Nếu vải tái chế từ vỏ tôm, bã cà phê, sợi đầu nành, sợi lá dứa,… vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm thì trên thế giới, bông hữu cơ đã xuất hiện trước khi thời trang bền vững trở thành một phong trào vài năm. Khi cotton thông thường “thống lĩnh” thị trường may mặc cùng một lượng lớn microplastics thải vào hệ sinh thái, chưa kể quy trình trồng và phát triển sợi cũng gây nhiều tác động xấu, organic cotton đã được nghiên cứu như một giải pháp cho tương lai.
BÀI LIÊN QUAN
Tại sao Cotton lại cần “hữu cơ”?
Đầu tiên, cây bông là một nguồn nguyên liệu tự nhiên và có thể tái sử dụng. Nhưng vải cotton thì chưa bao giờ được xếp vào danh sách chất liệu bền vững. Heike Hess của Hiệp hội Công nghiệp Dệt may Tự nhiên Quốc tế (IVN) cho biết:
–
“Trong canh tác bông truyền thống, đất thường được bón phân hóa học quá mức dẫn đến thoái hóa. Do đó, nước sẽ bị tiêu tốn nhiều hơn để nuôi sống cây bông đang cắm rễ trong một nền đất khô cằn.”
–
Theo ý kiến của những hiệp hội đại diện cho các nhà sản xuất sợi tổng hợp, nếu đặt lên bàn cân so sánh giữa cotton và sợi tổng hợp, thì sợi tổng hợp mới thực sự là lựa chọn tốt hơn. Mặc dù chất liệu này không có khả năng phân hủy sinh học và cuối cùng trở thành hạt vi nhựa, nhưng nếu xét trên tất cả các khía cạnh sinh thái, loại sợi này làm giảm áp lực lên đất nông nghiệp, giải phóng không gian để trồng trọt nhiều lương thực hơn. Chưa kể, chúng không cần dùng đến “cả khối nước” trong quá trình săn sóc.
Tuy nhiên, Hess cho rằng sự so sánh này chưa được triệt để, vì chúng ta đã quên tính đến lượng dầu thô cần thiết cho việc sản xuất sợi tổng hợp. Mà khai thác và sử dụng dầu thô thải ra một lượng lớn khí CO2 dẫn đến hiện tượng nóng lên toàn cầu.
BÀI LIÊN QUAN
Lúc này, cotton hữu cơ đã xuất hiện để “đình chiến” cuộc tranh cãi giữa hai phe phái mà thực ra đều có ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường. Sợi organic cotton khác với cotton thông thường vì chúng được thu hoạch từ các cây bông “hai không”: không biến đổi gen và không thuốc trừ sâu lẫn phân bón hóa học.
–
“Trồng bông theo quy trình hữu cơ chắc chắn tiết kiệm nước vì chất lượng đất được đảm bảo. nông dân cũng trồng xen kẽ các loại cây khác nhau giữa giữa cánh đồng cotton để xua đuổi côn trùng, tạo thêm bóng mát và giảm thiểu xói mòn. Điều này có nghĩa là đất lành mạnh và có nhiều sự sống hơn trong đó” – Theo Hess.
–
Cách nhận biết cotton hữu cơ
Như đã đề cập ở các bài viết trong chuyên mục #ELLEGreenTalk, bền vững là một từ mang tình bao hàm cao. Nó không chỉ đến từ nguyên liệu dệt nên những bộ quần áo chúng ta mặc hàng ngày, mà nó còn là sự công bằng, minh bạch trong phúc lợi nhân công, quy trình vận chuyển,… Sử dụng organic cotton làm tiêu chuẩn là một điểm khởi đầu tốt, nhưng chưa phải là nhân tố quyết định độ “xanh” của sản phẩm. Vì mặc dù các chất liệu hữu cơ thân thiện với môi trường hơn, nhưng quá trình sản xuất công nghiệp bao gồm kéo sợi, dệt, nhuộm và may không thể tránh khỏi tiêu tốn nhiều năng lượng và tạo ra chất thải có hại. Làm sao để biết được chiếc áo bạn mặc có thực sự bền vững như bạn nghĩ? Heike Hess khuyên người tiêu dùng thông thái hãy tìm hiểu kĩ các nhãn chứng nhận.
Tiêu chuẩn cotton hữu cơ OSC từ Textile Exchange
Đây là chứng nhận xác thực tỷ lệ bông hữu cơ có nguồn gốc rõ ràng trong sản phẩm. Tuy nhiên, chứng nhận này không xác định rõ ràng tỉ lệ phần trăm cotton hữu cơ phải đạt mức tối thiểu là bao nhiêu. Hess cho rằng, có những sản phẩm chỉ sở hữu tỉ lệ từ 5% trở lên và pha trộn thêm các nguyên liệu khác cũng hoàn toàn có thể đáp ứng tiêu chuẩn từ Textile Exchange.
Tiêu chuẩn Dệt may Hữu cơ Toàn cầu (GOTS)
Đây là tiêu chuẩn đánh giá toàn bộ chuỗi sản xuất, chứ không chỉ nguyên liệu thô. Chứng nhận này cần ít nhất 70% sợi hữu cơ. Các sản phẩm có hậu tố “hữu cơ” cũng được yêu cầu bao gồm 95% là sợi hữu cơ. Tuy nhiên, GOTS (Global Organic Textile Standard) chưa phổ biến trên thị trường.
Nhóm thực hiện
Bài: Minh Khuê
Tham khảo: South China Morning Post
Ảnh: Tổng hợp