Văn hóa / Thế giới văn hóa

The Tortured Poets Department: Khi đau thương được đúc kết thành những vần thơ

18 tháng sau khi phát hành album phòng thu thứ 10, Taylor Swift cho ra mắt "The Tortured Poets Department", kèm theo đó là 15 bản nhạc chưa từng được hé lộ trước đó, mở ra bức tranh toàn cảnh về những gì cô đã trải qua trong 2 năm sau khi kết thúc cuộc tình với tài tử Joe Alwyn. Đó là sự nuối tiếc trong các mối tình cũ, là xúc cảm thăng hoa trong những trải nghiệm mới, và cả những khoảnh khắc cô cảm thấy chán ghét chính mình. Nhưng có phải đó là tất cả những gì “nữ thi nhân” Taylor Swift muốn bộc bạch qua những vần thơ nhuốm màu đau thương trong “Thơ Phòng Tra Tấn”?

Khi Taylor Swift công bố chuẩn bị ra mắt album phòng thu thứ 11 – The Tortured Poets Department – ngay khi cô vừa chiến thắng hạng mục best Pop Vocal Album cho Midnights tại Grammys 2024, cả thế giới bắt đầu dậy sóng với những phán đoán của riêng mình. Khi sức hút của The Eras Tour còn chưa hạ nhiệt, những nghi vấn xoay quanh album mới và ý nghĩa đằng sau cái tên của từng bài hát trở thành để tài bàn tán sôi nổi của cộng đồng người hâm mộ trên khắp các diễn đàn mạng xã hội. Phần lớn cho rằng đây là một album phủ đầy sắc màu ảm đạm, chứa những ca khúc ẩn dụ cho cuộc tình kết thúc thúc sau 6 năm của nữ ca sĩ và nam diễn viên người Anh Joe Alwyn. Alwyn từng tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn rằng anh cùng các đồng nghiệp Paul Mescal và Andrew Scott đã lập một nhóm nhắn tin với tên gọi “The Tortured Man Club” (Tạm dịch: Những gã trai khốn khổ), cho nên người hâm mộ ngay lập tức liên hệ điều này đến tên album mới nhất của Taylor Swift. Phần đông cũng cho rằng The Tortured Poets Department sẽ chứa một vài bản tình ca lãng mạn dành cho người tình hiện tại của nữ ca sĩ – Travis Kelce. Bên cạnh đó, mối tình ngắn ngủi của Taylor Swift và ca sĩ hát chính của nhóm nhạc 1975 – Matty Healy – cũng là chất liệu để Taylor xây dựng nên album lần này, với những bài hát ám chỉ khoảng thời gian chóng vánh khi cả hai ở bên nhau. 

Ngoài những bài ca đầy nuối tiếc về mối tình không trọn vẹn với Joe Alwyn hay những bản tình ca ngọt ngào dành tặng Travis Kelce, một vài bài hát nổi bật trong album lần này cũng khắc họa những vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần, sự khắc nghiệt đi kèm với hào quang của ánh đèn sân khấu, cả những ca khúc mang giai điệu tươi vui đi kèm với những lời mỉa mai dành cho những kẻ đã để lại cho Taylor Swift quá nhiều đau thương xuyên suốt sự nghiệp. Đối với “quý cô Mễ quốc”, chất liệu sáng tác có thể đến từ bất cứ đâu, kể cả đó là những xúc cảm hỗn loạn trong những giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời.

Taylor Swift mặc áo sơ mi trắng trong hình ảnh bìa album The Tortured Poets Department TTPD
Ảnh: Newsnation

Sau những tổn thương, Taylor Swift tìm thấy sự chữa lành ở ngòi bút và giấy mực. Kể từ những ngày đầu bước chân vào con đường âm nhạc với những bản tình ca da diết như Tears drop on my guitar, Tim McGraw cho đến việc ra mắt album phòng thu thứ 11 The Tortured Poets Department ở đỉnh cao sự nghiệp, Taylor Swift đã chuyển hóa mọi nỗi đau từ những mối tình tan vỡ, những vết thương khó lành trong những tháng ngày tăm tối thành những ca từ có sức mạnh xoa dịu và chạm đến những tâm hồn đồng điệu: “Người tác giả này tin chắc rằng những giọt lệ của chúng ta rồi sẽ trở nên thiêng liêng hơn khi chúng hóa thành những dòng mực in trên trang giấy. Khi ta kể câu chuyện đau thương nhất của chính mình, ta mới có thể hoàn toàn được giải phóng khỏi nó. Và rồi sau tất cả, những gì còn lại chỉ là những vần thơ nhuốm màu bi thương” – Taylor Swift viết trong đoạn giới thiệu album được đăng tải trên Instagram cá nhân. 

