Văn hóa / Thế giới văn hóa

10 cuốn sách giúp bạn thay đổi cách sống

Nếu bạn thực sự quan tâm đến các vấn đề toàn cầu và đang hướng đến lối sống bền vững, 10 cuốn sách sau đây sẽ giúp bạn thay đổi cách sống của mình.

Bạn có nhận ra con người hiện nay ngày càng vô cảm và bạo lực, hoặc quá nhạy cảm và dễ tổn thương? Bạn có nhận ra chúng ta đang đứng trước quá nhiều vấn đề, từ biến đổi khí hậu, dịch bệnh, giảm thiểu lương thực cho đến gia tăng dân số, ô nhiễm, ung thư…? Có bao giờ bạn tự hỏi “chuyện quái gì đang xảy ra trên Trái Đất này vậy”? Và bạn biết không, tất cả những lý do trên là kết quả từ lối sống sai lệch của chúng ta – lối sống vị kỉ, tự cho mình làm chủ thiên nhiên và đảo ngược quy luật sinh thái. Nếu bạn chưa biết mình đã sống sai thế nào, hãy đọc những cuốn sách sau đây. Có thể chúng sẽ giúp bạn nhìn nhận lại và thay đổi cách sống của mình.

1. Cuộc cách mạng một-cọng-rơm (Masanobu Fukuoka)

Masanobu Fukuoka được tôn vinh là ông tổ của nông nghiệp tự nhiên – người đã đạt được cảnh giới vô vi với phương thức làm nông “vô canh”. Cuộc cách mạng một-cọng-rơm thực ra giống một cuốn tự truyện hơn là một cuốn sách nông học, nơi Fukuoka ghi lại những chiêm nghiệm sau hơn 30 năm thử và sai, trong cả việc trồng trọt, trong việc học cách hiểu thiên nhiên, trong ăn uống, trong suy nghĩ, trong lối sống và trong những giác ngộ về cuộc đời. Những giác ngộ của Fukuoka, dù qua con mắt của một nhà nông, nhưng lại đầy minh triết và chuẩn xác, như một vị thiền sư dành trọn sự tôn kính cho thiên nhiên.

“Gấp cuốn sách này lại, chúng ta sẽ nhận ra những tri thức mà lâu nay chúng ta được trang bị không phải để sống thuận với thiên nhiên mà để chống lại thiên nhiên. Những tri thức đó khiến cho đầu óc chúng ta bị mê chấp, chúng ta không nghĩ rằng tạo hóa chỉ cho phép mỗi loài được nhận phần dành cho chúng để duy trì một sự sống cân bằng, nếu lạm dụng lập tức sẽ bị trả giá. Bệnh tật chính là lời cảnh báo đầu tiên.

Gấp cuốn sách này lại, chúng ta sẽ nhìn thấy con đường hoàn nguyên của con người. Đó là sự buông bỏ tất cả những gì chống lại thiên nhiên và trái với thiên nhiên để quay về với thiên nhiên, để con người trở lại là một thành tố của thiên nhiên.

Sự hoàn nguyên bắt đầu từ việc ăn ở. Bạn sẽ nhận ra bệnh tật là sự phản ứng của cơ thể trước sự ăn ở trái với tự nhiên của con người. Chân lý giản đơn để thoát khỏi bệnh tật là chỉ thụ hưởng những gì mà tự nhiên ban tặng. Sự trải nghiệm của ông Fukuoka cho bạn thấy cái để phòng ngừa bệnh tật nằm ngay trong chính thức ăn, thuốc men và thức ăn là hai mặt của một sản vật. Rau quả trồng bằng kỹ thuật canh tác hiện đại có thể ăn được nhưng không có tác dụng phòng ngừa bệnh tật, dù là rau quả “sạch”. Còn rau quả mọc tự nhiên hoặc trồng trong một môi trường tiệm cận với tự nhiên thì vừa là thức ăn vừa là những vị thuốc.” (Nhà báo Hoàng Hải Vân).

