Văn hóa / Thế giới văn hóa

Bảo tàng ngây thơ – Khi tình yêu khước từ sự lãng quên

[Tạp chí ELLE tháng 1/2017] Năm 2008, Orhan Pamuk trở lại với bảo tàng ngây thơ sau một loạt biến cố. Có thể xem đây là một bước ngoặt, khi ông từ bỏ những không gian văn hóa lớn hay câu chuyện có tầm vóc để đi thẳng vào đề tài nhỏ bé: Một câu chuyện tình

Đâu là giới hạn của tình yêu?

Không quanh co, Bảo tàng ngây thơ lập tức mở đầu bằng một mối tình. Kemal, ba mươi tuổi, trong lần gặp gỡ tình cờ đã phải lòng cô em họ xa, Fusun, mười tám tuổi. Tình cảm chóng vánh có thể gọi là sét đánh này thoạt đầu tầm thường như vô vàn câu chuyện tình khác trên đời, nhưng, bằng một phức cảm không thể lý giải nổi, Kemal từng bước dấn thân vào tình trường trong sự nhẫn nại, bất chấp những rào cản xã hội lẫn nhận thức của bản thân. Trên hành trình điên rồ gần như bất khả ấy, Kemal dần dà sưu tầm những kỷ vật Fusun để lại, mới đầu là đôi hoa tai vô tình đánh rơi trong lần ân ái, về sau là bất cứ cái gì cô nhìn ngắm, chạm phải, bất cứ cái gì có thể nhắc nhớ về cô. Và bằng cách ấy, Kemal đã dành toàn bộ cuộc đời để xây dựng một bảo tàng của tình yêu, một cách chuyển hóa và lưu trữ cảm xúc để nó tồn tại mãi hoài trong năm tháng lãng quên…

bao-tang-ngay-tho-khi-tinh-yeu-khuoc-tu-su-lang-quen-1

Liệu rằng chúng ta có thể đắm chìm sâu đến cỡ nào vào thế giới mình chọn lựa? Orhan Pamuk không đặt câu hỏi ấy, nhưng ông trả lời. Ông đã để Kemal đi đến tận cùng con đường tình của anh dù cái kết không hề viên mãn. Con đường được soi rọi bởi vô vàn ngọn lửa thắp lên từ kỷ vật, ngọn lửa đã được chuyển hóa từ cảm xúc sang vật thể để rồi ngược lại chính những vật thể lại thổi bùng lên cảm xúc. Vòng tròn tiếp sức bất tận ấy chính là động lực của tình yêu, để Kemal đủ năng lượng và đam mê cho hành trình dài mà anh không biết bao giờ sẽ kết thúc. Công cuộc xây dựng không gian tình yêu của Kemal đem lại cho anh cả hạnh phúc lẫn đau buồn, cũng giống như công trình của anh, vì chống lại thời gian nên thời gian đã không thể nào giúp anh xoa dịu. Ngọn lửa tình yêu không những nồng ấm mà còn hủy hoại.

Cuốn sách không phán xét Kemal trên bất cứ góc độ nào, nó vượt qua tất cả các định kiến về đạo đức và chuẩn mực xã hội nhưng lại bày ra đấy tính hai mặt của vấn đề để bạn có thể chọn. Bạn có thể chọn như Kemal, hoặc không. Lối đi nào cũng có hạnh phúc riêng nếu bạn muốn và chọn.

Phóng chiếu đằng sau câu chuyện tình

Bảo tàng ngây thơ đặt câu chuyện tình yêu trong bối cảnh Istanbul u sầu của những năm 1975, khi phân hóa giai cấp ở Thổ Nhĩ Kỳ còn rất sâu sắc, những vọng tưởng châu Âu lẫn những mặc cảm châu Á giằng co nhau trong tâm khảm từng người, Orhan Pamuk lặng lẽ để những dấu vết lịch sử luồn lách trong câu chuyện, ẩn nấp sau khung cảnh và đột ngột hiện ra giữa những biến cố. Chọn lựa của hết thảy những nhân vật đều nằm trong vòng cương tỏa của chính trị, đằng sau mối tình của họ là cả xã hội Thổ Nhĩ Kỳ hỗn loạn và hoang mang. Bối cảnh không rõ nét nhưng hẳn là tồn tại, và hẳn là Orhan muốn nhắc đến nó.

Nhà văn Orhan Pamuk trong Bảo tàng Ngây thơ do chính ông tạo dựng tại khu phố cổ gần con lộ chính nổi tiếng nhất của Istanbul
Nhà văn Orhan Pamuk trong Bảo tàng Ngây thơ do chính ông tạo dựng tại khu phố cổ gần con lộ chính nổi tiếng nhất của Istanbul

Mặc dù đây là một chuyện tình yêu đơn lẻ, nhưng lại đủ sức phóng chiếu cả xã hội này và phóng chiếu chính Orhan. Ông ở trong Kemal, trong cái lựa chọn của anh. Anh chọn Fusun chứ không chọn Sibel, cũng như ông đã chọn nước Thổ đầy bất trắc hoang mang chứ không chọn phương Tây văn minh. Sự chênh lệch về mặt nhận thức giữa Kemal và Fusun hẳn là rất nhiều, nhiều như bất mãn của Orhan về xã hội Thổ. Nhưng bất chấp cái lý trí mạnh mẽ ấy, họ đều chọn đứng về trái tim. Họ chung thân với nó. Đó là một chọn lựa nhân danh tình yêu, và can đảm trả giá. Với họ, đó mới chính là lãng mạn đích thực.

Bảo tàng ngây thơ là cuốn sách đặc biệt nhất của Orhan Pamuk. Không như những cuốn sách khác, ông chọn một chủ đề thật đơn giản, riêng tư và đầy cảm tính. Ta có thể bắt gặp tình yêu khắp nơi trong những tác phẩm khác của ông, nhưng đây là cuốn sách đầu tiên mà ông dành hầu hết những nhiệt tâm của con chữ cho nó. Dù Kemal có phảng phất chút u sầu và ngây thơ của Ka, nhà thơ trong tác phẩm Tuyết, dù tình yêu của Kemal và Fusun là ẩn dụ cho tình yêu của Orhan dành cho thành phố Istanbul, nhưng nội tâm nhân vật lần này đã được soi chiếu tới từng chân tơ kẽ tóc. Toàn bộ những trăn trở xã hội hay chính trị được Orhan đem giấu trong câu chuyện tình, khiến nó vừa có độ sâu của một không gian nhỏ, vừa có cái mênh mông của tư tưởng lớn. Nó gần gũi, cụ thể, nhưng nó cũng không dễ dàng nắm bắt.

Trên tất cả, cuốn sách lớn lao bởi đã đứng về phía cảm tính, về phía bồng bột, về phía dại khờ. Vì câu chuyện ấy đã chọn lựa tình cảm trong tiếng nói đả kích mạnh mẽ của lý trí, vì đã chống trả quyết liệt lại những suy nghĩ toan tính thiệt hơn đã thành thông lệ. Đây không phải là lối suy nghĩ quay ngược về quá khứ, mà chính là một bước tiến dài về tương lai. Đó là lý do mà người ta gọi cuốn sách này là kiệt tác.

Xem thêm

Những cuốn sách hay tháng 12 dành cho những ngày Đông lạnh

Thêm yêu Hà Nội qua những cuốn sách viết về Hà Nội

Những quyển sách hay nên đọc trước khi bạn bước vào tuổi 30

Nhóm thực hiện

Hoàng Liên (Nguồn Tạp chí Phái đẹp ELLE)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)