Hãy cùng khám phá những câu chuyện ẩn giấu phía sau từng ca khúc trong album phòng thu thứ 11 của “quý cô Mễ quốc” mà bạn có thể đã bỏ qua. 

Fortnight (feat.Post Malone)

Với sự tham gia góp giọng của nam rapper, ca sĩ Post Malone, Fortnight đầy tính trừu tượng, sáng tạo và mang vẻ đẹp huyền ảo của thể loại pop giao hòa với alt-indie – màu sắc chung bao trùm hầu như toàn bộ album.

taylor swift và post malone trong album fortnight
Ảnh: Rolling Stones

Lời bài hát phần lớn truyền tải một câu chuyện hư cấu, đề cập đến hai người hàng xóm đã kết hôn và ngoại tình với nhau trong suốt hai tuần. Tuy nhiên, những hình ảnh ẩn chứa trong bài hát đều gợi nhớ đến một trải nghiệm nào đó của Taylor Swift xuyên suốt album, trong đó bao gồm hình ảnh người đàn ông trốn chạy đến Florida được nữ ca sĩ nhắc đến trong một bài hát cùng tên. 

Câu hát “Em yêu anh, và điều này hủy hoại cuộc đời em” (I love you, it’s ruining my life) được lặp đi lặp lại nhiều lần, nhấn mạnh những đau thương sâu sắc mà một mối tình sai trái kéo dài hai tuần để lại trong tâm hồn và tâm trí của cả hai.  

The Tortured Poets Department

Ca khúc chủ đề The Tortured Poets Department được xây dựng từ mối quan hệ chóng vánh của nữ ca sĩ với Matty Healy. Những hình ảnh được nhắc đến trong bài hát từ máy đánh chữ, hình xăm nổi tiếng của Healy cho đến “Lucy” (ý chỉ Lucy Dacus – bạn cũ của Healy từ nhóm nhạc Boygenuis), tất cả đều có liên quan đến chàng ca sĩ hát chính trong ban nhạc 1975. 

Câu hát “Anh không phải là Dylan Thomas, tôi không phải Patti Smith / Đây không phải là khách sạn Chelsea, chúng ta là những kẻ ngốc của thời hiện đại” (You’re not Dylan Thomas, I’m not Patti Smith/This ain’t the Chelsea Hotel, we’re modern idiots) mượn hình ảnh của những nhân vật biểu tượng (nhà thơ xứ Wales Dylan Thomas và ca sĩ người Mỹ Patti Smith) để so sánh với nữ ca sĩ và Matty Healy. Toàn bộ bài hát nói về một mối quan hệ đầy trắc trở, kết thúc trong thời gian ngắn ngủi với những cảm xúc đau đớn và hỗn loạn. Và còn ai có thể hiểu thấu điều này hơn những nhà thơ và nghệ sĩ mang trong mình bản chất điên rồ, tự hoại mà Taylor đã nhắc đến trong ca khúc này. 

So long, London

Khi các ca khúc trong album vừa được công bố, người hâm mộ nhanh chóng nhận ra So long, London chính là màn kết cho câu chuyện về chàng trai Anh quốc (London Boy) mà cô đã thể hiện trong album Lover trước đó. 

