Gen Z – Thế hệ Z, là cụm từ để nói đến những người trẻ sinh ra trong khoảng từ giữa những năm 1990 đến giữa những năm 2000 (theo Wikipedia). Đó là thế hệ lớn lên trong thế giới trực tuyến và có cơ hội tiếp xúc với công nghệ ngay từ nhỏ. Viết về Gen Z, tờ báo có trụ sở ở Washington – The Hill đã miêu tả rằng đây chính là thế hệ tự do nhất từ trước đến nay. Lời miêu tả này có thể đúng, hoặc chưa chính xác, nhưng với riêng âm nhạc thì tương đối chuẩn. Không khó để nhận thấy Gen Z trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đều hoàn toàn tự do với những lựa chọn của mình trong âm nhạc.
Nhạc nào cũng nhảy
Rất khác so với thanh xuân của những thế hệ trước, vốn chỉ quanh đi quẩn lại có hai “món” pop và rock, thực đơn âm nhạc của Gen Z phong phú hơn rất nhiều. Sẽ là không hề quá khi khẳng định rằng thế hệ “lướt chạm” có thể nghe bất cứ thể loại âm thanh nào có… giai điệu và ca từ. Theo một nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí uy tín Forbes cách đây không lâu, hơn 97% thanh thiếu niên được hỏi cho biết họ thường xuyên nghe ít nhất 5 thể loại âm nhạc khác nhau. Điều này cho thấy rõ gu âm nhạc phong phú của Gen Z. Dù cho đây là một nghiên cứu được thực hiện tại Mỹ, nhưng kết quả này có lẽ cũng không khác mấy so với Việt Nam. Mở đầu bằng những giai điệu sôi động của Kpop, rồi tiếp tục giữ nhiệt bằng một ca khúc Urban Hiphop đậm chất Âu Mỹ, và sau đó tạm lắng đọng lại với một bản ballad Vpop ăn khách, đó là một playlist hết sức bình thường của bất kỳ Gen Z Việt nào.
Tất nhiên, giữa một rừng các thể loại âm nhạc, vẫn có những “dòng nhạc” được ưa thích hơn cả. Và EDM, ballad cùng với “làn sóng ngầm” underground chính là những xu hướng âm nhạc thịnh hành nhất hiện nay. Quả thực, dù thế giới âm nhạc có biến động thế nào đi chăng nữa thì ballad, với giai điệu nịnh tai cùng lời ca như rót mật vẫn luôn chiếm được cảm tình của giới trẻ. Trong khi đó, với lối thể hiện phá cách cùng tư duy âm nhạc mới mẻ, underground cũng đang dần chinh phục đông đảo Gen Z. Còn EDM, dù đã hạ nhiệt so với vài năm trước, nhưng với một thế hệ ưa tiệc tùng, dòng nhạc này vẫn luôn có một chỗ đứng nhất định.
Bên cạnh bộ ba kể trên, Gen Z Việt còn nghe không thiếu một loại nhạc nào, từ Tây sang Đông, từ hiện đại đến truyền thống. Còn nhớ cách đây không lâu, khi Jang Mi, cô ca sĩ đại diện cho Gen Z đời đầu, xuất hiện với những bản bolero siêu ngọt, đã có không ít bạn trẻ tìm về với những ca khúc có tuổi đời hơn chính họ gấp nhiều lần. Ngay cả dòng âm nhạc khai thác chất liệu dân tộc, từng không được giới trẻ quan tâm nhiều đến nay cũng đang có sức sống riêng. Từ Tình yêu màu nắng cho đến Lạc trôi, dòng âm nhạc này không chỉ được đón nhận bởi người nghe mà còn trở thành một chất liệu đặc biệt cho giới làm nhạc trẻ.
BÀI LIÊN QUAN
Nội dung tự do, ca từ phóng khoáng
Là một thế hệ toàn cầu hóa nên Gen Z cũng có một “vị giác” âm nhạc hết sức… toàn cầu. Không bị bó buộc trong bất cứ một khuôn khổ nào, họ đón nhận một cách cởi mở tất cả những luồng nội dung, tư tưởng được gửi gắm trong 7 nốt nhạc. Với riêng các Gen Z Việt, những ca khúc lạc quan, yêu đời, truyền cảm hứng và giàu năng lượng đang ngày càng được yêu thích không kém những bản nhạc tình. Không phải ngẫu nhiên mà những nghệ sĩ trẻ như Đen Vâu, Tiên Tiên hay tam ca PKL ngày càng sở hữu nhiều fan hâm mộ dù họ không có nhiều hoạt động bề nổi, cũng chẳng chen chân vào showbiz.
