Trong những năm gần đây, điện ảnh Việt Nam chứng kiến sự nở rộ của loạt phim kinh dị đan xen các yếu tố dân gian và dựa trên truyền thuyết, cổ tích địa phương. Xu hướng này không chỉ thay máu cục diện doanh thu của dòng phim từng bị gán nhãn là rẻ tiền, không có giá trị nghệ thuật mà còn cho phép các nhà làm phim khám phá bức tranh văn hóa, thần thoại và truyền thuyết Việt Nam. Thông qua khai thác ý thức tập thể và văn hóa dân gian của quốc gia, những bộ phim này đã bắt đầu tạo được tiếng vang trong lòng khán giả, khơi dậy cảm giác quen thuộc, hoài niệm đồng thời thu hút người xem bằng cách kể chuyện ly kỳ.
Góc nhìn mới từ Tấm Cám
Sau 6 năm kể từ Tấm Cám: Chuyện chưa kể, một phiên bản mang đậm sắc màu lãng mạn dưới bàn tay của đạo diễn Ngô Thanh Vân, Tấm Cám một lần nữa xuất hiện trên màn ảnh rộng với tên gọi Cám. Khác với phiên bản trước, Cám giữ vững cốt truyện gốc và các nhân vật, nhưng lại khéo léo lồng ghép những yếu tố tâm linh và quái dị, mở ra một góc nhìn hoàn toàn mới.
Trong tâm thức người Việt, Tấm là biểu tượng của cái đẹp và sự thiện lương, trong khi Cám và mẹ cô lại thường gắn liền với sự xấu xa và gian trá. Trong phiên bản điện ảnh độc đáo này, đạo diễn Trần Hữu Tấn và nhà sản xuất Hoàng Quân đã thể hiện một cách táo bạo sự tương phản giữa hai nhân vật Tấm và Cám. Cám ngay từ khi sinh ra đã phải mang trên mình gương mặt xấu xí và trải qua cuộc sống khốn khổ, bị chính mẹ ruột đối xử tệ bạc, bị dân làng xem thường và bị coi là nỗi nhục của gia đình.
Trái lại, Tấm là hình mẫu lý tưởng, được yêu thương và nuông chiều, trở thành niềm kiêu hãnh của Lý trưởng. Mặc dù cuộc sống của họ nằm ở hai thái cực khác nhau, tình cảm giữa chị em vẫn gắn bó cho đến khi một biến cố xảy ra, khiến Cám phải rơi vào đường cùng.
Trong tác phẩm, Cám không phải là một kẻ phản diện mà còn là một cô gái đáng thương, với tâm tư phức tạp và nỗi đau bị xã hội ruồng bỏ. Qua hành trình hắc hóa của Cám, từ một thiếu nữ hiền lành cho đến khi trở thành một thực thể tăm tối, tác phẩm đã khắc họa một quá trình phát triển tâm lý vô cùng thuyết phục, mang đến cho khán giả những trải nghiệm mới lạ trong thể loại kinh dị Việt Nam.
BÀI LIÊN QUAN
Cảm hứng kinh dị từ những câu chuyện dân gian
Truyền thuyết dân gian, bản địa đã từ lâu là một phần quan trọng trong đời sống văn hóa của người Việt. Được truyền qua nhiều thế hệ, những câu chuyện này không chỉ gói gọn những bài học đạo đức, sự kiện lịch sử và niềm tin siêu nhiên mà còn góp phần hình thành nên các giá trị xã hội.
Từ Ông Ba Bị, Ma Da, Chó đội nón nê đến Quỷ Nhập Tràng… đều gây tiếng vang riêng ở mỗi vùng miền, địa phương và là câu chuyện lớn lên cùng tuổi của nhiều thế hệ người Việt. Chúng không chỉ đóng vai trò giải trí mà còn là phương tiện để bảo tồn bản sắc văn hóa. Những câu chuyện này thường phản ánh các giá trị xã hội, những điều cấm kỵ trong bối cảnh làng xã, cộng đồng ngày xưa và đang dần trở thành nguồn tài nguyên phong phú cho các nhà làm phim đương đại.
Gần đây, với sự thành công của các tác phẩm như Chuyện ma gần nhà (2022), Quỷ cẩu (2023), Tết ở làng địa ngục (2023), Kẻ ăn hồn (2023), Ma da (2024) và mới nhất là Cám, dòng phim kinh dị Việt đang dần hồi sinh với những câu chuyện đậm chất văn hóa bản địa.
Việc đầu tư nghiêm túc về tài chính, cùng với sự tỉ mỉ trong kịch bản, xây dựng nhân vật, bối cảnh và hóa trang, đã giúp những bộ phim này để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả. Những hình ảnh như đom đóm câu hồn, con đò chở vong, hay phong tục thả cá chép vào ngày ông Công ông Táo được khắc họa một cách tinh tế, tạo ra không khí hồi hộp và sợ hãi cho người xem.