Taylor Swift đã từng xác nhận rằng ca khúc thứ 5 trong mọi album cô sáng tác đều là những bài hát thể hiện sự tổn thương về mặt cảm xúc. So long, London cũng không ngoại lệ. Bài hát là lời từ biệt của cô dành cho mối tình kéo dài 6 năm với Joe Alwyn và London, thông qua đó, nữ ca sĩ cũng bày tỏ những nỗ lực cô đã bỏ ra để vun đắp mối quan hệ và cả niềm nuối tiếc khi những đợi mong chưa thành hiện thực. Đoạn mở đầu bài hát với những thanh âm du dương tựa tiếng chuông nguyện nhà thờ và cả hình ảnh bệ thờ linh thiêng cho thấy rằng giọng ca Love Story dường như vẫn còn khắc khoải về một đám cưới viên mãn mà cô đã từng mong đợi bấy lâu. Để rồi, đoạn điệp khúc cất lên đầy da diết, cứa vào tâm can của người nghe, đặc biệt là những người đã từng đợi mong về một cái kết có hậu cho chuyện tình đã làm nên những bản tình ca bất hủ trong sự nghiệp của Taylor Swift: “Xin giã biệt người, London/ Em đã có những trải nghiệm tuyệt vời/ Một thoáng nắng ấm bên đời/ Nhưng em chẳng phải ý trung nhân người trông đợi… Rồi anh sẽ tìm được người ấy thôi” (So Long, London/ Had a good run/ A moment of warm sun/ But I’m not the one… You’ll find someone). 

But Daddy I Love Him

Kể từ ngày đầu tiên cho ra mắt album debut vào năm 2006, Taylor Swift luôn phải sống trong sự soi mói và phán xét của dư luận. But Daddy I Love Him thoạt nghe như đang ám chỉ một mối quan hệ tình cảm bị ngăn cấm, nhưng ca khúc này cũng ẩn chứa những ca từ hướng đến những người tìm cách hạ bệ nữ ca sĩ khi cô thể hiện cá tính của mình và cả những người đánh giá nhân phẩm của cô dựa trên người đàn ông mà cô chọn để hẹn hò. “Tôi biết rằng những người này cố gắng cứu rỗi bạn, vì họ ghét bạn” (I just learned these people try and save you, ‘cause they hate you), Taylor Swift đắng cay bày tỏ trong một đoạn nhạc. Và trong một phân đoạn khác, cô hài hước bông đùa về việc mình trót mang thai đứa con của người tình: “Không, tôi không có, nhưng bạn nên nhìn nét mặt của mình đi kìa” (No, I’m not, but you should see your faces). 

Một số đoạn trữ tình trong But Daddy I Love Him có nét tương đồng với Nothing New – bài hát được thu âm lần đầu vào năm 2012 nằm trong album RED của Taylor Swift. Trong đó, cô đề cập đến việc một số người cho rằng mình có quyền sở hữu người nổi tiếng, đặc biệt là những nhân vật mà họ đã theo dõi từ thời niên thiếu đến lúc trưởng thành. Đã 12 năm trôi qua, nhưng những suy tư của nữ ca sĩ trong Nothing New vẫn còn nguyên vẹn và được thể hiện một lần nữa trong But Daddy I Love Him, rằng chúng ta có quyền được sống theo cách của chính mình, mặc kệ những lời bàn tán và phán xét từ những người xung quanh. 

Fresh Out The Slammer

Fresh Out The Slammer là ca khúc hóa giải mọi khúc mắt của người hâm mộ khi Taylor Swift quay trở lại hẹn hò với Matty Healy sau khi vừa kết thúc chuyện tình 6 năm với Joe Alwyn. Matty và Taylor hẹn hò lần đầu vào năm 2015, 8 năm sau cả hai quay về với nhau sau khi Taylor vừa trải qua một cuộc tình tan vỡ. Câu hát: “Người yêu à, em đang quay về với anh/ Thoát khỏi chốn ngục tù, em biết rằng ai sẽ là người em nhấc máy gọi đầu tiên” (Now pretty baby, I’m running back home to you/ Fresh out the slammer I know who my first call will be to) không chỉ diễn tả cảm giác của nữ ca sĩ trước sự kết thúc của mối quan hệ trước đó mà còn thể hiện khát khao được quay về với người tình cũ của cô. Ở một bài hát khác trong album, chuyện tình với Matty Healy đã không kết thúc trong êm đẹp như Taylor Swift hy vọng. Nhưng rõ ràng, người nghe có thể cảm nhận rằng, trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, Taylor đã thật sự mong về một tương lai hứa hẹn cho hai người. 

taylor swift ảnh trắng đen the tortured poets department
Ảnh: X/James

Who’s Afraid of Little Old Me?

