Recy Taylor – Người phụ nữ được Oprah Winfrey tôn vinh tại Quả Cầu Vàng là ai?
Oprah Winfrey, trong bài phát biểu hùng hồn và xúc động tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng 2018, đã kể về Recy Taylor, một người phụ nữ mạnh mẽ, dám đứng lên đòi lại quyền công bằng sau khi trải qua những khoảng thời gian khủng khiếp từ vụ việc bị 6 người đàn ông cưỡng hiếp gây chấn động.
Trong một đêm đầy chính trị, cảm xúc và sự đoàn kết, khoảnh khắc nổi bật của giải Quả Cầu Vàng năm 2018 thuộc về Oprah Winfrey.
Oprah Winfrey với bài phát biểu hùng hồn trong buổi lễ. (Ảnh: Cosmopolitan)
Với vai trò chủ một talk show nổi tiếng, nhà kinh doanh, nữ diễn viên, nhà hảo tâm, Oprah Winfrey đã trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên giành được giải thưởng Cecil B. DeMille cho những cống hiến trọn đời. Với trang phục màu đen, trong dòng chảy của phong trào Time’s Up, Winfrey đã tỏ lòng tôn kính những người đã truyền cảm hứng cho bà trong suốt cuộc đời và sự nghiệp – kể cả những phụ nữ đã và đang dám lên tiếng chống lại tình trạng lạm dụng và quấy rối tình dục.
Có một người phụ nữ đặc biệt mà Oprah Winfrey đề cập tới, nhưng ít ai biết đến, đó chính là Recy Taylor. Như Winfrey đã thông báo, Taylor đã qua đời hơn hai tuần trước ở tuổi 98.
Recy Taylor – người mà Oprah Winfrey xúc động khi tôn vinh trong bài phát biểu tại lễ trao giải Quả Cầu Vàng 2018. (Ảnh: NBC News)
Vào năm 1944, thời gian mà các vùng của Hoa Kỳ bao gồm cả tiểu bang Alabama nơi Taylor cư ngụ bị cô lập về chủng tộc theo luật pháp, bà mẹ 24 tuổi Taylor đang đi bộ từ nhà thờ về nhà thì bỗng nhiên bị bắt cóc, bịt mắt và bị hãm hiếp bởi 6 tên da trắng có vũ trang. Bà đã bị đe dọa nhiều lần đến chết đi sống lại và bị vứt bỏ trên đường.
Tin tức về vụ việc tràn lan trên khắp các mặt báo. (Ảnh: Passion of A Princess)
Mặc cho những mối đe dọa, Taylor đã dũng cảm báo cáo về tội ác tày đình này cho các nhà chức trách. Tuy nhiên, sau đó, gia đình của bà đã bị một loạt các vụ tấn công đe dọa bao gồm việc đốt phá nhà và tài sản. Một số thành viên của cơ quan thực thi pháp luật cũng đã khuyến cáo bà nên giữ im lặng.
Không tồn tại sự công bằng
Để giúp Taylor trong cuộc đấu tranh giành công lý, một trong những tổ chức quyền công dân lớn nhất nước Mỹ, NAACP (Hiệp hội quốc gia vì Sự tiến bộ của Người da màu), đã cử một thành viên bí mật giúp đỡ bà. Thành viên đó là Rosa Parks, người phụ nữ mà 10 năm sau đã trở nên nổi tiếng khi từ chối nhường ghế cho người da trắng tại một chuyến xe bus ở Montgomery, Alabama. Bà là một trong những phụ nữ cấp cao liên quan đến phong trào đòi quyền bình đẳng cho công dân.
Rosa Parks – người hỗ trợ Taylor đòi lại quyền công bằng. (Ảnh: biography.com)
Nhưng ngay cả với sự hỗ trợ của NAACP và Rosa Parks, những kẻ gây ra tội ác với Taylor đã không bị trừng phạt, thậm chí là không bao giờ được đưa ra xét xử bởi sau đó, hai bồi thẩm đoàn (cũng) là những người đàn ông da trắng đã từ chối truy tố 6 tên tội phạm, dù một trong số chúng đã nhận tội.
Sự tái xuất trong mắt công chúng
Sau những quyết định của bồi thẩm đoàn, Taylor rời khỏi thị trấn Abbeville và sau đó không còn ai thấy bà xuất hiện trên những tờ báo nữa. Nhưng đó là cho đến khi tác giả Danielle McGuire xuất bản một cuốn sách về tội ác năm 2010, bao gồm một cuộc phỏng vấn với Taylor. Danielle cũng đã gặp anh trai của Taylor, Robert Corbitt, người đã nói với tác giả rằng ông ấy đã cố gắng tìm các bằng chứng mặc dù cái ông ta nhận được chỉ là sự bất công trong nhiều năm.
Danielle McGuire với cuốn sách “At the dark end of the street”. (Ảnh: William Woods News)
Cuốn sách của Danielle đã khiến giới truyền thông quan tâm hơn đến trường hợp của Taylor và trang change.org đã thu thập hơn 20.000 chữ ký để yêu cầu thị trấn Abbeville phải xin lỗi vì “che giấu tội ác cưỡng hiếp của chế độ phân chủng Jim Crow”.
Trong năm 2010, Taylor nói với Liên đoàn Báo chí rằng bà muốn nhận một lời xin lỗi từ các quan chức vì bà tin rằng những người đàn ông đã từng tấn công và hãm hiếp bà đã chết. “Nó sẽ có ý nghĩa rất nhiều đối với tôi” – Taylor nói. “Những người làm điều này với tôi… họ không thể không xin lỗi. Nhưng hầu hết họ đều đã biến mất”.
Bà Taylor không hề muốn nghĩ lại chuyện cũ. (Ảnh: NBC Washington)
Vào tháng 12/2011, một lời xin lỗi chính thức từ Cơ quan Lập pháp Alabama được gửi đến vì hành vi truy tố tội phạm “ghê tởm và đáng xấu hổ”.
Taylor đã nói với The Root ngay sau đó: “Tôi tự hào khi biết rằng họ đã xin lỗi nhưng tôi không thể giải thích tôi cảm thấy thế nào lúc này. Tôi cảm thấy lo lắng khi nói về nó quá nhiều bởi vì nó khiến tôi băn khoăn suy nghĩ về những gì đã xảy ra. Nhưng dù sao lời xin lỗi cũng khiến tôi thấy khá hơn”.
Năm 2017, bộ phim tài liệu The Rape of Recy Taylor được phát hành bất ngờ trong bối cảnh làn sóng phụ nữ dám lên tiếng vì nạn hiếp dâm và quấy rối tình dục như là một phần của phong trào #MeToo. Bộ phim được công chiếu lần đầu tại Liên hoan phim Venice và anh trai của Taylor – Corbitt đã đến tham dự.
Anh trai của Recy Taylor – Robert Corbitt (Ảnh: Getty)
Những năm cuối đời
Chỉ ba tuần lễ sau khi Hoa Kỳ phát hành bộ phim tài liệu, Taylor đã qua đời tại phòng ngủ ở một viện dưỡng lão thuộc Abbeville, theo The Guardian. Bà đã chuyển từ Florida sang gần gia đình vì tình hình sức khỏe của bà chuyển biến xấu đi.
Bà ấy sẽ được nhớ đến, thậm chí còn hơn thế nữa nhờ Winfrey, vì sự dũng cảm của bà trong việc đưa những tội ác ghê tởm ra ánh sáng, dù hoàn cảnh lúc ấy thực sự vô cùng khó khăn.
Ảnh: The New York Times
Diệu Linh (Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE/ Ảnh: Tổng hợp)