Linh An, tên thật là An Hoàng Khánh Linh, là vũ công và giáo viên dạy vũ đạo theo dòng Theatre/Broadway Jazz dance. Cô bắt đầu con đường nhảy múa của mình với nền tảng múa đương đại, street choreography (vũ đạo đường phố). Sau 4 năm hoạt động, trong một lần ghé thăm New York, cô quyết định gắn bó với Theatre Jazz dance – phong cách vũ đạo của nền tảng nhạc kịch Broadway. Cô là học trò của các biên đạo, vũ công Broadway gạo cội như Chet Walker, Diane Laurenson, James Kinney… Năm 2019, Linh An cùng anh bạn Johnson Brock sáng lập diễn đàn Theatre Dance Vietnam (TDV) với mục tiệu lan tỏa và xây dựng cộng đồng Jazz dance tại Việt Nam. Hãy cùng ELLE trò chuyện với Linh An.
Nhạc kịch vẫn là “một cơn gió lạ” nhưng đồng thời cũng là một mảnh đất màu mỡ để chạm đến trái tim khán giả Việt Nam, Linh An thấy sao?
Nhạc kịch với mình như một ngôn ngữ. “Ngôn ngữ” này được kết hợp nhiều yếu tố của nghệ thuật biểu diễn, nổi bật là bộ ba: ca-vũ-kịch. Vậy nên, những diễn viên nhạc kịch thường được yêu cầu đảm bảo cả ba kỹ năng trên với trình độ của mỗi kỹ năng tùy thuộc vào vai diễn và vị trí của họ trong vở kịch. Đây là một yêu cầu khá thách thức, đặc biệt với sân khấu tại Việt Nam, vì chúng ta chưa có văn hóa nhạc kịch lâu đời hay các chương trình đào tạo diễn viên nhạc kịch. Tuy nhiên, vẫn có những dự án nhạc kịch thú vị trong nhiều năm gần đây của các bạn trẻ, những tổ chức tự do (trong và ngoài trường học) như nhóm Fragments Production, dự án nhạc kịch Hope… Mặc dù đang ngồi trên ghế nhà trường, các bạn đã tự xây dựng ê-kíp sản xuất, diễn viên, hệ thống đào tạo riêng để làm nên các vở diễn kín chỗ ngồi. Đây là một điều đáng mừng khi thế hệ tiếp nối có thể giúp nghệ thuật nhạc kịch trở thành một “ngôn ngữ” thông dụng hơn trên các sân khấu, nhà hát, hay bất kể không gian biểu diễn nào tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, mình nghĩ văn hóa truyền thống Việt Nam cho ta rất nhiều chất liệu để khai thác và làm nên những vở nhạc kịch mang bản sắc dân tộc. Mặc dù các loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền không phải là thế mạnh của mình hay được theo học bài bản, mình vẫn mong những người làm sáng tạo có thể đưa những giá trị truyền thống vào nghệ thuật nhạc kịch tại Việt Nam. Bằng cách này, có lẽ nhạc kịch sẽ được đón nhận một cách dễ dàng hơn.
Nhiều nhà hát đã trình diễn các vở diễn trực tuyến gửi đến khán giả trong bối cảnh giãn cách xã hội. Phải nói rằng, nghệ thuật đã giúp kết nối, xoa dịu tinh thần và mang lại những cảm xúc đẹp đẽ cho những tâm hồn đang cần được hàn gắn. Linh An làm nghệ thuật phải chăng cũng vì những mục đích này?
Với nhảy múa, chắc chắn việc mình quyết định thử sức và theo học phải xuất phát từ đam mê. Tuy nhiên, trong quá trình đi học và đi làm, mình có cơ hội được tiếp xúc với nhiều người yêu nghệ thuật, rồi dần nhận ra được tầm quan trọng mà nghệ thuật đóng góp trong đời sống tinh thần của mọi người, đặc biệt trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh hiện nay. Từ đó, ngoài việc thực hiện những dự án nhỏ mang tính cá nhân, mình đã may mắn có anh bạn Johnson – người cộng sự luôn nhiệt tình “teamwork” để thực hiện những kế hoạch mang tính cộng đồng nhiều hơn. Một trong số đó là show diễn online Dancing Through được kết hợp với nhà hát The Tank và đạo diễn – biên đạo Elizabeth Troxler. Điều đặc biệt của show diễn online này là khi đó mình đã về Việt Nam còn Johnson và phần lớn ê-kíp sáng tạo và sản xuất đều ở New York.
