“Nếu có tiền như họ, tôi sẽ không bao giờ ăn mặc như vậy”. Phong cách Preppy đương đại thường gắn với hình ảnh những người giàu “không có gout ăn mặc”. Thế nhưng, phong cách này lại sở hữu một phần lịch sử vô cùng lâu đời, gắn liền với nhiều sự thay đổi lớn: từ sản phẩm mang tính giai cấp đến sản phẩm phổ quát đại chúng, từ đồng phục tập thể đến thời trang cá nhân, từ manh nha trong nội bộ trường học đến quy mô tầm cỡ toàn cầu.
BÀI LIÊN QUAN
Khởi điểm thuật ngữ Ivy đến từ cụm từ “Ivy League”, hay khối những trường đại học ưu tú nằm ở khu vực Đông Bắc Hoa Kỳ. Trang phục Ivy ra đời vô tình nhờ chính sách thay đổi đồng phục ở các trường đại học. Không chỉ mang danh tầng lớp học sinh ưu tú, sáng giá, sinh viên của khối trường Ivy League còn rất sôi động, năng nổ tinh thần thể thao. Tham gia đa dạng các loại bộ môn khác nhau như: bóng cầu dục, tennis, cầu lông, golf, chèo thuyền… bắt buộc nhu cầu về thời trang phải đánh mạnh vào công năng: vận động phải thuận tiện và phải đảm bảo khả năng có thể mặc bất cứ lúc nào, cả lúc trên sân lẫn trong lớp học. Đồng phục vì vậy mà linh hoạt hơn, sử dụng các chất liệu nhẹ hơn, bớt cầu vai và các miếng đệm theo lối cổ điển cũ. Thay vì giày Tây, mọi người chuyển sang giày lười (kiểu Vans) cũng như thắt cà vạt lỏng hơn trước đó.
Ở độ tuổi tò mò và thể hiện bản thân, giới sinh viên Mỹ cũng dễ dàng chịu ảnh hưởng bởi phong trào ăn mặc của các hội nhóm trên thế giới như Bright Young People (Anh), tiếp nhận thái độ trẻ trung phóng khoáng, đánh vào sự tiện lợi, tự do của trang phục. Thế nhưng, để đảm bảo về đầu “cung” sản xuất, chúng ta không thể không nói đến sự xuất hiện của thương hiệu Brooks Brothers.
Là một trong những công ty đầu tiên của buổi đầu giai đoạn công nghiệp hóa, Brooks Brothers tiên phong trong việc sản xuất thời trang hàng loạt, tiền thân cho ngành công nghiệp may sẵn (ready-to-wear) sau này thay vì may đo chuyên nghiệp (tailoring) thời gian trước. Đầu thế kỷ XX, nhờ khả năng cung cấp số lượng lớn cho các trường đại học, nhiều sinh viên dần có cơ hội tiếp cận. Ai cũng có thể mặc những chiếc áo sơ mi vải oxford với kiểu dáng button-down (có 2 cúc áo cố định ở cổ sơ mi). Dân chủ hóa thời trang xuất hiện và đó cũng chính là lý do đời tổng thống nào của Mỹ cũng từng mặc qua Brooks Brothers một lần để biểu tượng cho tinh thần dân chủ hay cả thân vương của xứ Wales cũng phải phát cuồng về nó.
Đạo luật GI Bill 1944 ra mắt, cho phép quân nhân từng tham gia chiến tranh được tài trợ đi học, đó là cơ hội để thời trang quân sự được dịp giao thoa. Chẳng mấy chốc, quần kaki dáng chinos (vốn là vải dư để may cho quân nhân trong thế chiến) dần cùng với sơ mi button-down oxford, giày lười kiến tạo nên phong cách Ivy.
Và khi có sự xuất hiện của trường học nam nữ, nữ giới cũng chịu ảnh hưởng bởi phong cách này: sơ mi oxford, áo cardigan khoác ngoài mặc cùng chân váy carô, áo varsity in logo trường học phối cùng áo cổ lọ và một cặp mắt kính, quần kaki cùng áo len cashmere chất liệu tốt. Dáng vẻ một cô gái thư viện xuất hiện, vừa nghiêm trang, thanh lịch nhưng không thiếu phần thời trang.
Vào thập niên những năm 60, giới trẻ Mỹ không còn cảm thấy thoải mái khi ăn mặc giống nhau cũng bởi mong muốn thể hiện sự khác biệt. Đó cũng là dự báo cho những tinh thần phản kháng, nổi loạn với những mong muốn cải tạo thế giới bắt đầu xuất hiện. Với sức sáng tạo và liên tục thử nghiệm, ngôi sao sáng Ralph Lauren xuất hiện trên bầu trời.
Ralph Lauren trước hết đặt dấu chấm của mình trên bản đồ thời trang với dòng sản phẩm cà vạt rộng bản hơn. Và tương ứng, ai cũng phải có những mẫu sơ mi với phần ve áo và cổ áo chuyên biệt để mặc riêng cùng với loại cà vạt đó. Thiết kế được đánh giá giống với Brooks Brothers nhưng bó hơn, quyến rũ hơn khiến người tiêu dùng nhanh chóng đón nhận. Đúng người, đúng thời điểm, thập niên 70-80 đánh dấu cao trào cho một khái niệm mới bắt đầu xuất hiện: Preppy.
