Diadem, Crown, Tiara, Coronet: Vén màn bí mật vương miện hoàng gia Anh

Đăng ngày:

Phân bậc và ý nghĩa của từng phiên bản vương miện khác nhau giúp bạn hiểu rõ hơn về lịch sử và văn hóa hoàng gia Anh.

Hình ảnh những chiếc vương miện lấp lánh luôn gắn liền với thế giới cổ tích mà chúng ta từng say mê thuở nhỏ. Đội trên đầu hoàng hậu và công chúa, vương miện không chỉ là biểu tượng cho quyền lực và địa vị, mà còn là điểm nhấn tô điểm cho vẻ đẹp sang trọng, đầy nữ tính. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, ẩn sau vẻ ngoài rực rỡ ấy là cả một hệ thống phân cấp tinh vi, thể hiện rõ vị trí, vai trò và bối cảnh phù hợp cho từng loại vương miện. Cùng ELLE Việt Nam khám phá thế giới vương miện hoàng gia Anh với 4 phân cấp sau đây: Diadem, Crown, Tiara và Coronet.

Diadem

Sự khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, văn hóa và tư tưởng giữa Việt Nam và Anh dẫn đến việc thiếu đi những thuật ngữ tiếng Việt tương ứng để diễn tả chính xác từng loại vương miện Hoàng gia Anh. Để phân biệt cụ thể, trước nhất có thể nói, Diadem là một thuật ngữ lâu đời để chỉ vương miện, có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp “diadein”, nghĩa là băng quấn đầu để giữ cố định tóc. 

Diadem vương miện nữ hoàng

Ảnh: Pinterest

Vương miện diadem

Ảnh: Pinterest

Với nguồn gốc xa xưa từ thời kỳ cổ điển, Diadem có thể đã lấy cảm hứng từ hình ảnh chiếc vòng nguyệt quế mà ta thường thấy uy nghi trên đầu các vị thần Hy Lạp, người chiến thắng hay những cặp đôi mới cưới. Dần qua thời gian với sự phát triển của thủ công mỹ nghệ, diadem dần được cải tiến qua bàn tay những người thợ kim hoàn với những loại kim loại quý hiếm hơn, được xử lý tinh xảo hơn với nhiều chi tiết, kỹ thuật điêu luyện, sao cho phù hợp với thẩm mỹ thời đại. 

Vương miện diadem nữ hoàng

Ảnh: Pinterest

Diadem vương miện

Ảnh: Pinterest

Đặc biệt, loại vương miện này chỉ được dành riêng cho các thành viên trong đại gia đình hoàng gia. Điển hình như chiếc Diadem bang George IV mà bạn có thể thấy trên tem thư hoàng hậu Elizabeth. Chiếc vương miện này được chế tác vào năm 1820 từ 1.333 viên kim cương, nhấn nhá ấn tượng với kim cương vàng chủ đạo nặng 4 carat ở vị trí chính diện. Ban đầu, Diadem được tạo ra dành riêng cho lễ đăng quang của vua George IV năm 1821 và sau đó được truyền lại cho hoàng gia Anh. Nữ hoàng Elizabeth II cũng lựa chọn Diadem thay vì đội Crown trong nhiều sự kiện, có nhiều giả thuyết cho rằng vì phiên bản này có phần nhẹ đầu hơn và phù hợp với vóc dáng của bà.

Vương miện nữ hoàng diadem

Ảnh: Pinterest

Crown vương miện

Crown, hay vương miện chính, là biểu tượng cho quyền lực tối cao và uy nghi nhất của chế độ quân chủ hoàng gia Anh. Mang hình ảnh quen thuộc với chiếc mũ ngoại cỡ chóp cao, Crown thường được chế tác từ vàng ròng nguyên chất, nạm xung quanh cùng hồng ngọc, ngọc lục bảo, thạch anh tím và ngọc bích. 

Vương miện hoàng gia crown

Ảnh: Pinterest

Vương miện crown

Ảnh: Pinterest

Thiết kế Crown mang đậm dấu ấn phong kiến phương Tây, với những chóp nhọn hướng lên cao tượng trưng cho quyền lực và tham vọng. Các vòng cung uốn lượn bên sườn thể hiện tầm vóc ảnh hưởng bao la của Hoàng gia. Trên vương miện còn được trang trí tinh xảo với các họa tiết Celtic độc đáo, lá Shamrock – biểu tượng của Ireland – và chữ thập Thánh Giá của Kitô giáo, thể hiện sự gắn kết giữa Hoàng gia và niềm tin tôn giáo.

Sở hữu vẻ đẹp quyền lực vốn có nhưng ít ai biết rằng, không phải ai cũng được phép sở hữu phiên bản vương miện này. Ngay cả một vị vua đôi khi cũng chỉ có duy nhất một cơ hội đội chúng trong đời, cụ thể trong những dịp vô cùng đặc biệt và long trọng như Lễ Đăng Quang hay Lễ Khai mạc Quốc hội Anh. Hai mẫu crown phổ biến mà chúng ta có thể bắt gặp là St Edward’s Crown của Vua Charles III và Imperial State Crown của nữ hoàng Elizabeth II.

crown vương miện

Ảnh;

Tiara vương miện

Tiara, hay còn gọi là vương miện bán nguyệt, là phụ kiện trang sức độc đáo dành riêng cho phái nữ. Khác với kiểu vương miện truyền thống che toàn bộ phần đầu, Tiara sở hữu phần khung dáng lưỡi liềm duyên dáng, tôn lên vẻ đẹp của chủ nhân. Tiara không chỉ giới hạn trong nội bộ giới hoàng gia Anh mà còn phổ rộng sang tầng lớp quý tộc, với nhiều phiên bản dành cho nhiều dịp khác nhau như kiểu dạ tiệc buổi tối hay kiểu cuối tuần, phiên bản dã ngoại, đua ngựa hay loại dành riêng bắn súng ngoài trời. Hình ảnh cô dâu đeo Tiara trong ngày cưới cũng đã dần quen thuộc trong mắt công chúng, như cách mà người dân Anh ai ai cũng nhớ đến vương miện Tiara Spencer huyền thoại mà Công nương Diana đã đội trong đám cưới của mình.

Vương miện tiara

Ảnh: Pinterest

tiara vương miện hoàng gia

Ảnh: Pinterest

Nổi bật giữa muôn vàn kiểu dáng, vương miện Cambridge Lover’s Knot được xem là chiếc vương miện cổ điển và quý giá nhất. Chiếc vương miện này từng được Nữ hoàng Elizabeth II trao cho Công nương Diana và sau đó được truyền lại cho Công chúa Kate Middleton. Điều thú vị là tất cả những người phụ nữ từng đội chiếc vương miện này đều có vinh dự trở thành vợ của các thành viên Hoàng gia, dẫn đến tin đồn lưu truyền rằng: “Ai đội chiếc vương miện này bằng một cách nào đó sẽ được Hoàng gia công nhận trong tương lai.”

Tiara vương miện nước Anh

Ảnh: Pinterest

Tiara phụ kiện vương miện

Ảnh: Pinterest

Coronet

Loại vương miện cuối cùng được nhắc đến là Coronet, ban đầu thuật ngữ này được sử dụng để ám chỉ những vương miện dành cho tầng lớp quý tộc dưới vua, bao gồm hầu tước, bá tước, nam tước, tử tước… Kiểu dáng và chi tiết trên Coronet được thiết kế riêng biệt, mang những đặc điểm rõ ràng thứ bậc của chủ sở hữu.

coronet vương miện

Ảnh: Pinterest

Tuy nhiên, trong đời sống hiện đại, việc các quý tộc sử dụng vương miện trong thực tế đã có phần vắng bóng. Mà bạn chỉ có thể tìm kiếm thuật ngữ này đâu đó ở các nghiên cứu huy hiệu học phương Tây. Một ví dụ điển hình về Coronet mà bạn có thể tham khảo là chiếc vương miện tại sự kiện Nữ hoàng Elizabeth II trao cho Hoàng tử Charles trong lễ phong tước Hoàng tử xứ Wales năm 1969.

Vương miện coronet

Ảnh: Pinterest

Nhóm thực hiện

Bài: Bảo Quốc
Ảnh: Tổng hợp

icons8-bell-90
Luôn giữ kết nối! Đăng ký để ELLE chia sẻ cùng bạn những bài viết thú vị.
XEM THÊM
no more