Đen Vâu đến với rap từ lâu, nhưng phải đến khi Đưa nhau đi trốn làm mưa làm gió trên các bảng xếp hạng âm nhạc, anh chàng có vóc dáng dong dỏng cao cùng lối trình bày vô cùng đặc trưng này mới được giới trẻ chú ý. Cũng kể từ đó, hàng loạt những ca khúc kêu gọi sự xê dịch, đề cao sự trải nghiệm, tôn vinh tinh thần tự do của Đen và nhiều nghệ sĩ khác dần trở thành kim chỉ nam trong cuộc sống của không ít các thính giả trẻ. Có thể kể đến Đi thật xa để trở về của Soobin, Vì tôi còn sống của Tiên Tiên, Đời là đi của Da LAB hay Đi theo bóng mặt trời của Đen…
Không chỉ tự do về nội dung, âm nhạc của Gen Z còn vô cùng phóng khoáng về ca từ. Dù cho vẫn luôn mê đắm với những lời hát bay bổng, đậm chất thơ, thế nhưng các Gen Z cũng rất thoải mái với những ca từ mộc mạc, gần gũi với cuộc sống. Có lẽ, không ai có thể tưởng tượng được đến một ngày người ta lại có thể vô tư hát về “tao” và “mày”. Vậy mà giờ đây, cặp đại từ nhân xưng vốn chỉ được dùng trong văn nói lại xuất hiện trong không ít các ca khúc được yêu thích. Và nếu như được ra đời cách đây chừng chục năm, chắc chắn Người âm phủ đã bị coi là một thảm họa âm nhạc.
Vô vàn trải nghiệm âm nhạc
Gen X nghe nhạc bằng những chiếc băng cassette, Gen Y đắm trong mình giai điệu nhờ những chiếc đĩa CD, còn Gen Z trải nghiệm âm nhạc bằng… tất cả những gì mình có. Tất nhiên, sinh ra và lớn lên trong kỷ nguyên số nên phần lớn Gen Z gắn bó với nhạc số. Thế nhưng, vẫn có không ít bạn trẻ có sở thích tìm mua băng đĩa nhạc cũ, rồi thưởng thức thứ âm nhạc vật lý cũ kỹ ấy bằng những thiết bị được thừa hưởng lại từ cha ông mình. Cá biệt, còn có cả những Gen Z dân chơi đam mê với những chiếc đĩa than được sản xuất cách đây nhiều thập kỷ.
Ngược lại với trào lưu “hoài cổ” là các Gen Z có xu hướng cập nhật công nghệ. Trung thành với nhạc số, nhưng họ chọn nghe ở định dạng lossless, vốn có chất lượng cao hơn rất nhiều so với các file nhạc MP3 thông thường. Tuy nhiên, để tìm được những nguồn nhạc lossless ưng ý không hề đơn giản, nên đây cũng là một cuộc chơi tốn kém, nhiều công sức và thời gian.
Đó là câu chuyện của bản thu, còn nghe nhạc sống thì sao? Câu trả lời vẫn là vô vàn lựa chọn. Không liveshow thì minishow, không trong nước thì ngoài nước, không phòng trà thì cà phê “hát cho nhau nghe”, thậm chí hằng năm còn có các festival âm nhạc được tổ chức đều đặn mỗi mùa, quá đủ để Gen Z “quẩy” qua ngày đoạn tháng. Đặc biệt, với sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của công nghệ, Gen Z hứa hẹn sẽ còn có những trải nghiệm âm nhạc mới mẻ và không kém phần thú vị trong tương lai. Biết đâu một ngày nào đó, thế hệ “tự do” này sẽ có cơ hội được thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc trên… mặt trăng chẳng hạn.
—
Xem thêm
Music video âm nhạc trong năm 2018, động lực nào tạo ra sự bùng nổ?
Nhìn lại những thành tựu âm nhạc nổi bật của sao quốc tế trong năm 2018
Nhóm thực hiện
Bài: Linh Phạm Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE