Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] An – Sống như những hạt đậu đỏ

Có cần thiết phải đi qua hết những khổ đau, cay đắng trong đời để nhìn cuộc sống bao dung hơn không?

Tôi biết đến An qua phiên bản phim của đạo diễn Naomi Kawase trước khi có cơ hội tìm đọc nguyên tác của Durian Sukegawa. Và tôi cũng đồ rằng rất nhiều người, giống như tôi, tìm đến An vì bị cuốn hút bởi câu chuyện tạo ra loại mứt đậu đỏ kỳ diệu nhất.

Nhưng An không phải là một cuốn sách về ẩm thực, dù văn hóa ẩm thực Nhật Bản – đặc biệt là các loại bánh ngọt trứ danh – xuất hiện xuyên suốt từ đầu tới cuối tác phẩm. Câu chuyện về mứt đậu đỏ thực ra chỉ là cái cớ để kết nối những con người xa lạ, những thế hệ cách biệt và những nỗi đau khổ khác nhau trong cuộc sống. Trên tất cả, An là một cuốn sách về cách nhìn cuộc đời.

Trên con đường dọc tuyến xe lửa với hàng anh đào lác đác, có một tiệm bánh dorayaki mang tên Doraharu. Ở đó, một người đàn ông trung niên tên Sentaro ngày ngày nướng bánh bằng loại mứt bán sẵn. Thái độ hời hợt của Sentaro đối với công việc cũng giống như loại mứt công nghiệp “không hề có tâm ý của người” nấu vậy. Thế rồi, một người phụ nữ trên 70 tuổi với ngón tay cong cong xuất hiện, đưa cho Sentaro loại mứt đậu đỏ tuyệt hảo mà bà đã làm trong suốt 50 năm.

đậu đỏ 1
Có cần thiết phải đi qua hết những khổ đau, cay đắng trong đời để nhìn cuộc sống bao dung hơn không?

Kể từ khi bà Tokue xuất hiện và dạy cho Sentaro làm mứt đậu đỏ, cửa hàng đắt khách hơn. Thế nhưng, kể cả khi tấm bảng “đã hết hàng” được treo lên, Sentaro vẫn không ngừng tự nói với chính mình rằng “đây không phải việc mình muốn làm”. Một người từng có mộng làm nhà văn, sa vào con đường bất chính để phải ở tù, và bây giờ làm thuê cho một tiệm bánh nhỏ để trả nợ, thật dễ hiểu được nỗi bất khả luôn âm ỉ trong thâm tâm Sentaro. Anh sống một cuộc đời buông thả, chán chường và không ít lần nghĩ đến cái chết. Đó chính là cuộc sống vô định và bất an mà rất nhiều người trẻ thời hiện đại đang gặp phải. Họ bám víu vào giấc mộng không thành và phủ nhận thực tại. Họ tự giày vò và đày ải chính bản thân mình, tự nhận mình là kẻ thất bại, là kẻ không đáng sống. Thế nhưng, khi đặt những khó khăn mà Sentaro phải trải qua bên cạnh cuộc đời của Tokue, nó thật chỉ như một cơn gió mùa Hè so với cơn bão tuyết mùa Đông.

Cuộc đời Tokue chính là một cơn bão.

Trái ngược với Sentaro, Tokue luôn mỉm cười với mọi sự. Cho dù bao nhiêu lần Sentaro làm mứt đậu đỏ không thành công, Tokue đều nói “thú vị thật” khi nếm thử. Trong lúc chế biến mứt đậu đỏ, bà là người để ý chi tiết một cách kỳ lạ, thế nhưng, lúc đã hoàn thành thì dường như lại thích thú với sự biến đổi của chất liệu hơn. Khi hoa anh đào rụng hết, người ta tiếc nuối, còn Tokue chỉ mỉm cười “là lúc thích hợp để ngắm lá nhỉ”. Tokue không bao giờ nhìn việc gì quá nặng nề, kể cả khi người ta nhìn chằm chằm vào ngón tay dị tật của bà hay rời bỏ tiệm Doraharu chỉ vì sợ lây bệnh, dù bệnh của bà đã được chữa khỏi hàng chục năm trước.

