Ngày 19/4, phim điện ảnh Anh Hùng Bàn Phím (tên tiếng Anh: Troll Factory) sẽ chính thức khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc. Trước đó, bộ phim đã có suất chiếu sớm từ ngày 18/4 và nhận nhiều phản hồi tích cực từ khán giả Việt. Xoay quanh chủ đề rất gần gũi và thực tế trong đời sống hiện đại – vấn nạn thao túng thông tin, Anh Hùng Bàn Phím đưa người xem bước vào hành trình điều tra một nhóm người chuyên làm giả tin tức với những chiêu thức tinh vi, lợi dụng tâm lý đám đông để trục lợi. Diễn xuất của tài tử Son Suk Ku (vai phóng viên Im Sang Jin) cùng ba diễn viên trẻ tài năng – Kim Sung Cheol (vai JjingForkKing), Kim Dong Hwi (vai ChAtTaTkat), Hong Kyung (vai PEpteK) đã tạo nên cuộc truy lùng “tội phạm mạng xã hội” gay cấn nhất rạp Việt tháng 4.
Trong Anh Hùng Bàn Phím, đội quân trực tuyến chuyên thực hiện các phi vụ thao túng tin tức có tên Team Aleph. Đây hoàn toàn không phải là một cái tên được đặt ngẫu nhiên mà mang ý nghĩa sâu sắc. Chữ “Aleph” tượng trưng về sự bắt đầu và toàn vẹn theo văn hóa Hebrew và đạo Judaisme. Trong công nghệ thông tin và bảo mật mạng, cái tên “Aleph” cũng khá phổ biến, thường được sử dụng cho các dự án hoặc sản phẩm, tổ chức liên quan đến an ninh mạng và phát triển phần mềm. Tuy nhiên, Team Aleph trong bộ phim lại hoạt động theo cách hoàn toàn tiêu cực nhằm mục đích kiếm tiền. Qua cái tên có nghĩa tích cực và đầy quyền năng, các thành viên của Team Aleph đang thể hiện sự tự hào với công việc tái tạo một thế giới khác trên Internet – nơi thật giả lẫn lộn, mọi nhu cầu dù khuất tất của khách hàng đều được đáp ứng.
BÀI LIÊN QUAN
Bộ phim Anh Hùng Bàn Phím được đạo diễn kiêm biên kịch Ahn Guk Jin chuyển thể từ tiểu thuyết Daetgeulboodae (tên tiếng Anh: The Comments Army) của tác giả Jang Kang Myeong. Cuốn tiểu thuyết ra mắt vào năm 2015 này lấy cảm hứng từ vụ khủng hoảng truyền thông có thật tại Hàn Quốc khi Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) sử dụng một “đội quân bình luận” để điều hướng dư luận. Trong Anh Hùng Bàn Phím cũng nhắc đến vụ “biểu tình ánh nến” từng thu hút một phần ba dân số Hàn Quốc tham gia vào năm 2016. Đây cũng là sự kiện có thật, tượng trưng cho cơn phẫn nộ bùng cháy trước bê bối của chính phủ. Sau đó, tổng thống đương nhiệm Park Geun Hye đã thừa nhận cáo buộc và đưa ra lời xin lỗi chính thức rồi từ chức.
Theo dõi Anh Hùng Bàn Phím, khán giả sẽ phải liên tục đặt ra câu hỏi: Đâu mới là sự thật? Các sự kiện thật, giả lẫn lộn liên tục được tạo ra bởi các thành viên của Team Aleph. Team Aleph chuyên nhận mục tiêu từ khách hàng, sau đó, tuỳ thuộc vào bối cảnh mà nghiên cứu và bắt tay vào việc hoành hành trên các cổng thông tin, trang mạng xã hội để gây chia rẽ. Đội ngũ của Team Aleph chuyên dùng các tài khoản ẩn danh, hay nói cách khác là “nick clone” để tấn công “con mồi” và hoàn thành chiến dịch dưới cái mác “anh hùng bàn phím”.
