừng sinh nhật của hoàng tộc, Hoàng tử George đã mặc bộ romper màu xanh mà cha của cậu đã mặc vào 30 năm trước.
Kate Middleton nổi tiếng với việc cho những đứa trẻ mặc lại trang phục chúng yêu thích. Ngoài ra, Kate còn cho những đứa trẻ mặc quần áo của nhau. Công chúa Charlotte từng được bắt gặp mặc chiếc áo cardigan của nhãn hiệu Fina Ejerique đến từ Tây Ban Nha mà anh trai George đã từng mặc.
Những chuyên gia hoàng gia cho biết, hành động của Công nương Kate bắt nguồn từ việc cô không muốn tạo ra những cơn sốt mua sắm. Bên cạnh đó, cô cũng muốn chứng tỏ gia đình mình cũng giống như bao gia đình bình thường khác ở Anh.
Mặc dù vậy, quần áo mà những đứa trẻ hoàng gia mặc vẫn thu hút được nhiều sự chú ý. Trang phục của hoàng tử và công chúa ngay lập tức “cháy hàng” và được gọi là “hiệu ứng Cambridge”. Theo Brand Finance, vào năm 2015, Hoàng tử George (lúc đó 2 tuổi) và Công chúa Charlotte (vừa được sinh vào tháng 5 của năm đó) đã đóng góp cho nền kinh tế nước Anh lần lượt 76 triệu euro và 101 triệu euro, ước tính sẽ đạt con số 2,4 tỉ euro và 3,2 tỉ euro trong cả cuộc đời họ. Hoàng tử Louis cũng được dự đoán sẽ đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế nước Anh.
Amaia Kids – thương hiệu thời trang ở London đứng sau những bộ quần áo cho phù dâu và phù rể tại lễ cưới của Công Chúa Eugene vào tháng 10 năm ngoái, là thương hiệu đầu tiên chứng kiến “hiệu ứng Cambridge”. Hoàng tử George và Công chúa Charlotte thường xuyên mặc đồ của thương hiệu này. Trong đó có chiếc áo cardigan mà George mặc khi đi thăm em gái vừa mới được sinh ở bệnh viện. Chiếc áo này đã nhanh chóng được nhiều người săn đón. Amaia Arrieta – đồng sáng lập của thương hiệu, cho biết sức ảnh hưởng hoàng gia không chỉ đơn thuần là tạo ra những cơn sốt mua sắm. “Đó chính là danh tiếng. Bạn lọt vào tầm mắt của những người mà trước đó chưa từng biết gì về bạn”.
Arrieta còn cho biết, gia đình của vợ chồng Công tước xứ Cambridge đã truyền cảm hứng cho sự hồi sinh của những phong cách truyền thống ở thời trang trẻ em.
Cũng giống như William và Kate, những đứa trẻ có rất nhiều quần áo dành cho những dịp ít trang trọng hơn. Gần đây nhất, tại một sự kiện cưỡi ngựa ở Norfolk, Hoàng tử George mặc áo khoác kaki, mũ nỉ, quần jeans và mang giày Nike. Trong khi đó, Công chúa Charlotte mặc áo phao xanh và chân váy caro. Phong cách này gợi nhớ lại tuổi thơ của Hoàng tử William và Harry. Lúc còn nhỏ, cả hai thường mặc áo sọc hoặc caro và quần shorts khi không phải tham dự những sự kiện trang trọng.
Đứa con đầu lòng của vợ chồng Công tước xứ Sussex sắp ra đời và theo dự đoán của Michael Talboys – chuyên gia thời trang hoàng gia, trang phục của đứa trẻ này sẽ “Mỹ hoá hơn”, đối lập với phong cách thời trang mang đậm chất Anh của gia đình vợ chồng William. Nhưng cho dù có đi theo phong cách nào đi chăng nữa, thì chắc chắn trang phục của đứa bé sắp tới cũng sẽ tạo ra cơn sốt mua sắm và nhiều xu hướng mới ở thời trang trẻ em của nước Anh.
Nhóm thực hiện
Bài viết: Kỳ Duyên Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Tham khảo: Woman&Home và Instyle