Văn hóa / Thế giới văn hóa

5 môn nghệ thuật thể hiện sự tinh tế của người Nhật Bản

Nhật Bản là đất nước luôn hướng tới sự hoàn hảo. Hơn hết Nhật còn biết tới là quốc gia có sự đan xen giữa văn hóa truyền thống và hiện đại một cách rõ nét.

Vì vậy, bên cạnh sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thì các giá trị văn hóa nghệ thuật nơi đây không mất đi mà còn có sự thay đổi làm sao để tương thích với thời đại.

1. Nghệ thuật trà đạo (茶道)

Trà đạo được xem là loại hình nghệ thuật nổi tiếng và phổ biến nhất, ngay cả những người khi chưa đến Nhật cũng đã nghe tới loại hình nghệ thuật này. Tuy nhiên để thưởng thức trà đạo một cách “chuẩn” nhất còn cần sự kết hợp của nhiều yếu tố: Không gian trà thất, dụng cụ pha trà đến phong cách Thiền cùng các nghi lễ trong Trà. Tất cả điều đó đã tạo nên loại nghệ thuật trà đạo tinh tế nhất Nhật Bản.

Trà đạo có bắt nguồn từ Trung Quốc dưới thời nhà Đường. Theo truyền thuyết, một vị cao tăng người Nhật sang Trung Hoa để tham vấn học đạo, khi trở về ông mang theo một số hạt trà về trồng ở sân chùa và dần dần nó trở thành một sản phẩm đắc sắc thuần Nhật. Qua nhiều giai đoạn phát triển trong lịch sử mà sinh ra nhiều trường phái trà đạo khác nhau. Trong đó có 3 trường phái chính là Omotesenke, Urasenke và Mushakoji-senke. Quy tắc thưởng trà rất khắt khe nhưng để phù hợp với thời đại hiện nay mà nó dần biến đổi sao cho phù hợp với mọi người. Chẳng hạn nếu khách không thể quen với kiểu ngồi truyền thống của Nhật thì họ sẽ cho phép khách được ngồi trên một số ghễ gỗ nhỏ mà không làm mất đi không khí tôn nghiêm trong phòng trà.

Cách pha trà:

– Nước pha trà: Nước pha trà phải được đựng trong một bình thủy hay nấu nước trong ấm kim khí không nắp trên bồn than rất yếu để giữ nước ở khoảng 80-90 độ C.

– Làm ấm dụng cụ: Ấm pha trà và tách uống trà được tráng bằng nước sôi trong bình thủy để làm ấm dụng cụ , sau đó dùng khăn lau khô trước khi xử dụng.

– Pha trà: Trà Nhật có cách pha cầu kì, tùy từng loại trà mà có các cách pha khác nhau nhưng thông dụng nhất họ thường pha trà với 3 lần nước.

+ Lần 1: Nước pha trà có độ nóng 60 độ C và để trà ngấm tong 2 phút mới rót ra mời khách.

+ Lần 2: Pha với nước nóng ở 80 độ C trong khoảng 30-40 giây.

+Lần 3: Nước pha trà tăng lên 90 độ C và cũng ngâm trà trong khoảng 30-40 giây rồi rót mời khách.

2. Nghệ thuật cắm hoa (華道)

Theo nghĩa văn học, Ikebana là “hoa sống”, là nghệ thuật diễn tả những tình cảm khi thưởng thức thiên nhiên, một nền nghệ thuật tái tạo lại không gian của cảnh vật với một cành cây, một ngọn cỏ, bộc lộ những sắc thái tình cảm qua các cung bậc màu sắc của các loài hoa. Giống như các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật cắm hoa cũng có sự sáng tạo trong những quy tắc nhất định. Mặc dù phải tuân theo những quy tắc nghiêm ngặt trong cắm hoa nhưng mỗi nghệ nhân lại có một cách sáng tạo riêng, họ thể hiện tình yêu thiên nhiên, triết lý sống vào tác phẩm của mình.

Bộ môn này đã xuất hiện được hơn 600 năm. Có nguồn gốc từ nghi lễ dâng hoa cho những linh hồn đã chết của Phật Giáo và bắt đầu phát triển thành một loại nghệ thuật đặc biệt từ thế kỷ 15. Ban đầu những người tham gia học và biểu diễn loại nghệ thuật này thường là thầy tu hay người có thân phận, địa vị cao quý. Theo thời gian, dần dần Ikebana trở thành môn nghệ thuật phổ biến trong xã hội và dành cho tất cả các tầng lớp ở Nhật Bản.

Một số phong cách cắm hoa như Rikka, Shoka, Jiyuka là những phong cách cắm hoa cơ bản nhất ở Nhật.

3. Kịch Kabuki (歌舞伎)

Bằng sự kết hợp nhiều loại nghệ thuật như múa, diễn xuất, âm nhạc,… Kabuki trở thành loại hình nghệ thuật độc đáo không chỉ ở phạm vi nước Nhật mà nó đã vươn ra thế giới, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.