Xem thêm
• 7 bộ phim điện ảnh Hàn Quốc chinh phục những giải thưởng lớn
• [Review Phim] “Exhuma” – Khi văn hóa pháp sư và tôn giáo dân gian hồi sinh rạp chiếu
• 7 yếu tố giúp các bộ phim Hàn thu hút sự chú ý của khán giả toàn cầu
Xuất phát từ những phi vụ nhỏ lẻ như giúp một thương hiệu tiêu thụ được sản phẩm bị cấm quảng cáo theo cách chính thống, đưa một bộ phim vô danh từ đạo diễn không có tài năng lọt Top tìm kiếm, Team Aleph dần bành trướng quy mô và gặp được “khách hàng lớn” – một thế lực nguy hiểm hơn, có liên quan trực tiếp đến kinh tế, xã hội, chính trị. Nhưng đồng thời, đối thủ nặng ký của Team Aleph cũng xuất hiện – phóng viên Im Sang Jin quyết tâm truy đuổi đến cùng để khám phá sự thật về kẻ đứng sau đã biến bài phóng sự của mình thành “tin lá cải”, dẫn đến anh chàng bị đình chỉ công tác.
Có thể nói, Anh Hùng Bàn Phím là một bộ phim có lớp lang với nhịp điệu nhanh. Các vụ việc trong phim diễn ra dồn dập, đảm bảo sự kiện sau luôn căng thẳng và giật gân hơn sự kiện trước. Nếu phóng viên Im Sang Jin đóng vai trò như một người dẫn chuyện, lật mở từng sự thật về những kẻ thao túng thông tin thì mỗi thành viên Team Aleph cũng có một nhiệm vụ riêng: JjingForkKing có tư duy nhanh nhẹn, chuyên lập kế hoạch và đưa ra các “title” bạo dạn, ChAtTaTkat – người tiết lộ thông tin cho phóng viên Im Sang Jin phụ trách “sáng tác” các bình luận trên mạng xã hội và PEpteK tạo ra những câu chuyện để khiến dư luận đảo chiều. Sự đa dạng, sống động trong cách thể hiện của từng nhân vật khiến khán giả khó lòng rời mắt khỏi màn ảnh rộng.
Bên cạnh đó, từng sự kiện xảy ra trong bộ phim Anh Hùng Bàn Phím đều sát với thực tế cuộc sống của mỗi chúng ta. Những “tít báo” lấp lửng, gây tò mò, hàng loạt bình luận có nội dung tương đồng nhau ngập tràn trong một chủ đề “nóng” nào đó trên mạng xã hội, các hình ảnh nhìn “vô tình” nhưng lại đầy ẩn ý… Bất kỳ ai cũng đều có thể bắt gặp các tình tiết quen thuộc này khi sử dụng mạng xã hội. Đạo diễn Ahn Guk Jin đã mượn “chuyện ảo” để phản ánh “chuyện thật”, đem trải nghiệm mới lạ vào dòng phim truy bắt tội phạm: “Tôi tin rằng bộ phim này sẽ cho chúng ta thấy được những ‘thuyết âm mưu’ đang trực tiếp tác động lên đời sống của chúng ta. Bộ phim không đơn thuần là một câu chuyện chỉ xảy ra trên các nền tảng trực tuyến mà thông qua đó, tôi muốn phản ánh về chính môi trường xã hội mà chúng ta đang sống, nơi ai cũng có thể trở thành nạn nhân của những kẻ thao túng tin tức”.
Phim điện ảnh Anh Hùng Bàn Phím sẽ có suất chiếu đặc biệt vào ngày 18/4/2024 và chính thức khởi chiếu tại các cụm rạp trên toàn quốc từ ngày 19/4/2024.
Thông tin chung:
- Tên phim: Anh Hùng Bàn Phím (tên tiếng Anh: Troll Factory)
- Thể loại: Phim tội phạm
- Thời lượng: 109 phút
- Đạo diễn: Ahn Guk Jin
- Diễn viên: Son Suk Ku, Kim Sung Cheol, Kim Dong Hwi, Hong Kyung
- Nhà sản xuất: Cinematic Moment
- Nhà phát hành: CJ HK Entertainment
- Khởi chiếu tại rạp: 19/4/2024
Nhóm thực hiện
Tham khảo: CJ HK Entertainment