Thuật ngữ trên đã xuất hiện trong quá khứ, bắt nguồn từ Prep Schools (cũng ám chỉ đến những trường học ưu tú) nhưng phổ biến sử dụng hơn vào thập niên 70. Vào năm 1972, Ralph Lauren ra mắt dòng sản phẩm “Preppy” tách bạch khỏi phong cách với Ivy nhờ sản phẩm áo Polo. Polo xuất phát điểm là áo quần vợt (sáng tạo bởi Jean René Lacoste những năm 1920) nhưng Ralph có công trong việc đại chúng hóa nó.
Thế nhưng, Preppy không chỉ dừng lại ở quần áo mà còn đi kèm với những triết lý, thói quen sống nhất định. Những năm 70 xuất hiện hình ảnh của những quyển cẩm nang với hình vẽ khuôn đúc con người vô cùng cụ thể, đầy những mô tả chi tiết đi kèm. Chẳng hạn như người giàu sẽ uống cocktail và đọc tạp chí, trong khi người “bình thường” sẽ đọc báo giấy và uống bia lon. “The Preppy Handbook” cũng là kiểu cẩm nang như vậy, hình thành nên “nhân cách” Preppy. Ví dụ cụ thể như hình ảnh bạn nữ mặc áo sơ mi sọc, không ủi, bông tai vàng, trong túi sẽ sở hữu tạp chí Glamour, bút 5 màu và cây lược Mason-Pearson.
Những năm 1980, bất cứ ai cũng có thể trở nên “preppy”, những hình mẫu giống nhau trở lại vì bất cứ ai cũng muốn vươn lên phấn đấu cho một cuộc sống giàu có. Ralph những năm 1980 ngoài việc hoàn thiện phong cách lại còn mở rộng biên độ thời trang của Preppy, hòa cùng với những phong cách Americana khác như cao bồi, đồng quê, hippie, cưỡi ngựa… vào trang phục. Áo sơ mi cùng áo len đan tay, khoác áo lông cừu cùng phụ kiện hippie; hay áo khoác viền thêm họa tiết uốn lượn, áo sơmi oxford cùng quần jeans và thắt lưng bohemian; hay váy họa tiết tartan phối cùng chân vớ cashmere.
Những năm 1990, các rapper tiếp cận và biến đổi phong cách này thêm một lần nữa. Lo-Lifes (Lo từ Ralph /Lo/-ren), hội nhóm khu ổ chuột, đã tái sinh những món đồ của giới thượng lưu, không đo đúc mình với những cẩm nang công thức mà sáng tạo những lối phối đồ mới mẻ: không đóng nhiều nút, phối cùng mũ lưỡi trai, mắt kính, dây chuyền thánh giá, áo hoodie… Họ chú trọng nhiều hơn vào tinh thần hiphop, đó là thời trang của đường phố (streetwear). Một thương hiệu khác cũng dần nhảy chân vào thị trường này đầy sức hút là Tommy Hilfiger.
Chúng ta cũng không thể nào quên rằng trong giai đoạn này, những bộ trang phục trường học trong điện ảnh khiến cho mọi người phát cuồng vì lối ăn mặc thanh lịch và sang trọng, được ưu ái với cái tên “Preppy-chic”. Chẳng hạn trong Clueless, Cher với áo khoác với chân váy mini họa tiết caro, hay sơ mi kẻ sọc, vest len mini cùng với váy tartan đã gây sốt giới trẻ những năm 90 cũng như 2022.
Và không chỉ ở Hoa Kỳ, quốc gia ở bờ bên kia thế giới – Nhật Bản cũng cực kỳ phổ biến cách ăn mặc preppy với một hướng tiếp cận khác. Triết lý người Nhật giúp họ tỉ mỉ hơn rất nhiều so với người Mỹ, nhất là khi phong trào Ivy lần đầu được ghi chép lại bởi chính Kensuke Ishizu – người đã chụp những hình ảnh chân thực nhất trong chuyến đi đến Princeton và cho ra mắt quyển sách Take Ivy (1965).
Họ còn vô cùng chi tiết trong việc lưu trữ thông tin, mô tả lại tất cả phiên bản quần áo của Mỹ theo dòng thời gian trên các tạp chí. Chính sự tỉ mỉ đã khiến mọi người dần chú ý, giúp người Mỹ hiểu ra giá trị của thời gian và những món đồ si săn lại. Và nếu có săn đồ si (thrifting), hãy để người Nhật hướng dẫn! Không chỉ thu lại những sản phẩm vintage từ Mỹ, họ còn giới thiệu các kiến thức, cách phối cho khách hàng cũng như tái chế lại theo lối đi rất riêng, rất Nhật.
Ngày nay, Ivy cũng như Preppy không hoàn toàn mất bóng, mà vẫn còn tiếp tục trong lòng những thế hệ mới bên cạnh nhiều trào lưu khác. Lối ăn mặc đơn giản nhưng sang trọng với áo len, sơmi, quần kaki dần trở thành những món phụ kiện cơ bản, luôn nằm sẵn trong tủ đồ thiết yếu của bất kỳ ai. Những âm hưởng hoài niệm một thời sang trọng cổ điển với áo cổ lọ, khoác dày dặn cùng mũ nồi đội chéo, nhớ kèm theo một chiếc kính Bayonetta cũng đã tái hiện trở lại dưới cái tên “Old Money”.
Nhóm thực hiện
Bài: Bảo Quốc
Ảnh: Tổng hợp