Lịch sử Kabuki bắt đầu từ năm 1603 khi Okuni (một đồng cốt trong đền thờ đạo Shinto), bắt đầu biểu diễn phong cách kịch múa mới ở Kyoto. Dần dần, loại kịch này trở nên nổi tiếng thậm chí được biểu diễn cả trong triều đình và các đoàn kịch khác cũng dần bắt chước phong cách biểu diễn. Kabuki trở nên phổ biến và diễn viên chính của loại kịch này ở thời bấy giờ chủ yếu là nữ giới, họ đảm nhận cả các vai diễn nam. Tuy nhiên,chính vì sử dụng nữ diễn viên là chính mà nó lôi cuốn phần lớn khán giả nam giới, họ đến xem kịch không còn đơn thuần chỉ với mục đích thưởng thức nghệ thuật và điều này bị xem như đã làm mất giá trị nghệ thuật vốn có của nó. Năm 1629, phụ nữ bị cấm diễn xuất không chỉ riêng kabuki mà họ bị cấm ở tất cả loại hình sân khấu. Diễn viên nam đảm nhận các vai diễn, thậm chí  họ còn đóng giả cả các nhân vật nữ.

Bên cạnh tài năng diễn xuất, diễn viên còn cần thuần thục cả kĩ năng trang điểm để thích hợp với từng loại nhân vật. Có ba dạng nhân vật chính trong Kabuki: Tachiyaku – nhân vật nam trẻ đại diện cho người tốt, Katakiyaku – kẻ xấu, chuyên làm điều ác và Onnagata – các nhân vật nữ. Mỗi dạng nhân vật sẽ có cách trang điểm khác nhau để làm nổi bật lên đặc trưng trong tính cách.

4. Nghệ thuật thư pháp (書道)

Viết thư pháp là môn nghệ thuật có nguồn gốc từ Trung Quốc. Trải qua sự xâm lược và đồng hóa của các triều đại Trung Quốc trong khoảng thời gian dài mà môn nghệ thuật này trở nên phổ biến tại các quốc gia như Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên,… Nghệ thuật thư pháp Nhật Bản ra đời vào khoảng thế kỷ VI, tuy chịu ảnh hưởng lớn từ nghệ thuật thư pháp Trung Hoa nhưng người Nhật đã có những cách tân riêng để tạo ra một trường pháp nghệ thuật thư pháp riêng của xứ sở mặt trời mọc, trong đó tiêu biểu nhất là hệ thống chữ Kana.

Trong thư pháp, người ta xem trọng nét đẹp của bố cục trong từng chữ, nét chữ, màu mực và bố cục sắp xếp trong tổng thể tác phẩm, đồng thời ý nghĩa hàm chứa trong nội dung tác phẩm cũng rất quan trọng. Bao hàm trong nó là cảm quan mang tính tâm linh và tinh thần, không những vậy, những nét chữ viết ra cũng thể hiện phần nào khí chất và tâm hồn người viết thư pháp.

5. Nghệ thuật gấp giấy (おりがみ)

Khoảng thế kỉ thứ 7, công nghệ sản xuất giấy ở Trung Quốc du nhập vào Nhật, sau đó người Nhật đã áp dụng và biến đổi nhiều phương pháp chế tạo cũng như nguyên liệu chế tạo giấy, hình thành hẳn một nền văn hóa giấy với vật liệu giấy phong phú, chất lượng cao (gấp mở nhiều lần không rách, mềm, bền và đẹp… Đó chính là loại giấy mà người Nhật vẫn tự hào có một không hai trên thế giới với cái tên “Washi”. Chính từ đó, nghệ thuật xếp giấy độc đáo Origami của Nhật Bản ra đời.

Các mẫu giấy Origami mới đầu chỉ đơn giản là các hình quạt, máy bay, con thuyền,.. nhưng trải qua nhiều giai đoạn, các mẫu gấp giấy mới ra đời ngày càng đa dạng và tỉ mỉ hơn trước. Loại nghệ thuật này không còn là trò chơi chỉ dành cho trẻ con mà còn là thú vui của người lớn. Hơn nữa, việc sáng tạo các mẫu origami còn liên quan tới hình học và được một số nơi trên thế giới đưa môn nghệ thuật này trở thành môn học. Như dạy trở em mẫu giáo gấp giấy giúp trẻ hình thành tư duy sáng tạo, logic ngay từ khi còn nhỏ. Mặc khác, nhờ điều kiện cần sự tỉ mỉ và tính cẩn thận của bộ môn này mà origami còn có tác dụng chữa bệnh mất ngủ hay giảm stress.

Xem thêm

Bí quyết uống, pha và bảo quản trà cho cuộc sống cân bằng

“Cuộc sống màu hồng” nhìn từ nước Nhật

Những phương pháp làm đẹp phụ nữ Nhật Bản ưa chuộng

Nhóm thực hiện

Trần Linh Trang (Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)