Văn hóa / Thế giới văn hóa

Auto-Tune đã cách mạng hóa âm nhạc như thế nào?

[Tạp chí Phái đẹp ELLE - số tháng 12/2018] Không ai có thể phủ nhận tính cách mạng, sự thâm nhập toàn cầu và sức mạnh dai dẳng kỳ lạ của Auto-Tune.

Auto-Tune lần đầu xuất hiện chính xác là 36 giây trong ca khúc Believe – bản hit đình đám ra mắt vào tháng 10/1998 của nữ ca sĩ Cher, gợi lên những ý niệm đầu tiên về chất liệu âm nhạc của tương lai (mà sau này sẽ định hình diện mạo âm nhạc thế kỷ 20). Không khó để tưởng tượng thế giới đã sửng sốt thế nào khi câu hát “I can’t break through” vang lên, lấp lánh như tinh thể pha lê, khiến cho giọng ca từ từ biến mất sau lớp kính mờ. Hiệu ứng lấp lánh đặc biệt đó lặp lại trong đoạn tiếp theo, nhưng lần này, có độ rung kỳ lạ như giọng nói của robot, “So sa-a-a-ad that you’re leaving”. Bây giờ, người ta vẫn nói về những “Cher effect” trong Believe như một khởi nguyên trong âm nhạc, mở đầu cho thời đại Auto- Tune ngày hôm nay.

Auto-Tune 1
Ca khúc Believe của Cher là bản thu đầu tiên công khai hiệu ứng Auto-Tune.

Khát khao đoạt quyền tạo hóa

Thực ra, công nghệ điều chỉnh độ cao của âm giọng đã có mặt trên thị trường khoảng một năm trước khi Believe tấn công các bảng xếp hạng, nhưng thường được các nhà sản xuất sử dụng khá kín đáo và giữ gìn như một “bảo bối bí mật”. Sự hoàn hảo đến khó tin và những rung động kỳ lạ trong giọng ca của Cher tại các “key point” trong bài đã khiến Believe trở thành bản thu đầu tiên công khai các hiệu ứng, kỹ xảo nhân tạo trong giọng hát của ca sĩ một cách rõ ràng và trực diện nhất, cũng như thu hút sự chú ý của thế giới mạnh mẽ nhất. Rất nhanh chóng, giọng Auto-Tune nổi lên ở khắp các thể loại âm nhạc như R&B, Dancehall, Pop, House, thậm chí cả Country.

Auto-Tune 2

Rất lâu trước khi phát minh ra Auto-Tune, nhà toán học – tiến sĩ Andy Hildebrand đã sử dụng các thuật toán phức tạp để phiên dịch dữ liệu thu được về các chấn động dưới lòng đất thông qua sóng siêu âm, giúp gã khổng lồ dầu mỏ Exxon tìm được các khu vực khoan. Tuy nhiên, bên cạnh toán học, Andy còn có một niềm đam mê khác. Đó là âm nhạc. Ít ai biết rằng ông có thể chơi sáo thành thục, thậm chí còn tự kiếm tiền học đại học bằng việc dạy chơi nhạc cụ. Năm 1989, ông bỏ lại lĩnh vực dễ dàng kiếm lời để khởi động công ty Antares Audio Technologies, mặc dù không biết chính xác công ty sẽ nghiên cứu và phát triển thứ gì. Từ hạt giống công nghệ đó, Andy Hildebrand đã trở thành cha đẻ của phần mềm chỉnh sửa âm thanh nổi tiếng nhất hiện nay sau một lần dùng bữa trưa với các đồng nghiệp. Khi ông hỏi rằng công ty cần phát minh cái gì, một cô gái đã nói đùa về một chiếc máy giúp cô ấy hát hay hơn. Ý tưởng ngay lập tức xuất hiện trong não Andy. Ông nhanh chóng nhận ra rằng thuật toán giúp ông vẽ bản đồ địa chất có thể áp dụng để chỉnh sửa cao độ của âm thanh.

