Lịch sử chuyển thể “The Last Airbender” đầy biến động
Avatar: The Last Airbender (tựa Việt: Thế thần: Ngự khí sư cuối cùng) là loạt phim hoạt hình kinh điển đã trở thành tuổi thơ của nhiều thế hệ kể từ khi ra mắt lần đầu vào năm 2005. Loạt phim kéo dài ba mùa xuyên suốt từ năm 2005 đến năm 2008 trên kênh Nickelodeon. Mỗi mùa phim được xem là một “cuốn sách” khác nhau ghi chép lại cuộc hành trình của cậu bé Aang – Ngự Khí Sư cuối cùng của Phong Tộc, từng bước nỗ lực chinh phục sức mạnh của các nguyên tố và trở thành Thế thần thực thụ.
Không đơn thuần là câu chuyện cổ tích dành cho trẻ em, loạt phim để lại nhiều thông điệp sâu sắc và in sâu vào ký ức của nhiều con người bởi đề cập đến các khía cạnh mang tính gai góc và trưởng thành như chấn thương gia đình, diệt chủng sắc tộc và chủ nghĩa quân phiệt. Điều này lý giải tại sao The Last Airbender đã tồn tại bền bỉ trong hơn hai thập kỷ như một tác phẩm kinh điển đình đám.
Cũng hai mươi năm trước, Nickelodeon đã bắt tay với đạo diễn Michael Dante DiMartino và Bryan Konietzko để chuyển thể The Last Airbender thành một bộ phim truyền hình dài tập. Vũ trụ Avatar ban dầu được mở rộng thêm hai loạt phim truyền hình, một bộ phim hành động, truyện tranh, trò chơi điện tử và hàng loạt các phương tiện giải trí khác.
Đầu những năm 2010, trong trào lưu làm phim giả tưởng dành cho giới trẻ với các tác phẩm nổi tiếng như Twilight, Harry Potter và The Hunger Games, chủ bản quyền Paramount Pictures đã ủy quyền cho đạo diễn M.Night Shyamalan thực hiện chuyển thể Avatar: The Last Airbender thành một bộ phim live-action. Đó sẽ là bộ ba phim gồm ba phần của series Avatar. Nhưng điều đáng tiếc đã xảy ra, với những phân đoạn võ thuật hời hợt, vấn đề trầm trọng trong đài từ và hãng sản xuất quyết tâm chọn một loạt diễn viên da trắng thay cho các diễn viên bản địa, châu Á như trong nguyên tác, Avatar phiên bản 2010 đã rũ bỏ toàn bộ tinh thần và giá trị chinh phục màn ảnh đầy tiềm năng của tài nguyên gốc.
Cũng từ đây, phong trào Racebending xuất hiện, trong đó Racebending được đặt ra như một thuật ngữ phản đối các quyết định tuyển diễn viên cho The Last Airbender phiên bản live-action đã tạo nên làn sóng phẫn nộ của người hâm mộ, nhằm chống lại sự phân biệt với những người thuộc sắc tộc khác và bảo tồn căn tính châu Á trên phim trường Hollywood. Dù thế, dàn diễn viên vẫn không thay đổi khi quá trình sản xuất bắt đầu. Bộ phim cuối cùng bị đánh giá là lớp vỏ thô kệch của loạt phim gốc, bị người hâm mộ cũng như các nhà phê bình chỉ trích dữ dội, đỉnh điểm là chỉ đạt 5% điểm cà chua trên Rotten Tomatoes.
BÀI LIÊN QUAN
“Ngự khí sư phiên bản 2024” – Phiên bản mang tính hoài niệm nhưng chưa nhiều đột phá
Tái xây dựng thế giới của các ngự nhân sau gần 15 năm, dẫn dắt bởi nhà sản xuất Albert Kim, điều đặc biệt có thể thấy rõ đầu tiên là ông không sa chân vào vết xe đổ của M.Night Shyamalan khi nỗ lực làm nổi bật văn hóa dân gian châu Á và bản địa trong tác phẩm chuyển thể của mình. Các diễn viên châu Á và bản địa được chọn lọc vào mọi vai diễn theo đúng nguyên tác. Bộ phim nêu bật văn hóa của người gốc Nam Á hay Đông Ấn Độ thông qua các thước phim mãn nhãn, sự chỉn chu trong trang phục và các đại cảnh hoành tráng…
The Last Airbender về cơ bản vẫn là câu chuyện mang tính hoài niệm về một cậu bé tinh nghịch giải cứu thế giới. Trở thành Thế thần và là thành viên cuối cùng còn sống sót tại Phong Tộc (tộc Khí) sau cuộc diệt chủng của Hỏa Quốc, Aang (Gordon Cormier thủ vai) là người duy nhất có thể làm chủ cả bốn nguyên tố và mang lại sự cân bằng cho thế giới. Nhưng 100 năm trước cậu bé biến mất và Hỏa Quốc hung hãn đã chinh phạt khắp thế giới, khiến trật tự thế giới bị đảo lộn. Tỉnh dậy sau giấc ngủ trăm năm, Aang phũ phàng nhận ra những người mà cậu bé yêu thương đã biến mất, thế giới của hạnh phúc và niềm tin đã không còn, cậu quyết tâm tìm lại sự cân bằng của cuộc sống, tình bạn, lòng trung thành, gia đình và khám phá tiềm năng vô hạn bên trong mình. Đồng hành cùng cậu bé trong hành trình giải cứu thế giới là Katara và Sokka, hai anh em đến từ Nam Thủy Tộc.