Who’s Afraid of Little Old Me? là ca khúc chứa đựng những suy ngẫm của Taylor Swift về danh tiếng của bản thân, về những lời chỉ trích mà cô nhận được trong suốt sự nghiệp và cách mà cô trở nên cứng rắn hơn trước búa rìu của dư luận. Những câu hát như: “Nếu các người muốn tôi lìa đời, lẽ ra các người nên nói ra/ Chẳng có gì có thể khiến tôi cảm thấy tràn trề sức sống hơn” (If you wanted me dead, you should’ve just said / Nothing makes me feel more alive) và “Tôi thoát ra khỏi vòng kìm kẹp và đi xuống phố/ Phá hỏng cuộc vui của các người bằng tiếng thét chói tai/ Ai trong các người e sợ bản thân tôi của trước đây?/ Các người nên sợ đi” (So I leap from the gallows and I levitate down your street / Crash the party like a record scratch as I scream / ‘Who’s afraid of little old me?’ / You should be) đều đại diện cho tiếng lòng của nữ ca sĩ từ trước đến nay khi đối diện với những làn sóng chỉ trích và phán xét từ xã hội. 

Người hâm mộ cũng nhanh chóng nhận ra bài hát này có nhiều nét tương đồng với kịch bản phim Who’s Afraid of Virginia Woolf?, kể về cuộc chiến tình cảm giữa một cặp vợ chồng trong một cuộc hôn nhân đang tan vỡ. Phiên bản điện ảnh năm 1966 có sự tham gia của Richard Burton và Elizabeth Taylor, cặp đôi nổi tiếng mà Taylor Swift từng nhắc đến trong bài hát ...Ready for It? nằm trong album reputation

I Can Fix Him (No Really I Can’t)

Trong những tháng ngày còn mộng tưởng về một tình yêu đẹp, những cô gái từng vướng vào mối quan hệ với một chàng trai hư luôn vẽ trong tâm trí viễn cảnh mộng mơ rằng bản thân sẽ là người có thể khiến đối phương thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn. Taylor Swift cũng đã từng ôm ấp những hy vọng thơ ngây ấy. Trong ca khúc I Can Fix Him (No Really I Can’t), nữ ca sĩ đã cầu xin những người xung quanh mình, người thân, bè bạn, người hâm mộ… chấp nhận mối quan hệ của mình, với niềm tin rằng cô có thể khiến người mình yêu trở thành một người tốt hơn. “Họ lắc đầu và nói rằng: “Chúa ơi, xin hãy giúp cô ấy”/ Khi tôi nói với họ rằng anh ấy là người đàn ông mà tôi yêu” (They shake their heads sayin’, “God, help her” / When I tell ’em he’s my man).

Cộng đồng người hâm mộ một lần nữa cho rằng ca khúc này viết về mối quan hệ của Taylor Swift và Matty Healy. Khi Taylor bắt đầu hẹn hò với nam ca sĩ ban nhạc 1975, nhiều fan hâm mộ đã chỉ ra những ồn ào trước đây mà anh ta từng gây ra, từ những phát ngôn phân biệt chủng tộc, cho đến những quan điểm lệch lạc về cộng đồng LGBT và phụ nữ, trong đó bao gồm cả những phát biểu xúc phạm nữ ca sĩ Ice Spice – một người bạn từng hợp tác với Taylor Swift trong ca khúc Karma thuộc album Midnights.

Nhưng vào cuối bài hát, Taylor rốt cuộc cũng cay đắng nhận ra rằng “non sông khó đổi, bản tính khó dời”, và những mộng tưởng mà cô dành cho người đàn ông của mình cuối cùng cũng bị lu mờ trước những phần tính cách xấu xí của anh ta: “Tôi có thể khiến anh ấy tốt lên mà, không, thật đó, tôi làm được mà… Chà, có lẽ là tôi không làm được rồi” (I can fix him, no, really, I can… Woah, maybe I can’t).

I Can Do It With A Broken Heart

Đằng sau những giai điệu tươi vui, I Can Do It With A Broken Heart ẩn chứa ý nghĩa ảm đạm hơn. Bài hát thể hiện rõ ràng những hỗn loạn trong tâm lý Taylor Swift khi cô vừa phải biểu diễn trong The Eras Tour vừa phải vật lộn với sức khỏe tinh thần. Điều này được thể hiện qua câu hát: “Tôi rất chán nản, tôi phải thể hiện như thể hôm nay là sinh nhật của tôi” (I’m so depressed, I act like it’s my birthday every day) và “Tôi khóc rất nhiều nhưng tôi vẫn làm việc rất hiệu quả, và đó là một nghệ thuật” (I cry a lot but I am so productive, it’s an art). Điều này phần nào cho thấy sức bền của nữ ca sĩ khi cô có thể biến mọi đau thương thành nguồn cảm hứng và tìm ra sức mạnh trong thời khắc tăm tối để vượt qua mọi trở ngại và vươn mình tỏa sáng rực rỡ. “Bạn biết rằng bạn thật mạnh mẽ khi bạn có thể làm được điều đó trong khi mang trong mình một trái tim tan vỡ” (You know you’re good when you can do it even with a broken heart). 

The Smallest Man Who Ever Lived 

Một lần nữa, Taylor Swift không ngần ngại đưa ra những lời đánh giá gay gắt về người tình cũ trong ca khúc The Smallest Man Who Ever Lived. Những hình ảnh được đề cập trong bài hát có vẻ như đều gợi nhắc đến Matty Healy, chẳng hạn như bộ suit chỉnh tề mà Matty luôn diện khi biểu diễn: “Nhìn chằm chằm vào tôi, với đôi mắt lấp lánh/ Trong bộ trang phục của giáo phái Nhân chứng Giê-hô-va” (Gazing at me, starry-eyed / In your Jehovah’s Witness suit). Đồng thời, bài hát cũng nhắc đến mùa Hè rực rỡ, thời điểm chuyện tình của cả hai bắt đầu. Nhìn chung, bài hát là lời chỉ trích thẳng thừng của nữ ca sĩ về bản tính nóng nảy của người tình cũ và cảm giác của cô khi bị lợi dụng trong mối quan hệ này. 

The Alchemy

Không khó để phát hiện ra những hình ảnh ẩn dụ trong bài hát này, khi Taylor mượn yếu tố thể thao – cụ thể là bộ môn bóng bầu dục – để nói về mối tình nồng nhiệt của mình với Travis Kelce, cầu thủ bóng bầu dục của đội Chiefs, đặc biệt là qua câu hát: “Những anh chàng này đang làm ấm băng ghế dự bị/ Chúng ta đang trên đà chiến thắng” (These blokes warm the benches/we’ve been on winning streak). Vào mùa Thu năm 2023, Đội trưởng Travis Kelce đã thắng bốn trận liên tiếp, khiến nhiều người cho rằng Taylor Swift là “bùa may mắn” của anh. Bên cạnh đó, “bloke” là một thuật ngữ tiếng Anh chỉ những người đàn ông. Vì vậy, câu hát này có thể ám chỉ Joe và Matty như những người ngồi ghế dự bị, làm ấm băng ghế chờ Travis – người chiến thắng chiếm lấy trái tim của Taylor Swift. 

Sâu xa hơn những hình ảnh ẩn dụ về thể thao, The Alchemy còn đưa ra những so sánh tương đồng thú vị về các chất hóa học mà não bộ tiết ra khi chúng ta chơi thể thao và khi ta yêu ai đó. “Thật sự mà nói, chúng ta là ai mà có thể cưỡng lại thuật giả kim?” (Honestly, who are we to fight the alchemy?)

taylor swift trong album mới the tortured poets department
Ảnh: Rolling Stones

Clara Bow

Clara Bow là bài hát được đặt theo tên của nữ diễn viên nổi tiếng trong kỷ nguyên vàng son của màn bạc. Ca khúc là lời tâm sự của nữ ca sĩ về cuộc sống rực rỡ dưới ánh đèn sân khấu, khi cả thế giới tung hô cô là nữ ca sĩ có sức ảnh hưởng nhất thời đại này, tương tự với quá khứ lộng lẫy của Clara Bow và Stevie Nicks – cái tên được Taylor Swift nhắc đến trong bài hát.