Mục tiêu của Antares thời điểm đó là “chỉnh sửa” những sai lệch trong cao độ để khiến cho các ca khúc trở nên hoàn thiện hơn. Không chỉ vậy, Auto-Tune còn có khả năng thay đổi tốc độ của giai điệu. Ví dụ như trong Believe, các hiệu ứng âm thanh “giòn và lấp lánh”, “nghe như robot”, về mặt kỹ thuật, được gọi là “lượng tử hóa cao độ”. Nghĩa là, âm rung, âm luyến, hay các dao động trong quá trình chuyển đổi giữa các nốt nhạc mà một giọng ca bằng xương bằng thịt tạo ra sẽ bị loại bỏ, thay vào đó, mỗi nốt gắn với một cao độ chính xác, đồng thời tốc độ được đẩy nhanh khiến cho âm thanh trở nên sắc nhọn hơn. Những năm tiếp theo, Antares tiếp tục tinh chỉnh và mở rộng khả năng của Auto-Tune, đồng thời tạo ra một số plug-in liên quan đến xử lý giọng nói. Nếu ban đầu, Auto- Tune tạo ra những âm thanh hoàn toàn nhân tạo thì giờ đây, phần mềm lại hướng đến các hiệu ứng “người” hơn, ví dụ như tạo cảm giác ấm áp hay sự hiện diện của hơi thở, với mục đích mang lại cảm giác chân thật, tự nhiên trong giọng hát, che giấu sự can thiệp của máy móc.

Sự thay đổi quan trọng đối với Auto-Tune là khi các nghệ sĩ bắt đầu sử dụng nó ngay trong quá trình thu âm chứ không phải là một phần mềm sửa chữa sau thu âm. Các kỹ sư âm thanh không còn thu giọng hát thô rồi chỉnh sửa hậu kỳ, thay vào đó, tất cả đều đã được hiệu chỉnh trong lúc thu. Ngày càng nhiều ca khúc không còn bản gốc – chưa-được-xử-lý để xử lý.

Nhân tạo hay nhân bản?

Rất có thể, đến 99% giọng hát bạn đang nghe trên các phương tiện truyền thông hiện này đều đã trải qua quá trình xử lý chồng chéo và phức tạp. Nó cũng giống như mái tóc của một ngôi sao, có lẽ đã được nhuộm, cắt, tạo kiểu, thêm các sản phẩm giữ nếp, nhưng cuối cùng vẫn tạo ra được cảm giác tự nhiên. Tất cả đều là sản phẩm của một bàn tay tạo kiểu điêu luyện!

Khi mới ra đời (và cho đến tận ngày hôm nay), Auto-Tune (sau này có thêm Melodyne và một số phần mềm tương tự) vẫn được xem như một thứ không cần thiết trong đời sống âm nhạc, một cái gì đó mãi mãi ở bên bờ vực bị công chúng ruồng bỏ – ít nhất là đối với những người tôn sùng âm nhạc “nguyên bản”. Nhưng thời đại cũng đã chứng minh rằng Auto-Tune không phải mốt nhất thời, dù ngay sau bản hit của Cher, có một thời gian Auto-Tune bị “thất sủng” và chỉ trở lại mạnh mẽ sau khi rapper T-Pain sử dụng kỹ thuật phòng thu hoàn hảo này cho các sản phẩm âm nhạc của mình. Giờ đây, nó được sử dụng phổ biến hơn bao giờ hết, từ Christina Aguilera, Kesha, Kanye West cho đến Taylor Swift, Selena Gomez, Rihanna, Katy Perry… hay điển hình gần đây nhất là single Apeshit của cặp đôi The Carters – Beyoncé và Jay-Z. Có người dùng Auto-Tune để tạo nên phong cách âm nhạc đặc trưng dù họ sở hữu giọng ca tuyệt vời, nhưng cũng có người dùng để “tút tát” lại những điểm còn chênh phô, che giấu những hạn chế trong giọng hát.

Auto-Tune 4
Ne-Yo & Cher Lloyd trong phòng thu
Auto-Tune 5
Cặp đôi The Carters trong single “Apeshit”
Auto-Tune 6
Rapper T-Pain là người hồi sinh Auto-Tune vào năm 2005

Tất nhiên, Auto-Tune có phải là một trong những phát minh tồi tệ nhất thời đại (như Time bình chọn) hay không, vẫn còn là điều gây tranh cãi. Cũng giống như Photoshop, phẫu thuật thẩm mỹ, hay đơn giản chính là lớp trang điểm mà các cô gái vẫn phủ lên mặt mỗi ngày, có người thích, có người không, nhưng người ta vẫn không thể sống thiếu chúng được. Bởi vì, con người (hay số đông loài người) luôn chuộng yếu tố thẩm mỹ, thích sự hoàn hảo và thường hướng tới sự toàn vẹn. Công cụ sinh ra chính là để giúp con người thực hiện những điều mà bản thân họ không (hoặc chưa) thể thực hiện được. Quan trọng là người ta sử dụng nó như thế nào, với mục đích gì mà thôi.

Xem thêm:

10 bộ phim về đề tài âm nhạc không thể bỏ qua

Âm nhạc liệu có khả năng thay đổi tâm trạng chúng ta?

Nhóm thực hiện

Bài: Đông Quân Ảnh: Tư liệu Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)