Bạn đã xem 15 bộ phim nữ quyền hay và ý nghĩa này chưa?
Hình ảnh nữ giới trên phim ngày nay không hề thua kém đàn ông, mà các bộ phim nữ quyền đã được các nhà làm phim khai thác triệt muôn màu muôn vẻ.
Hãy cùng ELLE điểm lại 15 bộ phim nữ quyền nổi tiếng rất đáng xem.
1. My Fair Lady – Thục Nữ Yêu Kiều (1964)
“My Fair Lady” do đạo diễn George Cukor sản xuất năm 1964 là một bộ phim ca nhạc vừa độc đáo về nội dung, hấp dẫn ở âm nhạc và đẹp mắt về phần trang phục lộng lẫy và xa xỉ cuốn hút người xem. Nữ minh tinh huyền thoại Audrey Hepburn vào vai Eliza Doolittle, một cô nàng bán hoa Eliza nghèo khổ, nhem nhuốc với chất giọng mà giáo sư ngôn ngữ Henry Higgins (Rex Harrison) phải thốt lên: “Một người phụ nữ với chất giọng kinh khủng thế kia thì… không có quyền được sống!”. Cô đã không bị ảnh hưởng bởi định kiến ấy mà thay vào đó, cô trực tiếp đề nghị ngài giáo sư “uốn nắn” cô thành một quý bà quyến rũ. Sau khi vượt qua những thách thức, sức ép từ Henry, Eliza đã thật sự trở thành một quý cô tao nhã, sang trọng ngoài tưởng tượng và Henry nhận ra ông đã yêu cô.
NTK người Anh Cecil Beaton đảm nhiệm khâu phục trang đã thực hiện các thiết kế trong phim, mô phỏng theo cách ăn mặc của tầng lớp thượng lưu ở Anh đầu những năm 1900. Ông được nhận giải thưởng Oscar danh giá cho trang phục xuất sắc nhất (Best Costume Design).
2. Erin Brockovich (2000)
Dựa vào sự kiện có thật, bộ phim là câu chuyện kể về một người mẹ đơn thân có ba đứa con. Cô đã ly hôn hai lần, không tiền, không việc, không tương lai nhưng cô không chấp nhận đầu hàng trước những bất công xã hội. Erin (Julia Roberts) đã nài nỉ xin phụ việc cho một luật sư và bằng nỗ lực truy cứu vấn đề nguồn nước ô nhiễm của một công ty cùng sự kiên trì theo đuổi vụ kiện, Erin đã thuyết phục được người dân địa phương và chiến thắng vụ kiện, cô được trả một khoản chi phí khổng lồ chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ.
Bộ phim ca ngợi sự cố gắng kiên trì và ý chí mạnh mẽ của người mẹ cuối cùng đã hưởng thành quả chính đáng.
3. Bridget Jones’s Diary – Nhật ký tiểu thư Jones (2001)
Thuộc thể loại Chick-flick (dành cho phụ nữ) được ưa thích nhất mọi thời, bởi “Nhật ký tiểu thư Jones” có đề cập tới những vấn đề mà phái đẹp luôn quan tâm: giảm cân và đi tìm người đàn ông đích thực của đời mình. Ngôi sao Renee Zellweger đã nhận một đề cử Oscar cho vai diễn nàng Jones có thân hình phì nhiêu, vô duyên lên kế hoạch tìm “Mr Hoàn hảo” của cuộc đời khi đã bước sang tuổi 30. Cơ hội đến với Jones khi cô gặp gỡ hai người đàn ông: sếp của cô là chàng Daniel (Hugh Grant) hào hoa nhưng không chung thủy và anh bạn Mark (Colin Firth) khù khờ nhưng tốt bụng… Chỉ với 26 triệu USD đầu tư, bộ phim này đã đạt doanh thu gần 300 triệu USD trên toàn cầu và thành công đó đến từ lượng lớn khán giả là phái đẹp.
Phụ nữ ngưỡng mộ tiểu thư Jones bởi sự hài hước của cô đem tới và còn bởi không ít người bắt gặp chính bản thân mình khi xem phim.
