Niềm tin yêu gửi đến Sài Gòn trong câu hát
Nhiều người đã quen gọi Thành phố Hồ Chí Minh bằng hai tiếng “Sài Gòn” thân thương. Thời gian vừa qua, đại dịch COVID-19 đã bùng phát và diễn biến phức tạp trên mảnh đất này. Trong khi nhiều hoạt động phải tạm ngừng, cuộc sống người dân bị xáo trộn, nghệ thuật vẫn giữ vững sức sống để góp sức vào “cuộc chiến” chống dịch của thành phố.
Khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, lòng người cũng dễ xao động và hoang mang. Trong thời gian này, nhiều ca – nhạc sĩ đã phát hành những sản phẩm âm nhạc lấy cảm hứng từ quá trình phòng, chống dịch COVID-19 tại Sài Gòn.
Hầu hết các ca khúc đều tiếc nhớ những ngày Sài Gòn tươi vui, nhưng không phải để trách than. Các nghệ sĩ mong rằng những kỷ niệm đẹp ấy sẽ tạo được động lực để mọi người vững vàng chống dịch. Một ngày không xa trong tương lai, chúng ta sẽ lại được nhìn thấy một thành phố căng tràn sức sống. Thông qua sản phẩm âm nhạc, các nghệ sĩ cũng góp sức động viên tinh thần và củng cố niềm tin của người dân trong lúc khó khăn.
Sài Gòn ôm tôi
Sài Gòn ôm tôi là sáng tác mà nhà báo Hà Quang Minh dành tặng cho thành phố giữa những ngày chống dịch gian nan. Ca khúc được thể hiện qua chất giọng giàu cảm xúc của ca sĩ Phạm Anh Khoa trên nền bộ tranh Sài Gòn tử tế của họa sĩ Trần Trung Lĩnh.
Trong Sài Gòn ôm tôi, thành phố được khắc họa bằng những hành động giản dị, ấm áp của những con người dễ mến. Tấm lòng tử tế của Sài Gòn tựa như vòng tay lớn luôn sẵn sàng ấp ôm và xoa dịu bao nỗi buồn rầu. Trong thời gian thành phố phải gồng mình chống dịch, những vòng tay ấy vẫn mở rộng với nhau và vì nhau. Thông qua ca từ gần gũi, bài hát lan tỏa những điều tích cực, những lời động viên mọi người cùng nhau đưa thành phố bước qua đại dịch. Ngày hôm qua “Sài Gòn ôm tôi”, ngày hôm nay “tôi ôm Sài Gòn”.
Sài Gòn sẽ vui
Tình cờ đọc được bài thơ của nhà báo Nguyễn Đức Hiển về một Sài Gòn đang rã rời trong đại dịch, nhạc sĩ Trần Quang Sơn lập tức thấy lòng mình thổn thức. Từ lời thơ, anh hình dung ra giai điệu và gửi gắm vào đó niềm thương từ Hà Nội tới thành phố miền Nam.
Trong những ngày giãn cách, Sài Gòn không còn người xe tấp nập, không còn sự náo nhiệt ồn ào. Tưởng chừng thành phố chỉ còn lại sự tĩnh lặng và những nỗi niềm. Song, sau tất cả, ở mảnh đất này đây vẫn có những nỗ lực đêm ngày, vẫn có tấm lòng biết ơn dành cho đội ngũ cán bộ, vẫn có niềm hy vọng rằng “Sài Gòn đang ốm nhưng rồi sẽ vui”. Chỉ cần chúng ta bình tĩnh và chung tay cố gắng, niềm tin ấy chắc chắn sẽ thành sự thật vào một ngày không xa.
Sài Gòn, hẹn một ngày sớm thôi
Sài Gòn, hẹn một ngày sớm thôi là ca khúc được SMELOD tự mình sáng tác và thể hiện. Tác giả lựa chọn thể loại ballad giàu cảm xúc. Giai điệu êm ái vang lên vừa như tâm tình, vừa như vỗ về.
