[Review] Bác sĩ Cha: Học cách yêu bản thân, yêu người và yêu đời
Liên tục đổi “ngôi vương” với “Người Mẹ Tồi Của Tôi” trên top 10 Netflix toàn cầu, rating tăng mạnh qua từng tập và không hề lép vế trước bộ phim cùng đề tài y khoa lên sóng cùng thời điểm – “Người Thầy Y Đức 3”, “Bác Sĩ Cha” (Doctor Cha) có gì đặc biệt và lý do gì khiến bộ phim này hấp dẫn đến thế?
Bác Sĩ Cha hội tụ đầy đủ các yếu tố cuốn hút đã làm nên danh tiếng của phim ảnh xứ Hàn từ ngoại tình, con riêng đến mẹ chồng nàng dâu nhưng lại được đặt trong bối cảnh bệnh viện và xoay quanh những vị bác sĩ. Dẫu chứa đựng hầu hết các “drama” kịch tính như thế, Bác Sĩ Cha vẫn mang năng lượng tích cực và chữa lành hữu hiệu. Đây là một bộ phim mang lại nhiều tiếng cười, nhưng vẫn khiến khán giả suy ngẫm bởi chiều sâu của câu chuyện và các giá trị nhân văn khi họ có thể bắt gặp đâu đó hình ảnh của chính mình trong những tình huống bối rối và đầy tổn thương của nhân vật.
Câu chuyện về những người phụ nữ hay quên chính mình
Cha Jeong Suk không phải là một nhân vật cá biệt của trí tưởng tượng. Cô là người phụ nữ trung niên với những vấn đề rất tiêu biểu của phụ nữ. Lầm lỡ có thai ở những năm tháng đại học, cô chấp nhận từ bỏ công việc bác sĩ để chăm sóc gia đình và phục vụ những thành viên trong suốt 20 năm mà không một lời ca thán. Được người người ngưỡng mộ vì là con dâu nhà giàu, phu nhân của giáo sư Seo In Ho nổi tiếng, thế nhưng cô ít khi mua sắm hay làm đẹp cho bản thân vì không có thời gian và không có tài chính độc lập. Mẹ chồng tuy không chì chiết cô nặng nề nhưng lại chưa từng xem trọng con dâu. Cô đã phải cố gắng thỏa mãn các yêu cầu khắt khe đến mức thái quá của bà từ ngày này qua ngày khác. Đáng buồn hơn nữa khi tình yêu giữa cô và chồng vốn đã không còn mặn nồng từ rất lâu, thậm chí người chồng đạo mạo đã ngoại tình mà cô chẳng mảy may nghi ngờ. Cô khép mình trong khuôn mẫu truyền thống rằng một phụ nữ tốt phải chu toàn gia đình, phải lùi về sân sau, phải đặt chồng con lên trên ước mơ của bản thân, phải dịu dàng ngoan ngoãn, phải chiều chuộng nhu cầu của kẻ khác…
Cuộc đời của Cha Jeong Suk có lẽ sẽ kéo dài mãi mãi như thế, cho đến khi cô phát hiện mình bị mắc bệnh bắt buộc phải ghép gan. Căn bệnh trở thành chất xúc tác giúp cô nhận thức rõ ràng về những tủi hờn, nhọc nhằn mà bản thân đã phớt lờ để làm một người vợ, người con dâu, người mẹ tốt.
Bác Sĩ Cha kể về nhiều vấn đề nhưng cốt lõi là hành trình Cha Jeong Suk gạt đi sự tự ti, thù ghét chính mình để yêu bản thân hơn và mở lòng với thế giới. Cô cho phép mình tìm lại ước mơ làm một bác sĩ tốt của những ngày trẻ và nỗ lực thực hiện hoá điều đó dẫu có nhiều khó khăn.