4. Pride And Prejudice – Kiêu hãnh và định kiến (2005)
Chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Jane Austen không chỉ đem tới sự mê đắm bởi cảnh quay vùng quê thanh bình nước Anh tuyệt đẹp. Phim của đạo diễn Joe Wright diễn ra vào cuối thế kỷ 18, nên trang phục thời kỳ này là kiểu váy dài tha thướt với phần eo tự nhiên. Những chiếc váy trắng tinh khôi, những chiếc mũ trùm đầu điệu đà càng tôn lên sự nữ tính của 5 chị em nhà Bennet.
Cuộc sống của Jane xinh đẹp và mạnh mẽ, Elizabeth thông minh, Maryham đọc sách, Kitty nhí nhảnh và Lydia hoang dã, tất cả đều chưa chồng đang diễn ra êm đềm cho đến khi một chàng trai trẻ giàu có, Bingley, và bạn thân của anh chàng Darcy trở thành hàng xóm của họ. Nhiều tình huống ngang trái bắt đầu nảy sinh. Darcy (Matthew Macfadyen) phải lòng Elizabeth (Keira Knightley), nhưng anh có những nhận định sai lầm khi đã tỏ ra quá kiêu hãnh và có cái nhìn thiên lệch về địa vị xã hội, Elizabeth thì thấy mình đã kết luận quá vội vã về Darcy. Sau tất cả những rắc rối và mâu thuẫn, hai đôi trẻ đã có một kết thúc hạnh phúc. Họ đã vượt qua sự kiêu hãnh và những định kiến của bản thân cũng như của xã hội Anh thời bấy giờ.
5. The Devil Wears Prada – Yêu Nữ Hàng Hiệu (2006)
“The Devil Wears Prada” dẫn dắt người xem bước vào thế giới thời trang xa hoa với những nhãn hiệu đắt tiền và cả sự nghiệt ngã, đánh đổi chính bản thân mình của những con người làm việc trong ngành công nghiệp khắc nghiệt này. Dựa theo nội dung cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lauren Weisberger, “The Devil Wears Prada” kể về Andy Sachs (Anne Hathaway), một cô sinh viên quê mùa mới ra trường được nhận làm thư ký cho Miranda Priestly (Meryl Streep) – người đàn bà quyền lực của tòa soạn tạp chí thời trang danh tiếng Runway ở New York, biệt danh “yêu nữ”. Để thành công, Andy phải tìm cách thỏa mãn những yêu cầu, dù là khắt khe nhất của Miranda. Tuy nhiên, khi nhìn vào ánh hào quang của người đàn bà này, Andy chỉ thấy một sự đơn độc.
Ngoài diễn xuất tuyệt vời của Meryl Streep và Anne Hathaway, phim còn khiến người xem, đặc biệt là các tín đồ yêu thích thời trang, cảm thấy vô cùng mãn nhãn với những trang phục cao cấp đến từ các thương hiệu như Channel, Galliano, Donna Karan, Bill Blass, Prada…
6. Miss Potter (2006)
Mô tả về những câu chuyện tuyệt vời của nhà văn Anh, Beatrix Potter- người sử dụng tất cả niềm tự hào và lòng can đảm để đứng lên cho những ước mơ của mình. Cô đã phải đối mặt với gia đình và xã hội về những vấn đề nữ quyền một cách nghiêm túc. Khác với những quý cô truyền thống cùng thời, Potter đã chọn để trở thành nhà văn cho trẻ em hơn là kết hôn.
7. Becoming Jane – Chuyện Tình Của Jane (2007)
Một câu chuyện tình buồn và rất đẹp giữa Jane Austen (Anne Hathaway) trước khi trở thành nữ văn sĩ nổi tiếng và người yêu Thomas Lefroy (James McAvoy). Cha cô luôn muốn tìm cho cô một tấm chồng và đó gần như là mục đích sống của ông. Jane ước mơ trở thành một nhà văn và tìm hiểu thế giới thực sự của tình yêu, niềm vui và hạnh phúc. Nhưng không may, cô đã không thể cưới người đàn ông đời mình và quyết định sống độc thân cả đời.
