Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Âm nhạc và văn chương – Muôn mặt Murakami

Những người yêu mến Haruki Murakami chắc hẳn đều biết ông rất yêu nhạc Jazz, nhưng ít người biết ông cũng mê thích nhạc cổ điển. Vậy âm nhạc đóng vai trò như thế nào trong văn chương của ông?

Không hẹn mà gặp, gần đây, hai tác phẩm viết về và viết bởi Murakami đều có liên quan đến âm nhạc, đó là Haruki Murakami Âm nhạc của ngôn từ của dịch giả lâu năm Jay Rubin và Bàn về âm nhạc, tập sách ghi lại những cuộc trò chuyện giữa Murakami và vị nhạc trưởng đại tài người Nhật Seiji Ozawa. Không chỉ là những trải lòng về âm nhạc, thông qua hai tác phẩm này, văn nghiệp đồ sộ, chân dung một tác giả lớn và các triết lý nghệ thuật đã hiện lên đầy thú vị và bất ngờ.

NGẪU HỨNG CÙNG JAZZ

âm nhạc của murakami

Haruki Murakami và Âm nhạc của ngôn từ là tác phẩm đồ sộ về vị tiểu thuyết gia nổi tiếng Nhật Bản. Đối với những người lần đầu tìm đến văn chương Murakami, đây là tác phẩm “đại cương” giúp sắp xếp cũng như định hình đường dây kết nối chuỗi tiểu thuyết xuyên suốt của ông. Còn đối với người hâm mộ lâu năm, Jay Rubin sẽ khơi mở những “nút thắt” mới mà có lẽ ít ai nhận ra trong quá trình đọc tác phẩm của Murakami.

Về phần tiểu sử, Jay Rubin tiết lộ một Murakami “phản truyền thống” ngay từ những ngày đầu bởi nhiều lý do. Đó là kết quả của việc chịu nhiều ảnh hưởng bởi văn chương Mỹ, của việc kết hôn sớm và sinh sống nhờ quán bar nhạc Jazz. Những đêm khuya phục vụ đến hai giờ sáng, sau khi tất cả công việc đã hoàn thành, cũng là lúc tác phẩm đầu tay của ông dần thành hình.

Lắng nghe gió hát được viết một cách rời rạc, khó khăn và đôi khi đứt đoạn, cũng như nhạc Jazz, với những giai điệu buông thõng, ngẫu hứng và đầy thi vị. Jazz là niềm đam mê của Murakami, và ở bất kỳ cuốn tiểu thuyết nào, ta cũng có thể tìm thấy rất nhiều nhạc Jazz. Đồng thời, Jazz cũng “ám thị” lên phong cách văn chương của Murakami bởi tính độc đáo và bất ngờ.

Đó là lý do vì sao ta thấy những sợi dây liên kết dù là nhỏ nhất từ Cuộc săn cừu hoang cho đến Nhảy nhảy nhảy hay Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới. Murakami thu gọn chính mình, để tính huyễn tưởng và thế giới cá nhân được co cụm lại, phát ánh lân quang như một không gian nhạc Jazz mà ông tự mình chìm vào. Văn chương của ông cũng giống như Jazz: bí ẩn, phi logic và khó lý giải, nhưng lại mang một sức hút vô cùng kỳ lạ.

âm nhạc của ngôn từ


Xem thêm

• [Giới thiệu sách hay] Thung lũng Đồng Vang: Hòa mình vào cuộc sống đầy chất thơ của những đứa trẻ vùng cao

• [Giới thiệu sách hay] Ký ức lịch sử về Sài Gòn và các vùng phụ cận – Mảnh ký ức quý giá trong lịch sử dân tộc

• [Review sách hay] Dọc đường ký ức – Niềm vui từ những chuyến đi


NGUYÊN TẮC NHƯ NHẠC CỔ ĐIỂN

Nếu Jazz là niềm yêu thích của Murakami mà ai cũng biết thì nhạc cổ điển đối với ông lại như một người tình bí ẩn. Được ghi chép trong những buổi nói chuyện khi Seiji Ozawa trải qua thời gian phục hồi sức khỏe, Bàn về âm nhạc cho thấy một khía cạnh khác, khuôn thước, kiểm soát cũng như lý trí hơn của Murakami.

Là người yêu thích sưu tầm đĩa hát, thích đọc tiểu sử của các nhà soạn nhạc, nhạc trưởng… hẳn nhiên, Murakami cũng rất thích xem opera và thưởng thức những bản giao hưởng trong nhà hát. Các cuộc trò chuyện được ghi lại trong tập sách này không chỉ bật mí những điều bất ngờ về giới hàn lâm từ ký ức của Ozawa, mà còn cho thấy tư tưởng chung của hai nghệ sĩ lớn.

Khác với nhạc Jazz ngẫu hứng, Murakami lại có một lịch làm việc gần như khắc nghiệt và quy củ như nhạc cổ điển. Ông dậy từ 4 giờ sáng và bắt đầu viết liền mạch khoảng 4 – 5 tiếng cho đến buổi trưa. Ngoài tiểu thuyết, ông cũng là một dịch giả thường xuyên chuyển ngữ tác phẩm của các nhà văn Mỹ với sức làm việc vô cùng đáng nể. Trong những tháng ngày không ở Nhật, ông sẽ xê dịch khắp nơi, kết hợp giảng dạy và sáng tác truyện ngắn, tiểu thuyết, trường thiên tiểu thuyết…

Bên cạnh những câu chuyện, giai thoại về nhà soạn nhạc Mahler, các nhạc trưởng bậc thầy Karajan, Bernstein, Glenn Gould… Bàn về âm nhạc còn mang đến sự tương quan về những chồng lớp âm nhạc – văn chương. Đó là niềm vui thuần khiết trong công việc, tinh thần bền bỉ và sự nhất quán với mục tiêu của cả Murakami và Ozawa. Để từ đó, niềm yêu mến nhạc cổ điển cùng những suy ngẫm tận hiến cho nghệ thuật được bộc lộ, đầy thiêng liêng và cao quý.

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)