MỐI LIÊN HỆ ĐỘC ĐÁO
Khi Richie Hawtin bắt đầu làm DJ cho các buổi trình diễn thời trang vào đầu những năm 2000, anh không thực sự cảm thấy âm nhạc có thể cộng hưởng được với thời trang. Tuy nhiên, chỉ trong năm nay, anh đã đảm nhận phần nhạc cho 4 show diễn của Prada. Hawtin nói với Vogue: “Âm nhạc là cách để làm cho nội dung, ý tưởng hoặc thẩm mỹ của các BST trở nên mạnh mẽ hơn”.
Thiết kế một buổi trình diễn thời trang không đơn thuần chỉ là sự phối hợp trang phục của NTK, người mẫu và không gian sàn diễn, mà còn tạo ra được bầu không khí của buổi trình diễn, từ đó tôn lên vẻ đẹp của BST. Điều này cần đến bối cảnh, ánh sáng cũng như yếu tố vô cùng quan trọng – âm thanh.
Với BST Thu – Đông 2022 của nhà mốt Thom Browne, ta có thể thấy chủ đề Teddy Talk được thể hiện xuyên suốt. Đó là khung cảnh sắp đặt với 500 chú gấu bông mặc đồng phục trên dãy ghế xám, cùng những thiết kế đậm chất Anh trong những giai điệu của nhạc cổ điển. Ứng với mong muốn “mang lại nụ cười trên khuôn mặt người”, bên cạnh các chi tiết gợi nhớ đến những bộ phim tuổi thơ như Nàng tiên cá, Chuột Mickey… âm nhạc xoáy vào dàn dây cùng với bộ hơi (flute) họa nên không khí một mùa Đông lạnh, phù hợp với câu chuyện chung của buổi trình diễn. Xen kẽ các âm thoa của bộ gõ, những giai điệu này gợi nhớ đến nhà soạn nhạc Brahms cùng những khúc ru thời thơ ấu. Có thể thấy rằng, đây là show diễn không chỉ thỏa mãn ở phần nhìn mà còn đong đầy cảm xúc được khơi gợi lại thông qua âm nhạc, cảnh quan và ánh sáng.
Trở thành giám đốc âm nhạc của nhà mốt Louis Vuitton từ năm 2019, DJ và nhà sản xuất Benji B cho rằng “nhạc nền hay nhất là thứ âm thanh hỗ trợ và nâng tầm BST”. Anh cũng nói thêm: “Trong thời đại phát trực tuyến, khán giả không thực sự cần phải đến xem show. Do đó, trải nghiệm nghe – nhìn càng quan trọng hơn”.
Steven Victor, người đứng sau phần âm thanh của Kenzo, cho biết: “Trong 30 năm qua, âm nhạc và thời trang đã phát triển thành một mối quan hệ thực sự. Chúng không chỉ là hai loại hình nghệ thuật có liên quan đến nhau”. Mối quan hệ ấy không còn duy trì ở vai trò chính – phụ, khi mà âm nhạc chỉ được xem như “phông nền” và tạo nhịp điệu cho những bước đi của người mẫu. Gần đây, sàn diễn còn là nơi giới thiệu các bài hát mới, như trường hợp Em Muốn của Tia Hải Châu bỗng dưng “nổi tiếng” vì được sử dụng trong buổi trình diễn Coco Yêu dấu của NTK Công Trí vào năm 2018. Hay chính Steven Victor cũng đã giới thiệu album của mình ngay tại buổi ra mắt BST Thu – Đông 2022 của Kenzo. Anh không phủ nhận những buổi trình diễn là cơ hội tốt để quảng bá đĩa nhạc. Giờ đây, sàn diễn thời trang đôi khi còn là “bệ phóng” cho các nghệ sĩ.
BURBERRY – NHÀ MỐT TIÊN PHONG CHO ÂM NHẠC TIẾN VÀO THỜI TRANG
Nói đến những người tiên phong trong việc nâng tầm vai trò của âm nhạc trên sàn diễn thời trang, không thể không nhắc đến cựu Giám đốc sáng tạo Christopher Bailey của nhà mốt Burberry đến từ Anh quốc. Có thể nói từ trước cho đến sau này, chưa ai có cách tiếp cận âm nhạc cùng với thời trang độc đáo như Bailey. Trong các show diễn trải dài từ 2012 đến 2015, anh đã mời những “viên ngọc sáng” của âm nhạc Anh quốc để họ trình diễn song song với các người mẫu, từ đó tạo ra một cách tiếp cận “đa giác quan” vô cùng khác biệt.
