Văn hóa / Thế giới văn hóa

Cảm hứng Takashi Murakami: Từ văn hóa “otaku” đến sức sống nghệ thuật đương đại

“Dĩ nhiên, những thứ có thể dễ dàng đoán trước cũng sẽ nhanh chóng trở nên nhàm chán. Bởi thế, tôi muốn thúc đẩy khả năng sáng tạo của mình đi xa hơn nữa - thứ sáng tạo vượt qua mọi viễn cảnh tương lai khả dĩ mà con người có thể tính toán ra” - Takashi Murakami.

Takashi Murakami là một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất thế giới những năm gần đây. Ông là “cha đẻ” của trường phái nghệ thuật “Superflat” (Siêu phẳng), xóa mờ ranh giới ngăn cản sự giao thoa giữa nghệ thuật cao siêu, trừu tượng và văn hóa đại chúng bình dân, gần gũi. Các tác phẩm nghệ thuật từ hội họa, điêu khắc đến phim ảnh, hoạt hình, MV ca nhạc của Takashi Murakami luôn rất đặc trưng, mang dấu ấn cá nhân riêng biệt khó nhầm lẫn với bất cứ nghệ sĩ nào khác.

Phần lớn công chúng biết đến Takashi Murakami qua hình ảnh những bông hoa đủ màu sắc rực rỡ luôn mỉm cười tươi tắn, trông như các nhân vật bước ra từ phim hoạt hình thiếu nhi. Bông hoa biết cười ấy đã trở thành biểu tượng, kiêm “thần hộ mệnh” cho sự nghiệp sáng tạo của Murakami.

Takashi Murakami feature
Takashi Murakami chụp ảnh trước hàng trăm bông hoa mặt cười biểu tượng tại Paris, Pháp. Ảnh: Julien M. Hekimian.

Tháng 7/2019, Takashi Murakami trở thành biên tập viên khách mời của trang CNN. Dưới đây, ELLE chuyển ngữ trọn vẹn bài viết mới của ông trên chuyên mục CNN Style, nơi nghệ sĩ người Nhật Bản chia sẻ với độc giả về hành trình đến với nghệ thuật, cảm hứng sáng tác và “bản sắc Murakami” trong những tác phẩm đương đại của mình. 

Cậu bé “otaku” mặc kệ sự đời

Nghệ thuật của tôi bắt nguồn từ những trải nghiệm trong nửa đầu thập niên 1970 – thời kỳ Nhật Bản vẫn đang phục hồi sau thất bại trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Đất nước đang hồi sinh. Người ta nhập khẩu các bức tranh từ phương Tây và đi xem triển lãm trở thành một thú tiêu khiển rất phổ biến. Mỗi Chủ Nhật, bố mẹ sẽ đưa chúng tôi đi xem tranh, còn tôi thì ghét trải nghiệm ấy kinh khủng.

Đối với một đứa trẻ, ngắm nhìn những bức tranh chẳng có gì thú vị. Có lần hồi khoảng 8 tuổi, tôi phải xếp hàng suốt 3 tiếng đồng hồ cùng gia đình chỉ để xem tranh của họa sĩ Tây Ban Nha Francisco Goya

tại một bảo tàng ở Tokyo. Bức tranh miêu tả cảnh Titan Cronus (hay Saturn) ăn thịt chính con cái mình. Viễn cảnh đầy ám ảnh đã khiến tôi mất ngủ nhiều đêm. Tôi nghĩ chính trải nghiệm (hay chấn thương tâm lý) sâu sắc ấy đã trở thành nền tảng cho sự nghiệp hội họa của tôi ngày nay. Nó dạy tôi rằng, nếu những tác phẩm của mình không khiến người ta rung động hay bật ra một tiếng “Wow!”, chúng chẳng là gì cả.

Takashi Murakami thời bé 01
Takashi Murakami (trái) cau có trong buổi đi chơi với gia đình. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Tuy nhiên, khi tôi bắt đầu đi học, việc đọc truyện tranh và xem hoạt hình trên TV trở nên quan trọng hơn. Không còn bị ép đi xem triển lãm tranh, tôi “phát cuồng” với Ultraman (Siêu nhân điện quang), anime về robot và các bộ manga thể thao về quyền anh hay bóng chày. Tôi tin đó là những trải nghiệm có ảnh hưởng đáng kể đến cách mình sản xuất phim và hoạt hình hiện nay, bên cạnh hội họa và điêu khắc.

Năm lớp Bảy, tôi bất cẩn rơi xuống một cái hố, làm tổn thương hộp sọ và xương tay phải. Tôi không thể đến trường cả tháng nên không đuổi kịp việc học của các bạn. Cuối cùng, tôi đậu vào một trường trung học với thành tích ảm đạm, nơi tôi chẳng thể học hành gì và cũng không có gì để trông đợi. Tôi càng lúc càng chìm đắm vào thế giới hoạt hình và manga, biến mình thành một “otaku” thực thụ.

Takashi Murakami thời bé
Takashi Murakami đã có niềm đam mê với các nhân vật anime, manga từ ngày bé. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Cuối cấp Ba, khi tôi đến gặp giáo viên để thảo luận về việc nộp đơn vào đại học, thầy giáo đã cam đoan rằng tôi không có khả năng đậu vào bất kỳ trường đại học nào, dù có đặt ra mục tiêu thấp đến đâu.

Nhận ra mình không có lựa chọn nào khác ngoài các trường đại học chuyên nghệ thuật – nơi sẽ nhận sinh viên mà không xét đến thành tích học tập, tôi hoàn toàn từ bỏ việc học, lao đầu vào nỗ lực trở thành “otaku” toàn diện.

Thời điểm đó, Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao) vừa được công chiếu tại Nhật. Loạt phim hoạt hình và truyện tranh khoa học viễn tưởng chịu ảnh hưởng từ bộ phim vẫn đang “nuôi dưỡng” nghề nghiệp sáng tạo của tôi từ đó đến nay. Tôi nhớ cũng cùng thời gian đó, Hayao Miyazaki – người giờ đây đã trở thành “bậc thầy hoạt họa” – vừa đạo diễn loạt phim anime trên truyền hình đầu tiên của mình, Future Boy Conan (Conan – Cậu bé tương lai). Dù đường nét thiết kế các hình ảnh hoạt hình của ông vô cùng đơn giản, chúng vẫn có khả năng truyền đạt những tầng lớp cảm xúc phức tạp. Thế giới quan của Hayao Miyazaki đã quyến rũ tôi.

tác phẩm Takashi Murakami
Các tác phẩm của ông ở mọi loại hình nghệ thuật đều chịu ảnh hưởng nhất định của văn hóa “otaku”, anime, manga. Ảnh: Jenny White.
triển lãm doraemon tokyo
Triển lãm Doraemon năm 2017 tại Tokyo mở đầu bằng tác phẩm kích thước lớn của Takashi Murakami. Ảnh: Spoon & Tamago.

Cái duyên với nghệ thuật đương đại

Thi trượt kỳ tuyển sinh đầu tiên vào đại học nghệ thuật, tôi mất đến hai năm để chuẩn bị đăng ký thi lại. Trong giai đoạn ấy, tôi luôn thức dậy lúc 5 giờ 30 sáng để đến trường luyện thi, và sau khi tan học lúc 5 giờ chiều, tôi và bọn bạn sẽ đến một khu học tập khác để miệt mài tô vẽ cho đến nửa đêm.

Cuối cùng tôi cũng thi đậu một trường đại học nghệ thuật, nhưng để được nhận vào, tôi phải chọn bộ môn ít cạnh tranh nhất và chăm chỉ học về lịch sử hội họa truyền thống Nhật Bản thế kỷ 20, còn gọi là “Nihonga”. Tôi thấy chúng vô cùng buồn tẻ và ghét phải ở trường mỗi ngày.

Khi đó, Nhật Bản đang ở giữa giai đoạn “bong bóng kinh tế”, nhiều tác phẩm nghệ thuật đương đại được nhập khẩu và giới thiệu như những phương thức biểu đạt sáng tạo mới. Một cách tự nhiên, tôi bị cuốn hút bởi những hình thức nghệ thuật tiên tiến ấy. Sau khi xem triển lãm tranh của Shinro Ohtake – người chịu ảnh hưởng sâu sắc từ các họa sĩ “New Painting” (đặc biệt là Anselm Kiefer và Sigmar Polke), tôi thấy mình như vừa lãnh một nhát búa trời giáng vào đầu. Tôi bắt đầu bị ám ảnh bởi câu hỏi: “Nghệ thuật đương đại là gì?”.

osiris and isis
Tác phẩm Osiris and Isis của Anslem Kiefer đã truyền cảm hứng nghệ thuật đương đại cho Takashi Murakami. Ảnh: Ben Blackwell.

Vì không có tài liệu tham khảo xác đáng nào ở Nhật – nơi nghệ thuật đương đại chỉ mới vừa nhen nhóm, tôi quyết định rằng mình không còn lựa chọn nào khác ngoài bay thẳng đến New York, tham quan Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (Museum of Modern Art) tại đây.

Khi tôi đến, bảo tàng đang tổ chức triển lãm nhìn lại sự nghiệp sáng tác của nghệ sĩ Anselm Kiefer. Bức tranh Osiris and Isis (Osiris và Isis) với tòa kim tự tháp u ám khổng lồ làm trung tâm của anh khiến tôi kính nể đến nỗi, tôi đã rơi nước mắt. Jeff Koons cũng tổ chức triển lãm tại phòng trưng bày Sonnabend, nhờ thế tôi mới có cơ hội chiêm ngưỡng tác phẩm điêu khắc tượng Michael Jackson bằng sứ trứ danh của anh. Tôi không thể nào nói hết tầm quan trọng và giá trị của những tác phẩm này.

chân dung Takashi Murakami 04
Màu sắc nghệ thuật truyền thống Nhật Bản “nihonga” khá rõ nét trong nhiều tác phẩm của Murakami. Ảnh: Joe Russo.

Tôi lao vào bối cảnh nghệ thuật ấy ngay sau khi chuyển đến New York, nhưng ở thời điểm này, “Nihonga” – chính thứ phong cách hội họa truyền thống tôi từng coi thường – đã trở thành cơ sở cho các tác phẩm nghệ thuật của tôi. Từ đó trở đi, tôi luôn giải thích nền tảng nghệ thuật của mình và quá trình sản xuất chúng bằng thuật ngữ “Superflat” (Siêu phẳng). “Superflat” là khái niệm do tôi sáng tạo ra, bằng cách lấy lớp bối cảnh văn hóa của Nhật Bản sau chiến tranh để phủ lên phong cách hội họa vốn tạo ra một bề mặt hoàn toàn bằng phẳng.

Với tôi, trận động đất và sóng thần tấn công nước Nhật vào năm 2011 là một bước ngoặt lớn. Đối diện hiện thực nơi hàng chục ngàn người có thể mất mạng ngay lập tức do thảm họa tự nhiên, tôi chợt hiểu vì sao, tại Nhật Bản, con người lại tin vào nhiều vị thần khác nhau như vậy, thay vì một tôn giáo độc thần. Tôi đặc biệt quan tâm đến việc tôn thờ 500 vị La Hán trong Phật giáo và bắt đầu mở rộng phạm vi biểu đạt sang tranh vẽ, như bức tranh dài 100 mét lấy chủ đề thảm họa, tai ương của tôi chẳng hạn.

khách ngắm tranh 500 vị la hán
Chiêm ngưỡng tác phẩm Takashi Murakami: The 500 Arhats vẽ 500 vị La Hán, tại bảo tàng nghệ thuật Mori, Tokyo. Ảnh: Mori Art Museum.

Gã nghệ sĩ “quái chiêu” bất chấp mọi giới hạn

Dần hiểu rõ về nghệ thuật đương đại, tôi bắt đầu sưu tầm đồ cổ. Tôi muốn biết tại sao con người lại thích thu thập đến thế, đặc biệt là thu thập nghệ thuật. Chẳng bao lâu sau, tôi trở thành một người nghiện sưu tầm. Mỗi khi có được một tác phẩm nghệ thuật, tôi trải nghiệm một loại ảo ảnh rất kỳ lạ. Bộ não tôi như “đồng bộ hóa” với từng chi tiết của tác phẩm, từng nét cọ hay dấu phác bút chì của họa sĩ. Trong triển lãm mới nhất “Murakami vs Murakami” tại Hong Kong, tôi dành hẳn một căn phòng để trưng bày các vật phẩm thu thập được trong bộ sưu tập nghệ thuật kỳ quái của mình.

trưng bày bộ sưu tập của Takashi Murakami
Trưng bày các vật phẩm sưu tầm của Takashi Murakami tại triển lãm Takashi Murakami: Under The Radiation Falls tại Moscow, Nga. Ảnh: Vice.
bộ sưu tập superflat
Nghệ sĩ Nhật Bản giữa bộ sưu tập cá nhân gồm hàng loạt tác phẩm nghệ thuật đương đại ấn tượng. Ảnh: Kentaro Hirao.

Hiện tại, tôi đang điều hành một công ty khoảng 200 nhân viên. Chúng tôi sản xuất hoặc thu mua, tùy vào dự án. Ban đầu, tôi chỉ định thuê một vài người làm trợ lý vẽ tranh. Nhưng vì có nghĩa vụ trả thuế cho lương của họ, tôi lại thuê thêm một kế toán, rồi lại thêm một nhân viên nhân sự để quản lý người đến kẻ đi… Mới ngày nào còn chẳng đủ ăn, nay chúng tôi đã trở thành một công ty nhỏ bình thường như bao doanh nghiệp khác. Công việc ấy là nguồn căng thẳng thường trực của tôi, vì sáng tạo nghệ thuật và điều hành công ty là hai trách nhiệm hoàn toàn mâu thuẫn, khác biệt.

Takashi Murakami và các trợ lý
Takashi Murakami làm việc cùng dàn trợ lý nghệ thuật đông đảo tại studio. Ảnh: Shin Suzuki.

Mặt sau từng bức tranh tôi vẽ đều có danh sách tên các nhân viên đóng góp vào quá trình thực hiện nó, mục đích là để mọi người biết được những ai đã tạo ra tác phẩm nghệ thuật này, kể cả khi tất cả chúng tôi không còn trên đời nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn thường bị chỉ trích rằng mình đang bóc lột sức lao động và sáng tạo của người khác bằng cách hợp tác làm việc với các trợ lý, khiến tôi liên tục “mất giá”.

Người ta sẵn sàng chấp nhận rằng các sản phẩm điện ảnh và âm nhạc là tổ hợp của nhiều quá trình cộng tác, nhưng vẫn khăng khăng mặc định rằng một bức tranh phải được tạo ra bởi một nghệ sĩ duy nhất. Suy nghĩ ấy tồn tại bất chấp rằng trong lịch sử, các nghệ sĩ huyền thoại như Michelangelo đã sáng tạo các tác phẩm của mình trong bối cảnh một phân xưởng.

Takashi Murakami tại studio
Takashi Murakami làm việc hàng ngày tại studio. Ảnh: Kenta Aminaka.

Qua tiêu đề cuộc triển lãm mới tại Hong Kong – “Murakami vs Murakami”, tôi đề xuất rằng “Murakami” có thể là cái tên riêng trở thành thương hiệu, như Disney, Louis Vuitton hay Christian Dior chẳng hạn. Để dự đoán về tương lai thương hiệu của tôi, bạn có thể hình dung đến sự phát triển của trí tuệ nhân tạo (AI) và những thứ vượt xa hơn thế. Trong tương lai ấy, có lẽ tôi sẽ ra chỉ thị cho AI: “Ta muốn phần này sáng hơn”, hay “Hãy làm màu này trở thành sang trọng hơn, à không, nhiều màu sắc hơn!”. Thế rồi, AI sẽ tiến hành phân tích tất cả các tác phẩm trước đây của tôi và tính toán được hình thức thể hiện phù hợp nhất cho thương hiệu Murakami.

Dĩ nhiên, những thứ có thể dễ dàng đoán trước cũng sẽ nhanh chóng trở nên nhàm chán. Bởi thế, tôi muốn thúc đẩy khả năng sáng tạo của mình đi xa hơn nữa – thứ sáng tạo vượt qua mọi viễn cảnh tương lai khả dĩ mà con người có thể tính toán ra.

chân dung Takashi Murakami 05
Takashi Murakami bất chấp bị chê cười là kẻ lập dị, hay những phê bình của giới yêu nghệ thuật bảo thủ. Ông tự tin sáng tạo không giới hạn, khẳng định dấu ấn riêng, hình thành phong cách nghệ thuật đương đại gần gũi với văn hóa đại chúng. Ảnh: Reid Glaze.

Nhóm thực hiện

Bài: Takashi Murakami | CNN Chuyển ngữ: Thùy Anh Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)