Clara Bow cũng là những hồi tưởng của nữ ca sĩ khi nhìn lại cuộc đời gắn liền với ánh hào quang của mình. Câu hát: “Chẳng ai trong thị trấn bé nhỏ của tôi nghĩ rằng tôi sẽ tỏa sáng rạng rỡ dưới ánh đèn Manhattan” gợi nhớ đến những ca từ đầy cảm xúc trong ca khúc Welcome to New York trong album 1989. Ở đoạn gần cuối bài hát, Taylor Swift nhắc đến tên của chính mình (You look like Taylor Swift – Em trông giống Taylor Swift nhỉ), nhằm gắn hình ảnh của mình với những người phụ nữ đã từng rạng danh trong lĩnh vực nghệ thuật, thông qua đó Taylor Swift cũng gửi lời động viên đến các cô gái, đặc biệt là những nữ nghệ sĩ trẻ, hãy tự tin tỏa sáng với bản sắc của riêng mình như cách cô đã và đang thực hiện.

The Black Dog

Trong The Black Dog, Taylor Swift kể lại khoảnh khắc cô nhìn thấy người yêu cũ bước vào quán bar mà cả hai từng lui tới. Có thể, nữ ca sĩ đang nhắc đến Joe Alwyn bởi ở London – quê hương của nam diễn viên – có tồn tại một quán rượu với tên gọi The Black Dog Freehouse. 

How Did It End?

Nhiều người cho rằng đây là một ca khúc khác nhắc đến Joe Alwyn, nhưng trên thực tế, ca khúc này có thể nói về mọi mối quan hệ mà Taylor Swift đã từng trải qua, dưới sự chứng kiến của công chúng. Khi một cuộc tình kết thúc, như bao người, nữ ca sĩ phải đặt ra hàng vạn câu hỏi để tự vấn chính mình, trong khi đó, cô phải chịu những lời bàn tán của dư luận, những nghi vấn đổ dồn vào cô và hàng vạn lý do công chúng đặt ra để lý giải cho sự chấm dứt của mối tình mà Taylor vừa trải qua: “Chưa biết gì sao? Họ đã đường ai nấy đi rồi/ Một tiếng kêu sửng sốt và sau đó là câu hỏi/ Chuyện đó kết thúc như thế nào vậy?” (Didn’t you hear? / They called it all off / One gasp and then / How did it end?)

So High School

Với những giai điệu vui tươi gợi nhớ đến những bài hát thanh xuân trong album Fearless, So High School là ca khúc Taylor Swift viết về mối tình nồng nhiệt của cô với đội trưởng đội bóng bầu dục Chiefs – Travis Kelce, một mối tình khiến cô như trẻ lại và được quay về với những ngày tháng trung học hồn nhiên. Lời bài hát dí dỏm “Anh sẽ kết hôn với em, hôn em, hay sẽ kết liễu em?” (Are you gonna marry, kiss or kill me?) gợi nhắc đến thời điểm Travis Kelce thực hiện bài phỏng vấn vào năm 2016, khi anh được đặt câu hỏi tương tự, rằng trong ba nữ nghệ sĩ được nhắc tên (trong đó có Taylor Swift), anh sẽ đưa ra lựa chọn nào dành cho mỗi người. Lúc ấy, Travis đã trả lời rằng anh sẽ dành nụ hôn cho Taylor Swift.

Taylor Swift the Tortured Poets Department
Ảnh: X/Buzzing Pop

ThanK you aIMee

Nếu để ý kỹ cách Taylor Swift viết hoa các chữ cái trong tên bài hát ThanK you aIMee, không khó để bạn nhận ra cô đang ám chỉ ai trong ca khúc này. Ngoài những nuối tiếc về tình cảm và danh vọng, Taylor cũng không quên nhắc lại những kẻ đã từng gây tổn thương và khiến cô gần như tê liệt trong sự nghiệp. Mượn những hình ảnh mang hơi hướm học đường để đề cập trực tiếp đến đối tượng mà bất kỳ ai cũng đoán ra được, Taylor Swift muốn nhắn nhủ rằng sau bao tháng năm, cô đã trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết và không quên khiến đối phương phải ám ảnh về mình trong suốt phần đời còn lại. 

