“CHÌA KHÓA – Ổ KHÓA”
Trong vài năm qua, trí tuệ nhân tạo (AI) luôn là tâm điểm tranh luận khi từng bước len lỏi vào đời sống thực. Bất kể tác động của nó là tích cực hay tiêu cực, không thể phủ nhận AI đang ngày càng ảnh hưởng sâu rộng đến lĩnh vực sáng tạo, văn hóa và giải trí. Nếu năm 2023, AI là nguyên nhân dẫn đến cuộc đình công kép của Hiệp hội Diễn viên và Biên kịch Mỹ, thì đến năm 2025, công nghệ này hứa hẹn sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc nâng cao trải nghiệm số của người dùng. Minh chứng rõ nét là nhiều nền tảng hiện nay đang ứng dụng thuật toán cá nhân hóa, giúp người dùng dễ dàng khám phá nội dung phù hợp với sở thích, tâm trạng và cảm xúc theo thời gian thực.

Trước đây, để một sản phẩm âm nhạc được nhiều người biết đến, điều kiện tiên quyết là phải có độ nhận diện đủ lớn. Ngày nay, nhờ sự hỗ trợ của những thuật toán học máy, các ca khúc có thể tìm đến đối tượng khán giả “lý tưởng” một cách chính xác hơn. Chính cơ chế hoạt động tương tự nguyên lý “chìa khóa – ổ khóa” này đã mở ra cơ hội cho nhiều nghệ sĩ không theo dòng chảy chính thống, giúp họ tiếp cận một thị trường “ngách” tiềm năng. Cụm từ “vốn kén khán giả” từng gắn liền với các nghệ sĩ độc lập, indie hay underground giờ đây dần mất đi ý nghĩa, nhường chỗ cho sự bứt phá mạnh mẽ của họ. Điều tưởng như bất khả thi vài năm trước – một nghệ sĩ có thể tự xây dựng cộng đồng khán giả riêng mà không phụ thuộc vào hệ thống sản xuất truyền thống – giờ đã trở thành hiện thực.
Không dừng lại ở việc thay đổi cách nghệ sĩ kết nối với công chúng, tính cá nhân hóa còn góp phần làm cho bức tranh âm nhạc trở nên đa sắc hơn bao giờ hết. Nếu thập niên trước, V-pop chủ yếu xoay quanh thế “tam trụ” của Pop, Ballad và nhạc điện tử, thì hiện tại, thị trường đang chứng kiến sự bùng nổ của một thế hệ nghệ sĩ Gen Z đầy sáng tạo, không chấp nhận đóng khung bản thân trong bất kỳ thể loại nào. Điều này thể hiện rõ trong sự đa dạng của các sản phẩm âm nhạc ngày nay: không chỉ có Rap/Hip-hop vươn lên mạnh mẽ, mà Rock cũng đang hồi sinh, Folktronica trở thành một xu hướng mới, bên cạnh đó là sự trỗi dậy của R&B, Soul, Jazz và nhiều dòng nhạc khác.
ÂM NHẠC DẦN NGẮN HƠN
Sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội cũng giúp nghệ sĩ tiếp cận khán giả nhanh chóng và gần gũi hơn, từ đó gia tăng mức độ kết nối và góp phần định hình nền văn hóa fandom ngày càng bền chặt. Khi lượng người hâm mộ trẻ trung, văn minh và cuồng nhiệt không ngừng mở rộng, vấn nạn nghe lậu, tải lậu cũng dần bị đẩy lùi. Bởi lẽ, để thể hiện sự ủng hộ dành cho thần tượng, người hâm mộ sẵn sàng hướng đến những phương thức hợp pháp, giúp bảo vệ quyền lợi của nghệ sĩ. Ở chiều ngược lại, khi nhận được sự yêu thương và trân trọng, nghệ sĩ càng có động lực để sáng tạo, nâng cao chất lượng tác phẩm, góp phần giúp nhạc Việt thêm rực rỡ và nâng tầm vị thế của ngành công nghiệp âm nhạc trên trường quốc tế.
Bên cạnh đó, mạng xã hội còn thúc đẩy một xu hướng đáng chú ý: sự lên ngôi của những ca khúc có thời lượng ngắn. Nếu trước đây, một bài hát dài khoảng 4 phút được xem là tiêu chuẩn “vàng” trong âm nhạc Việt, thì sự phổ biến của màn hình dọc và các nền tảng mạng xã hội đã khiến thời gian gây ấn tượng với khán giả giờ đây được tính bằng giây. Minh chứng rõ ràng là tại lễ trao giải Làn Sóng Xanh 2025, Phương Mỹ Chi, Tiêu Minh Phụng, Huỳnh Lập đã trình diễn một bản mash-up tổng hợp những xu hướng nổi bật trong năm và nhận được phản ứng bùng nổ từ khán giả. Điều này cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của mạng xã hội đối với âm nhạc. Đây cũng chính là bệ phóng giúp nhiều giọng ca mới như Vy Vy, Em Ellata… từng bước khẳng định tên tuổi.
