Annie Leibovitz, nữ nhiếp ảnh gia 73 tuổi chính là người đã tạo nên bức ảnh gây sốt trong vài giờ qua. Đây không phải lần đầu tiên Leibovitz gây ấn tượng với công chúng với tác phẩm nhiếp ảnh của mình, trong suốt những năm tháng gắn bó với sự nghiệp cầm máy ảnh, bà đã tạo ra rất nhiều tác phẩm để đời. Trước thềm World Cup 2010, bà cũng đã chụp ba ngôi sao Diego Maradona, Pele và Zinedine Zidane cùng chơi bi lắc.
Không phải nhiếp ảnh gia nào cũng trở nên nổi tiếng như những ngôi sao mà họ có cơ hội được chụp ảnh và làm việc cùng. Annie Leibovitz là một trường hợp đặc biệt như thế. Những bức ảnh toát lên sự thân mật, ấm áp và thân quen ẩn chứa những tổn thương, những câu chuyện đằng sau ánh đèn sân khấu của những siêu sao đã giúp Annie Leibovitz – cựu nhiếp ảnh gia của tờ Rolling Stone – định hình phong cách của nền văn hóa đại chúng trong suốt 50 năm qua.
———
“Tôi không còn tin vào thứ gọi là sự khách quan. Ai cũng đều có quan điểm của mình. Một số người gọi đó là phong cách, nhưng điều mà chúng ta thật sự nói đến ở đây đó là khí chất của một tấm ảnh. Khi bạn tin tưởng vào quan điểm của mình, đó cũng là khi bạn bắt đầu chụp ảnh” – Annie Leibovitz.
Từ khi bắt đầu làm nhiếp ảnh cho tờ Rolling Stone, Leibovitz đã định hình những người nổi tiếng theo cách mà bà ấy muốn trong các bức ảnh của mình. Từ việc được thăng chức lên vị trí nhiếp ảnh gia trưởng tại Rolling Stone chỉ sau hai năm công tác, cho đến việc được Thư viện Quốc Hội công nhận là một “Huyền thoại sống” và là người phụ nữ đầu tiên tổ chức triển lãm tại Phòng trưng bày Chân dung Quốc Gia Hoa Kỳ, Annie Leibovitz đã chứng minh được tài năng và sức ảnh hưởng của mình trong lĩnh vực nhiếp ảnh.
Mời bạn cùng ELLE điểm qua các tác phẩm đáng chú ý của nhiếp ảnh gia Annie Leibovitz.
John Lennon và Yoko Ono (1980)
Vào khoảng 5 giờ chiều ngày 8/12/1980, John Lennon bị ám sát bên ngoài căn hộ Dakota ở khu Upper West Side tại Manhattan. Chỉ vài giờ trước đó, Annie Leibovitz đã chụp một bức ảnh cho John Lennon và vợ của ông – Yoko Ono. Đó là một bức ảnh táo bạo, truyền tải những xúc cảm sâu sắc đến công chúng một cách mạnh mẽ sau khi vụ ám sát xảy ra.
Đây cũng là bức ảnh cuối cùng của John Lennon, thể hiện mối quan hệ gần gũi của ông và vợ. Trong bức ảnh, Lennon hiện lên là một con người dễ bị tổn thương khi không mặc quần áo và đang trong tư thế ôm lấy Yoko Ono. Leibovitz chia sẻ: “Bức ảnh là một ví dụ tuyệt vời cho việc hoàn cảnh có thể thay đổi một bức ảnh như thế nào. Đột nhiên, bức ảnh ấy lại có thể viết nên một câu chuyện. Bạn nhìn nó và rồi nghĩ rằng, đó là nụ hôn cuối cùng của họ, hoặc cũng có thể họ đang từ biệt nhau”.
Năm 2005, Hiệp hội Biên tập viên Tạp chí Hoa Kỳ đã bình chọn bức ảnh này làm trang bìa tạp chí đẹp nhất trong 40 năm qua.
BÀI LIÊN QUAN
Pop Art: Nghệ thuật không phân cấp bậc
Mick Jagger và Keith Richards (1975)
Khi còn là nhiếp ảnh gia trưởng của tờ Rolling Stone, Leibovitz đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến nhiếp ảnh âm nhạc trong suốt thập niên 70.
Bà đã nắm bắt được sức hút, sự cuồng nhiệt của các nghệ sĩ rock’n’roll, nhưng bức chân dung với nguồn năng lượng nhẹ nhàng của Jagger và Richards đã cho thấy một khía cạnh nhẹ nhàng hơn của hai cậu bé người Anh gầy gò, những người đã trở thành những gã khổng lồ trong ngành âm nhạc. Jagger đã từng chia sẻ về Leibovitz: “Cô ấy là một nhiếp ảnh gia chân thật và hài hước. Cô ấy có thể đi đến bất cứ đâu mà mình muốn”.
Miley Cyrus (2008)
Bức ảnh được chụp khi Miley 15 tuổi, thể hiện hình ảnh một cô thiếu nữ Disney giản dị, chân phương. Thế nhưng, bức ảnh này đã gây nên rất nhiều tranh cãi trong cộng đồng người hâm mộ của nữ ca sĩ lẫn bố mẹ của cô ấy. Bởi lẽ, Miley chỉ xuất hiện cùng một tấm ga trải giường bằng lụa sa tanh che thân và để lộ tấm lưng trần.
Trước làn sóng tranh cãi dữ dội, Leibovitz cùng tờ Vanity Fair đã lên tiếng bảo vệ tác phẩm của mình: “Tôi xin lỗi vì bức chân dung của tôi về Miley đã khiến mọi người hiểu lầm. Miley và tôi đã cùng nhau xem những bức ảnh thời trang và chúng tôi đã cùng thảo luận về bối cảnh của bức ảnh đó trước khi chụp. Bức ảnh rất giản dị, có hơi hướm cổ điển và người mẫu hầu như không trang điểm, tôi nghĩ nó là một bức ảnh đẹp”.
Xem thêm
• Nghệ thuật đưa ta khám phá mình, để rồi ta hồi sinh…
• Tại sao cần có nghệ thuật trong cuộc sống?
• Liệu nghệ sĩ có phải đảm nhận trách nhiệm “giáo dục” trong sáng tạo nghệ thuật?
Demi Moore (1991)
Để chụp trang bìa cho tờ Vanity Fair vào tháng 8/1991, Leibovitz được yêu cầu che đi thân hình mang thai của Demi Moore và chỉ giữ lại phần mặt của cô ấy. Dù vậy, Annie Leibovitz vẫn tạo nên bức ảnh bìa tạp chí được chú ý nhất trong lịch sử khi bà bảo Demi Moore cởi bỏ quần áo để bức chân dung trở nên gần gũi và mang đậm tính cá nhân hơn.
Mặc dù bức ảnh được đón nhận một cách vô cùng tích cực, Leibovitz vẫn không thật sự hài lòng về chất lượng của nó: “Đó là một bức ảnh nổi tiếng và đột phá, nhưng tôi không nghĩ nó là một bức ảnh đẹp. Nếu nó là một bức chân dung xuất sắc, cô ấy không cần phải che ngực. Cô ấy cũng không nhất thiết phải nhìn vào máy ảnh”.
Nữ hoàng Elizabeth II (2007)
Annie Leibovitz lại tạo nên bước đột phá mới khi bà trở thành người Mỹ đầu tiên thực hiện bức chân dung chính thức của Nữ hoàng Anh nhằm kỷ niệm Chuyến thăm cấp Nhà nước của Nữ hoàng tới Hoa Kỳ vào năm 2007. Lấy cảm hứng từ những bức ảnh hoàng gia đầy tinh tế của Cecil Beaton, Leibovitz đã chụp hàng loạt bức ảnh, trong đó có bức “The Queen in the White Drawing Room at Buckingham Palace” được kết hợp giữa các kỹ thuật hiện đại cùng với những cảm quan truyền thống.
Arnold Scwarzenegger (1988)
Được chụp cho trang bìa tạp chí Vanity Fair vào năm 1990, bức ảnh Arnold tự tin hút điếu xì gà và ngồi trên lưng ngựa lại không được lựa chọn trong buổi chụp hình năm đó cho đến khi nó xuất hiện trở lại trong số tháng 3/2003.
Arnold rất thoải mái trước ống kính của Leibovitz, trước đó ông cũng đã từng được bà chụp ảnh trong cuộc thi Mr Olympia ở Nam Phi năm 1975.
Nhóm thực hiện
Bài: Taylor Pham
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE