Văn hóa / Thế giới văn hóa

Những bối cảnh tiêu tốn nhiều công sức nhất của ê-kíp Người Bất Tử

Tập hậu trường tiếp theo của Người Bất Tử với tên gọi “Thiết kế mỹ thuật – Bối cảnh” đã tiết lộ về quá trình tái hiện những bối cảnh quan trọng của bộ phim một cách tỉ mỉ và kỳ công nhất.

Theo nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, đoàn phim đã phải mất 2 năm đi khắp mọi miền đất nước để tìm kiếm bối cảnh phù hợp cho câu chuyện kéo dài qua 3 thế kỷ của bộ phim. Thế nhưng, hành trình thiết kế từng bối cảnh còn gian nan và kỳ công hơn rất nhiều. Thiên nhiên hoang sơ và đa dạng của Quảng Bình không chỉ thử thách đoàn phim ở quá trình di chuyển, mà còn đặt ra bài toán khó cho ê-kíp trong việc tạo dựng bối cảnh sao cho vừa chân thực, vừa đúng với ý đồ của đạo diễn Victor Vũ, nhưng vẫn đảm bảo không làm ảnh hưởng tới cảnh quan và hệ sinh thái nơi đây. 

bối cảnh phim Người Bất Tử 01
Bối cảnh nhà Duyên trước…
bối cảnh phim Người Bất Tử 04
..và sau khi thiết kế

Với hầu hết các bối cảnh, đoàn phim phải tái tạo lại 100%, từ những chi tiết nhỏ bé nhất. Mỗi không gian, đồ vật trong từng bối cảnh đều được lên bản vẽ chi tiết, mỗi màu sắc sử dụng đều được thảo luận kỹ càng trước khi đưa vào hiện thực hóa. Một trong những bối cảnh được đạo diễn Victor Vũ tâm đắc nhất chính là căn nhà trên biển của Duyên (Thanh Tú). Khi xem phim, khán giả sẽ thấy đây là một ngôi nhà sàn chênh vênh giữa biển trời xanh thẳm, mộc mạc và đậm chất thơ. Nhưng ở phía sau hậu trường, không gian nên thơ đó lại được tái tạo trên nền một ngọn hải đăng đổ nát tại bãi Đá Nhảy (Quảng Bình). Sự kỳ công của ê-kíp trong từng công đoạn phục dựng, giữa thời tiết nắng cháy da cháy thịt ở Quảng Bình cuối cùng đã tạo nên một bối cảnh mà theo Victor Vũ là “đẹp và thú vị nhất phim”.

Với nhà thiết kế sản xuất Jose Mari Pamintaun, bối cảnh làm khó anh nhất chính là những địa danh ở miền Bắc, bởi tổ thiết kế phải hồi sinh những căn nhà đã trong tình trạng sụp đổ hoàn toàn, mang chúng trở lại cuộc sống xa hoa thời phong kiến và Pháp thuộc. Dưới bàn tay tài hoa của tổ thiết kế, những ngôi nhà cổ chưa từng được sử dụng làm bối cảnh cho một bộ phim nào đã trở thành khu nhà thổ, động hút đầy mê hoặc và ám muội của xã hội thực dân phong kiến xưa, nơi chứng kiến những cuộc vui chơi trụy lạc cùng mưu mô toan tính của con người. 

bối cảnh phim Người Bất Tử 05
Bối cảnh phiên chợ quê trước…
bối cảnh phim Người Bất Tử 06
…và sau khi thiết kế

Văn hóa là một trong những yếu tố được đặt lên hàng đầu trong thiết kế mỹ thuật của phim Người Bất Tử. Bởi dù kể một câu chuyện siêu nhiên, nhưng Victor Vũ cùng ê-kíp luôn tôn trọng những gì thuộc về văn hóa, lịch sử trong từng mốc thời gian. Trong từng bối cảnh thời phong kiến và Pháp thuộc của phim, khán giả có thể nhận thấy sự giao thoa tiếp biến văn hóa Việt – Pháp rõ nét, hay hơi thở nhịp sống đương thời, từ khung cảnh, nội thất đến phục trang. Đó có thể là một căn biệt thự cổ xa hoa, lộng lẫy và có chút buông thả của tầng lớp thượng lưu – nơi Hùng ở trên những năm tháng đỉnh cao quyền lực; hay một nhà tù thực dân với hàng chục công cụ tra tấn khiến ta phải rợn người. Mỗi nhân vật ở các tầng lớp khác nhau cũng được chuẩn bị phục trang khác nhau, dù nghèo khó hay giàu sang, đều cần tự nhiên một cách mộc mạc và chân thành nhất, và đặc biệt, phải phản chiếu rõ nét văn hóa pha trộn Việt – Pháp bấy giờ.

Bên cạnh đó, Quảng Bình là bối cảnh chính và cũng là bối cảnh “xương” nhất của Người Bất Tử. Việc quay phim ở đây phải đối mặt với rất nhiền khó khăn, có thể nói là không tưởng so với điều kiện làm việc của một đoàn phim.

