Văn hóa / Thế giới văn hóa

[Review sách hay] Bánh xe số phận – Khi sự kỳ vọng hủy hoại một đời người

Ngỡ rằng tài năng thiên phú là một món quà, nhưng trong Bánh Xe Số Phận, món quà ấy lại trở thành nỗi khổ tâm của một đời người.

Trưởng thành với tuổi thơ không mấy hạnh phúc, các tác phẩm của nhà văn Hermann Hesse luôn thể hiện những ý nghĩ sâu sắc, chiêm nghiệm về cuộc đời cùng với bản ngã của con người. Trong số đó, Bánh Xe Số Phận như một cuốn hồi ký kể về những kỳ vọng cũng như bất hạnh thời niên thiếu mà ông phải trải qua khi sinh ra với tư chất của một thiên tài. 

bánh xe số phận sự kỳ vọng sách hay
Ảnh: Tao Đàn

Nhân vật chính của truyện, Hans Giebenrath, chính là hình ảnh phản chiếu của Hermann Hesse. Cậu có sự thông minh, khả năng học tập hơn người và ngoại hình tao nhã, thanh lịch, nhưng lại không thể nào có được một tuổi thơ đúng nghĩa như bao đứa trẻ khác.

Rừng Đen, vùng đất cậu được sinh ra, là nơi mà hầu như mọi người đều không có tài năng gì nổi trội và sống một cuộc đời hết sức bình thường. Và rồi họ nhìn vào cuộc đời của Hans, nhận ra thứ mà họ khao khát bấy lâu và bắt đầu dành sự quan tâm đặc biệt cũng như kỳ vọng nơi cậu. Hans trở thành niềm hy vọng của nhà trường, niềm tự hào của người cha và nỗi ghen tỵ của bạn đồng trang lứa. 

Ngay khi phát hiện được tài năng của cậu, nhà trường đã đào tạo cậu trở thành học sinh ưu tú để dự tuyển kỳ thi Quốc gia cũng như có cơ hội được hưởng một nền giáo dục miễn phí. Khi hiểu được trọng trách đó, cậu bắt đầu lao mình vào những giờ học ngoại ngữ, toán học và những điều giúp cậu trở thành người đứng đầu. Niềm mê hoặc của việc được người xung quanh ngước nhìn và ngưỡng mộ trở thành động lực để cậu đánh đổi những giờ dạo chơi bên khu rừng cùng niềm vui mộc mạc của thời niên thiếu.

Sỡ hữu những thiên phú của thần đồng, tương lai của cậu cũng được định đoạt sẵn. Không phải vô cớ mà cuộc đời của nhiều thiên tài như William James Sidis, Alan Turing, Brandenn Everett Bremmer… đã bị vùi dập trước áp lực và kỳ vọng của xã hội. Tưởng chừng cuộc đời sẽ trở nên tốt đẹp hơn khi sở hữu những năng lực đó, thế nhưng, điều mà những thiên tài nhận được chỉ là chuỗi bi kịch kéo dài. Có thể, không ai muốn điều đó xảy ra, nhưng chỉ cần tích góp lại những tiêu chuẩn và kỳ vọng mà mọi người đặt ra cũng đủ để Hans – một cậu bé vô cùng non nớt, thiếu nhận thức về bản thân – trở nên cạn kiệt và suy sụp về tinh thần.

bánh xe số phận sự kỳ vọng bông hoa
Ảnh: Unsplash

Thế rồi, sự xuất hiện của Hermann Heilner, chàng trai với tư chất thi sĩ, đa cảm, có tính cách khác biệt, đôi chút bí ẩn, khiến Hans phải e sợ và dè chừng. Quá khác với những người mà cậu từng tiếp xúc, Hermann chính là chiếc đinh dưới bánh xe cuộc đời của cậu, gợi lên những cơn sóng mâu thuẫn và khao khát tuổi trẻ mà cậu vùi lấp bấy lâu. Tình bạn quá đỗi mới mẻ ấy khiến cậu nhận ra mình chán ghét những gì được sắp đặt trước mắt và guồng quay chán ngắt của sự học. Càng ngày, Hans càng xa rời đỉnh cao cậu từng hướng tới và thôi bận tâm với việc trở thành người đứng đầu.

Niềm hãi hùng trước sự thất vọng của mọi người xung quanh đối với bản thân hiện tại khiến Hans ngày càng thu mình và rơi vào mộng tưởng xa xôi. Sự cô đơn và bệnh tật bao lấy cậu, và từ khi nào, ý nghĩ về cái chết bắt đầu len lỏi trong tâm trí, đeo bám Hans không nguôi. Cuộc sống của người bình thường bỗng chốc trở nên xa xôi và khó khăn với cậu. Bản thân Hans không thể nào chấp nhận được sự thật rằng, mình sẽ trở thành một thợ học nghề. Và cậu không thể ngừng tự vấn, e sợ mọi người xung quanh sẽ nhìn mình với ánh mắt thế nào.

bánh xe số phận chàng trai che nắng
Ảnh: Pexels

Cứ thế, Hans Giebenrath, một thiếu niên mới tập tễnh vào đời, giờ đây lại phải đấu tranh hàng ngày để giành lại sự sống. Cậu đã sống dưới cái bóng của sự kỳ vọng quá lâu, lâu đến nỗi cậu không thể tìm lại được khát khao của chính mình và mảnh đất thuở ấu thơ đã thất lạc. Sau cùng, chẳng còn điều gì có thể ngăn cản cậu bước đến ngưỡng cửa tử nữa.

Con thuyền tâm hồn nhỏ nhẹ của cậu vừa thoát khỏi cuộc đắm thuyền đầu tiên thì giờ đây rơi vào sức mạnh của những cơn bão mới, vào gần vực sâu ở phía trước với những mỏ đá ngầm rất nguy hiểm, qua những nơi mà tuổi trẻ được dẫn lối cẩn thận, thậm chí con thuyền không có cả người cầm lái, mà phải tìm đường và sự giải cứu bằng sức lực của chính mình.

Với lời văn nhẹ nhàng cùng lối miêu tả sinh động, nhà văn Hermann Hesse đã tái hiện một bức tranh cuộc sống thơ mộng, đồng thời thể hiện được mâu thuẫn sinh động trong tâm lý của nhân vật và quá trình đấu tranh khắc nghiệt của những thiên tài như Hans Giebenrath.

Đơn giản mà nói, đối với nhiều người trong số chúng ta, học tập chính là phương tiện để đạt được điều mình muốn. Tuy nhiên, không ít người phải vật lộn với ước mơ và đam mê chỉ để có được những điểm số đáng ngưỡng mộ chứ không phải để tiếp thu tri thức và tạo ra cái mới. Liệu một bảng điểm đẹp, thành tích nổi trội sẽ có giá trị hơn việc sống có ý nghĩa, theo cách mình muốn? Cuộc vượt thoát của Hans Giebenrath khỏi bánh xe số phận, khỏi những áp lực mà người khác đặt để lên vai mình buộc chúng ta phải nhìn nhận lại, rằng chúng ta có đang thực sự sống một cuộc đời tự do…

Nhóm thực hiện

Bài: Vi Tường Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)