Trong vòng 5 năm trở lại, tình hình tài chính của thương hiệu Victoria Beckham đang trong trạng thái đáng báo động, với mức lỗ được ghi nhận gần nhất vào tháng 8/2022 là 54 triệu bảng Anh. Dù người phát ngôn cho biết các cổ đông sẽ tiếp tục duy trì nguồn hỗ trợ tài chính, bảng cân đối kế toán của hãng lại phát ra những tín hiệu không mấy khả quan về nguồn lợi cho các nhà đầu tư.
BÀI LIÊN QUAN
Thành lập bằng tình yêu thời trang của một tín đồ đích thực, Victoria Beckham đã khiến giới mộ điệu phải trầm trồ ngay từ khi ra mắt BST đầu tiên, bao gồm những mẫu thiết kế theo chủ nghĩa tối giản được kiến tạo từ những kĩ thuật cắt may đúng chuẩn “high-end.” Suốt 14 năm qua, nhà thiết kế vẫn chăm chỉ trình làng những sản phẩm thể hiện tính nữ thời thượng qua hỗn hợp hoàn hảo giữa trang phục công sở và váy dạ hội.
Thế nhưng thương hiệu chưa bao giờ “cá kiếm” doanh thu trong hơn một thập kỷ dù đã đạt nhiều thành công về mặt nghệ thuật, và tình trạng lỗ liên tiếp những năm gần đây không chỉ khiến các nhà phân tích tài chính mà cả Victoria Beckham cũng phải lo lắng về tương lai của “đứa con tinh thần”:
–
“Nếu tôi muốn thương hiệu tiếp tục tồn tại trong 10, 20, 30 hay 40 năm nữa, tôi sẽ phải tìm cách hòa vốn, sau đó phải kiếm được lợi nhuận.”
–
Nguyên do bắt nguồn từ tầm nhìn về thời trang tối giản của Victoria Beckham không hề xuất chúng hơn khi đặt lên bàn cân với những thương hiệu đã tồn tại trước đó như The Row, Celine. Người tiêu dùng cũng nghi ngại về giá bán 1.500 Euro cho một chiếc túi đeo chéo, bởi họ không chắc chắn rằng mức giá đắt đỏ đến từ chất lượng vượt trội hay sức mạnh truyền thông xuất phát từ một nhà sáng lập nổi tiếng. Dù những sản phẩm của Victoria Beckham thực sự được chăm chút về mặt sản xuất, song tệp khách hàng của thương hiệu nghĩ rằng họ có nhiều lựa chọn mua sắm tốt hơn với cùng một mức giá.
BÀI LIÊN QUAN
Trong nỗ lực tìm kiếm đáp án cho bài toán lợi nhuận nan giải, NTK người Anh đã “thay máu” đội ngũ vận hành. CEO mới nhậm chức, bà Marie Leblanc, đã lập tức đưa ra chiến lược giá mới để tái định hình Victoria Beckham thành một “thương hiệu cao cấp với giá phải chăng”. Vẫn giữ vững huyết mạch sáng tạo và chất lượng của một hãng thời trang xa xỉ, thương hiệu sẽ giảm giá niêm yết 40% để có thể tiếp cận với nhiều người tiêu dùng. Những thiết kế cũng sẽ điều chỉnh để có tính ứng dụng cao hơn.
Một tương lai nơi mà các thiết kế cao cấp đến gần hơn với người tiêu dùng qua mức giá “mềm mại” đang là vạch đích mà Victoria Beckham tập trung toàn lực để vươn đến. Nếu chiến lược này bùng nổ về mặt thương mại, nhiều khả năng địa hạt thời trang xa xỉ sẽ ngày càng được mở rộng.
Nhóm thực hiện
Bài: Hải Yến
Tham khảo: NSS G-Club
Ảnh: Tổng hợp