Những bước đầu tiên của âm nhạc “xanh” và bền vững
Nhà văn Vladimir Nabokov từng viết rằng: “Tôi đã khám phá trong thiên nhiên những niềm vui sướng phi vụ lợi mà tôi kiếm tìm trong nghệ thuật”. Khi khủng hoảng môi trường liên tục tiếp diễn, liệu nghệ thuật có trả lại được “mối thịnh tình” ấy?
TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CỦA NGÀNH CÔNG NGHIỆP ÂM NHẠC
Trình diễn nghệ thuật tự cổ chí kim đã mang đến sự thăng hoa cho cả người thể hiện lẫn người thưởng lãm. Từ sân khấu mở ở các tàn tích cổ đại Hy-La cho đến các sân vận động, nhà hát lớn… trong từng khoảnh khắc, con người luôn được đắm chìm vào thanh âm tuyệt diệu. Tuy nhiên, thử “mute” một vài giây và liếc nhìn xung quanh, bạn sẽ thấy gì trong một buổi concert hay sự kiện âm nhạc? Có phải là máy phát điện đang chạy hết tốc lực, là những luồng sáng chiếu thẳng lên bầu trời đêm, là sân vận động vương vãi đủ loại cốc nhựa dùng một lần, hay là thùng rác chứa vé vào cổng lẫn thức ăn thừa?
Không khó để nhận ra rằng ngành công nghiệp âm nhạc đang có ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường. Dĩ nhiên, đã qua rồi cái thời con người cùng nhau xướng ca trong các cộng đồng nhỏ và chỉ có thể thưởng thức âm nhạc qua những buổi trình diễn “live”. Thời đại của streaming, kỹ thuật số và trước đó là hệ thống đĩa than, đĩa CD… đã cho phép âm nhạc vượt qua mọi biên giới và lan tỏa ở quy mô toàn cầu. Sản xuất âm nhạc là một ngành sử dụng rất nhiều năng lượng. Từ điện năng dùng để thu âm, nguyên liệu dùng để in đĩa, phát thải từ quá trình vận chuyển, giao hàng cho đến nguồn năng lượng khổng lồ tiêu tốn trong quá trình sản xuất một video ca nhạc trên YouTube hay tổ chức một tour diễn… tất cả mọi khâu của hoạt động sáng tạo đều hiện diện “dấu chân carbon”.
Theo các số liệu đã được công bố, lễ hội âm nhạc Coachella nổi tiếng của Mỹ đã phát thải hơn 107 tấn rác mỗi ngày trong suốt một tuần, với sự tham gia của hơn 125.000 khán giả vào năm 2022. Tương tự, tại Vương quốc Anh, chỉ với 5 chuyến lưu diễn của các nghệ sĩ kéo dài 6 tháng, lượng carbon đã ghi nhận được tương đương 20 chuyến bay khứ hồi London – New York.
Hẳn nhiên, ta không thể bảo mọi người dừng nghe nhạc, bởi âm nhạc là một hoạt động văn hóa và tinh thần chính đáng, không thể thiếu của con người. Ta cũng không thể thu lại chất thải một cách tập trung như ngành công nghiệp nặng, càng không nên ném súp cà chua vào tranh Van Gogh. Sự thật đáng buồn là ta bất khả xử lý tận cùng vấn đề này. Bởi lẽ, từ việc lớn nhất như di chuyển cho đến nhỏ nhất như streaming, tất cả đều đang phát thải một thứ gì đó. Nhưng ta hoàn toàn có khả năng “cân bằng” từng bước một, bằng cách thực hiện những hành động tích cực để bù đắp lại các tác động xấu của ngành công nghiệp âm nhạc.
MỘT TƯƠNG LAI ĐẦY HY VỌNG
Những năm gần đây, ngành công nghiệp âm nhạc đã có những bước khởi đầu để trở nên “xanh” và bền vững hơn. Trong đó, Billie Eilish, Harry Styles, Lorde, The Lumineers… là những cái tên tiên phong khi hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận REVERB để trao quyền cho người hâm mộ hành động vì hành tinh xanh.
Bằng việc kết hợp giữa sáng kiến bảo vệ môi trường và sự lan tỏa của người có sức ảnh hưởng, thông điệp đối với hành tinh đang được nhận thức cấp bách hơn. Trong chuyến lưu diễn Happier Than Ever quảng bá cho album cùng tên, Billie Eilish và REVERB đã ghi nhận con số ấn tượng.
Theo các báo cáo, hơn 117.000 chai nhựa dùng một lần đã được loại bỏ. Người hâm mộ cũng đã quyên góp khoảng 1 triệu USD cho các tổ chức hành động vì môi trường. Nguồn quyên góp này giúp trung hòa hơn 15.000 tấn CO2 thải ra bằng những động thái khắc phục hậu tour diễn. Trong suốt tour diễn, REVERB đã tổ chức các hoạt động như: xây dựng “làng sinh thái” giúp nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu, ưu tiên sử dụng thức ăn có nguồn gốc thực vật, các trạm cấp nước miễn phí cũng được bố trí để giảm thiểu ly cốc chỉ dùng một lần…
Ngoài ra, Billie Eilish cũng dành một phần đáng kể doanh thu bán vé để tài trợ cho các sáng kiến đa dạng, giúp giảm thiểu tác động xấu của ngành công nghiệp âm nhạc đối với môi trường. Quy trình tương tự cũng được áp dụng cho các show diễn của Harry Styles, The Lumineers… báo hiệu một xu hướng mới của việc tổ chức tour diễn “xanh” hơn và bền vững hơn.
Không riêng các tour lưu diễn mà những lễ hội lớn như Coachella cũng đang có động thái quan tâm hơn đến môi trường. Vào năm 2020, sáng kiến “Coachella’s For Our Planet” được thành lập như một mục tiêu giúp lễ hội này trở nên thân thiện hơn, bằng việc khuyến khích khán giả cùng nhau di chuyển trên các phương tiện giao thông công cộng cũng như tham gia cắm trại suốt tuần nghỉ lễ thay vì du lịch qua lại giữa các thành phố.
Về mặt cá nhân, nhiều nghệ sĩ cũng đã tạo nên một số tiền lệ riêng để góp sức vào công cuộc chung. Với album phòng thu thứ hai Solar Power, Lorde đã quyết định sẽ không phát hành định dạng CD để giảm tác động của rác thải nhựa, các merchandise của cô cũng được làm từ loại bông tái chế. Trong khi đó, trên mạng xã hội, Lizzo khuyến khích người hâm mộ chuyển sang sử dụng thực phẩm thuần chay. Giọng ca About Damn Time cũng chọn phương tiện di chuyển bằng điện thay cho các loại xe sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Xem thêm
• Hồ Trâm Anh – Lựa chọn ẩn náu trong âm nhạc
• Cung hoàng đạo ảnh hưởng đến sở thích âm nhạc của bạn như thế nào?
• Đen Vâu: Làm nhạc thì phải vui
HÒA VÀO XU THẾ CHUNG
Với một thị trường đang phát triển nhanh chóng như Việt Nam, các nghệ sĩ trong nước cũng đang có những bước đầu giúp cho nền âm nhạc trở nên “xanh” hơn. Một điển hình lớn là Hà Anh Tuấn đã trồng mới hơn 1.400 cây xanh trên 2 ha của Vườn quốc gia Cúc Phương sau live concert Chân trời rực rỡ tổ chức gần đây, góp phần bổ sung mảng xanh và làm giàu thêm hệ sinh thái rừng. Được biết, đây là cánh rừng thứ 5 thuộc khuôn khổ dự án Rừng Việt Nam của nam nghệ sĩ. Dẫu cho tác động không thể nhìn thấy ngày một ngày hai, thế nhưng, bằng sự lan tỏa mang tính cộng đồng, dự án này đã thu hút được sự chú ý một cách tích cực.
Series Vi nhất ghi lại những suy tư cá nhân bằng chuyến trekking đi sâu vào rừng của Vũ Cát Tường ra mắt gần đây cũng mang đến một tình yêu thiên nhiên rất khác. Nữ nghệ sĩ cũng chia sẻ rằng trong quá trình hoạt động sắp tới, cô sẽ không phát hành thêm các video ca nhạc. Dẫu cho môi trường không phải là động cơ chính, thế nhưng, đây vẫn là một quyết định dũng cảm, thể hiện tư duy tiến bộ, vừa tiết kiệm tài nguyên, vừa tinh gọn lại cách làm nhạc. Bên cạnh Vũ Cát Tường, nghệ sĩ indie Mademoiselle cũng từng cân nhắc sẽ không phát hành CD cho các album, trong khi rapper Datmaniac thực hiện dự án “đổi rác để lấy đĩa than”.
Ngoài những nỗ lực mang tính cá nhân của các nghệ sĩ, thiết nghĩ, bản thân người nghe nhạc – đối tượng tiêu dùng chính – cũng nên ý thức hơn trong cách thưởng thức, tùy vào nhu cầu và lối sống của mỗi người. Bạn có thể chuyển từ việc nghe nhạc trên YouTube sang các ứng dụng ít hao pin hơn như Spotify hoặc iTunes, ủng hộ các nghệ sĩ tích cực hoạt động vì môi trường, lựa chọn các concert ở gần quốc gia của mình để giảm phát thải di chuyển, tránh đồ nhựa dùng một lần và hạn chế xả rác tại các sự kiện âm nhạc.
Bài: Ngô Minh
Ảnh: Tư liệu