Điểm đặc biệt mà các bộ phim live-action gắn nhãn Netflix mang đến cho người xem là phần kịch bản tinh giản với hệ thống sự kiện không mấy phức tạp và tập trung nhiều vào các trải nghiệm giải trí, tất nhiên, bên cạnh phần hình ảnh mãn nhãn mang hơi thở và tinh thần của bộ phim gốc. The Last Airbender hoàn toàn không nằm ngoài xu hướng này. Bộ phim chinh phục khán giả bởi thế giới Avatar được hiện thực hóa một cách chân thực, đáng yêu, từ những thành phố lớn cho đến những loài động vật lai kỳ quặc.
Tuy nhiên, khi chuyển sang live-action, cảm giác ngây ngô và tinh thần phim phiêu lưu thiếu nhi phần nào bị đánh mất thay vào đó là cảm giác đen tối, bạo lực, toan tính hơn nhưng có tác dụng quan trọng cho mạch chuyện. Người xem tò mò cách Aang làm thế nào để trở thành Thế thần và cách những chấn thương, mất mát sẽ định hình tương lai, phẩm chất bên trong cậu bé. Khi sức nặng của thế giới dường như đặt cả lên vai Aang, buộc cậu phải thách thức chính bản thân mình, đặt ra câu hỏi về việc trở thành Thế thần nghĩa là gì, không ảo tưởng về việc cậu là người duy nhất trên thế giới có thể kiểm soát cả bốn nguyên tố để tập trung vào trách nhiệm của mình như một người hòa giải, người sẽ giữ cho bốn vương quốc cùng tồn tại hòa hợp. Đó là yêu cầu đôi khi quá lớn dành cho một đứa trẻ, nên việc giảm tinh thần phiêu lưu thiếu nhi và cân bằng bằng việc tái hiện thế giới như nơi cái xấu, cái ác lộng hành đã làm tiền đề cho lòng nhân ái, sự kiên định lẫn triết lý phản chiến của Aang có đất tỏa sáng mà không sa vào gượng ép.
Dù nhiều đổi mới, trung thành với nguyên tác, The Last Airbender vẫn là một tác phẩm dễ đoán, kịch bản mỏng, sẽ chiều lòng các mọt phim giải trí nhưng chắc chắn không hài lòng các nhà phê bình và cộng đồng fan gốc có kỳ vọng lớn.
Xem thêm
• 10 bộ phim Hàn thanh xuân đáng chú ý sẽ ra mắt năm 2024
• 22 tựa phim Hàn Quốc được xem nhiều nhất trên Netflix năm 2023
• Những bộ phim tôn vinh giá trị phụ nữ trên Netflix
Khắc phục nhược điểm để “bật đèn xanh” cho mùa phim mới
Bên cạnh truyện phim dễ xem, dễ theo dõi; các yếu tố giải trí, hài hước được cài cắm tương đối hiệu quả; lời thoại vẫn là điểm trừ của vài tập đầu. Thách thức từ việc phải xây dựng được thế giới mà những người chưa bao giờ xem bộ phim hoạt hình gốc cũng có thể hiểu, các nhân vật phải giải thích vũ trụ này bằng loạt thuật ngữ và điều này gây ra những cuộc đối thoại vụng về giữa các nhân vật. Các diễn viên nhí như Gordon Cormier cũng không hoàn toàn nhập vai từ ban đầu. Diễn xuất của cậu bé có phần gượng gạo vì chưa thể bắt nhịp ngay lập tức với vai diễn và thoải mái với các diễn viên khác. Càng về cuối, nhược điểm này đã ít nhiều được khắc phục.
Bù lại, các diễn viên kỳ cựu đã gánh vác phần nào khía cạnh diễn xuất, mang tới những màn trình diễn ấn tượng như Lim Kay Siu trong vai Hòa thượng Gyatso, Paul Sun Hyung Lee trong vai bác Iroh hay Quốc vương Hỏa Ozai do Daniel Dae Kim thủ vai… Thêm vào đó, nam diễn viên trẻ Dallas Liu trong vai Hoàng tử Zuko được đánh giá cao trong các pha hành động lẫn diễn xuất khi tái hiện ấn tượng hình ảnh một cậu thanh niên bốc đồng, một đứa trẻ nhiều tổn thương, một gã hoàng tử tham vọng nhưng sâu bên trong vẫn có những phẩm chất tốt đẹp…
Nhìn chung, sau One Piece, Netflix lại có thêm một thương hiệu nhượng quyền đình đám khác. Và Avatar: The Last Airbender vẫn là một khởi đầu thực sự tốt. Một số nhược điểm như lời thoại vụng về và lối diễn xuất thô của các diễn viên nhí sẽ được cải thiện dần theo thời gian khi họ cảm thấy thấu hiểu hơn vai diễn của mình và thân thiết hơn với các bạn diễn. Song song, khi thế giới Avatar đã được định hình rõ ràng ở mùa một, đoàn làm phim sẽ không mất thời gian để trình bày lại với người xem lần nữa. Bộ phim do đó là lời hứa nhiều tiềm năng để Netflix “bật đèn xanh” cho các mùa phim tiếp theo với kỳ vọng chinh phục cộng đồng yêu phim.
Nhóm thực hiện
Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp