2018 được xem là cột mốc tròn trăm tuổi của nghệ thuật sân khấu cải lương. Một con số mang tính tương đối bởi cho đến nay chưa có tài liệu lịch sử chính thống nào ghi nhận thời điểm chính thức khai sinh ra bộ môn nghệ thuật đặc sản của vùng đất Nam bộ này. Căn cứ vào ghi chép của các học giả uy tín, khi hát bội bắt đầu thoái trào vào cuối thế kỷ 19 là lúc cải lương trỗi dậy thống lĩnh sân khấu. Cải lương hình thành trên nền đờn ca tài tử, nhạc lễ tế. Khi hát về các tuồng tích xưa cũng có ít nhiều ảnh hưởng của hát bội. Theo tiến sĩ Mai Mỹ Duyên: “Cải lương hình thành trên cơ sở lối ca ra bộ của nhạc tài tử, hát bội, dân ca và văn học Việt Nam. Không dừng lại ở đó, các nhạc sĩ, nghệ nhân đi trước không ngừng cải tiến, sáng tạo nên một nhạc mục phong phú với hàng trăm bản nhạc lớn nhỏ, đáp ứng mọi trạng thái tâm lý của nhân vật, mọi tình huống trên sân khấu”.
Sân khấu cải lương sử dụng vốn liếng dân ca, nhạc cổ rất phong phú của Nam bộ. Những âm điệu mới gần gũi của cải lương, một lối hát bình dân, ai xem cũng có thể hiểu được đã giúp cải lương chiếm lấy tình cảm của số đông một cách nhanh chóng. Nếu nói hát bội là nhạc kịch cổ của Việt Nam thì cải lương là thể loại nhạc kịch đương đại. Vì cách bố cục, dàn cảnh, chuyển đổi phông màn rất giống với kịch của phương Tây. Có người còn ví trong làn điệu cải lương mùi mẫn có lẫn những nốt nhạc ngẫu hứng blues buồn của phương Tây. Thời kỳ đỉnh cao, cải lương lấn át cả sân khấu ca nhạc, các nghệ sĩ được săn đón như những ngôi sao hạng A. Một vở diễn có khi sáng đèn vài trăm suất vẫn cháy vé. Gánh hát về làng, bà con nô nức đi xem như trẩy hội.
BÀI LIÊN QUAN
Thế nhưng khi ngành công nghiệp giải trí bùng nổ cuối những năm 1990, loại hình nghệ thuật từng được diễn dịch nôm na là “Cải cách hát ca theo tiến bộ/Lương truyền tuồn tích sánh văn minh” lại dần đánh mất vị thế. Thánh đường ảm đạm, bầu đoàn rệu rã. Mọi nỗ lực chuyển mình bắt nhịp với hơi thở mới của cải lương vẫn trở nên bế tắc. Trước kỷ nguyên nghe nhìn và công nghệ phát triển, cải lương và người trẻ bị ngắt kết nối. Nếu chỉ chăm chăm bảo tồn bằng việc đóng khung cải lương trong hào quang của ký ức thì môn nghệ thuật đã được tôn vinh như di sản phi vật thể của nhân loại này rồi cũng sẽ im lìm chìm vào bảo tàng của ký ức.
Không thể phủ nhận kỳ vọng vào sự hồi sinh của cải lương khi vẫn còn những nghệ sĩ từ gạo cội đến lớp kế thừa ít ỏi, dù bị thu hẹp hoạt động, chật vật với bài toán mưu sinh, họ không từ bỏ sự mê đắm với ánh đèn sân khấu quyến rũ cũng như từng cơ hội nhỏ được sống với đam mê, nghiệp dĩ cả đời người. Đó là cảm hứng lay động giới mộ điệu, khơi gợi nền tảng duy trì sức sống cho nghệ thuật. Và đâu đó vẫn còn những người làm nghệ thuật đương đại luôn trăn trở về chuyện ký ức có thể bị lãng quên. Tác phẩm điện ảnh Song Lang ra mắt 2018 là điểm sáng le lói, minh chứng thiết thực cho nỗ lực tôn vinh giá trị văn hóa dân tộc. Dù trong phim cải lương chỉ là phông nền cho một câu chuyện tình cảm nhưng cứ làm người xem day dứt mãi về thứ thanh âm da diết, khắc khoải xuất phát từ một ấn tín nghệ thuật đẹp đẽ không thể phai nhạt của dân tộc.
—
Xem thêm
Âm nhạc Việt Nam – Thế hệ di cư và những lựa chọn hòa nhịp
Nguyễn Phi Phi Anh – Cậu bé vàng của nhạc kịch Việt Nam
Nhóm thực hiện
Bài: Ngô Hạ Người mẫu: Thu Anh, Kim Dung, Bella Hoàng Vũ Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE