Văn hóa / Thế giới văn hóa

10 câu nói chạm đến trái tim trong “When Life Gives You Tangerines”

Ra mắt vào ngày 7/3 trên nền tảng Netflix, “When Life Gives You Tangerines”(tựa Việt: Khi Cuộc Đời Cho Bạn Quả Quýt) đưa người xem ngược về những năm 1960 trên hòn đảo Jeju mơ mộng. Lên sóng vỏn vẹn trong vòng một tháng, bộ phim đã gây tiếng vang lớn trên toàn cầu, thu hút sự chú ý của cả công chúng lẫn giới chuyên môn. Thành công này đến từ kịch bản chỉn chu, lối diễn xuất tự nhiên của dàn diễn viên thực lực và thông điệp nhân văn mà bộ phim mang lại, tiếp cận và chạm đến trái tim của nhiều lứa tuổi khán giả. Bên cạnh đó, phim còn ghi dấu ấn với loạt câu thoại gần gũi mà đậm chất triết lý.

Chỉ sau một thời gian ngắn ra mắt, When Life Gives You Tangerines đã lọt vào top 10 những bộ phim được xem nhiều nhất tại 42 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Ngoài câu chuyện gia đình cảm động, lời thoại trong phim cũng mang tới nhiều khoảnh khắc đẫm nước mắt cho người xem.

IU và park bo gum trong when life gives you tangerines
“When Life Gives You Tangerines” ghi dấu ấn với loạt câu thoại gần gũi mà đậm chất triết lý.

1. “Mẹ là người số khổ, nhưng con thì không. Đừng chấp nhận vị trí thứ hai, hãy sống hết mình”

Trong bối cảnh đảo Jeju những năm 1960, khi xã hội vẫn gắn chặt với các chuẩn mực phân biệt giới tính, hải nữ là nguồn lực chính tạo nên sinh kế của cả hòn đảo. Dù là trụ cột gia đình, hải nữ vẫn không thể tránh khỏi định kiến trọng nam khinh nữ đã ăn sâu trong văn hóa Hàn Quốc. 

Định kiến ấy càng bộc lộ rõ ràng hơn trong thế hệ của Ae Soon. Dù đạt thành tích học tập xuất sắc, cô bé vẫn bị gia đình bên nội hắt hủi. Ở lớp, cũng vì xuất thân nghèo khó, Ae Soon bị thầy giáo xem thường, đẩy xuống làm lớp phó, dù cô nhận được số phiếu bầu cao nhất. Là một hải nữ, mẹ Gwang Rye không chấp nhận để con mình mang theo nỗi khổ của thế hệ trước. Theo bà, Ae Soon có quyền sống cho chính mình, quyết định cuộc sống của mình mà không phải chịu đựng số phận đã định sẵn. 

Chấp nhận vị trí thứ hai là một cách dễ dàng để tránh những khó khăn, nhưng lại không phải là con đường dẫn đến hạnh phúc thật sự. Cho nên, dù xã hội có sắp xếp chúng ta vào những khuôn khổ chật hẹp đến đâu, quyền lựa chọn và khát vọng sống vẫn nằm trong tay mỗi người.

2. “Khi con sống, sẽ có những ngày con chỉ muốn rời bỏ thế gian. Đừng chỉ nằm yên, vùng vẫy mạnh vào, vất chăn ra, giẫm lên nó, bước ra mà cày ruộng, mà bán hàng” – Gwang Rye

Trong những thước phim đầu tiên của When Life Gives You Tangerines, hình ảnh người mẹ của Ae Soon gần như chiếm trọn màn ảnh. Với dáng vẻ gai góc, tính tình nóng nảy, bà đại diện cho hàng triệu phụ nữ trên đảo Jeju – những Haenyeo/Hải nữ dạn dày sương gió. Bà không ngại đối mặt với những cơn sóng dữ và độ sâu của biển cả chỉ để đổi lấy từng đồng nuôi con khôn lớn. 

Trong phim, tình mẫu tử không cần phải dùng đến những lời lẽ hoa mỹ hay những tình tiết quá phức tạp. Mọi thứ giản dị và sâu sắc, được thể hiện qua hình ảnh người mẹ lặn ngụp dưới lòng biển, trao cho con một cuộc đời sáng lạn hơn. Tình yêu ấy mạnh mẽ, không lời nhưng luôn vẹn nguyên. 

Dù chỉ có một năm ngắn ngủi bên mẹ trước khi mất đi người thân yêu nhất cuộc đời, sự cứng cỏi của bà đã kịp dạy cho Ae Soon một bài học quý giá về cuộc sống: sự sống không bao giờ là dễ dàng và hạnh phúc không phải là món quà đến từ số phận mà là thành quả của sự nỗ lực, đấu tranh không ngừng. 

gwang rye mẹ của ae soon
Gwang Rye – mẹ của Ae Soon với dáng vẻ gai góc, mạnh mẽ.

3. “Dù ai đó tặng em rìu vàng hay rìu bạc, thì rìu thép vẫn là của em. Vì chỉ có rìu thép mới thật sự đáng giá” – Ae Soon

Ae Soon và Gwan Sik không phải là cặp đôi hoàn hảo. Họ yêu nhau như cách người ta xây một ngôi nhà. Từng viên gạch giản dị, chẳng có gì rực rỡ hay phô trương, nhưng vững chãi theo từng ngày. 

Cuộc đời Ae Soon chưa bao giờ dễ dàng nhưng khi nhìn lại, bà nhận ra rằng mình đã sống trọn vẹn. Trọn vẹn không phải vì cuộc sống luôn thuận lợi, mà vì bà đã có một người bạn đời tuyệt vời như Yang Gwan Sik. Chính nhờ có ông, bà chưa bao giờ cảm thấy cô đơn, dù ở trong những khoảnh khắc tăm tối nhất. Họ là cùng nhau chia sẻ gánh nặng và là nguồn động lực giúp nhau đi qua cuộc sống dù ngày nắng hay ngày mưa. 

“Rìu vàng” và “rìu bạc” tượng trưng cho những thứ hào nhoáng, vật chất hay danh vọng mà người khác có thể tặng cho ta, nhưng rốt cuộc, chỉ “rìu thép” mới là thứ bền vững, có giá trị thực tiễn, phản ánh những nỗ lực, sự kiên trì và công sức mà ta bỏ ra để đạt được thành tựu. Đối với Ae Soon, chỉ có những gì thật sự bền bỉ, vững vàng như “rìu thép” mới có thể đi cùng ta đến hết chặng đường dài.

4. “Mùa xuân của họ không phải mùa để mơ ước, mà là mùa của những giấc mơ tan vỡ. Và họ đã sẵn lòng chấp nhận điều đó” – Geum Myeong

Với Ae Soon, nỗi đau mất đi những người thân yêu, đặc biệt là đứa con nhỏ của mình, là những vết thương không bao giờ lành. Biển đã cướp đi người cha, người mẹ, đứa con và tất cả những gì cô từng yêu thương. Rất nhiều năm sau, những ký ức day dứt ấy vẫn cứ quẩn quanh trong tâm trí, đặc biệt là khoảnh khắc mà Ae Soon không thể trao con cho hàng xóm trông nom, hay ôm lấy cậu bé khi còn có thể. 

Nhưng khi cô lại nhớ lại hình ảnh của mẹ – người phụ nữ đã từng vẫy vùng dưới biển sâu, đấu tranh để thoát ra khỏi những sợi thừng quấn chặt, để tìm lại không gian, để hít thở. Đó là hình ảnh của sức sống mãnh liệt, của niềm hy vọng, không phải ở những điều lớn lao mà là lòng tin vào ngày mai. Cô dần nhận ra cuộc đời đâu phải lúc nào cũng được định đoạt trong những ngày bình lặng. Có những lúc tưởng như không thể gượng dậy, tưởng như đã đánh mất tất cả nhưng chính trong những lúc tuyệt vọng đó, khi ta vẫn còn sức lực để vùng vẫy, vẫn giữ được hy vọng, ánh sáng sẽ hiện ra, dẫu chỉ là một tia le lói. 

park bo gum trong vai gwan sik trong when life gives you tangerines
Gwan Sik – “rìu thép” trong cuộc đời Ae Soon.