Tokue sống tại viện điều dưỡng bệnh Hansen, hay còn gọi là bệnh hủi. Đó là căn bệnh mà cách đây mấy mươi năm, người bệnh phải cách ly hoàn toàn với xã hội, thậm chí bị xóa tên khỏi chính gia đình của mình. Tokue có thể vượt qua 50 năm tù túng sống bên trong viện điều dưỡng, có thể vượt qua những sợ hãi, đớn đau của một người bệnh hủi để đi tìm niềm vui trong việc làm bánh kẹo, thậm chí trở thành một người cực kỳ am hiểu về ẩm thực. Trải qua “địa ngục trần gian”, Tokue nhìn cuộc đời đầy nhẹ nhàng và bao dung. Thế nhưng, cho đến cuối cùng, bà vẫn không thể vượt qua được định kiến của xã hội.

Dãy tường bên ngoài viện điều dưỡng cùng những hàng cây đông thụ kéo dài bất tận đã cách ly người bệnh hàng chục năm, thậm chí là cả đời vời xã hội bên ngoài. Nhưng khi bước ra khỏi bức tường ấy, còn một bức tường khác, bền vững hơn, dai dẳng hơn, mang tên “định kiến” – thứ rào cản vô hình nhưng vẫn hiện hữu rất rõ ràng, đóng hoàn toàn cánh cửa đưa những người bệnh trở lại hòa nhập với xã hội. Người ta vẫn sợ hãi một người vì bề ngoài bất thường, vẫn xa lánh một người chỉ vì di chứng của căn bệnh trong quá khứ. Việc khách hàng dần dần rời bỏ tiệm Dorahaku chính là cú giáng chí mạng, cho thấy tiến bộ y học hay tài năng vượt bậc, tâm hồn đẹp đẽ của Tokue cũng không thể thay đổi cái nhìn cảm tính của con người.

Người ta sẽ không bao giờ cảm thông cho một người nếu chưa từng sống cuộc đời của người đó!

Nhưng Tokue có một ý nghĩ rất đặc biệt về cuộc đời: “Nếu không có bà, sẽ không có ánh trăng tròn hôm ấy. Cũng không có cây cối. Không có gió. Nếu mất đi điểm nhìn của bà, hẳn là mọi thứ bà đang nhìn cũng sẽ biến mất”. Có lẽ vì suy nghĩ ấy mà với Tokue, cuộc đời bi thương của bà vẫn đủ đầy như nó vốn dĩ. Và cuộc đời ấy, đặt ở thế đối trọng với cuộc đời bình dị của Sentaro, lại càng khập khiễng hơn bao giờ hết.

đậu đỏ 2
An được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên của đạo diễn Naomi Kawase.

Tokue luôn áp mặt rất gần những hạt đậu đỏ, bà gọi đó là “lắng nghe”. Khi bà cúi gập người để ngắm nhìn thật kỹ những hạt đậu đỏ căng bóng, cũng là lúc bà đang tiếp nhận lời nói của chúng. Bằng cách đó, bà tưởng tượng hạt đậu đỏ đã đến vào ngày mưa hay ngày nắng, ngọn gió nào đã mang những hạt đậu đỏ đến đây… Bà tin rằng tất cả mọi thứ trên thế giới này đều có ngôn từ. Và hàng tá công đoạn phức tạp lẫn tỉ mỉ khi nấu đậu đỏ, với Tokue, chính là để “chiêu đãi đậu đỏ”. Những hạt đậu đỏ “cứ lấp lánh trong lúc nấu”, “mùi hương nồng vương cả một góc phòng”, “hương vị bao phủ quanh mũi, không gian phía sau lưng dần biến mất”, “mùi hương bật lên nảy xuống liên hồi như đang nhảy múa, và có cả chiều sâu nữa, vị ngọt thanh khiết lan rộng khắp đôi má”…

Chẳng phải, Sentaro quyết định nhận Tokue vào làm chỉ vì ý nghĩ “sẽ có người hạnh phúc” khi ăn bánh dorayaki với mứt đậu đỏ này hay sao. Vậy thì, chỉ cần sống như những hạt đậu đỏ đã được nấu thật tỉ mỉ là đủ rồi, phải không?

đậu đỏ 3
Durian Sukegawa tên thật là Tetsuya Sukegawa, là một tác giả, nhà thơ, nhạc sĩ. Ông từng nghiên cứu triết học tại Đại học Waseda. Ông nổi tiếng ở Nhật với vai trò diễn viên, nhạc sĩ punk và người dẫn chương trình truyền hình.

Xem thêm:

[Giới thiệu sách hay] Sách hay tháng 6/2018

[Review sách hay] Trà Hoa Nữ – Có hay không tình yêu thuần khiết dành cho một kỹ nữ?

Nhóm thực hiện

Bài: Đoàn Trúc Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)