Anna Calvi phá bỏ định kiến giới qua album mới nhất
Album mới nhất của nữ nghệ sĩ Anna Calvi với tên gọi Hunter chính là lời tuyên ngôn về bình đẳng giới bằng âm nhạc.
Hunter thể hiện những quan điểm của Anna Calvi về vấn đề bất bình đẳng giới còn tồn tại trong xã hội.
Với tư cách là một nhà bình luận về vấn đề liên quan đến giới tính, những quan điểm của Anna Calvi thường mang tính chất phân tích và không thiên lệch. Đối với cô, đấu tranh bình đẳng giới không phải là đấu tranh vì quyền lợi cho một cộng đồng giới tính nhất định mà là quyền lợi cho tất cả.
“Hình ảnh của phụ nữ mà tôi thấy trong các bộ phim thường không đúng với thực tế. Và tôi không muốn tiếp tục phải xem những thông tin sai lệch về phụ nữ như thế này nữa […]. Tôi muốn có một hình ảnh của phụ nữ là người đi săn thay vì bị theo đuổi… và (lúc này) tôi nghĩ rằng mình bắt đầu tự ý thức rõ hơn về những khuôn khổ mà tôi buộc phải tuân theo mặc dù tôi không hề muốn điều đó một chút nào. Ý tưởng của album này là liệu tôi phải chấp nhận thực tế hay tôi là người quyết định cuộc đời mình”.
Qua nhiều năm, Anna Calvi đã từng bước phá bỏ định kiến giới tính thông qua âm nhạc của cô. Cô luôn đem đến những cái nhìn mới mẻ về phái nữ mà trước đây chưa từng có. “Nếu tôi phải lựa chọn định dạng âm nhạc của mình giữa hai cái tên thì tôi cảm nhận rằng đó là phụ nữ. Nhưng đồng thời, tôi cũng cảm thấy rằng âm nhạc của tôi khá phi giới tính và tôi muốn khám phá thêm về điều này”.
Gần đây, có nhiều cuộc tranh luận về việc nói lên vấn đề phân biệt giới tính trong âm nhạc hiện đại. Chúng ta đã chứng kiến Troy Sivan kể về mối quan hệ đồng giới của anh ấy thông qua ca khúc Bloom một cách đầy tự hào. Cùng lúc đó, những nghệ sĩ khác như Pink hay Channing Tatum lại đổi vai cho nhau trong video mới nhất của cô có tên Beautiful Trauma. Và mặc dù việc đề cập đến bất bình đắng giới trong âm nhạc đã không còn mới mẻ nhưng dường như như nó chưa thực sự đem đến nhiều thay đổi tích cực.
Tuy vậy, sự chấp nhận và ngày càng cởi mở hơn của công chúng về đề tài bình đẳng giới đã đem lại một không gian an toàn hơn cho tất cả mọi người khi bàn về vấn đề này.
“Khi mọi người càng bàn tán nhiều về nó thì những người đấu tranh lại càng cảm thấy an toàn. Và với âm nhạc cũng vậy. Tôi nghĩ rằng vấn đề này trước giờ luôn luôn ở đó – chỉ khác là thời điểm hiện tại, mọi người đã trở nên cởi mở và nói nhiều về nó hơn” – Anna Calvi chia sẻ. Tuy nhiên, điều này cũng đi kèm với một nhược điểm. Tự do ngôn luận cũng đồng nghĩa với việc tạo ra nhiều ý kiến trái chiều. Mạng xã hội đã góp phần châm ngòi cho những cuộc tranh cãi vô nghĩa về vấn đề giới tính và tạo ra tâm lý chia rẽ trong cộng đồng.
Những cuộc tranh cãi thường dẫn đến việc buộc nam giới phải chịu trách nhiệm về các vấn đề trong cuộc sống ngay cả khi họ không có lỗi. Những căng thẳng này cũng chính là một phần nguyên nhân dẫn đến sự chia rẽ về giới tính mà chúng ta có ngày nay. Khi nói về nguyên nhân của những chia rẽ này, Anna Calvi cho rằng: “Những cuộc tranh cãi và căng thẳng này không nên dựa trên lên việc họ là nam giới hay nữ giới… mà là vấn đề về mặt con người. Chúng ta nên tạo ra một thế giới công bằng cho cả nam lẫn nữ”.
Đấu tranh vì bình đẳng giới thực sự? Chúng ta sẽ đạt được nó nếu chúng ta có thể tìm thấy được sự thoả hiệp thay vì mải mê đuổi theo những cuộc tranh cãi không hồi kết. Và có vẻ như sẽ còn mất rất lâu để có thể làm được điều này.
—
Xem Thêm:
10 bộ phim về đề tài âm nhạc không thể bỏ qua
5 phim tài liệu âm nhạc “bóc trần” đời sống của người nghệ sĩ
Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE/ Fashionjournal
Lược dịch: Thanh Nhã
Hình ảnh: Tổng hợp