5 tựa phim mở ra thế giới thời trang xa xỉ đến choáng ngợp

Đăng ngày:

Nếu như Emily in Paris thể hiện góc nhìn về thời trang Pháp của một cô gái Mỹ, thì những tựa phim dưới đây sẽ mở ra một thế giới thời trang hoàn toàn khác.

Những bộ phim dưới đây sẽ đưa bạn đi qua từng cung bậc khác nhau của thế giới thời trang, từ cuộc dạo chơi đầy màu sắc cho đến những thước phim nghệ thuật sâu lắng.

Ocean’s 8 (2018)

Thật không ngoa khi ví von Ocean’s 8 như một “bữa tiệc” thời trang thịnh soạn khi mang đến hàng loạt trang phục thời thượng từ ngoài phố đến không gian thảm đỏ Met Gala danh giá. 8 cô nàng trong “băng cướp thế kỷ”, mỗi người đều mang dáng vẻ riêng, biệt tài riêng và dĩ nhiên họ đều có những ranh giới phong cách không nhầm lẫn.

phim thời trang ocean's 8

8 cô gái với 8 phong cách thời trang khác nhau của “băng cướp thế kỷ”. (Ảnh: IMDb)

Bộ phim thuật lại toàn cảnh phi vụ trộm chiếc vòng cổ Toussaint có trị giá lên tới 150 triệu USD của hãng Cartier tại sự kiện thời trang của năm: MET Gala. Trước sự đầu tư nghiêm túc và chỉn chu đến từng chi tiết, trang phục của Ocean’s 8 sau khi phim phát hành đã trở thành đề tài “bùng nổ” bởi sự xuất hiện của hàng loạt các thiết kế từ thương hiệu đình đám như Gucci, Prada, Valentino, Dolce & Gabanna, Zac Posen…

thời trang phim ocean's 8 met gala helena bonham carter mindy kaling sarah paulson awkquafina

(Ảnh: Fashionista)

Phong cách thời trang của 8 nàng “siêu đạo chích” vẫn không nằm ngoài những nguồn cảm hứng cơ bản. Bắt đầu từ Debbie Ocean với phong cách tối giản, trong khi cô bạn thân Lou thường diện âu phục ấn tượng đậm chất menswear. NTK ma mãnh Rose Weil gây ấn tượng với trang phục maximalism nhiều màu sắc. Những mảnh ghép còn lại của bộ 8 góp phần hoàn thiện bức tranh thời trang đầy sức hút cho bộ phim.

thời trang trong phim ocean's 8 băng cướp thế kỷ cate blanchett sandra bullock

Thời trang đường phố của hai nhân vật Debbie và Lou. (Ảnh: Flynet)

crazy rich asians (2018)

Câu chuyện của Con Nhà Siêu Giàu Châu Á hầu như chỉ xoay quanh cuộc sống vương giả của giới thượng lưu thông qua motip “Lọ Lem và hoàng tử” quen thuộc. Vì thế, yếu tố thời trang cao cấp luôn song hành và tiến triển cùng với những diễn biến tâm lý của nhân vật. Crazy Rich Asians không chỉ thỏa mãn người xem bởi những cảnh quay xa hoa mà còn đưa thời trang cỉa giới thượng lưu đến đời sống một cách sống động.

phim thời trang crazy rich asians

(Ảnh: Warner Bros. Pictures)

Xuyên suốt bộ phim là những bộ trang phục đến từ các nhà mốt nổi tiếng ứng với địa vị của các nhân vật. Từ phong cách những cô gái trẻ trung của Rachel, Peik Lin và Araminta cho đến quý cô thành đạt kiểu mẫu Astrid Young. Khâu phục trang cũng đặc biệt chỉn chu khi khắc họa hình ảnh trung niên quý phái qua thời trang của mẹ chồng Eleanor Young (Michelle Yeoh).

phim thời trang crazy rich asians

Nữ minh tinh điện ảnh Dương Tử Quỳnh đã có màn hóa thân xuất sắc vào vai mẹ chồng khó tính Eleanor Young. Ở bà toát ra khí khái của một người phụ nữ gánh vác trọng trách cả gia đình trên vai. (Ảnh: Warner Bros. Pictures)

Và không thể không kể đến cảnh thay đổi diện mạo của Rachel Chu (Constance Wu) từ một giáo sư người Mỹ gốc Á phóng khoáng trở thành nàng thiên kim đủ tư chất bước chân vào cánh cổng gia đình tài phiệt. Cảnh quay khiến người xem phải thốt lên vì cảm giác choáng ngợp với những bộ váy tuyệt đẹp đến từ các nhà mốt Dior, Michael Kors…

phim thời trang crazy rich asians

(Ảnh: Warner Bros. Pictures)

Phantom thread (2017)

Bóng Ma Sợi Chỉ là một bộ phim chính kịch mang yếu tố nghệ thuật cao. Nội dung xoay quanh chủ đề thời trang nhưng với khía cạnh mới khi khắc họa mối quan hệ gắn kết giữa nhà thiết kế và nàng thơ. Reynolds (Daniel Day-Lewis) là một nhà thiết kế danh tiếng, chỉ may đồ cho tầng lớp quý tộc và thượng lưu. Alma (Vicky Krieps) là một cô bồi bàn có vẻ đẹp chuẩn mực của một người mẫu nhưng luôn mang theo bên mình cảm giác tự ti. Họ đến với nhau một cách tự nhiên và yêu nhau trong sự đồng điệu, Alma chính là nguồn cảm hứng để Reynolds làm nên những chiếc váy tuyệt vời.

phim thời trang bóng ma sợi chỉ

Một trong những thiết kế váy Haute Couture được yêu thích nhất xuyên suốt bộ phim. (Ảnh: Universal Pictures)

Bạn sẽ nhanh chóng bị chinh phục bởi những chiếc váy quý tộc được may một cách tinh tế. Đối với người kỹ lưỡng đến mức khắt khe như Reynolds, những chiếc váy của ông phải đạt mức hoàn hảo và không được mắc sai lầm nào dù chỉ là rất nhỏ. Giữa Alma và Reynolds, sự gần gũi giữa họ không nhất thiết phải thể hiện bằng một cảnh ân ái nào mà hầu như chỉ là những phân đoạn thiết kế trang phục. Bạn sẽ cảm thấy được giữa họ dường như có một sợi chỉ liên kết vô hình, đồng điệu đến khó tin.

phim thời trang bóng ma sợi chỉ

(Ảnh: Universal Pictures)

the dressmaker (2015)

Một bộ phim về đề tài thời trang lấy bối cảnh thị trấn nhỏ Dungatar đầy rẫy những dèm pha và thị phi, nơi đây là quê nhà của người thợ may Myrtle “Tilly” Dunnage (Kate Winslet). Cô trở về để báo thù cả thị trấn vì đã vu oan cô trong một vụ án giết người và trục xuất cô đi xa xứ khi mới 10 tuổi. Tài năng thiết kế của Myrtle đã nhanh chóng chiếm được lòng tin của nhưng người phụ nữ ham mê hào nhoáng tại thị trấn, nhưng đồng thời mở ra rất nhiều những bí mật để ngỏ về câu chuyện năm xưa.

phim thời trang the dressmaker

(Ảnh: Universal Pictures)

Đến với The Dressmaker, bạn sẽ phải trầm trồ về phong cách thời trang đậm chất Pháp cùng phong thái hiện đại, trí thức của Myrtle sau những năm tháng thăng trầm học việc ở Paris. Ngoài ra, ta còn được chiêm ngưỡng những bộ váy xa hoa mà cô đã may cho những người phụ nữ trong thị trấn. Tuy phim lấy bối cảnh từ thế kỷ 20 nhưng những thiết kế váy không mang lại cảm giác lỗi thời, ở chúng có hơi thở thành thị đan xem chút cảm hứng nông thôn cổ điển.

phim thời trang the dressmaker

(Ảnh: Universal Pictures)

Bộ phim còn phần nào thể hiện tư tưởng thẩm mỹ và thời trang của thời đại thế kỷ XX. Không giống với xu hướng ưa chuộng dáng người mảnh khảnh và nhẹ nhàng ở thời hiện đại, phụ nữ của The Dressmaker mang vẻ khỏe khoắn hơn với cơ thể đầy đặn, săn chắc và đường cong quyến rũ.

phim thời trang the dressmaker

(Ảnh: Universal Pictures)

the intern (2015)

Tuy nội dung chính không xoay quanh chủ đề thời trang, nhưng The Intern với phần phục trang ấn tượng vẫn đủ sức làm “xiêu lòng” khán giả yêu mặc đẹp. Người xem được đắm chìm trong tủ đồ công sở tràn ngập đồ hiệu từ đầu đến chân của “nữ doanh nhân” Jules Ostin (Anne Hathaway). Xuất hiện trong phim với vai trò CEO của một công ty thời trang, đồng thời là người mẹ và vợ, trang phục của Jules cũng vì thế mà thanh lịch và có tính ứng dụng cao.

thời trang trong phim the intern

Bên cạnh tình bạn vượt tuổi tác giữa CEO Jules Ostin và “thực tập sinh” Ben Whittaker, khán giả còn tỏ ra rất thích thú với bộ sưu tập trang phục công sở phong phú của Anne Hathaway. (Ảnh: Warner Bros. Pictures)

Đảm nhận khâu tạo hình cho các nhân vật là NTK trang phục Jacqueline Demeterio, cô từng thành công qua bộ phim Ugly BettyConfessions of a Shopaholic. Với Jules Ostin – một nhân vật khá gần gũi với phần đông phái nữ, các cô gái đều có thể nhìn thấy bản thân mình đâu đó thông qua hình ảnh này. Thời trang của Jules được xây dựng một cách thực tế và luôn đi đầu xu hướng, những kiểu phối đồ mà bạn hoàn toàn có thể ứng dụng cho mình.

thời trang trong phim the intern

Tuy nắm giữ vị trí “đầu tàu” ở công ty thời trang online About To Fit, nhưng bắt nguồn của Jules Ostin là một cô gái bình thường. Vì thế phong cách thời trang của Jules cũng đề cao sự thoải mái và có tính ứng dụng cao. (Ảnh: Spark Chronicles)

Nhóm thực hiện

Bài viết: Vỹ Ái

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more