Sài Gòn đối với SMELOD là nơi đầy ắp tình người, là nơi những vòng tay luôn sẵn sàng mở rộng với nhau. Trong những ngày thành phố trĩu nặng, lòng người lo âu, tình yêu thương và bao dung ở nơi đây vẫn không mất đi. Mọi người vẫn sẻ chia cùng nhau từng niềm vui nỗi buồn, từng cử chỉ tử tế nhỏ bé. Nhờ những điều ấy, SMELOD tin rằng một ngày sớm thôi, mọi thứ sẽ ổn, chúng ta lại thảnh thơi và lại được gặp gỡ chuyện trò.
Sài Gòn cố gắng lên
Sài Gòn cố gắng lên là món quà tinh thần mà Dee Trần muốn gửi đến Sài Gòn. Bài hát mở đầu với hình ảnh phố phường quạnh vắng và sự âu lo hiện rõ trên gương mặt mỗi người dân. Nhưng những câu hát tiếp theo là lời nguyện cầu bình an dành cho thành phố. Qua bài hát, Dee Trần cũng muốn gửi lời động viên đến người dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung. Dù phải đối mặt với cách xa và đau buồn, Dee vẫn tin dịch bệnh sẽ mau chóng qua đi, cuộc sống sẽ trở lại bình thường và niềm vui sẽ quay về với chúng ta.
Sài Gòn ơi! Xin lỗi, cảm ơn
Khắc Việt chia sẻ anh sáng tác bài hát này để tri ân Sài Gòn – nơi anh thành công trong sự nghiệp. Anh chọn cái tên Sài Gòn ơi! Xin lỗi, cảm ơn vì với anh, hai từ “xin lỗi” và “cảm ơn” chính là đặc trưng của những con người nơi đây.
Khắc Việt đã viết nên ca khúc này bằng tình yêu anh dành cho thành phố. Anh yêu những điều giản đơn và thân thuộc, ví dụ những con đường có hàng cây dài, những cơn mưa chợt đến chợt đi, những đêm vỉa hè đông người, tiếng rao hàng rong và ly cà phê buổi sáng. Thành phố Hồ Chí Minh trong tim anh, và trong tim chúng ta, thật gần gũi và thân thương. Khắc Việt cũng mong bài hát này có thể lan tỏa năng lượng tích cực, tiếp thêm sức mạnh tinh thần giúp mọi người vượt qua đại dịch.
Cố lên Sài Gòn
Cố lên Sài Gòn được nhạc sĩ Nguyễn Hoài Anh sáng tác vào thời điểm dịch bệnh bùng phát trở lại trên địa bàn thành phố. Đây là nơi đong đầy kỷ niệm và chan chứa tình yêu thương của bao người, nhưng giờ lại buồn tênh và mệt mỏi. Thông qua giai điệu nhẹ nhàng như xoa dịu tâm hồn, cùng với ca từ đầy tính động viên và hy vọng, Nguyễn Hoài Anh mong rằng nguồn năng lượng phấn khởi sẽ được truyền đến mọi người. Với sự góp giọng của 7 nghệ sĩ, Cố lên Sài Gòn vừa là lời động viên thành phố vượt qua thời điểm khó khăn, vừa là lời cảm ơn dành cho những hy sinh thầm lặng.
Sống như tia nắng mặt trời
Với mong muốn gửi gắm thông điệp tích cực và cổ vũ tinh thần những người dân Sài Gòn trong thời điểm dịch bệnh, hơn 20 nghệ sĩ trong và ngoài nước đã hòa ca trong sáng tác mới của nhạc sĩ Đình Bảo. Nhạc sĩ hiện đang sinh sống tại Mỹ. Anh nhớ về Sài Gòn như một phần thiêng liêng, đẹp đẽ của tuổi thơ – nơi đã nuôi nấng anh với tình yêu thương con người. Đình Bảo tin rằng tình yêu có khả năng lan tỏa nhanh chóng nhất, có sức mạnh vực dậy tinh thần. Vì vậy, bài hát của anh động viên chúng ta “sống như tia nắng mặt trời” để lan truyền sự ấm áp, lòng nhiệt thành và niềm hy vọng đến muôn nơi, đặc biệt là Sài Gòn trong lúc này.
Bài: Phương Uyên
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE