Tương lai nào cho thời trang lông thú: biến mất hay vẫn giữ vị trí độc tôn ?
Ngày càng có nhiều thương hiệu, tổ chức, cá nhân lên tiếng chống lại thời trang lông thú xa xỉ vốn tồn tại từ lâu. Nhưng liệu chúng có thực sự biến mất khỏi thế giới thời trang cao cấp như họ mọng đợi hay không?
Trong suốt nhiều thập kỉ, việc sử dụng lông thú trong ngành thời trang vốn là một chủ đề tạo nên nhiều cuộc tranh luận mãi không có hồi kết giữa các thương hiệu thời trang và những nhà hoạt động vì quyền lợi động vật.
Thật vậy, hiếm có nhà thiết kế nào có thể từ chối “miếng bánh ngon” như lông thú để chinh phục các quý cô, quý bà, quý ông thượng lưu, những người sẵn sàng chi hàng ngàn, chục ngàn, hàng trăm ngàn đô la cho những bộ trang phục lông, da xa xỉ.
Lông thú nuôi tự nhiên như chó, mèo, thỏ được ưa chuộng một thì lông, da thú hoang dã như cáo, chồn, báo, chó sói Bắc Mỹ… phải được săn lùng gấp mười bởi tính đẳng cấp và sang trọng. (Ảnh: furcommissionusa)
Hàng năm, có hàng triệu động vật hoang dã bị giết hại nhằm cung cấp sừng, da, lông cho ngành công nghiệp thời trang. Một trong số loại lông này có giá cả cao hơn so với những loại khác vì chúng có nhiều lớp và áo khoác lông màu sắc đa dạng. Chất liệu này đã thu hút được sự yêu thích của các ngôi sao trên khắp thế giới. Chúng được xem như một món đồ thời trang cao cấp làm mê hoặc giới hoàng gia, các ngôi sao nổi tiếng như Lady GaGa, Selena Gomez hay gia đình nhà Kardashian.
Nữ hoàng Anh cũng là một trong số phụ nữ ưa chuộng trang phục làm từ lông thú. (Ảnh: Kirsty Wigglesworth/WPA/Getty)
Thời trang lông thú luôn “được lòng” giới giải trí, nhiều ngôi sao trên thế giới như Kendall Jenner, Lady Gaga, Rihanna hay Justin Bieber vẫn thỏa sức diện món đồ xa xỉ này.
Làn sóng chống lại thời trang lông thú
Tổ chức PETA (Hội nhân đạo bảo vệ động vật) từng khẳng định: “Mặc trang phục làm từ lông hay sử dụng đồ da là bạn đang vô tình tắm máu của nhiều động vật vô tội và gián tiếp hủy hoại trái đất”. Ý kiến này đã nhận được rất nhiều sự đồng tình của người dân tại các nước phương Tây, khiến họ phải đối mặt với con số hơn hàng chục triệu động vật bị giết chỉ để phục vụ ngành công nghiệp thời trang xa xỉ.
Thời trang lông thú giúp tôn lên vẻ đẹp quyến rũ, sang trọng và thể hiện gu ăn mặc tinh tế và đẳng cấp thời trang không thể trộn lẫn. (Ảnh: avantifurs)
Song những thương hiệu cao cấp như Gucci, Versace, Michael Kors, Jimmy Choo, Giorgio Armani hay Hugo Boss gần đây đã có những động thái mạnh mẽ trong việc ngừng sản xuất và cung cấp các sản phẩm thời trang được làm từ da và lông thú thật. Không phủ nhận thương hiệu Stella McCartney được xem như hãng thời trang tiên phong gần như đã xoay chuyển cục diện ngành thời trang lông thú trong những năm gần đây, tác động mạnh mẽ đến nhiều thương hiệu thời trang cao cấp, bao gồm cả tập đoàn bán lẻ Net-a-Porter Group.
Năm 2017 là năm đánh dấu bước chuyển mình đồng loạt của ngành thời trang lông thú khi Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành Gucci – Marci Bizarri phát biểu tại trường Cao đẳng Thời Trang Luân Đôn về trách nhiệm cốt lõi của Gucci chính là xây dựng trách nhiệm đối với xã hội. Gucci sẽ tiếp tục phát huy trọng trách đó trong vấn đề bảo vệ môi trường động vật. Đồng thời hãng hy vọng sẽ trở thành nguồn cảm hứng trong sự nghiệp đổi mới ngành thời trang cao cấp và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng.
Thời trang đã từng chứng kiến không ít sự vụ bạo động, tấn công mạnh mẽ vào các show diễn, tuần lễ thời trang để giương cao ngọn cờ bảo vệ động vật của những tổ chức biểu tình này. (Ảnh: Peta UK)
Ngay sau bài phát biểu của Gucci vào tháng 12 năm 2017, thương hiệu thời trang cao cấp Michael Kors và Jimmy Choo cũng nhanh chóng tuyên bố định hướng phát triển tương lai của hãng về việc thay thế chất liệu da, lông thú thật bằng những chất liệu bền vững mới giống thật vào cuối năm 2018. Tuyên bố này khẳng định việc ủng hộ bảo vệ động vật, đồng thời vẫn đảm bảo được giá trị của thương hiệu mà không đánh mất đi chất lượng của các dòng thời trang của hãng.
Mức độ ảnh hưởng trong các tuyên bố chia tay với các sản phẩm lông thú từ các hãng thời trang danh tiếng đã kéo theo một làn sóng mạnh mẽ nối tiếp nhau cho đến nay vẫn chưa có ý định dừng lại. (Ảnh: vickiarcher)
NTK thời trang Tom Ford tất nhiên đã không đứng ngoài phong trào có mức độ ảnh hưởng rộng khắp như thế này. Ông không chỉ có bước thay đổi nhanh chóng đối với các sản phẩm lông thú trước đây mà hãng đã tạo ra bằng những chất liệu tân tiến và thân thiện với môi trường hơn, mà người ta còn thấy hình ảnh một NTK tài ba bắt đầu xây dựng chế độ ăn chay mới của mình, đây được xem là động thái rõ ràng và tích cực nhất từ thương hiệu Tom Ford.
Giữa tháng 3 vừa qua, NTK Donatella Versace đã kịp hòa nhịp vào làn sóng nhân đạo đang cao trào của ngành thời trang. Trên trang chính thức của nhà mốt Ý Versace, bà chia sẻ niềm hy vọng về tương lai đổi mới của ngành thời trang khi rời bỏ những hành động phi nhân đạo với động vật và tìm kiếm những chất liệu phù hợp hơn. Qua đó, thương hiệu Versace sẽ chính thức ngưng trình làng và bày bán các sản phẩm lông thú bắt đầu từ năm 2019.
Sản phẩm làm bằng chất liệu lông thú cao cấp từng gắn liền với tên tuổi của nhà mốt Ý Versace. Việc ngừng sản xuất đồ lông thú sẽ ảnh hưởng một phần doanh thu bán hàng của hãng. (Ảnh: Instagram Versace)
Thực tế cho thấy, không chỉ các thương hiệu thời trang danh tiếng quyết định “khai tử” chất liệu lông, da thật và bắt đầu định hình những hướng đi mới cho thời trang lông thú.
Bên cạnh đó, chính quyền tiểu bang San Francisco là nơi tiên phong “cấm cửa” cá nhân, các nhà bán lẻ cùng những thương hiệu thời trang đang hoạt động tại San Francisco về việc sử dụng các sản phẩm thời trang có nguồn gốc từ động vật vì không phù hợp với đặc tính của thành phố. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2019.
Có ý kiến cho rằng nuôi động vật trong trang trạị để lấy lông là một hành động nhân đạo?
Trước làn sóng mạnh mẽ chống lại việc giết hại các loài động vật nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu cho thời trang, không ít những nhà bán lẻ hoặc cá nhân đưa ra giải pháp khác. Họ cho rằng nếu nuôi động vật hoang dã như cáo, chồn, chó sói Bắc Mỹ, cọp… trong những trang trại có quy mô lớn và hiện đại, động vật được phép tự do đi lại, các chất thải từ chúng sẽ là nguồn cung cấp lớn cho phân bón và sinh học, thì việc lấy da, lông từ những những loài động vật này sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề nhân đạo.
Họ cũng tin rằng đây là điểm biệt giữa lông da hữu cơ và lông, da thương mại.
Để tạo ra những chiếc túi da thật và áo lông thú ấm, mềm mại là hàng trăm ngàn con vật đáng thương đã bị giết hại cách tàn nhẫn.(Ảnh: hao)
Đây là niềm hy vọng của những nhà buôn bán lông, da động vật khi áp lực truyền thông, người tiêu dùng chống lại lông thú đang ngày càng gia tăng.
Song mục đích cuối cùng của việc nuôi nấng những động vật này là hoàn toàn phục vụ cho ngành công nghiệp thời trang xa xỉ. Chỉ duy nhất mục đích đó thôi không đủ để thuyết phục khách hàng và các tổ chức bảo vệ động vật chấp nhận.
Tương lai nào cho thời trang lông thú
Sự đồng thuận của các phương tiện truyền thông xã hội, một số thương hiệu thời trang cao cấp và các tổ chức bảo vệ quyền lợi động vật khiến cán cân chống lại lông thú thật nghiêng mình mạnh mẽ. Trừ khi đó là sản phẩm có nguồn gốc từ lông thú giả hoặc các nguồn nguyên liệu mới sẽ được chấp thuận.
Nhưng liệu có hay không việc tất cả người tiêu dùng hoàn toàn phản đối sử dụng các sản phẩm từ lông thú?. Nhiều ý kiến cho rằng họ chỉ cảm thấy không cần thiết phải sắm một sản phẩm lông thú mới trong lúc này khi họ vẫn có thể sử dụng các sản phẩm thời trang lông thú cũ mà họ từng mua trước đó.
Câu hỏi đặt ra là với nhu cầu thấp trong việc sử dụng thời trang lông thú mới như hiện nay thì ngành công nghiệp chăn nuôi da, lông động vật sẽ đi về đâu?.
Thời trang lông thú luôn đứng giữa vòng xoáy của sự tranh cãi. (Ảnh: yandex)
Quả thật, rất khó để đi tìm một đáp án chắc chắn làm vừa lòng tất cả. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin tưởng rằng sẽ có một sự thay đổi và điều chỉnh phù hợp với thói quen mua sắm của người tiêu dùng, kèm theo những giá trị nhân đạo đối với động vật. Ông P.J.Smith, đại diện phát ngôn của tổ chức Fur Free Alliance cho hay:
“Trong khi nhiều quốc gia và thành phố ban hành những đạo luật cấm bán và sản xuất lông thú thì nhiều thương hiệu thời trang và các nhà bán lẻ đã tìm ra những phương án thay thế phù hợp và thân thiện hơn nhằm duy trì các sản phẩm thời trang, đồng thời bảo vệ môi trường động vật”.
Xem thêm
4 xu hướng công nghệ định hình tương lai công nghiệp thời trang bền vững (phần 1)
4 xu hướng công nghệ định hình tương lai công nghiệp thời trang bền vững (phần 2)
Tô Mã Ngọc( Nguồn Tạp Chí Phái Đẹp ELLE/ Hình ảnh:tổng hợp)