Để đưa ra quyết định đó, cô đã phải trải qua nhiều cuộc chiến thầm lặng với bản thân và với người khác. Thành công trở thành bác sĩ nội trú ở bệnh viện nơi chồng và con trai đang làm việc, nhưng Cha Jeong Suk không ngừng tự vấn khi đối mặt với xung đột vai trò, sự thiếu sót của chính mình và những lời dè bỉu từ nhiều người. Cô xảy ra mâu thuẫn với con gái vì không có thời gian để theo sát cô bé ôn thi đại học. Người chồng và tình nhân của hắn ta – Choi Seung Hi liên tục gây áp lực để cô bỏ việc. Cô còn bị viện trưởng gọi là bất tài và ẩn ý rằng cô nên từ bỏ. Những chướng ngại này đã giúp cho câu chuyện trở nên gần gũi và thuyết phục hơn.
Thông qua hành trình của riêng Cha Jeong Suk, phim kể câu chuyện thân quen với rất nhiều người. Cuộc đời bên ngoài có tốt đẹp và đủ đầy thì bên trong cũng có thể đầy cay đắng. Cô luôn thấy bản thân mình có lỗi vì không thể bước qua sai lầm trong quá khứ. Cô yếu đuối, mất hết tự tin và suýt từ bỏ trước thành kiến của người khác. Nhưng chính cô cũng là một kẻ dám bước ra khỏi vùng an toàn và đấu tranh để sống cho chính mình. Nhân vật Cha Jeong Suk là đại diện cho tính nữ toàn diện. Người phụ nữ có thể mạnh mẽ kiên định, cũng có thể mềm yếu, mỏng manh. Và bất kỳ ai cũng có cơ hội để có thể trở thành một con người sống hạnh phúc mà không phải tuân theo một khuôn mẫu quy chuẩn xã hội, càng không phải theo ý muốn của một ai đó. Ngay cả khi yêu cầu đó xuất phát từ bố mẹ và con cái, không ai phải cho đi đến mức quên bản thân mình.
Liệu sau tất cả, Cha Jeong Suk có ly hôn với Seo In Ho và tìm thấy hạnh phúc thật sự? Cái kết nào dành cho tình cảm của bác sĩ Roy Kim – người đã luôn quan tâm đến cảm xúc và tôn trọng bác sĩ Cha từ tận đáy lòng?
Lối kể chuyện hóm hỉnh mà sâu cay
Bác Sĩ Cha là bức tranh giàu tính chiêm nghiệm về những người không hoàn hảo. Phim ngập tràn những dối lừa, đấu đá đầy toan tính nhưng không có nhân vật nào là phản diện thực sự và cũng không có ai là hoàn toàn đúng. Seung Hi là người đến trước nhưng đã trở thành kẻ thứ ba của người mình yêu. Tình yêu trở thành một cái cớ để bao biện cho hành vi vượt qua ranh giới đạo đức. Trong khi đó, Cha Jeong Suk đã tự gọi mình là “đồ khốn nạn” vì cô biết mình đã hèn mọn chen chân vào mối quan hệ của Seo In Ho và Seung Hi, sống lầm lũi nhiều năm với lòng biết ơn gia đình chồng đã chấp nhận cô.
Điều kỳ diệu của Bác Sĩ Cha là phim có thể mang đến tiếng cười thoải mái khi cả câu chuyện toàn là những biến cố khiến người ta có thể sụp đổ. Cốt truyện đuổi bắt, giấu diếm quen thuộc của dòng phim ngoại tình được khắc hoạ dưới lăng kính trào phúng và được truyền tải tốt bởi các diễn viên. Phim trở thành một chuỗi bi hài kịch vô cùng thu hút khi khiến chúng ta bật cười, tức giận và buồn thương trong cùng một phân cảnh.
Đây là hiệu quả của việc sử dụng thành công công thức tác động cảm xúc của người xem qua nhiều tầng. Tầng bề mặt cuốn người xem vào những sắc thái xúc cảm mà tình tiết phim mang lại và chạm đến những tầng sâu hơn, thay đổi nhận thức và thế giới quan của người xem bằng các luận điểm được chứng minh rõ ràng. Tuy luôn tràn đầy những khoảnh khắc hài hước, nhưng phim không bao giờ cho phép những tiếng cười này khiến những thông điệp trở nên lệch lạc. Ngoại tình là sai, sự ích kỷ của các thành viên trong gia đình đối với Jeong Suk đã gây tổn thương cho cô là sự thật. Những câu đùa trong phim không chỉ là một loại “gia vị” mà còn là cách nhà làm phim châm biếm những hành động sai trái của nhân vật.
Nhờ cân bằng được cả yếu tố giải trí và chiều sâu, người xem không bị quá ngộp trong một luồng cảm xúc nhất định. Vì vậy, Bác Sĩ Cha ngày càng tiếp cận được nhiều đối tượng khán giả.
Dàn diễn viên đầy màu sắc
Kim Byung Chul là “đại công thần” góp phần làm nên thành công của Bác Sĩ Cha. Không sở hữu nhan sắc vượt trội nhưng khả năng diễn xuất của anh có thể xếp vào hàng diễn viên thực lực của màn ảnh Hàn dù chỉ đảm nhận vai phụ hoặc vai thứ chính. Anh cũng từng góp mặt trong loạt bom tấn đình đám. Bắt đầu được nhiều người biết đến từ nhân vật Trung tá Park Byung Soo cứng nhắc một cách hài hước trong Hậu Duệ Mặt Trời, anh gây ấn tượng khi trở thành kẻ phản diện đáng sợ nhất trong Goblin — thái giám Park Joong Heon và thực sự tỏa sáng nhờ vào vai diễn giáo sư ngành luật đầy tham vọng trong Sky Castle. Người đàn ông bị ngàn người “ném đá” Seo In Ho là vai chính đầu tiên mà anh đảm nhận sau hơn 20 năm lăn lộn với nghiệp diễn. Nhiều khán giả nhận xét Kim Byung Chul duyên dáng đến nỗi dù anh thể hiện một giáo sư Seo xấu tính và tồi tệ nhưng họ vẫn không thể ghét nổi nhân vật này.
Nếu Kim Byung Chul là điểm nhấn độc đáo thì Cha Jeong Suk của Uhm Jung Hwa là linh hồn của cả bộ phim. Bác Sĩ Cha đánh dấu sự tái xuất màn ảnh nhỏ của nữ diễn viên sau 6 năm vắng bóng. Xuất phát điểm là một ca sĩ danh tiếng rực rỡ cuối những năm 90, cô lấn sân sang phim ảnh bằng nhiều vai diễn gợi cảm táo bạo và thành công gặt hái sự công nhận của khán giả lẫn giới mộ điệu. Ở tuổi 54, nữ diễn viên một lần nữa chứng minh khả năng diễn xuất của mình bằng một Cha Jeong Suk đa sắc thái, khi thì “tấu hài” mượt mà, khi thì bùng nổ cảm xúc.
Câu chuyện của phim được hoàn thiện bởi màn thể hiện trọn vẹn của dàn diễn viên phụ. Myung Se Bin khiến khán giả chán ghét với sự vô liêm sỉ của tiểu tam Choi Seung Hi và cũng khiến người ta thương cảm cho cuộc đời nhiều biến cố của cô. Đặc biệt được yêu thích nhất phải kể đến Min Woo Hyuk — người thủ vai bác sĩ Roy Kim. Anh cuốn hút người xem bằng việc khắc họa tinh tế những mặt đối lập của nhân vật và khiến người xem tò mò về thế giới nội tâm thật sự của nam thần.
Không chỉ những tên tuổi gạo cội mà Bác Sĩ Cha còn có sự tham gia của những người trẻ tiềm năng như cựu thành viên nhóm nhạc Gugudan – Jo Aram với vai diễn nàng bác sĩ “thét ra lửa” Jeon So Ra, nữ diễn viên GenZ Lee Seo Yeon trong vai cô con gái cá tính của bộ đôi nam nữ chính bất ổn – Seo Yi Rang.
Xem thêm
• 10 nữ chính phim Hàn truyền cảm hứng giúp bạn tự tin vào chính mình
• 8 bộ phim Hàn có nữ chính là người hướng nội
• 6 bộ phim Hàn có đề tài trả thù kịch tích tương tự “The Glory”
Thông điệp nhân văn
Phim khắc họa những lát cắt thực tế về hành trình của những vị y bác sĩ. Họ dành 6 năm để học tập trong trường y, 1 năm thực tập tại bệnh viện, 3 năm làm bác sĩ nội trú và trải qua một kỳ thi căng thẳng để trở thành bác sĩ chính. Để đạt được chức vị giáo sư y khoa, họ phải dành thêm ít nhất 4 năm học Thạc sĩ và Tiến sĩ. Không chỉ đẹp về trí tuệ, họ còn là những tấm gương sáng về sự tử tế và trách nhiệm. Những bác sĩ non trẻ, bao gồm Cha Jeong Suk luôn sẵn sàng nhận lỗi và lắng nghe những trách mắng gay gắt từ người hướng dẫn với thái độ cầu tiến. Những người khoác áo blouse trong phim đều xem mạng sống của bệnh nhân như người thân của mình. Mặc dù cuộc sống họ không dễ dàng và mỗi người đều có ưu nhược điểm khác nhau, nhưng họ luôn ân cần động viên người bệnh và dâng trào hạnh phúc khi ca bệnh có tiến triển tốt đẹp. Thật đáng khâm phục khi Cha Jeong Suk không chút lo sợ khi cố gắng cứu một người bệnh có ý định tự tử hay khi cô bỏ qua cái tôi cá nhân để đồng cảm với chủ tịch Oh.
Trong manga Jujutsu Kaisen có một giả thuyết cho rằng bệnh viện và trường học là những nơi chứa nhiều cảm xúc tiêu cực như sợ hãi hay hận thù của con người. Thật vậy, bối cảnh bệnh viện cho phép nhìn thấu cuộc đời của bệnh nhân cũng như người thân của họ và phản chiếu nội tâm sâu sắc của rất nhiều người. Bác Sĩ Cha lướt qua nhiều hoàn cảnh khác nhau, từ đó, những thông điệp về sự sống và cái chết, gia đình, tình người trở nên lấp lánh hơn bao giờ hết. Chúng ta hiểu được rằng những người cao tuổi đau đớn và đáng thương như thế nào khi bệnh tật tuổi xế chiều. Chủ tịch Oh cũng khao khát được sống nhưng ông làm sao chịu được cảm giác tôn nghiêm bị phá vỡ. Thay vì phán xét họ như một bệnh nhân rắc rối và gàn dở, họ cần được thấu hiểu nhiều hơn.
Khán giả cũng có dịp cảm nhận sâu sắc tình thương của đấng sinh thành qua câu chuyện của những người phụ nữ mạnh mẽ. Bà Jang Hae Nam là một tội phạm và không muốn tiếp nhận điều trị vì không còn lý do gì để sống, ngoài ước muốn gặp đứa con gái tội nghiệp của mình lần cuối. Cô gái đang tuổi 20 đầy hi vọng nhất quyết sinh con mà chẳng màng đến sự sống của bản thân mình. Và còn người mẹ tảo tần của Cha Jeong Suk, bà đã cố gắng hết khả năng của mình để tìm kiếm người hiến gan cho con gái và luôn ủng hộ con vô điều kiện.
Chắc hẳn thông qua những mảnh đời ấy, bạn sẽ cảm thấy trân trọng mọi điều mà mình đang có và sức khỏe của bản thân, những người thân yêu hơn.
Cuộc đời của Cha Jeong Suk đáng buồn nhưng không hề bi lụy. Dẫu cô có những phút giây yếu đuối rất đời thường, nhưng cô luôn đối xử với người, với đời bằng tình cảm chân thành và mọi chuyện rồi sẽ trở nên tốt đẹp hơn bằng cách này hay cách khác. Nhưng trước khi bạn cho đi, bạn nên yêu bản thân mình nhiều hơn, yêu cả những khiếm khuyết, ngưng tự đổ lỗi và xin lỗi. Có như vậy, tình yêu mới không trở nên độc hại.
Cuộc sống vốn là những hân hoan và muộn phiền song hành cùng nhau. Dù có ở đâu hay làm gì, chúng ta không nên từ bỏ hy vọng. Đó sẽ là kim chỉ nam đưa ta đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống và hạnh phúc rồi sẽ nở hoa ở một khoảnh khắc nào đó.
Bài: Xuân Yến