Việt Nam có tiềm năng lớn để đi đầu về thời trang bền vững
Là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 5 trên thế giới, Việt Nam phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường, trong khi các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách phát triển các quy trình sản xuất thân thiện với môi trường.
Thời trang bền vững tại Việt Nam được dự đoán sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai. Bài viết sau đây là nhận định từ trang SouthChina về những nguồn lực và tiềm năng để thời trang xanh được nhân rộng ở Việt Nam trong tương lai gần.
(Ảnh: Authentic Florida)
Nguồn lực phong phú để phát triển thời trang bền vững ở Việt Nam
Từ loại lụa “quốc bảo” Tân Châu cho tới các sợi tre được chế tạo thành những món đồ dùng sơn mài kỹ nghệ trong gia đình; hay gần đây là áo thun được chế tác từ vải lanh, vải dệt thủ công của các dân tộc miền núi đã được sử dụng làm nguyên liệu thời trang và phụ kiện. Thực tế đã chứng minh được rằng Việt Nam có lịch sử phong phú về ngành nghề dệt thủ công.
Trong những năm gần đây, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ so với toàn cầu.Trong năm 2016, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 5 trên thế giới. Theo Bộ Lao động và Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế, với hơn 2 triệu lao động trong ngành công nghiệp dệt và hơn 6.000 công ty may mặc trong nước, dệt may được coi là ngành xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào năm ngoái.
Nhờ vào việc tăng cường thúc đẩy sự đảm bảo về chất lượng của mặt hàng thủ công, cũng như đào tạo ra một tầng lớp công nhân lành nghề; kèm theo đó là sự phát triển của các khu công nghiệp do Chính phủ hỗ trợ và chiến lược khuyến khích các ưu đãi thuế dành riêng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Tất cả những điều đó đã giúp nhiều nhà máy sản xuất hàng may mặc quốc tế và các thương hiệu thời trang lớn đã đánh giá Việt Nam sẽ trở thành trung tâm sản xuất hàng may mặc lớn tiếp theo của châu Á.
Nhưng đối với một ngành công nghiệp được coi là ô nhiễm thứ hai trên thế giới vì lượng khí carbon thải ra trong quá trình sản xuất, cộng với thực trạng chất thải công nghiệp cũng ngày một gia tăng, chưa kể đến là điều kiện làm việc của công nhân ở các nhà máy khắc nghiệt đã khiến cho mối quan ngại về hậu quả của việc tăng trưởng mạnh của ngành dệt may trở thành một gánh nặng, và là vấn đề cấp thiết rất đáng để lưu tâm.
Chính vì vậy, câu hỏi đặt ra cho chúng ta là liệu có thể phát triển ngành công nghiệp dệt may một cách bền vững, thân thiện với môi trường được hay không?
Thực tiễn “xanh” đã bắt đầu
Chính phủ đã áp dụng các luật bảo vệ môi trường chặt chẽ hơn và áp dụng các khoản tiền phạt khắc nghiệt hơn – số tiền có thể lên đến 88.000 đô la Mỹ – đối với những người gây ô nhiễm môi trường. Các nhà sản xuất thời trang cũng đã có những bước tiến để bảo vệ môi trường cho ngành công nghiệp này với sự tin tưởng rằng Việt Nam thực sự có tiềm năng dẫn đường cho một thực tiễn xanh ở Châu Á.
Những chiếc máy dệt hiện đại tại công ty Deutsche BekleidungsWerke (Ảnh: SouthChina)
Thomas Hebestreit, giám đốc điều hành của Royal Spirit Group, tập đoàn sản xuất may mặc có trụ sở tại HongKong và là công ty mẹ của Deutsche BekleidungsWerke (DBW) – một nhà máy sản xuất hàng may mặc mới mở ở miền Nam Việt Nam – chia sẻ rằng: “Sau khi nhà máy xây dựng Savar bị đốt cháy tại Bangladesh một vài năm trước đây, tôi muốn chứng minh cho cả thế giới thấy một nhà máy hoàn hảo là như thế nào.”
“Ngành công nghiệp may mặc vốn nổi tiếng với ‘công xưởng vắt mồ hôi’ – nơi những người công nhân bị vắt kiệt sức lao động. Nhưng, chúng tôi muốn thể hiện với thế giới bên ngoài rằng chúng tôi hoàn toàn có thể sản xuất hàng may mặc cho người dân trong điều kiện tốt nhất “. Theo Hebestreit, DBW là một trong số ít những nhà máy cung cấp điều hòa máy lạnh xuyên suốt cơ sở.
Mái tôn được phủ kín pin năng lượng mặt trời của công ty Deutsche BekleidungsWerke (ảnh: Southchina)
Cơ sở 18.000 mét vuông được khai trương vào tháng 11 năm nay và được trang bị pin năng lượng mặt trời để cung cấp đến 20 phần trăm năng lượng cần thiết cho hoạt động trong đợt hạn hán kéo dài vào mùa khô.