Ở chiều ngược lại, để sản phẩm âm nhạc có thể trở nên viral, ê-kíp nghệ sĩ cũng phải tinh chọn những đoạn nhạc “đắt giá” nhất để tạo dance challenge hay các thử thách biến hình, nhằm thu hút thêm sự chú ý từ cộng đồng mạng. Theo báo cáo “Culture Next” từ Spotify, 76% Gen Z cho rằng các xu hướng mới thường gắn liền với những ca khúc có sức lan tỏa mạnh mẽ. Điều đó có nghĩa là thay vì cần đến 4 phút để thuyết phục người nghe, trong thời đại này, con số ấy rút ngắn chỉ còn 15 giây – đúng bằng khoảng thời gian trước khi người xem quyết định lướt qua. Sự thay đổi này cho thấy âm nhạc không còn bị bó hẹp trong “tháp ngà” mà đang hòa mình vào đời sống một cách sôi động và linh hoạt hơn bao giờ hết.
Xu hướng rút ngắn thời lượng bài hát cũng dẫn đến sự bùng nổ của những ca khúc được ví von là “âm nhạc dành cho người lười”, chỉ kéo dài từ 2 đến 3 phút. Không chỉ dừng lại ở các single, xu hướng này còn ảnh hưởng đến cách nghệ sĩ “đóng gói” âm nhạc của mình. Minh chứng là trong suốt năm qua, số lượng EP phát hành tăng mạnh, phản ánh một chiến lược tối ưu hóa vừa giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa mang lại lợi nhuận mà vẫn có thể kể trọn vẹn câu chuyện âm nhạc. Dù album dài vẫn được xem là cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của một ca sĩ, nhưng để thăm dò thị trường hoặc thử nghiệm những phong cách mới mà không chịu quá nhiều rủi ro, EP hay mini album đang là lựa chọn ưu thế hơn.
BÀI LIÊN QUAN
Âm nhạc của gen Z – Âm nhạc của tự do
TỪ GIAO THOA ĐẾN CỘNG HƯỞNG
Các ca khúc không chỉ ngày càng rút ngắn về mặt thời lượng mà còn vô cùng phong phú về mặt thể loại. Nếu thị trường năm 2024 đã mở ra những xu hướng mới thì trong năm nay, âm nhạc “không thể phân loại” sẽ ngày càng phổ biến. Đây là thời điểm mà ranh giới giữa các thể loại dần bị xóa nhòa – một bài hát không còn đơn thuần là Ballad, Rock hay R&B mà là sự hòa trộn của nhiều chất liệu khác nhau.
Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh, khi sản xuất album Nụ Cười cho Nguyên Thảo, đã chia sẻ: “Với tôi, trong âm nhạc ngày nay, tính thể loại thường được xoá nhòa. Thay vào đó là sự kết hợp nhiều thể loại để các nghệ sĩ có thể thỏa mãn sáng tạo của mình, bởi mục đích cuối cùng vẫn là mang đến trải nghiệm mới mẻ dành cho người nghe”. Chính vì vậy, trong đĩa nhạc này, ta có thể cảm nhận sự hòa quyện đầy thú vị giữa Pop, Rock, Funk, Soul, New Age và Chill-out – một sự kết hợp độc đáo và mới lạ.
Xu hướng pha trộn thể loại này cũng được thể hiện rõ qua các sản phẩm gần đây của Trúc Nhân, Wren Evans, Phùng Khánh Linh, NÂN… Sự kế thừa, sáng tạo và không ngừng làm mới chất liệu âm nhạc của họ đã tạo nên những màu sắc riêng biệt, phản ánh tinh thần “xóa ranh giới” trong âm nhạc đương đại. Đáng chú ý, không chỉ dừng lại ở việc kết hợp các yếu tố Tây phương, ngày càng nhiều nghệ sĩ tìm về những giá trị văn hóa bản địa, mang đến những cuộc “xuyên không” độc đáo bằng cách đưa cải lương, tuồng, chèo, hát xẩm, ả đào, hầu đồng, quan họ… vào không gian âm nhạc hiện đại. Không chỉ giới nghệ sĩ trẻ theo đuổi xu hướng này, mà ngay cả các chương trình truyền hình thực tế cũng tích cực khai thác, thu hút đông đảo khán giả và góp phần định hình một sắc thái riêng cho nhạc Việt.
Khi âm nhạc trở nên biến ảo và khó đoán hơn bao giờ hết, người nghe lại có xu hướng muốn lý giải và phản tư bản thân qua từng ca khúc. Họ không còn lắng nghe một bài hát đơn thuần vì giai điệu “catchy” hay vì MV đang “viral”, mà ngày càng quan tâm đến nội dung, thông điệp và cả bối cảnh ra đời của ca khúc. Xu hướng này có vẻ mới mẻ, nhưng thực chất chính là một sự hồi sinh của “concept album” – mô hình từng rất phổ biến và nay đang dần trở lại mạnh mẽ.
Với tất cả những chuyển động đã và đang diễn ra, có thể nói nhạc Việt 2025 đầy hứa hẹn khi được chắp cánh từ chính nền móng vững chắc mà nó đang sở hữu. Nếu nửa đầu thập niên 2020 đánh dấu sự xuất hiện của một thế hệ nghệ sĩ Gen Z đầy triển vọng, thì nửa còn lại chính là thời điểm họ chứng minh bản thân qua những sản phẩm âm nhạc hấp dẫn, táo bạo và không thể trộn lẫn.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Thuận Phát
Ảnh: Tư liệu