Thời trang / Thế giới thời trang

Van Cleef & Arpels và những trang sức biết kể chuyện

Trước giờ khai mạc triển lãm Time, Nature, Love của Van Cleef & Arpels tại D Museum, Nicolas Luchsinger, chủ tịch khu vực châu Á Thái Bình Dương đã hé lộ những câu chuyện thú vị đằng sau những tác phẩm trang sức có một không hai.

trang sức
Ông Nicolas Luchsinger – Chủ tịch khu vực châu Á Thái Bình Dương của Van Cleef & Arpels. (Ảnh: Olivia Tsang, tư liệu) trang sức

Triển lãm Time, Nature, Love đã đến nhiều nước trên thế giới, và giờ đây là Hàn Quốc. Khía cạnh nào của triển lãm đối với ông là đặc biệt và thú vị nhất?

Tự nhiên và Tình yêu là hai đề tài gần gũi và có thể dễ dàng diễn giải một cách trực quan. Bản thân câu chuyện lịch sử của Van Cleef & Arpels đã là một câu chuyện về tình yêu, sự giao duyên giữa hai gia đình Van Cleef và Arpels đầu cuối thế kỷ 19. Rất nhiều thiết kế trang sức của thương hiệu được lấy cảm hứng và miêu tả lại vẻ đẹp của thiên nhiên, hoa cỏ, vạn vật… Khía cạnh “Thời gian” đặc biệt thú vị, trừu tượng, và trong triển lãm này Giám tuyển Alba Cappellieri đã chọn cách diễn giải mang tính học thuật dựa trên khái niệm về thời gian của tác giả người Ý Italo Calvino. Từ đó “Thời gian” được hiện thực hóa thông qua 10 không gian bên trong triển lãm.

Thời gian cũng có sự tương đồng thú vị với trang sức cao cấp, những kỹ thuật và thời gian cần thiết để hoàn thành một tác phẩm. Kỹ thuật Mystery Set chính là một ví dụ hoàn hảo. Từ viên đá quý ở dạng thô người nghệ nhân phải cắt thành những viên kim cương và đặt chúng trên khung đỡ. Bản thân Mystery Set cũng là một kỹ thuật chế tác cần rất nhiều thời

gian để hoàn thành khi nghệ nhân cắt đá và sắp đá phải làm việc song song cùng nhau. Họ không chỉ cần thời gian để sáng tạo nên những mẫu thiết kế, mà còn cần thời gian ít nhất 5 năm để học và thực hành kỹ thuật này.

Triển lãm này phản ánh những giá trị về văn hóa, nghệ thuật, lịch sử của những nước mà nó đặt chân đến như thế nào?

Ý tưởng, khái niệm, cấu trúc của triển lãm vẫn được giữ khi đến những nước khác nhau, cùng một số tác phẩm trưng bày được thay đổi. Ta có thể thấy rằng nền văn hóa của các nước châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng với những giá trị di sản của Van Cleef & Arpels, đặc biệt về kỹ thuật thủ công, những vật phẩm mang tính truyền thống (gốm sứ, lụa…)

Những vật phẩm quý giá là một điểm nhấn đặc biệt trong triển lãm. Những vật phẩm này kể câu chuyện của thương hiệu như thế nào?

Special Objects của Van Cleef & Arpels thường được làm với số lượng rất ít, nhưng chúng tôi vẫn luôn theo đuổi từ những ngày đầu tiên để kể câu chuyện về phong cách art de vivre của giới quý tộc Pháp. Thiết kế và kỹ thuật chế tác những vật phẩm này cũng cầu kỳ không thua gì những món trang sức. Ví dụ như món đồ trang trí bàn làm việc mô phỏng chiếc thuyền buồm và cũng là một chiếc chuông gọi butler, hay chiếc bật lửa mô phỏng trụ cột của Place Vendome ở Paris… Rất nhiều vật phẩm được chế tác trong thời kỳ Art Deco – giai đoạn giữa thế chiến thứ nhất và thứ hai phản ánh phong cách thiết kế, sáng tạo hoàn toàn mới cũng như sự thay đổi trong thời trang. Khi người phụ nữ càng độc lập hơn, chúng tôi đã tạo nên những chiếc hộp Minaudière đựng thuốc lá và để son, chiếc gạt tàn để dùng trong những buổi tiệc… Tất cả đều là một phần của phong cách sống của những khách hàng thượng lưu của chúng tôi.

trang sức van cleef & arpels
Hộp Minaudière. (Ảnh: Van Cleef & Arpels)

Tác phẩm trang sức ông yêu thích nhất tại triển lãm lần này ở Seoul là gì?

Đó là chiếc vòng đeo tay của nữ diễn viên người Mỹ Marlene Dietrich. Chủ nhân của chiếc vòng này đã mua lại tác phẩm này trong một buổi đấu giá từ chính nữ diễn viên vào cuối cuộc đời của bà. Và chúng tôi đã thuyết phục bà ấy cho thương hiệu được mượn chiếc vòng cho triển lãm đầu tiên tại Nhật Bản 12 năm trước. Khi bạn ngắm nhìn tận mắt, đó là món trang sức thật sự tuyệt vời. Marlene Dietrich đã cùng Louis Arpels thiết kế chiếc vòng này và một số đá ruby được lấy từ món trang sức khác của bà ấy. Bà đã đeo chiếc vòng này trong bộ phim Stage Fright và chiếc vòng thật sự nổi bật ngay cả trong bộ phim trắng đen. Chiếc vòng được chế tác vào gần cuối thời kỳ Art Deco, khi thế chiến thứ 2 đang đến gần vì thế những món trang sức cũng có kích cỡ to hơn, đường nét mạnh hơn. 

Khi ngắm nhìn bất cứ món trang sức cao cấp nào, bạn cũng muốn nhìn thấy dấu ấn đặc trưng của thương hiệu, một thiết kế ấn tượng, những viên đá hoàn hảo, và cả câu chuyện về người chủ nhân của nó. Và bạn có thể thấy tất cả những yếu tố đó ở chiếc vòng đeo tay của Marlene Dietrich.

 
trang sức van cleef & arpels
Chiếc vòng của Marlene Dietrich. (Ảnh: Van Cleef & Arpels)

Theo ông mối quan hệ giữa phụ nữ và trang sức đã thay đổi như thế nào trong bối cảnh xã hội hiện nay?

Họ ngày càng cởi mở hơn trong thế giới trang sức. Họ phối hợp, ứng dụng những món trang sức vào những hoạt động và phong cách sống của mình một cách tự nhiên, thoải mái. Và gần đây chúng ta thấy rằng rất nhiều phụ nữ châu Á yêu thích và chọn những chiếc broche cài trên áo như một món trang sức điểm nhấn.

Bật lửa Minaudière. (Ảnh: Van Cleef & Arpels)

Yếu tố nào làm nên một thiết kế trang sức không bao giờ lỗi mốt?

Đừng đuổi theo xu hướng, đó nên là những thiết kế trung thực và gần nhất với DNA của thương hiệu, bạn có thể ứng dụng những kỹ thuật mới, tìm kiếm những viên đá mới. Nhưng đừng thiết kế món trang sức chỉ đề làm hài lòng đám đông, hãy thiết kế vì bạn tin rằng đó là món trang sức đẹp nhất và hoàn hảo nhất.

Nhóm thực hiện

Bài: Minh Chi
Ảnh: Olivia Tsang, tư liệu

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)