Người Bất Tử là bộ phim đầu tiên tại Việt Nam tiến sâu vào các hang động Quảng Bình để ghi hình, bởi vậy mà Victor Vũ cùng ê-kíp cũng có những trải nghiệm mà chưa một đoàn phim nào trải qua. 10 ngày quay tại các bối cảnh trong chuỗi hang động Tú Làn (Quảng Bình) là 10 ngày vất vả nhất bởi chặng đường đến được địa điểm quay vô cùng cùng khó khăn. Victor Vũ cho biết anh từng nghĩ đến phương án bỏ cuộc với bối cảnh nơi đây, bởi làm sao có thể đưa cả đoàn phim hơn 100 người đi qua dốc núi chênh vênh, chưa kể đến việc mang vác các thiết bị quay khủng và đảm bảo chúng không bị dính nước. Thế nhưng, với sự hỗ trợ của đội ngũ porter chuyên nghiệp, ê-kíp Người Bất Tử đã biến điều tưởng như không thể thành có thể.

bối cảnh phim Người Bất Tử 03
Victor Vũ và ê kip phải leo qua một ngọn núi để tới khu vực hang động Tú Làn

Một ngày của ê-kíp bắt đầu từ 3 rưỡi sáng. Sau 1,5 giờ trên xe ô tô, hơn 100 nhân sự của đoàn phải mất tiếp hơn 2 giờ để di chuyển bằng đường bộ vào hang: bắt đầu bằng việc băng qua các đồng cỏ và những cánh đồng ngô được nối tiếp bởi một khúc sông kéo dài, sau đó vượt dốc leo qua một ngọn núi, thả bộ xuống thung lũng, rồi bơi xuyên qua 1 con suối ngầm dài 300m mà chân không chạm đáy. Việc phải di chuyển liên tục qua nhiều địa hình như vậy đã gây ra không ít những tai nạn nhỏ cho ê-kíp. Đinh Ngọc Diệp chia sẻ, không có ngày nào không có nhân sự bị trượt chân té xuống nước hoặc bùn sình, để rồi bị nước ăn chân, rộp đầu gối…

Vì mất nhiều thời gian di chuyển, nên mỗi ngày Victor Vũ và cộng sự chỉ có khoảng 6 giờ cho việc quay phim bởi nếu trời tối sẽ không thể trở ra ngoài. Quỹ thời gian ít ỏi trong điều kiện làm việc khắc nghiệt khiến cả ê-kíp luôn phải đặt mình trong tâm thế tập trung cao độ để hoàn thành tiến độ. Việc phát sinh ngày quay đồng nghĩa với phát sinh rất nhiều chi phí về nhân sự, thiết bị, vì để ghi hình trong hang tối, đoàn phim phải sử dụng nhiều thiết bị đặc biệt, nhất là những loại đèn chiếu sáng có chi phí rất cao.

bối cảnh phim Người Bất Tử 09
Quách Ngọc Ngoan (áo đen) bám mình trên đá để thực hiện một cảnh quay

Không chỉ có di chuyển khó khăn, thời tiết khắc nghiệt tại Quảng Bình cũng là một thách thức lớn với ê-kíp Người Bất Tử. Khi thì là những đêm mưa lớn khiến nước suối dâng cao và chảy siết, đoàn phim không thể vào trong hang và buộc phải dừng quay. Khi thì là những ngày nắng cháy da cháy thịt trên bãi biển Quảng Bình. Những ngày quay ở bãi Đá Nhảy, đoàn phim không có một nơi trú nắng ngoài những cây dù luôn bị gió thổi tốc ngược. Cả ê-kíp đành phải phơi da phơi thịt giữa những cơn gió Lào, và làm việc dưới sức nóng gần 40 độ. “Cũng có những khi, trời mưa xối xả 3 ngày liên tiếp, cả đoàn phải nháo nhào chạy mưa, sau đó ngồi đợi hàng giờ dưới tấm bạt mỏng” – nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc chia sẻ.

Có thể thấy ê-kíp Người Bất Tử đã thực sự vượt qua rất nhiều giới hạn với bộ phim này. Điều khiến Victor Vũ cùng các cộng sự tâm đắc nhất, là sau khi chinh phục hành trình khó khăn đó, mọi người được nhìn thấy những bối cảnh tuyệt đẹp của Quảng Bình, và có thể khắc họa chúng trên màn ảnh qua những thước phim trữ tình và tráng lệ của Người Bất Tử.

Phim dự kiến ra mắt khán giả vào ngày 12/10/2018.

Xem thêm:

Hai mối tình say đắm với Jun Vũ và Thanh Tú trong cuộc đời Người Bất Tử Quách Ngọc Ngoan

Người Bất Tử tung trailer đậm chất tâm linh

Nhóm thực hiện

Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)