Văn hóa / Thế giới văn hóa

Âm nhạc K-pop và hành trình chinh phục thế giới

Cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye từng tuyên bố trong bài phát biểu nhậm chức năm 2013 rằng, vào thế kỷ 21, văn hóa là quyền lực. Điều đó đã được chứng minh qua sức ảnh hưởng toàn cầu của văn hóa K-pop trong bối cảnh hiện nay.

Từ giữa những năm 2000, làn sóng Hallyu bùng nổ ở Đông Á khiến K-pop trở thành một trong những thị trường âm nhạc phát triển nhanh nhất thế giới. 2010-2019 là thập kỷ huy hoàng của Hallyu khi rất nhiều nghệ sĩ gen 2 mở đường ra thị trường phương Tây khó tính, tiêu biểu như Girl’s Generation, Big Bang, DBSK, Wonder Girls, PSY, BoA… Tuy nhiên, chỉ tới 3 năm trở lại đây, các nhóm nhạc gen 3 như BTS, Blackpink, NCT 127, EXO, Red Velvet, TWICE… mới thể hiện tầm ảnh hưởng quốc tế rõ ràng hơn với những bước đột phá thần tốc. Với hướng đi Mỹ tiến, K-pop được xem là mũi nhọn “xuất khẩu văn hóa” của Hàn Quốc với giá trị ròng lên tới 5 tỷ đô la và dự kiến sẽ tiếp tục tạo ra hàng chục tỷ đô la cho xứ sở kim chi trong những năm tới.

Những con số đáng kinh ngạc

Ngày 26/6/2020, Blackpink chính thức ghi được 5 kỷ lục Guinness thế giới với MV How You Like That, gồm “Video YouTube có số lượt xem cao nhất trong 24 giờ”, “MV có lượng người xem cao nhất trong 24 giờ”, “MV có lượng người xem cao nhất trong 24 giờ của nhóm nhạc K-pop” với 86,3 triệu view, “Video công chiếu được xem nhiều nhất trên YouTube” và “MV công chiếu được xem nhiều nhất trên YouTube” với 16,6 triệu lượt xem trực tuyến. Thành tích này khiến trang chủ giải Grammy của Mỹ ca ngợi Blackpink là “hiện tượng K-pop mới và đình đám nhất”. Trước đó, chủ nhân của 3 kỷ lục đầu tiên là nhóm nhạc Hàn Quốc BTS với MV Boy With Luv ft. Halsey, phát hành tháng 4/2019.

âm nhạc nhóm BlackPink
Concept tạo hình của Blackpink trong MV How you like that.

Blackpink cũng đang giữ 2 kỷ lục Guinness khác là “Nhóm nhạc có nhiều lượt đăng ký theo dõi trên YouTube nhất” và “Nhóm nhạc nữ có nhiều lượt đăng ký theo dõi trên Spotify nhất”. Tính đến 12h ngày 15/8/2020, lượng người đăng ký kênh YouTube của 4 cô gái nhà YG đã vượt ngưỡng 43,9 triệu, vượt qua cả Taylor Swift (39,4 triệu) và Ariana Grande (42,6 triệu), trở thành nghệ sĩ nữ có lượt subscribers cao nhất thế giới; đồng thời lọt top 5 nghệ sĩ có lượt subscribers cao nhất, chỉ sau Justin Bieber, Marshmello, Ed Sheeran và Eminem.

Với ca khúc How You Like That, Blackpink đã chiếm lĩnh ngôi vương các bảng xếp hạng (BXH) nhạc số chủ chốt tại Hàn Quốc suốt 8 ngày liên tiếp, hạ cánh ở vị trí thứ 2 trên BXH Global Top 50 của Spotify – dịch vụ streaming nhạc số lớn nhất thế giới, dẫn đầu BXH iTunes tại 64 quốc gia trong đó có Mỹ và lọt top 40 Billboard Hot 100. Với chiến thắng áp đảo của đĩa đơn mở đường, album phòng thu đầu tay của nhóm ra mắt ngày 2/10/2020 sắp tới được dự đoán sẽ còn gây nên nhiều “cơn địa chấn”, đặc biệt là khi mới đây, thông tin Selena Gomez sẽ góp giọng trong ca khúc phát hành ngày 28/8 đang khiến fan hâm mộ và giới mộ điệu “sôi sục”. Trước đó, Blackpink cũng là đại diện đầu tiên của K-pop biểu diễn tại Coachella 2019 – đại hội âm nhạc lớn nhất hành tinh, chứng minh thực lực “không phải dạng vừa” khi biểu diễn 13 bài liên tục suốt 1 giờ đồng hồ và nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của người hâm mộ quốc tế.

