Đã hơn một năm kể từ khi Giám đốc sáng tạo Maria Grazia Chiuri mở màn BST Xuân – Hè 2018 bằng thiết kế áo kẻ sọc Breton in dòng chữ “Why have there been no great women artists” (tạm dịch: Tại sao không có nữ nghệ sĩ vĩ đại nào?). Đó cũng là lời mở đầu cho cảm hứng sáng tạo tiếp theo của Chiuri tại nhà mốt Pháp. Trong dự án mới nhất Dior’s Lady Art #3, Chiuri lần đầu hợp tác với 11 nữ nghệ sĩ và cho ra mắt phiên bản giới hạn của chiếc túi Lady Dior cổ điển.
11 nghệ sĩ đến từ 11 quốc gia, đại diện cho các thế hệ và phạm trù nghệ thuật khác nhau sẽ làm mới chiếc túi xách của Công nương Diana theo một cách riêng. Từng chi tiết từ chất liệu, màu sắc và logo thương hiệu phản ánh phong cách và trí tưởng tượng của mỗi nghệ sĩ.
Mickalene Thomas
Nữ nghệ sĩ người Mỹ gốc Phi thường truyền tải thông điệp về vấn đề chủng tộc, giới tính và tình dục vào các tác phẩm. “Tôi kết hợp nhiều chất liệu trên cùng một thiết kế. Khi bạn cầm chiếc túi trên tay, bạn sẽ cảm nhận được từng hạt cườm, sequin hay đường chỉ may. Tất cả tạo nên vẻ ngoài sang trọng”, Mickalene Thomas chia sẻ.
Li Shurui
Tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật Tứ Xuyên, Li Shurui là một trong số ít nữ nghệ sĩ Trung Quốc có những buổi trưng bày solo thường xuyên. Trong lần hợp tác này với Dior, Li mong muốn tái hiện cuộc sống đa chiều trong thời đại công nghệ số. Bên cạnh chất liệu sợi da tổng hợp và kỹ thuật phun sơn, Li Shurui còn áp dụng kỹ thuật in và dập kỹ thuật số, tạo bề mặt có hiệu ứng 3D ấn tượng.
Haruka Kojin
Nghệ sĩ Kojin sinh ra ở Hiroshima, Nhật Bản và nổi tiếng nhất với loạt tác phẩm làm từ kính áp tròng. Túi xách Lady Dior qua bàn tay sáng tạo của Haruka trở thành bức tranh không gian đa chiều, các thấu kính đa dạng kích thước được sắp đặt một cách ngẫu hứng. Haruka chia sẻ: “Nó không chỉ thể hiện vẻ đẹp nghệ thuật thông qua thấu kính mà còn muốn người xem chiêm nghiệm thế giới theo góc nhìn đa chiều và sâu sắc hơn”.
Polly Apfelbaum
Nhắc đến Polly Apfelbaum, người ta sẽ nhớ đến cách kết hợp màu sắc và tư duy hình khối. Bắt đầu từ những bảng in rực rỡ được làm ở quê nhà Pennsylvania, Polly sử dụng các hình học căn bản như hình tam giác, hình tròn, hình kim cương… làm thành hình chong chóng và một vài loài hoa sặc sỡ. Tên gọi Atomic Landscape bắt nguồn từ loài hoa của nghệ sĩ Balla.
Pae White
Pae White xem các tác phẩm của mình là giao điểm giữa nghệ thuật, thủ công và kiến trúc. Cô phá vỡ mối quan hệ thông thường giữa con người và những món đồ quen thuộc, khuyến khích người xem có cái nhìn sâu sắc hơn.
Điều thú vị trong chiếc túi Lady Dior của Pae White là chất liệu lưỡng sắc. Dù đặt dưới ánh nắng mặt trời hay chuyển động trên cánh tay người mang, màu sắc của túi đều có sự chuyển đổi mượt mà. Có hứng thú đặc biệt với ruồi nhặng xanh, Pae White khéo léo sử dụng gam màu xanh óng ánh, tạo cái nhìn thần tiên, cổ tích.
Lee Bul
Lee Bul là nữ nghệ sĩ nổi tiếng người Hàn Quốc. Lấy cảm hứng từ những đám rêu xanh mướt, Lee Bul tìm kiếm nguyên liệu có nguồn gốc từ thực vật để chiếc túi đạt độ chân thực tối đa.
Chiếc túi Lady Dior phiên bản giới hạn được Lee Bul tạo ra dựa trên hình ảnh chiếc cổ của một pho tượng. “Hai thiết kế tuy khác biệt nhưng khi đặt cạnh nhau, chúng sẽ kể một câu chuyện hay gắn với sự kiện nhất định, tùy theo cảm nhận của mỗi người”.
Isabel Cornaro
“Cảm hứng bắt nguồn từ những vật dụng nhỏ chúng ta mang theo hàng ngày và cảm xúc đặc biệt khi nghĩ về nó. Số còn lại đại diện cho những món đồ Christian Dior từng sở hữu”, nữ nghệ sĩ người Pháp chia sẻ.
Với thiết kế túi Lady Dior cỡ lớn, Isabel Cornaro tiếp nối cảm hứng từ những đồ vật thân quen trong cuộc sống. Tuy nhiên, không chọn cách mô phẳng bằng hình ảnh như thiết kế túi mini, Isabel tái hiện những chất liệu làm nên chúng như mắt xích, dây thừng…
BÀI LIÊN QUAN
Olga de Amaral
Là nghệ sĩ trừu tượng đến từ Colombia, De Amaral vẫn miệt mài tạo ra những tác phẩm mới ở tuổi 86. “Khi nhận được lời mời từ Dior, tôi cảm thấy sự gắn kết giữa các tác phẩm của tôi và nhà mốt. Chiếc túi phải nhỏ, phải đáng giá và phải là những gì tốt nhất tôi có thể tạo ra, bởi vì Dior là biểu tượng cho vẻ đẹp sang trọng”.
Vẻ đẹp lộng lẫy, bắt mắt của vàng là khơi nguồn sáng tạo cho Olga de Amaral. Đây cũng là chất liệu bà thường sử dụng trong các tác phẩm nghệ thuật.
Burçak Bingöl
Nghệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ khai thác chủ đề cạnh tranh giữa văn hóa và công nghiệp để tạo ra các tác phẩm điêu khắc, ảnh, tranh. “Tác phẩm của tôi, đặc biệt là các sản phẩm gần đây nhất, được truyền cảm hứng từ những câu chuyện trong quá khứ. Nền văn hóa chúng ta đang thụ hưởng ngày nay là một phần trong những câu hỏi thôi thúc tôi”.
Mô típ “hatai” được Burçak Bingöl sử dụng cho túi Lady Dior Cobalt Course là hình ảnh hoa sen tìm thấy trên bình sứ tráng men, một phần trong nghệ thuật của Trung Quốc.
Iznik Enchanted là thiết kế túi Lady Dior thứ hai của nữ nghệ sĩ trong dự án đặc biệt này. “Tôi phác họa chúng bằng màu nước trước khi in trên mặt túi. Cả hai thiết kế lột tả những điều khiến tôi cảm thấy hứng thú nhất khi là một nghệ sĩ”.
Janaina Tschäpe
Sinh ra ở Đức và lớn lên ở Brazil, Tschäpe được truyền cảm hứng từ khả năng vô hạn của nước và ranh giới mờ ảo của trí tưởng tượng. Các tác phẩm thường bắt nguồn từ trải nghiệm sau những chuyến du lịch. Tschäpe phát thảo ký ức của các chuyến đi trên bức tường lớn và sau đó tái hiện chúng trên thiết kế túi Lady Dior mini. “Khi tôi thảo luận với Dior, tôi nghĩ nó thật thú vị khi mang cảm hứng thiên nhiên vào thiết kế có thể ứng dụng hàng ngày”.
Morgane Tschiember
Morgane Tschiember là nhà điêu khắc người Pháp, thích khám phá mối quan hệ giữa những sự vật, hiện tượng trong cuộc sống. Cô bắt đầu hứng thú với nghệ thuật thắt dây shibari bắt nguồn từ các samurais trong một lần đến Nhật Bản. Từ đó, cách thắt dây này trở thành chủ đề trong các tác phẩm của Morgne.
—
Xem thêm:
4 cách hô biến túi xách thành món phụ kiện “độc nhất vô nhị”
Mẫu túi Diorever – Chiếc túi xách “vượt thời gian”
Nhóm thực hiện
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE Ảnh: Dior