Xem thêm
• [Review phim] “Che giấu lãng mạn”: Sức hút đến từ những yếu tố bình dị
• [Review phim] “The Judge from Hell” – Khi ác quỷ thực thi công lý
• [Review phim] “Phải chăng là định mệnh?” – Giao lộ của những mối tình đầu đã không còn rực lửa
Bối cảnh cổ trang trong phim cũng là một điểm cộng lớn, hiếm khi xuất hiện trong điện ảnh Việt. Nhiều khán giả bày tỏ sự thích thú khi xem Cám, không chỉ vì yếu tố kinh dị mà còn vì cách mà bộ phim đã khai thác sâu sắc bản sắc văn hóa dân tộc.
Làng Hương được tái hiện sống động với những cảnh quay nghệ thuật về nghề làm hương truyền thống, cùng các hoạt động văn hóa như lễ hội, đấu vật và thả đèn trời. Từng chi tiết như bến chợ, ao sen và cổ phục tạo nên một không gian đậm đà bản sắc Việt.
Việc kết hợp các họa tiết truyền thống như cảnh đám cưới trong bức tranh dân gian Đông Hồ Đám cưới chuột của Kẻ Ăn Hồn, các chi tiết biểu tượng như cá bống lên ăn cơm vàng cơm bạc, cô Tấm đi thử hài, hái cau giỗ cha trong dị bản Cám… mang đến một màu sắc chân thực và gần gũi, thể hiện mối tương quan chặt chẽ giữa văn hóa bản địa và điện ảnh.
Một lý do chính khiến những tác phẩm chuyển thể kinh dị từ truyền thuyết dân gian này được lòng các nhà làm phim là sự quen thuộc vốn có của chúng, sự hoài niệm mà chúng gợi lên. Nhiều khán giả lớn lên cùng những câu chuyện này, dù là qua sách vở, truyện tranh, phim hoạt hình hay qua truyền miệng trong gia đình, lớp học, đường làng ngõ xóm…
Đó là những câu chuyện mà mẹ kể con nghe, bà kể cháu nghe để răn dạy bọn trẻ phải cẩn thận mỗi khi ra đường, mỗi khi trời tối, để chúng không mãi ham chơi mà quên mất giờ về nhà… Khi những câu chuyện này được tái dựng lại trên màn ảnh rộng với bầu không khí lạnh lẽo, đen tối đặc trưng của phim kinh dị, chúng tạo ra nỗi sợ hãi chân thực như ngày bé.
Bắt nguồn từ nền tảng tinh thần và văn hóa của vùng nông thôn, những câu chuyện mang đến cho khán giả cơ hội khám phá bức tranh phong phú về phong tục và truyền thống của Việt Nam. Chẳng hạn, Kẻ Ăn Hồn và Cám đều sử dụng các bài vè, bài đồng dao, ca dao dân ca để gợi lên cảm giác quen thuộc. Những bài đồng dao này không chỉ tạo nên giai điệu ám ảnh mà còn gắn kết câu chuyện phim với màu sắc văn hóa dân gian.
BÀI LIÊN QUAN
Những thách thức và cơ hội
Mặc dù xu hướng tích hợp các yếu tố dân gian vào phim kinh dị đã thu hút được sự chú ý, nhưng nó không phải là không có thách thức. Một thực tế đáng buồn là nhiều tác phẩm vẫn gặp phải những hạn chế trong kịch bản, phát triển nhân vật, và yếu tố bối cảnh.
Quỷ cẩu không hoàn toàn thuyết phục về mặt kỹ xảo. Tương tự, Cám dù được chú ý, vẫn bị chỉ trích về kịch bản có phần đuối dần về cuối và thời lượng kéo dài mà thiếu sự tinh gọn. Thể loại kinh dị cũng dễ sa vào mê tín, làm giảm đi giá trị của câu chuyện.
Tuy nhiên, thành công của những bộ phim kinh dị lấy truyền thuyết bản địa làm nguồn cảm hứng cũng cho thấy khán giả thế hệ trẻ muốn kết nối lại với cội nguồn, mong muốn có những câu chuyện tôn vinh lịch sử văn hóa. Xu hướng này không chỉ giới hạn ở thể loại kinh dị, nó còn mở rộng sang nhiều thể loại khác nhau nhằm kết hợp các câu chuyện và màu sắc văn hóa của Việt Nam như Công Tử Bạc Liêu, Ngày xưa có một chuyện tình.
Tựu trung, sự phát triển của dòng phim kinh dị dân gian, với nét văn hóa đặc sắc từ những vùng quê đã mang lại cho khán giả những trải nghiệm độc đáo và sâu sắc về cuộc sống và con người trong quá khứ. Sự xuất hiện của những bộ phim mới, được khen ngợi từ cả khán giả lẫn giới chuyên môn, là tín hiệu tích cực, thắp lên hy vọng cho những người yêu thích điện ảnh Việt.
Nhóm thực hiện
Bài: Hoàng Thúy Vân
Ảnh: Tổng hợp