“Beyond Borders” – Hành trình âm nhạc của nghệ sĩ Trí Nguyễn
Sau album đầu tay Consonnances nhận huy chương vàng và được bình chọn là một trong ba album được yêu thích nhất của Global Music Awards cùng giải Akademia USA, nghệ sĩ đàn tranh Trí Nguyễn đã lao động không mệt mỏi để ra mắt album thứ hai A journey betwwen worlds – Du ngoạn nhân gian (2016) và mới đây nhất là Beyond borders.
Thụ hưởng nền tảng giáo dục song song tân học và truyền thống từ thuở thiếu thời, Trí Nguyễn đã sớm làm quen với âm nhạc bác học phương Tây qua những phím dương cầm cũng như âm nhạc cổ truyền Việt Nam cùng cây đàn Tranh. Đó là phương tiện giúp anh đưa âm nhạc từ những cách ngăn, khác biệt, trở về hòa hợp. Nếu như trong album đầu tay Consonnances (Hòa Điệu), Trí kết hợp đàn Tranh Việt Nam cùng tứ tấu đàn dây cổ điển, album thứ hai A Journey Between Worlds (Du Ngoạn Nhân Gian), là sự pha trộn giữa đàn tranh và đàn Oud từ Ả Rập cùng bộ gõ thì Beyond borders (Vượt lên ngăn cách) là sự nối dài cho hành trình âm nhạc của Trí khi hợp tác với nhiều nhạc sĩ trên khắp thế giới, từ châu Phi, châu Mỹ, châu Á, châu Âu.
“Tôi ước mong con đường này sẽ đưa mọi người đến với nhau, trong sự thấu hiểu và tôn trọng những đa dạng văn hóa. Tôi tin rằng, âm nhạc mang tới bình an cho tâm hồn, như vẫn luôn vậy, tự bao đời” – Trí Nguyễn chia sẻ.
Beyond borders với sáu hành trình độc đáo của cây đàn tranh Việt Nam qua đủ miền âm nhạc. Nó được mở đầu bằng hành trình đến với châu Phi qua những âm thanh đầy mê hoặc của bộ gõ. Len lỏi vào những âm thanh cháy bỏng, thôi thúc đó là một vài câu vọng cổ do chính Trí Nguyễn viết trong nỗi nhớ song thân.
Hành trình thứ hai đưa người nghe đến với Brazil – châu Mỹ. Trước tiếng hát tuyệt vời của Teca Calazans (đề cử Grammy 2003), Trí Nguyễn quyết định đưa đàn tranh về vị trí đàn đệm thay vì “lĩnh xướng” như ở hầu hết các bản thu khác của anh. “Bạn còn muốn gì hơn khi được song tấu cùng một huyền thoại như Teca?” – Trí Nguyễn nói về sự chọn lựa của anh.
Scotland – trở lại châu Âu là hành trình thứ ba. Ai mà tưởng tượng nổi đàn tranh có thể hòa tấu với kèn túi? Và Trí Nguyễn đã quyết dùng cây đàn tranh 150 năm tuổi của mình để “chiến” trong bản thu âm thú vị này.
Hành trình thứ tư – Kakmykia (thuộc Liên bang Nga), quê hương của nghệ sĩ violin Buyn Goryeva từng thu âm và lưu diễn với Trí Nguyễn trong album đầu tay Consonnances. Lần này Trí Nguyễn lại tiếp tục dùng cây đàn 150 năm tuổi của mình tạo nên những tương phản với tiếng đàn violon da diết của Buynta.
Với hành trình thứ năm, Trí Nguyễn đưa người nghe xuôi nam tới vùng Corsica (Pháp) – nơi có lối hát phức điệu anh vô cùng yêu thích. Sử dụng kỹ thuật hát phức điệu vùng Corsica để hát những bài dân ca Việt Nam cùng đàn tranh chính là nét độc đáo của track nhạc thứ năm trong album, để rồi từ đó người nghe bước qua hành trình cuối cùng: về lại cố hương – Việt Nam.
Bản Lý chiều chiều – Lý ngựa ô với tiếng đàn tranh làm “gốc” hòa cùng tiếng violin của Mạch Thái Sơn và tiếng sáo trúc của Nguyễn Quyết là cái kết đẹp cho mong ước tình thân ái, thấu hiểu lẫn nhau, bằng âm nhạc đã vượt qua mọi biên giới, lan tỏa bất kể khoảng cách, địa vị, gốc gác, hoàn cảnh… của Trí Nguyễn.
Beyond borders – Vượt lên ngăn cách – (phát hành trên iTunes từ ngày 3/2) cùng những trích đoạn trong Consonnances – Hòa điệu của nghệ sĩ đàn tranh Trí Nguyễn sẽ được giới thiệu tại Viện trao đổi văn hóa với Pháp (28 Lê Thánh Tôn, Q.1, TP.HCM) vào 20h ngày 13/2 tới. Cùng tham gia là các nghệ sĩ thuộc nhóm Chamber Strings (violin: Sơn Mạch, Đinh Lữ, viola Duy Hòa, Bass: Hoàng Nam), nhóm Stay the Same (guitar Thành Trung, Đàn bầu Trần Trung), nhóm Nét Việt (sáo trúc Nguyễn Quyết, đàn tứ Thiên Lâm, trống chầu Trần Hiền).
—
Xem thêm:
‘Hừng đông’, dự án của nghệ sĩ violin độc lập đầu tiên Hoàng Rob
Tóc Tiên: “Tôi đang định hướng lại con đường âm nhạc của mình”
Nguồn: Tạp chí Phái Đẹp ELLE