Cassandra

Trong thần thoại Hy Lạp, Cassandra là công chúa thành Troy, con gái vua Priam và hoàng hậu Hecuba. Với nhan sắc mỹ miều, nàng được nam thần Apollo ban tặng khả năng tiên tri phi phàm. Thế nhưng, vì cự tuyệt tình cảm của thần Apollo mà nàng bị giáng lời nguyền, rằng không còn ai trên thế gian tin bất cứ điều gì nàng tiên đoán. “Họ biết, họ biết, suốt thời gian qua họ đều biết/ Rằng tôi đã thật sự làm những gì… Vì vậy, họ phủ đầy phòng giam của tôi với rắn/ Giờ các người đã tin tôi chưa?” (They knew, they knew, they knew the whole time / That I was onto something… So, they filled my cell with snakes, I regret to say/ Do you believe me now?). Taylor Swift mượn hình ảnh nàng Cassandra đáng thương để cảm thán cho thân phận của mình, bởi trong quá khứ, trước những công kích từ dư luận và những mâu thuẫn trong giới giải trí, không ai tin thật sự tin rằng Taylor Swift trong sạch cho đến khi toàn bộ sự thật được phơi bày. 

Peter

Mượn hình ảnh cậu bé Peter Pan không bao giờ trưởng thành, trong ca khúc cùng tên, Taylor khắc họa một người đàn ông chẳng bao giờ chịu trưởng thành và cư xử đúng mực. Câu chuyện trong Peter xoay quanh một người tình cũ Taylor đã từng hẹn hò năm anh ta 25 tuổi, và cả hai đã cố gắng hàn gắn mối quan hệ với hy vọng đưa chuyện tình này đến một tương lai triển vọng hơn. Trong đó, câu hát “Anh nói rằng anh sẽ trưởng thành để rồi quay lại tìm em” (You said you were gonna grow up and then you’d come and find me) được lặp lại rất nhiều lần. Ca khúc này có thể là một bài hát nữa dành cho Matty Healy bởi 10 năm trước – thời điểm anh và Taylor Swift hẹn hò lần đầu – cũng là lúc anh bước vào độ tuổi 25.

The Manuscript

Với những giai điệu da diết, Manuscript là ca khúc Taylor Swift viết về những mối tình mà cô đã từng trải qua trong cuộc đời. Bài hát mô tả một tình yêu cuồng nhiệt (torrid affair) của một cô gái trẻ cùng một người đàn ông lớn hơn cô nhiều tuổi, kẻ đã lấy đi sự ngây thơ trong sáng của cô. Manuscript có nhiều yếu tố khiến người nghe dễ liên tưởng đến các bài hát trước đó của nữ ca sĩ như Would’ve, Could’ve, Should’ve, All Too WellI Knew You Were Trouble. Những ca khúc trên được cho là viết về John Mayer và Jake Gyllenhaal, những người đàn ông lớn hơn Taylor nhiều tuổi, và đều thể hiện khao khát được lấy lại thanh xuân và sự trong sáng mà nữ ca sĩ đã đánh mất trong những ngày tháng mà cô đã dành cho họ. 

Nhìn chung, The Tortured Poets Department không phải là một album dễ nghe, đặc biệt đối với người nghe không phải là fan hâm mộ của nữ ca sĩ Taylor Swift, khi phần lớn các bài hát trong album đều sử dụng những hình ảnh ẩn dụ cho những gì cô đã trải qua trong suốt hai năm đầy thăng trầm sau khi kết thúc mối tình 6 năm với Joe Alwyn. Album là sự tổng hòa của những mặt đối lập bên trong con người của Taylor Swift: mạnh mẽ nhưng dễ tổn thương, tỏa sáng rực rỡ nhưng đôi lúc cũng chán ghét chính mình, tự do nhưng đôi khi vẫn bị mắc kẹt bởi quá khứ đau thương… Những mâu thuẫn nội tại đôi khi khiến cô tuyệt vọng và gục ngã, nhưng suy cho cùng, chúng lại là những yếu tố khiến Taylor Swift hiện lên là một cô gái gần gũi, bình dị và không phải lúc nào cũng lộng lẫy dưới ánh hào quang của sân khấu. Có thể nói, Tortured Poets Department là một dấu chấm phẩy lặng thinh giữa đường kẻ của dòng đời đầy biến động mà giọng ca Anti-Hero đã sống và trải nghiệm trong suốt 2 năm qua.

Nhóm thực hiện

Ý Hoan

Tham khảo: Genius Lyrics, Vogue Australia, The New Yorker. 

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)