Các phân cảnh tại Việt Nam đều được đạo diễn Elizabeth Troxler chỉ đạo và hướng dẫn qua email, văn bản, và zoom call, để mình có thể điều khiển ê-kíp quay phim cũng như diễn viên tại Hà Nội theo sát kịch bản nhất có thể. Tất nhiên khi làm việc gián tiếp, thời gian làm việc tăng lên nhiều hơn, giữa chúng mình cũng nảy sinh những hiểu lầm. Nhưng rồi hàng tuần, toàn bộ ê-kíp ngồi lại với nhau để chia sẻ và tìm giải pháp. Qua chương trình, TDV muốn xây dựng một cầu nối giao lưu giữa các vũ công Broadway và Việt Nam, đồng thời thay mặt cộng đồng vũ công trên toàn thế giới nhắn nhủ tới người yêu nghệ thuật rằng: Chừng nào còn đôi chân và mặt đất, chừng đó chúng tôi còn tiếp tục nhảy.
Đó có phải là lý do bạn và cộng sự của mình sáng lập nên diễn đàn TDV? Khi điều hành, bạn nhận thấy nghệ thuật đã thay đổi hay tác động ra sao tới những bạn trẻ vốn đang sống khá thu mình ở thời đại số?
Đúng vậy! TDV được lập nên với mong muốn quảng bá, lan tỏa về vũ đạo của nhạc kịch tới đông đảo những bạn yêu nghệ thuật sân khấu, cũng như xây dựng một cộng đồng vũ công, nghệ sĩ yêu thích và thực hành bộ môn này tại Việt Nam.
Theo mình, nghệ thuật nói chung, và vũ đạo nói riêng đều là cách thức giúp chúng ta cảm nhận nhiều hơn, cả về cơ thể lẫn tinh thần, và đặc biệt là sự kết nối về tâm hồn. Khi đến một lớp học nhảy, mình cảm thấy được trao đổi rất nhiều năng lượng tích cực từ những người thậm chí chưa từng gặp trước đây, đến từ nhiều nơi, làm nhiều ngành nghề khác nhau, nhưng có một điểm chung là yêu chuyển động và dùng chuyển động là phương tiện truyền tải cảm xúc, suy nghĩ. Nhảy múa với mình thật kỳ diệu vì nó như một ngôn ngữ chung mà ai cũng hiểu. Khi còn đi du học, bạn học của mình đến từ rất nhiều nước và có những vũ công không giao tiếp được bằng tiếng Anh, nhưng chỉ cần chuyển động trong cùng một không gian, hòa mình vào cùng một giai điệu, không cần một từ nào phải thốt lên mà tất cả đều hiểu ý nhau và chia sẻ được với nhau chỉ qua những bước nhảy. Tất nhiên tình hình dịch bệnh hiện nay khiến việc giao tiếp giữa con người trở thành một thách thức lớn, nhưng với tính chất của nghệ thuật nói chung và vũ đạo nói riêng, kể cả khi ta ở một mình, chúng giúp ta tách ra khỏi những bộn bề của cuộc sống, thư giãn về mặt tinh thần để có cái nhìn tích cực hơn.
Kế hoạch dài hơi mà Linh An sẽ làm vì sự phát triển của nhạc kịch, Jazz dance tại Việt Nam là gì?
Kế hoạch và ý tưởng thì luôn có rất nhiều, nhưng mình nghĩ bước đi khó nhất và cần thiết ở thời điểm ban đầu là gây dựng cộng đồng và duy trì nó. Cộng đồng có thể giúp bảo tồn và lưu truyền loại hình nghệ thuật này đến các thế hệ tiếp nối. Để làm được điều này, mình cần tích cực chia sẻ hơn, ví dụ như qua những buổi workshop, mở lớp dạy hàng tuần ở càng nhiều nơi càng tốt, thậm chí đơn giản như tổ chức những buổi chiếu phim về nhạc kịch; chia sẻ với những người không chuyên đến những người theo nghề, miễn là họ mở lòng với những trải nghiệm mới. Sau khi đã có nhiều người cùng đam mê và nhiệt huyết, những kế hoạch cụ thể hơn như thành lập một nhóm nhảy, rồi đến dance company, dance school phục vụ cho nghệ thuật nhạc kịch mới có khả năng được thực hiện hóa. Để có một tổng thể tốt, thì chi tiết phải tốt trước tiên; mình tin rằng bằng cách đi từ những bước nhỏ, chậm, chắc và bền thì bất kỳ công việc gì mình làm sẽ được duy trì và phát triển được lâu dài.
Nhóm thực hiện
Bài: Ngọc Anh