5. “Hoa cải dầu đâu nở một mình, chúng nở thành cụm mà. Nếu chỉ có một mình, chắc mẹ đã gục ngã trăm lần rồi” – Ae Soon

Giữa những khó khăn tưởng chừng không thể vượt qua, đôi khi thứ giữ người ta đứng vững không phải là sức mạnh cá nhân, mà chính là sự chia sẻ và nâng đỡ từ cộng đồng. Là ông bà chủ tiệm tạp hóa miệng lưới sắc bén, nhưng vẫn lặng lẽ đổ gạo vào chum mỗi ngày. Những người cô trong làng, dù có vẻ ngoài khắc khổ, vẫn âm thầm mang đồ ăn đến, lấp đầy căn bếp lạnh lẽo. Và khi cả ngôi làng cùng chia sẻ bữa cơm cho Geum Myeong và Eun Myeong, những đứa trẻ đang trải qua nỗi đau mất mát giống hệt, cả cộng đồng như một thể thống nhất, nâng đỡ nhau qua những mất mát và thử thách.

Chúng ta thường nghĩ rằng sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh phải đến từ sự kiên cường nội tâm, nhưng đôi khi, chính sự nâng đỡ thầm lặng từ những người xung quanh mới là thứ làm nên sự khác biệt. Không phải lời an ủi ồn ào, không phải những lời khuyên rối rắm, mà là những hành động hết sức bình dị đã làm vơi đi phần nào nỗi đau. 


Xem thêm

• IU và nghệ thuật kể chuyện qua tạo hình trong “When Life Gives You Tangerines”

• 20 câu nói hay về sức mạnh của sự chữa lành giúp bạn có thêm động lực sống

• Thời trang trong “When Life Gives You Tangerines”: Hành trình phong cách qua từng thập kỷ


6. “Ai cũng muốn ngủ thêm một chút nhưng bố nghĩ bố ngủ ít hơn một chút thì các con sẽ được ngủ lâu hơn một chút”- Gwan Sik

Giấc mơ thời trẻ của Gwan Sik là vận động viên. Nhưng cuộc đời không cho phép ông theo đuổi điều ấy, thay vào đó, ông đã chọn làm ngư dân, sống một cuộc sống gian truân nhưng đầy tình yêu dành cho gia đình. Và dù giấc mơ của ông lặng lẽ kết thúc, cuộc sống lại trao cho ông ba “huy chương” quý giá hơn bất kỳ chiếc huy chương nào mà ông có thể giành được: ba đứa con.

Trong tiếng Hàn, Geum Myeong – tên cô con gái lớn, với chữ “Geum” có nghĩa là Vàng. Eun Myeong, tên cậu con trai giữa, “Eun” có nghĩa là Bạc. Cuối cùng là Dong Myeong, con trai út, với “Dong” tượng trưng cho Đồng. Vàng, bạc, đồng – ba chiếc huy chương của đời ông, được nâng niu bằng tình yêu vô bờ bến và những hy sinh thầm lặng. 

Trong cuộc sống, đôi khi con cái không nhận ra những hy sinh ấy ngay lập tức. Ta đâu hay trong sự “lớn lên” của con cái là sự “lớn xuống” của cha mẹ, là cái lưng còng, cái chân yếu và mái tóc bạc phơ. Những thứ mà ngày bé chúng ta nghiễm nhiên nhận lấy từ cha mẹ, thực chất, nó không hề miễn phí, mà là tuổi xuân của họ. Cha mẹ cũng chính là những huy chương quý giá, không phải vì những thành tựu mà vì tình yêu và sự cống hiến chưa bao giờ vơi cạn.

câu nói cảm động về tình cảm gia đình trong phim của IU
Trong mắt cha mẹ, những đứa con là “huy chương”.