Tòa nhà được chứng nhận theo tiêu chuẩn LEED (tiêu chuẩn xanh đầu ngành thiết kế xây dựng) do hệ thống tiêu chuẩn công trình xanh quốc tế Lotus chứng nhận. Hebestreit nói rằng ông hy vọng nhà máy sẽ được công nhận vì hoạt động thân thiện và bền vững với môi trường.
Việc thiếu hụt nước sạch ở Việt Nam cùng với hoạt động sản xuất nước thải đang là mối quan tâm lớn về môi trường. Việc cắt giảm, hạn chế tối đa khai thác và sử dụng nước trong chu kỳ sản xuất là một ưu tiên hàng đầu cho ngành.
Ông Vincent Cheng, giám đốc của JG Consulting, một công ty tư vấn quản lý chuyên làm việc với các công ty may mặc về việc nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng, phát biểu: “Tái chế nguồn nước xả vải chính là tiền đề thúc đẩy cho sự phát triển thân thiện với môi trường của các nhà máy”.
Những chiếc máy xe chỉ tân tiến tại Deutsche BekleidungsWerke. Nhờ vào những tấm pin mặt trời cực đại được đặt trên phần mái, mọi nơi trong công ty này đều được có quạt điều hòa, giúp đảm bảo chất lượng và môi trường làm việc của công nhân viên (Ảnh: Southchina)
“Có một quy trình khi mà họ có thể tái sử dụng nước giặt vải để dùng trong nhà vệ sinh. Ngoài ra với công nghệ giặt ozone, thay vì sử dụng chất hóa học để tẩy màu từ hàng dệt, họ dùng ozone (một loại khí đòi hỏi ít nước hơn).” – Ông Cheng chia sẻ. Công ty Cổ phần Phong Phú là một trong những tập đoàn may mặc Việt Nam cũng sử dụng phương pháp này.
Maxport, nhà sản xuất nổi tiếng của nhiều thương hiệu lừng danh như Patagonia, Nike, Arc’teryx và Lululemon, chính là một cơ sở khác đã kết hợp những kĩ thuật thực tiễn mang tính bền vững để đưa vào các nhà máy ở Việt Nam.
“Từ khi bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng, họ đã bắt tay vào việc phát triển các tính năng thân thiện với môi trường. Do vậy, một số tòa nhà không dựa vào điều hòa nhiệt độ, mà thực tế thì họ tiến hành trồng cây xanh quanh nhà máy. Khi gió thổi, nó tạo ra hiệu ứng mát mẻ, góp phần làm giảm nhiệt độ môi trường xung quanh” – ông Cheng nói.
Cuối cùng, các nhà sản xuất hàng may mặc nước ngoài sẽ dễ dàng hơn trong việc thực hiện các quy trình thân thiện với môi trường và bền vững trong các nhà máy.
Các mẫu thiết kế bền vững của thương hiệu Kilomet 109 của nhà thiết kế Vũ Thảo (ảnh: @kilomet109)
Một mẫu thiết kế nằm trong bộ sưu tập mới của thương hiệu Linda Mai Phùng (ảnh: @lindamaiphung)
Ở Việt Nam hiện tại, thời trang bền vững không hoàn toàn là khái niệm quá xa lạ với phần đông những người làm thời trang. Điều cấp thiết nhất vẫn là phải phổ cập thông điệp nhân văn mà thời trang bền vững đem lại cho chất lượng cuộc sống con người trong tương lai, để nó trở thành một lối tư duy hay kiến thức phổ thông mà bất kỳ ai cũng phải hiểu quy trình.
Nhiều nhà thiết kế trẻ tại Việt Nam đã sớm rèn giũa và đúc kết được cho mình những kiến thức và lối sống bền vững, văn minh. Điều đó đã giúp họ hình thành được tư duy và sớm theo đuổi việc hình thành một thương hiệu thời trang bền vững, điển hình nhất trong số đó là hai thương hiệu nổi bật, đã gây dựng được nhiều tiếng vang trong và ngoài nước là Kilomet 109 và Linda Mai Phùng.
Đây chỉ 2 trong số những thương hiệu đang cố gắng duy trì bản sắc của dân tộc Việt Nam nói chung và dân tộc thiểu số nói riêng, đồng thời gìn giữ những nét đẹp và kỹ thuật tay nghề của những nghệ nhân dân tộc thiểu số. Chính nhờ những thành tựu ở trên, và những gì mà hai thương hiệu Kilomet 109, Linda Mai Phùng đang cố gắng gây dựng mà chúng ta có quyền hy vọng về việc Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia đi đầu về thời trang bền vững trong tương lai gần.
Diệu Linh (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Lược dịch từ: scmp.com /Ảnh: Tổng hợp)