2. Câu chuyện khu vườn Findhorn (Cộng đồng Findhorn)

Findhorn là tên gọi một cộng đồng của những người làm vườn với tinh thần thiên nhiên, được thành lập năm 1962. Với họ, làm vườn không phải là nghề sinh tồn, thú ăn chơi, đam mê, nghệ thuật, phương tiện tĩnh tâm, mà còn là để con người trở về với nguồn cội, với nền tảng của mình. Ngày nay, cộng đồng này đã lên tới hàng trăm người, sống trong ngôi làng sinh thái với khu nhà làm bằng các vật liệu thân thiện môi trường. Họ canh tác tại các khu vườn lớn, cung cấp lương thực và phục vụ nghiên cứu tự nhiên.

Và Câu chuyện khu vườn Findhorn là cuốn sách kể lại quá trình hình thành khu vườn này, với lời kể của 3 thành viên đầu tiên, cũng là 3 người bạn thân. Lần đầu tiên đọc cuốn sách này, chắc chắn bạn sẽ bất ngờ và choáng ngợp với cái gọi là “tinh linh cây cối” và những cuộc giao tiếp bằng nặng lượng của 3 người này với tinh linh cây cối. Nhưng đây thực sự là câu chuyện có thật. Họ đã được giúp đỡ, được dẫn dắt, được khai mở những kiến thức chưa từng biết, để từ những con người bị dồn vào đường cùng, họ bắt đầu xây dựng một khu vườn màu mỡ từ vùng đất cát khô cằn mà trước nay không có loài cây nào sống được. Hãy tin tôi đi, bạn có thể nói chuyện được với cây cối nếu bạn có đủ lòng tôn trọng đối với “họ”.

3. Nào tối nay ăn gì – Thế lưỡng nan của loài ăn tạp (Michael Pollan)

Tối nay ăn gì?

Việc trả lời câu hỏi tưởng chừng đơn giản này mang đến một trải nghiệm thú vị, một hành trình hấp dẫn ngược xuôi theo các chuỗi thức ăn để khám phá ra chúng ta đang ăn những gì, chúng bắt đầu từ đâu và bằng cách nào tới được bàn ăn, để rồi hé lộ một sự thật bất ngờ, choáng váng: chúng ta đang ăn ngô và dầu mỏ, thay vì thưởng thức bữa tối miễn phí có nguồn gốc từ cỏ và tự nhiên. Hành trình này sẽ đưa chúng ta đến gần hơn sự hiểu biết sâu sắc về thứ chúng ta ăn – và rộng hơn, chính là thứ chúng ta nên ăn.

Nào tối nay ăn gì? cũng là cuốn nhật ký tâm huyết của Michael Pollan. Với kinh nghiệm sinh động, kết hợp cùng vô vàn dẫn chứng thuyết phục đến từ những trải nghiệm trong quá trình điều hành trang trại của mình, Pollan đã soi rọi đầy đủ những khía cạnh đạo đức, môi trường và xã hội ẩn trong cách chúng ta lựa chọn và chế biến thực phẩm.

4. Lối sống tối giản của người Nhật (Sasaki Fumio)

Lối sống tối giản là cách sống cắt giảm vật dụng xuống còn mức tối thiểu. Và cùng với cuộc sống ít đồ đạc, ta có thể để tâm nhiều hơn tới hạnh phúc.

Chẳng có ai từ khi sinh ra đã sở hữu tài sản, đồ đạc. Vậy nên, bất cứ ai khi mới chào đời đều là những người sống tối giản. Cứ mỗi lần bạn sở hữu trong tay những đồ dùng hơn mức cần thiết là một lần bạn lấy mất tự do của chính mình. Giá trị bản thân chúng ta không đo bằng những đồ dùng mà chúng ta sở hữu. Những đồ dùng này chỉ cho chúng ta một chút cảm giác hạnh phúc nhất thời mà thôi. Mang theo những đồ dùng hơn mức cần thiết sẽ lấy hết thời gian, năng lượng của bạn. Khi nhận ra được điều đó, bạn vẫn còn cơ hội thay đổi cách sống của mình.

Cuốn sách gồm có năm chương, bao gồm giới thiệu lối sống tối giản là gì; tại sao sau ngần ấy năm, đồ đạc trong nhà lại chất nhiều đến thế; những bí quyết để cắt giảm đồ đạc trong nhà; những thay đổi của chính tác giả sau khi dọn hết đồ đạc trong nhà; tại sao những thay đổi của bản thân lại dẫn đến “hạnh phúc”…

5. Khi loài cá biến mất (Mark Kurlansky)

Một cuốn sách dễ đọc với những bức tranh minh họa sống động và lối xếp chữ thú vị sẽ giúp bạn dễ dàng suy ngẫm về việc thay đổi cách sống, đầu tiên là cách ăn uống của mình.

Không chỉ nói về loài cá, đây còn là một cuốn sách chứa đầy ắp những kiến thức khoa học về cuộc sống dưới đại dương, trên cạn, trên trời và cách mọi thứ kết nối, tương tác với nhau trong một thể thống nhất mang tên Trái Đất.
Và bởi có kết nối, tương tác qua lại lẫn nhau, nên những gì đang xảy ra dưới đại dương hoàn toàn có thể tác động được tới đời sống trên cạn, thậm chí cả môi trường sống trên trời.

Những hệ lụy khôn lường khi đánh bắt hải sản quá mức, xả thải gây ô nhiễm hệ sinh thái hay áp dụng vô tội vạ các kỹ thuật tân tiến trong quá trình đánh bắt có thể dẫn đến việc xóa sổ hoàn toàn một loại cá dưới đại dương, dẫn đến sự thay đổi của toàn bộ chuỗi thức ăn mà mắt xích cuối cùng chính là con người. Đọc cuốn sách này đi, rồi nghĩ xem, với vai trò là người tiêu thụ thực phẩm, bạn có thể giúp được gì để cải thiện tình hình này.

 

6. Muốn ít đi, hạnh phúc nhiều hơn (Michelle)

Lại một cuốn sách viết về lối sống tối giản nhưng đã vượt ra ngoài lãnh thổ của Nhật Bản, Muốn ít đi – Hạnh phúc nhiều hơn ghi lại những trải nghiệm sắp xếp đồ đạc trong ngôi nhà của Michelle – người phụ nữ có một gia đình đông đúc với cuộc sống thường xuyên phải dịch chuyển. Để có một không gian thoải mái, thuận tiện mà vẫn gọn gàng dù sống ở Mỹ hay Nhật, cô đã chọn cách tối giản để bắt đầu cuộc “cách mạng” nhà cửa của mình.

Không cầu kỳ hay phức tạp, những quy tắc nho nhỏ của Michelle rất thú vị và hữu ích, ai cũng có thể áp dụng vào chính căn nhà của mình. Bên cạnh đó, cô còn chia sẻ những nguyên tắc giản dị để có một cuộc sống đơn giản mà vẫn thật thoải mái, đủ đầy. Sự tối giản qua lăng kính của Michelle trở nên dễ hiểu và gần gũi hơn bao giờ hết, ai cũng có thể tự mình tinh giản nhà cửa, buông bỏ ràng buộc để cảm nhận sự thảnh thơi trong tâm hồn.

Không chỉ đơn thuần là cuốn sách về nghệ thuật sắp đặt, Muốn ít đi – hạnh phúc nhiều hơn giống một thước phim đẹp đẽ, bình thản ghi lại từng khoảnh khắc an nhiên trong hành trình buông bỏ, đặt xuống những đồ đạc vướng bận để thu về sự thanh thản, tự do. Bởi “sắp xếp nhà cửa, xét cho cùng, cũng chính là sắp xếp mọi sự trong lòng”.

7. The Third Plate: Field Notes on the Future of Food (Dan Baber)

The Third Plate: Field Notes for the Future of Food (Chiếc đĩa thứ ba: Những ghi chú về tương lai của thực phẩm) nói về hành trình nhận ra con đường đến với Chiếc Đĩa Thứ Ba của Dan Baber – bếp trường của nhà hàng Blue Hill, người từng giành được nhiều giải thưởng nổi tiếng của Mỹ.

Từ việc nhận ra mình chẳng hiểu gì về bột mì – thứ nguyên liệu ông vẫn dùng hằng ngày – Dan bắt đầu tìm đến một trang trại hữu cơ ở trong vùng. Rồi từ những chuyến đi này, Dan lại ngộ ra rằng mọi thực phẩm đều có mối liên kết và gắn bó chặt chẽ với nhau. Muốn trồng lúa mì, người nông dân phải trồng luân canh các loại ngũ cốc khác để làm cho đất màu mỡ. Thế nhưng, chỉ có lúa mì được tiêu thụ còn những loại ngũ cốc khác thì bỏ phí, điều này gây khó khăn cho người nông dân. Như vậy, nếu chúng ta chỉ lấy một món ra khỏi cánh đồng mà bỏ mặc những thứ còn lại, sẽ có nhiều vấn đề xảy ra. Và điều này thực sự rất phi lí.

Đó cũng là lý do Dan Baber quyết định dùng tất cả ngũ cốc thu được trên cánh đồng để chế biến thức ăn. Quá trình khám phá hương vị trong món ăn cũng là quá trình thay đổi nhận thức của Dan Baber. Chúng ta phải ăn với cả một khu vườn ở trong đầu, và Chiếc Đĩa Thứ Ba – đĩa thức ăn thuận theo những gì người nông dân có thể nuôi trồng được – mới là giải pháp cho tương lai của thực phẩm tự nhiên.

8. Cooked: A Natural History of Transformation (Michael Pollan)

Trong Cooked, Michael Pollan khám phá một phạm vi chưa từng được biết đến trong căn bếp của mình. Ở đây, ông phát hiện ra sức mạnh bền bỉ của bốn yếu tố – lửa, nước, không khí và đất – để biến đổi thiên nhiên thành những thứ ngon miệng để ăn và uống. Sau đó, Pollan học cách nướng với lửa, nấu với chất lỏng, làm bánh mì và lên men tất cả mọi thứ từ pho mát đến bia.

Các phần của cuốn sách là hành trình nỗ lực của Pollan để làm chủ một công thức cổ truyền bằng một trong bốn yếu tố. Một chuyên gia về nướng thịt ở Bắc Carolina dạy anh về ma thuật của lửa; một thầy dạy nấu ăn của Chez Panisse dạy anh ta về nghệ thuật om thịt; một nhà làm bánh nổi tiếng dạy cho anh cách luồng không khí biến đổi bột mì và nước thành một miếng bánh thơm; và cuối cùng, một số “fermento” điên cuồng (một nhóm bao gồm các nhà sản xuất bia, pho mát và các loại đồ chua) cho thấy nấm và vi khuẩn có thể thực hiện được những phép thuật tuyệt vời nhất.

Những bài học của Pollan đã vượt ra khỏi thực tiễn để trở thành một cuộc điều tra về cách nấu ăn liên quan đến chúng ta trong một mạng lưới các mối quan hệ xã hội và sinh thái. Nấu ăn, trên tất cả, kết nối chúng ta lại với nhau.

Tác động của việc không nấu ăn cũng tương tự như vậy. Từ các công ty chế biến thức ăn, chúng ta tiêu thụ một lượng lớn chất béo, đường và muối. Để rồi, chúng ta phá vỡ liên kết thiết yếu với thế giới tự nhiên. Trên thực tế, Cooked lập luận rằng, lấy lại quyền kiểm soát nấu ăn có thể là bước quan trọng nhất mà bất cứ ai cũng có thể làm để làm cho hệ thống lương thực của Mỹ khỏe mạnh và bền vững hơn. Cuốn sách sẽ giúp bạn nhận ra rằng, tự nấu ăn là một hành động của niềm vui và làm chủ lương thực. Hãy học cách thực hiện phép thuật của những món ăn và mở ra cánh cửa cho một cuộc sống dinh dưỡng hơn.

9. Gieo mầm trên sa mạc (Masanobu Fukuoka)

Trái Đất đang ở trong tình trạng nguy hiểm do sự tổng hợp của nông nghiệp, khủng hoảng khí hậu, đói nghèo và sa mạc hóa ngày càng tăng trên quy mô lớn. Tình trạng hiện tại của chấn thương toàn cầu không phải là “tự nhiên” mà là kết quả từ hành động phá hoại của con người. Và, theo Masanobu Fukuoka, nó có thể đảo ngược được. Chúng ta cần phải thay đổi không chỉ trong các phương pháp quản lý đất đai mà còn trong cách chúng ta suy nghĩ về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên.

Sau khi ra mắt cuốn Cuộc cách mạng một-cọng-rơm, Fukuoka đã đi khắp thế giới để truyền bá giáo lý của mình và phát triển một số lượng lớn nông dân muốn tìm hiểu chân lý của thiên nhiên. Fukuoka đã trải qua nhiều năm làm việc với mọi người và các tổ chức ở châu Phi, Ấn Độ, Đông Nam Á, châu Âu và Hoa Kỳ để chứng minh rằng bạn thực sự có thể trồng thực phẩm và tái sinh rừng ở những nơi hoang vắng nhất. Tất cả đều được thể hiện trong cuốn sách này. “Chỉ bằng cách làm xanh sa mạc, thế giới sẽ đạt được an ninh lương thực thực sự”, ông cho biết.

10. Walden (Henry David Thoreu)

Walden (hay Life in the Woods) là cuốn sách nổi tiếng của Henry David Thoreau – một nhà văn theo chủ nghĩa tiên nghiệm – phản ánh cuộc sống đơn giản trong môi trường từ nhiên. Tác phẩm này là một tuyên bố cá nhân về sự độc lập, những trải nghiệm xã hội, hành trình khám phá tinh thần và tự điều chỉnh niềm tin vào bản thân.

Xuất bản lần đầu tiên vào năm 1854, Walden mô tả chi tiết những trải nghiệm của Thoreu trong suốt hai năm, hai tháng, hai ngày trong một căn nhà gỗ nhỏ mà ông tự xây dựng gần Walden Pond, giữa rừng cây thuộc sở sữu của một người bạn và người thầy Ralph Waldo Emerson. Thoreu đã dành thời gian này để viết cuốn sách đầu tiên của mình (A Week on the Concord and Merrimack Rivers). Thế rồi, những trải nghiệm sau đó đã tạo cảm hứng cho Thoreu viết nên Walden, một cuốn sách nén lại toàn bộ thời gian vào một năm và sử dụng sự chuyển giao của bốn mùa để tượng trưng cho sự phát triển của con người. Bằng việc đắm chìm trong tự nhiên, Thoreu hy vọng đạt được những hiểu biết khách quan hơn về xã hội thông qua sự xem xét nội tâm, đồng thời hướng đến lối sống đơn giản và tự túc.

Để hướng đến lối sống bền vững, hạn chế tối đa ảnh hưởng của con người đối với môi trường và xã hội trong lĩnh vực may mặc, ELLE Việt Nam tổ chức ELLE Design Contest – cuộc thi thiết kế “Thời trang bền vững” (Sustainable Fashion) – thuộc khuôn khổ sự kiện ELLE Fashion Journey sẽ được tổ chức cuối năm nay. Đây là sân chơi dành cho các bạn trẻ đam mê thời trang, muốn thử sức với một loại hình thiết kế mới mẻ và đem đến những giải pháp có ý nghĩa ứng dụng cao.

Thời gian nhận hồ sơ dự thi: 3 – 5/11/2017

Xem thêm thông tin chi tiết TẠI ĐÂY

Nhóm thực hiện

Bài: Đ.T (Nguồn: Tạp chí ELLE Việt Nam) Ảnh: Nhã Nam, Amazon
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)