Đó là hiệu ứng mà Paloma Faith đã tạo ra cùng bản hit Only love can hurt like this trong BST Thu – Đông 2014-2015 của Burberry. Bài hát “tan vỡ” của Paloma được thể hiện trên nền piano cùng những người mẫu bước đi thanh lịch, gợi lên cảm xúc thời hậu chia tay trong bầu trời London lạnh lẽo. Cũng trong năm đó, Rhodes, George Ezra, và những năm sau, Tom Odell, Benjamin Clementine, James Bay… là những ngôi sao đã tỏa sáng trong các đêm diễn của Burberry.
Ngoài việc giới thiệu những gương mặt mới, nhà mốt đến từ Anh quốc còn thực hiện chuỗi chương trình Burberry Acoustic trên nền tảng YouTube với mong muốn giới thiệu các nghệ sĩ người Anh tài năng. Người xem có thể vừa chiêm ngưỡng những BST của Burberry được các nghệ sĩ khoác lên mình, vừa có cơ hội khám phá những gương mặt mới như Billie Marten, Rae Morris… – những cái tên vô cùng thành công sau này.
Chiến dịch của Burberry đã tạo “nền móng” cho các thương hiệu khác noi theo. Bằng cách thu hút nhóm khách hàng trẻ cũng như những người yêu thích âm nhạc làm việc trong ngành sáng tạo, giờ đây, không chỉ trên sàn runway, mối liên quan của âm nhạc và thời trang ngày càng mở rộng hơn nữa.
BÀI LIÊN QUAN
ÂM NHẠC, THỜI TRANG VÀ SỰ TỰ DO
Không hẹn mà gặp, năm nay, rất nhiều nhà mốt đều lấy cảm hứng cho BST của mình từ quá khứ. Nếu thương hiệu Dior gợi nhớ thời kỳ đỉnh cao của nền công nghiệp thời trang thập niên 60 trong BST Xuân – Hè 2022 bằng một sân khấu được bài trí như một “trò chơi” vô cùng ấn tượng thì BST Thu – Đông của Burberry lại mang đến một “sự hỗn loạn” thật sự.
Ở Tuần lễ Thời trang Paris vừa qua, show diễn của Burberry đã xóa nhòa mọi ranh giới. Không có ghế ngồi, không có sàn diễn, không có sự phân cấp hàng ghế, không cần khẩu trang hay khoảng cách… mọi người đứng bên cạnh nhau, cùng nhìn ngắm các người mẫu diện những thiết kế mới nhất bước qua bàn ăn với khăn trải bàn và bộ dao nĩa. Âm nhạc cổ điển với những giai điệu kịch tính được phát xuyên suốt chương trình, gợi nên cảm giác chất chứa, có phần đè nén và hỗn loạn. Ánh sáng tập trung và có độ tương phản mạnh, kết hợp với âm nhạc có phần cao trào, đã tạo nên một show diễn độc nhất và đầy ấn tượng.
Cũng chung chủ đề về sự “hỗn loạn”, giám đốc sáng tạo của thương hiệu Alexander McQueen, Sarah Burton, đã mời khán giả đến màn trình diễn trên bầu trời London. Được lấy cảm hứng từ những “kẻ săn bão”, BST Xuân – Hè 2022 cho thấy con người thời hậu đại dịch trong những thay đổi của cuộc sống mới. Nói về thiên nhiên, xuyên suốt buổi diễn là các sample của mưa, của gió, của tiếng chim… cùng âm nhạc lounge có phần lạnh lẽo. Trong khi đó, các nhà mốt Dolce & Gabbana hay Fendi lại vô cùng quyến rũ và tràn đầy năng lượng. Dolce & Gabbana có một sân khấu lấp lánh với ánh đèn mang sắc độ mạnh, tạo hiệu ứng tráng gương đường diễn runway. Còn BST Thu – Đông 2022 của Fendi tại Milan lại đầy nữ tính và mạnh mẽ, nổi bật với âm nhạc điện tử industrial.
Cũng như thời trang, âm nhạc không có sức mạnh về mặt vật lý nhưng lại chất chứa cảm xúc nội tâm vô cùng phong phú. Với việc kết hợp một cách hài hòa giữa hai lĩnh vực, khán giả – người xem không chỉ có những trải nghiệm thật sự độc đáo mà còn được cảm nhận nghệ thuật vô cùng tròn đầy.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Minh
Ảnh: Tư liệu