âm nhạc của Blackpink tại Coachella
Blackpink là đại diện đầu tiên của K-pop biểu diễn tại Coachella 2019

Nếu Blackpink là đại diện nữ tiêu biểu cho sức công phá của K-pop trên thị trường âm nhạc thế giới thì BTS là nhóm nhạc nam không thể không nhắc đến với vô số kỷ lục làm tốn rất nhiều giấy mực của giới truyền thông trong 3 năm trở lại đây. Tính đến ngày 14/7, full album vol.4 Map of the Soul: 7 phát hành ngày 21/2 của BTS đã duy trì thứ hạng cao trong 20 tuần liên tiếp kể từ lần đầu tiên lọt vào BXH Billboard 200. Ngoài ra, Map Of The Soul: 7 còn đạt No.1 BXH World Albums, No.6 BXH Independent Albums, No.7 BXH Top Current Album Sales, No.8 BXH Top Album Sales, No.8 BXH Tastemaker Albums. Đây cũng là album của một nhóm nhạc có doanh số mở màn cao nhất trong bốn năm qua tại Mỹ (422.000 bản) kể từ sau Made in the A.M (459.000 bản) của One Direction cuối năm 2015.

âm nhạc BTS xuất hiện trong show The Tonight Show Starring Jimmy Fallon
BTS xuất hiện trong The Tonight Show Starring Jimmy Fallon

Tên tuổi của BTS không còn xa lạ tại Mỹ và các quốc gia châu Âu khi là nhóm nhạc Hàn Quốc đầu tiên biểu diễn và giành giải thưởng tại Billboard Music Awards 2017 và 2018, American Music Awards 2017 và Grammy Awards 2019; là nghệ sĩ châu Á duy nhất được tạp chí Time (Mỹ) đưa vào danh sách 100 người ảnh hưởng nhất thế giới; nhóm nhạc K-pop đầu tiên nhận được chứng nhận vàng của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Hoa Kỳ (RIAA)…

Dù là nhóm nhạc gen 3 nhưng những thành tích “kể mãi không hết” của BTS được xem như tường thành vững chãi và thuộc dạng đáng gờm nhất nhì K-biz.

âm nhạc Hàn Quốc được phổ biến rộng rãi với BTS
BTS được xem là hiện tượng toàn cầu, góp phần phổ biến rộng rãi âm nhạc Hàn Quốc

Không chỉ có BTS và Blackpink, rất nhiều nhóm nhạc Hàn Quốc đang dần Mỹ tiến và tăng độ nhận diện trên phạm vi quốc tế như NCT 127, EXO, Monstar X, Stray Kids, Red Velvet, Twice, IZ*ONE… Việc nhóm nhạc Hàn Quốc biểu diễn tại The Tonight Show Starring Jimmy Fallon ngay sau khi ra mắt MV đã trở thành chuyện hết sức bình thường. Nghệ sĩ Hàn Quốc cũng tích cực tham gia các chương trình âm nhạc, radio, TV shows, lễ trao giải tại Mỹ cũng như chăm chỉ tổ chức tour lưu diễn vòng quanh thế giới.

âm nhạc SuperM trên show Ellen Show
Nhóm nhạc SuperM tham gia The Ellen DeGeneres Show

Bên cạnh đó, âm nhạc và tài năng của nghệ sĩ K-pop dường như đã được các nghệ sĩ quốc tế công nhận, bằng chứng là rất nhiều dự án hợp tác đã ra đời như BTS x Steve Aoki, BTS x Halsey, BTS x Lauv, Blackpink x Dua Lipa, Blackpink x Lady Gaga, NCT127 x Ava Max, Lay (EXO) x Alan Walker, Super Junior x Leslie Grace, Super Junior x Reik… Thậm chí, SM Entertainment còn thể hiện tham vọng rõ ràng với việc thành lập SuperM – nhóm nhạc “siêu tân binh” kết hợp 7 thành viên tinh hoa trong các nhóm nhạc nam đình đám – và debut tại Mỹ. Nhóm đã có màn “chào sân” ấn tượng trong The Ellen DeGeneres Show và trở thành nhóm nhạc K-pop thứ 2 sau BTS đạt vị trí No.1 trong BXH Artist 100 của Billboard.

âm nhạc nhóm NCT127
NCT 127 lọt vào BXH album chính của Billboard 4 tuần liên tiếp với full album vol.2 repackage NCT #127 Neo Zone: The Final Round.

Bước tiến tất yếu cho ngành công nghiệp âm nhạc hàn quốc

Năm 2016, sự không hài lòng của Trung Quốc trước việc chính phủ Hàn Quốc để Hoa Kỳ triển khai hệ thống tên lửa phòng thủ THAAD đã khiến nước này cấm làn sóng Hallyu và nội dung văn hóa K-pop. Trớ trêu thay, đó lại là cú hích để các công ty đào tạo nghệ sĩ Hàn Quốc chuyển hướng sang thị trường Âu-Mỹ. Kết quả là, trong 3 năm qua, mức tiêu thụ âm nhạc Hàn Quốc tại Mỹ đã tăng gấp đôi, theo Nielsen Music. Spotify báo cáo rằng tỷ lệ nghe nhạc K-pop tại Hoa Kỳ đã tăng khoảng 65% mỗi năm kể từ năm 2015 và Apple Music là 86% trong khoảng 2017- 2018. Năm 2018, đài K-pop Girl Groups của Pandora Music đã tăng hơn 182% số lượt nghe hằng năm, trong khi đài K-pop Boy Bands tăng 90%.

âm nhạc nhóm SuperM tại Mỹ
Nhóm nhạc SuperM ra mắt tại Mỹ.
âm nhạc nhóm Red Velvet
Nhóm nhạc Red Velvet từng tổ chức tour diễn thành công tại Mỹ.

Đây có thể xem là bước đi khôn ngoan của các công ty âm nhạc Hàn Quốc. Về mặt kinh tế, Âu-Mỹ là thị trường rộng lớn, có sức tiêu thụ tiềm năng và đảm bảo nguồn thu ngoại tệ cao. Về mặt văn hóa, việc xâm lấn thành công và trở thành “đối trọng” của dòng nhạc mainstream US-UK khiến âm nhạc K-pop khẳng định được chất lượng, tạo nên tầm ảnh hưởng có quy mô toàn cầu và phổ biến rộng rãi đến những vùng văn hóa tiệm cận.

Sức mạnh mềm của âm nhạc K-pop trong chính sách đối ngoại được chứng minh bằng màn trình diễn của CL và EXO trong lễ bế mạc Thế vận hội Olympic mùa Đông ở Pyeongchang năm 2018, bài phát biểu của BTS tại Liên Hợp Quốc hay cựu tổng thống Mỹ Barack Obama từng nhắc đến SHINee trong bài phát biểu tại Hội nghị Lãnh đạo châu Á năm 2017. Tại sao tổng thống đương nhiệm Moon Jae In lại mời EXO gặp Donald Trump trong chuyến thăm Hàn Quốc hay để Red Velvet biểu diễn cho Kim Jong Un tại Panmunjom?

Rõ ràng, đối với tổng thống Hàn Quốc, K-pop là biểu tượng của thiện chí hòa bình và là công cụ để tăng cường quan hệ ngoại giao. Mục đích này khiến ngành công nghiệp âm nhạc được đầu tư xứng đáng và định hướng phát triển rõ ràng hơn.

âm nhạc nhóm BTS
BTS ủng hộ chiến dịch #ENDviolence và phát biểu tại Liên Hiệp Quốc.

Không phải tự nhiên mà K-pop lại được đón nhận nồng nhiệt tại Mỹ. Trở lại Hàn Quốc thế kỷ 19, nhà truyền giáo phương Tây tên Henry Appenzeller đã giới thiệu các bài hát dân gian của Anh và Hoa Kỳ với lời bài hát được dịch sang tiếng Hàn cho người dân địa phương. Trong những năm hậu chiến tranh, nhạc pop Mỹ trở nên quen thuộc với người Hàn Quốc thông qua các lực lượng Hoa Kỳ đóng quân ở miền Nam mới được giải phóng. Nhu cầu về âm nhạc đã tạo ra một nguyên mẫu dựa trên nhạc pop phương Tây được biểu diễn bởi các nghệ sĩ Hàn Quốc với nội dung địa phương. Năm 1992, nhóm nhạc nam Seo Taeji and Boys đã tạo ra một thể loại nhạc độc đáo: pha trộn lời bài hát Hàn Quốc, Euro pop, Hip Hop và Rap của người Mỹ gốc Phi cùng một điệu nhảy đồng bộ. Đây được xem là hạt giống đầu tiên của cuộc cách mạng văn hóa K-pop sau này.

Với lịch sử phát triển như thế, không có gì khó hiểu khi trong cội rễ nhạc pop Hàn Quốc đã ngấm ngầm dòng chảy của pop Mỹ. Tiết tấu nhanh, giai điệu tươi vui, tích cực và lồng ghép các yếu tố văn hóa truyền thống đã trở thành đặc trưng của nhạc K-pop, đến mức Leslie Whittle, giám đốc chương trình phát thanh Houston’s KRBE phải nhận xét rằng “âm nhạc của Fake Love (BTS) hay đến mức bạn có thể nghe và thích nó mà thậm chí không cần quan tâm đến lời bài hát”.

Nhóm thực hiện

Bài: Đông Quân Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)