8. Changeling – Đứa Trẻ Thất Lạc (2008)
Tác phẩm do huyền thoại Clint Eastwood đạo diễn là một trong những bộ phim tạo cảm giác nặng nề, căng thẳng và được nhắc đến nhiều nhất trong mùa giải thưởng điện ảnh năm 2008. Dựa trên một câu chuyện có thật, “Changeling” đưa khán giả tới Los Angeles vào năm 1928. Một ngày nọ, người mẹ đơn thân Christine (Angelina Jolie) trở về nhà và phát hiện cậu con trai 9 tuổi của mình đã mất tích. Trong tâm trạng hoảng loạn, cô cầu viện sự giúp đỡ của cảnh sát để rồi 5 tháng sau, cơ quan chức trách thông báo họ đã tìm được con trai cô tại Illinois. Song khi đoàn tụ, Christine đã khẳng định đây không phải con mình, để rồi bước vào cuộc chiến với dư luận và lực lượng cảnh sát…
Khi mới đọc kịch bản, Angelina Jolie cho biết mình đã rất xúc động bởi với tư cách một người mẹ, cô hiểu nỗi lo sợ một ngày con mình biến mất sẽ khủng khiếp ra sao. Màn nhập vai đầy cảm xúc trong “Changeling” đã đem về cho minh tinh này đề cử Oscar thứ hai trong sự nghiệp, lần này là ở hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc”.
9. Sex and the City – Chuyện Ấy Là Chuyện Nhỏ (2008)
Được dựa trên loạt phim truyền hình dài tập cùng tên đặc biệt được phái nữ ưa thích của đài HBO, phiên bản điện ảnh của “Sex and the City” vẫn dựa trên bốn phụ nữ là Carrie (Sarah Jessica Parker), Samantha (Kim Cattrall), Charlotte (Kristin Davis) và Miranda (Cynthia Nixon) cùng sống tại New York và thân thiết với nhau. Bộ phim tiếp tục chuyển tải những gì mà phim truyền hình từng làm – cái nhìn đa diện của phái nữ về tình yêu, tình bạn và cả tình dục.
“Sex and the City” thu hút khán giả không chỉ bằng cách đặt vấn đề thẳng thắn, trực diện về tình yêu – tình dục của phụ nữ hiện đại mà còn bởi những đồ phục trang hợp mốt nhất, khiến mọi khán giả nữ vừa có thể thư giãn đầu óc lại vừa được thỏa mãn niềm đam mê thời trang.
10. Confessions of a Shopaholic – Tự Thú Của Một Tín Đồ Shopping (2009)
Thú vui mua sắm là niềm yêu thích của hầu như tất cả phụ nữ và “Confessions of a Shopaholic” dường như đánh trúng vào tâm lý của phái đẹp. Những nhãn hiệu đẳng cấp như Gucci, LV, Chanel, Hermes, Prada… xuất hiện choáng ngợp trong phim, nên đây là tác phẩm hiển nhiên nằm trong danh sách phim mà các chị em đều không muốn bỏ qua.
Sống tại thành phố New York hoa lệ, cô nàng Rebecca Bloomwood (Isla Fisher) là một tín đồ trung thành, thậm chí là nghiện mua sắm. Cô luôn có mặt tại dịp hạ giá tại các cửa hàng thời trang lớn. Rebecca luôn ấp ủ làm việc cho tạp chí thời trang mà cô yêu thích nhưng phát hiện ra mình không đủ khả năng. Tuy nhiên, cơ duyên đã đưa cô gặp gỡ với chàng doanh nhân điển trai Luke Brandon và mọi chuyện thay đổi từ đây…
11. The Help – Người Giúp Việc (2011)
Được chuyển thể từ tác phẩm văn học cùng tên và lấy bối cảnh những năm 1960 ở nước Mỹ, phim bắt đầu với Skeeter (Emma Stone), một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, quyết tâm quay phim về những trải nghiệm sống của những người đầy tớ Mỹ gốc Phi- những người đã chịu đựng mọi hình thức xúc phạm để phục vụ cho xã hội của người da trắng.
Mặc dù mỗi người hầu gái có lối sống, tính cách, số phận khác nhau nhưng tình cảm của họ ngày một bền chặt. “The Help” nhấn mạnh vào tình bạn, tình chị em khắng khít, là tình cảm giúp họ vượt qua những chỉ trích, rào cản về phân biệt đối xử chủng tộc và nỗ lực chiến thắng mọi khó khăn.
12. The Hunger Games – Đấu Trường Sinh Tử (2012)
“The Hunger Games” là series phim đình đám được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ nhà văn Suzanne Collins, đã từng làm bùng nổ doanh thu cho tất cả các phòng vé. Đặt trong bối cảnh khu vực bắc mỹ bị hủy hoại do thiên tai và chiến tranh, cả khu vực trở thành một Panem với Capitol và 13 huyện. Mỗi năm sẽ có 24 thanh niên của 12 huyện được lựa chọn để tham gia một Trò chơi sinh tử được tường thuật cho cả đất nước xem trong đó chỉ có một người gan dạ và mưu trí nhất mới có thể sống và chiến thắng. Cô nàng Katniss Everdeen (do nữ diễn viên Jennifer Lawrence thủ vai) một công dân của Quận 12, từ việc tự nguyện tham gia thay em gái, dần dần vai trò của cô trở thành biểu tượng dẫn dắt những người dân nghèo khổ đứng lên chống lại sự áp bức, độc tài tàn khốc của The Capitol.
13. The Other Woman – Vợ, Người Yêu, Người Tình (2014)
“Vợ – Người yêu – Người tình” không chỉ trả lời thỏa đáng những tâm lý sâu kín của phái đẹp: “Làm gì khi chồng đi ngoại tình?”. Bà nội trợ Kate King (Leslie Mann) có chồng ngoại tình và rồi số phận trớ trêu đã đưa đẩy cho cô gặp được người yêu Carly Whitten (Cameron Diaz) và người tình Amber (Kate Upton), cả 3 người phụ nữ hợp sức dẫn đến một cuộc trả đũa người chồng trăng hoa vừa hài hước, đầy bất ngờ nhưng chất chứa nhiều bài học vô cùng ý nghĩa về tình yêu và cuộc sống.
Được lấy bối cảnh tuyệt đẹp tại thành phố Manhattan hoa lệ, còn khiến phái đẹp thích thú với phong cách thời trang bắt mắt, sang trọng và quyến rũ của các bộ trang phục trong phim.
14. Joy – Người Phụ Nữ Mang Tên Niềm Vui (2015)
Lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về nữ doanh nhân Joy Mangano (Jennifer Lawrence). Cô là một trong số lãnh đạo cấp cao của Ingenious Designs và là người phát minh ra “cây lau nhà kỳ diệu” (Miracle Mop). Bố mẹ ly dị, bản thân cũng thất bại trong hôn nhân, Joy phải vất vả gồng gánh cả gia đình, mất hơn một thập kỷ tủi khổ mưu sinh và chôn vùi niềm đam mê thuở nhỏ. Nhưng chính trong giờ phút khổ cực nhất, cô có đã nảy ra một ý tưởng và có một quyết định đổi đời. Vượt qua những ngày đen tối nhất, bằng ý chí và tinh thần mãnh liệt đã giúp cô kiên cường lèo lái công việc kinh doanh từ con số 0, trở thành đế chế tỷ USD dưới sự ghen ghét, đố kỵ của bao người.
Chia sẻ về nhân vật có thật Joy Mangano, Jennifer Lawrence nói: “Tôi được Joy truyền cảm hứng rất nhiều và cô ấy quả thật rất ấn tượng. Joy là người phụ nữ giàu sức tưởng tượng và đầy quyền lực. Cô ấy có thể biến tất cả ước mơ thành hiện thực và luôn luôn nghĩ về mọi người trước tiên”.
15. The Intern – Bố già học việc (2015)
Nhà sáng lập của một công ty thời trang trực tuyến – Jules. Jules Ostin (Anne Hathaway) năng động, xinh đẹp và đầy đam mê, nhưng cũng vì thế mà cô quá bận rộn và không có đủ thời gian cho gia đình. Nên cô đã đổi vị cho chồng là người chịu trách nhiệm chăm sóc con cái. Tuy nhiên, “đồng vợ đồng chồng” chưa hẳn lúc nào “tát biển Đông cũng cạn”, hôn nhân của cô lung lay ngay lúc những khó khăn trong việc điều hành một doanh nghiệp non trẻ ập đến. Ánh mắt kỳ thị của những bà nội trợ dành cho phụ nữ thành đạt, sự thiếu lòng tin của nhà đầu tư dành cho CEO nữ là những thử thách không hề dễ dàng cho Jules.
“Jules: Ai là người truyền cảm hứng cho ông?
Ben: Jules Ostin, chính cô đã truyền cảm hứng cho tôi”
—
Xem thêm:
10 bộ phim hay phái đẹp nên xem
15 bộ phim hay từ những câu chuyện có thật
9 bộ phim hay từ các tác phẩm văn học kinh điển
Khánh Ly (Nguồn: Tạp chí phái đẹp ELLE, tổng hợp)