7. “Chúng chỉ là con mình khi còn trong vòng tay thôi. Rời xa một cái là còn bận hơn cả tổng thống. Con cái là đứa bận rộn nhất trần đời đấy” – Yang Im

Có một phân cảnh khi Yang Gwan Sik đến thăm con gái ở Seoul. Ông ngồi chờ con trên bến xe đến khi trời tối mịt. Nói với con dăm ba câu rồi bắt xe trở về. Chiếc xe buýt lăn bánh, rời đi, để lại hình bóng Geum Myeong nhỏ dần đang vẫy tay cha. Ông nhớ lại những năm tháng khi con còn nhỏ, đứng nắm tay mẹ và vẫy tay tiễn cha đi làm. Trong mắt ông, những đứa con không bao giờ lớn. Chúng quá nhỏ bé còn thế giới thì quá khắc nghiệt.

Khi tuổi trẻ qua đi, khoảng cách giữa ta và cha mẹ cũng ngày càng trở nên xa vời. Không phải tình yêu dành cho nhau phai nhạt, mà là cuộc sống với những bộn bề lo toan đã chiếm hết những khoảng thời gian ta từng dành cho gia đình. Những bữa cơm quây quần, ấm áp dưới mái nhà dần ít đi, những cuộc gọi thăm hỏi cũng trở nên vội vã. 

Bố mẹ biết về cuộc sống của ta chỉ qua những câu chuyện ta kể, nhưng những câu chuyện ấy đôi khi chẳng là thật. Chúng chỉ là những mẩu ký ức, những niềm vui được tô hồng để che giấu đi những nỗi buồn mà ta không muốn chia sẻ. Ta sợ làm bố mẹ lo lắng, thế là ta chọn im lặng. Nhưng trong trái tim của bố mẹ, dù ta có lớn thế nào, đi xa bao nhiêu, ta vẫn mãi là đứa con bé bỏng cần được yêu thương, che chở và lo lắng như những ngày tháng ngây thơ đầu đời.

8. “Khi chúng ta nói chuyện với một người xa lạ, chúng ta cẩn thận từng câu chữ như thể đang viết thư tình. Nhưng với những người thương yêu, người chúng ta quý và biết ơn gấp vạn lần, chúng ta tùy tiện buông lời như đang nguệch ngoạc lên một tờ giấy bỏ đi…” – Geum Myeong

Geum Myeong nói rằng, ở nhà cô là đứa con láo toét, hay lớn giọng. Cô ghét câu “rồng sinh ra từ suối”, ghét làm chị cả. Nhưng trước mặt bố mẹ của bạn trai, cô cam chịu và cố gắng để lấy lòng. Eun Myeong thì ghét mùi của bố, ghét mùi cao dán và nói rằng sống một cuộc sống như bố là không đáng sống. Hai đứa con với sự ngây thơ và bốc đồng, đôi khi vô tình làm tổn thương cha mẹ mình bằng những lời nói thiếu suy nghĩ.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa cả hai không biết yêu thương cha mẹ, mà nó phản ánh sự lười biếng trong cách thể hiện tình cảm đối với những người quan trọng, bởi chúng ta có cảm giác họ sẽ luôn ở đó và không cần phải cố gắng nhiều. Ta có thể dành cho những người ngoài những câu từ hoa mỹ, nhưng lại không ngần ngại ném về phía người thân những lời lỗ mãng, khó chịu. Ta đâu hay biết có những lời nói, một khi đã thốt ra, thì không thể thu lại được, có thể để lại vết thương sâu sắc trong lòng những người yêu thương ta nhất. 

nhân vật ae soon và con gái geum myeong
“When Life Gives You Tangerines” phản ánh một thực tế phũ phàng: ta hay cáu gắt với người nhà nhưng lại tử tế với người ngoài.

9. “Cuối cùng, ai rồi cũng sống như những đứa trẻ mồ côi. Cha mẹ ra đi trước, con cái vẫn tiếp tục sống. Cuộc đời cứ thế tiếp diễn” – Gwang Rye

Nhiều người xem cho rằng sự ra đi của Gwan Sik trong bộ phim này là một kết thúc buồn. Nhưng chính điều đó lại làm bộ phim trở nên sâu sắc và gần gũi hơn bao giờ hết. Bởi sự thật, sinh lão bệnh tử là điều không thể tránh khỏi trong cuộc sống. Sự ra đi của Gwan Sik là một nỗi buồn lớn, nhưng đó cũng là một sự khởi đầu mới cho Ae Soon. Bà vẫn sẽ tiếp tục sống, tiếp tục tìm thấy niềm vui trong cuộc sống mỗi ngày, mang theo trong tim những kỷ niệm, những tình yêu và bài học mà Gwan Sik đã để lại.

Cha mẹ là những người thầy đầu tiên, là mái nhà vững chãi trong những năm tháng tuổi thơ, luôn sẵn sàng nâng đỡ, bảo vệ ta khỏi những khó khăn. Nhưng khi thời gian trôi qua, những mái nhà ấy không còn vững chắc nữa. Cha mẹ già đi, và một ngày nào đó, họ sẽ rời xa ta. Nhưng sự ra đi của cha mẹ không phải là sự kết thúc, mà là sự chuyển giao. Nó đánh dấu một mốc quan trọng trong hành trình trưởng thành của mỗi người. 

10. “Cuộc đời của mẹ cũng tươi sáng lắm. Mẹ cũng hạnh phúc theo cách riêng của mẹ. Thế nên con gái cũng hãy hiểu cho mẹ rằng cuộc đời của mẹ cũng đáng sống nhé” – Ae Soon

Ngày còn bé, Ae Soon cũng có ước mơ. Bà ước cưới một chàng trai Seoul, ở nhà đất liền và trở thành một nhà thơ nổi tiếng. Ngày còn trẻ, bà là “cô gái văn chương”, bà cũng từng xinh đẹp, trẻ trung, ngọt ngào và rực rỡ. Nhưng rồi, bà chọn đặt gia đình lên trên tất cả. Giấc mơ của bà, theo thời gian, không còn những hoài bão riêng tư nữa mà là khát vọng thấy con trưởng thành, sống đầy đủ và hạnh phúc. 

Nói như vậy, không có nghĩa là bà đã từ bỏ ước mơ, mà là bà đã tái định nghĩa nó. Bà tìm thấy một ước mơ mới lớn lao hơn, vĩ đại và đáng đấu tranh hơn việc cưới một anh Seoul, ở nhà đất liền… đó là thấy con cái của mình hạnh phúc. Ước mơ đó là trở thành một hành trình dài và cái bà có là những thành tựu vô hình.

Cuộc sống của Ae Soon đã dạy cho người xem một bài học quan trọng: tình yêu và những giá trị sống sẽ không bao giờ biến mất. Khi con gái của Ae Soon thay mặt người cha quá cố, hỏi mẹ liệu bà có còn vui không, câu trả lời của Ae Soon vang lên giản dị nhưng đầy thâm trầm: “Mẹ rất vui”. Một khoảnh khắc tưởng chừng nhỏ bé nhưng lại là biểu tượng của sự trọn vẹn trong cuộc đời, là sự an nhiên sau bao biến cố và cũng là cách When Life Gives You Tangerines khép lại đầy khéo léo, để lại trong lòng khán giả dư âm ngọt ngào.

IU trong phim when life gives you tangerines
Phim đem tới một bài học quan trọng: tình yêu và những giá trị sống sẽ không bao giờ biến mất.

Những câu thoại đắt giá khác

“Cứ sống rồi sẽ sống” – Gwang Rye 

“Họ đều giả vờ làm người lớn vì được bảo là đã lớn” – Gwan Sik

“Em cứ lật bàn mà sống, vương vãi cứ để anh lo” – Gwan Sik

“Tôi đã không hay biết rằng ngay cả tuổi thơ nghèo khó của mình, ngay cả quãng thời gian khiêm nhường ấy, cũng chỉ có thể tồn tại nhờ vào thành trì vững chắc mà cha mẹ dựng nên” – Geum Myeong

“Tuổi thơ của em quá cực khổ nên em cũng không nhớ nhung gì nó cả. Nhưng nếu có thể quay lại, em sẽ quay lại. Chỉ để có thể nắm tay mẹ một lần nữa” – Ae Soon

“Em chỉ muốn già đi thật nhanh thôi! Chắc là vì việc làm mẹ, làm dâu, làm một người trưởng thành.. Tất cả đều là lần đầu với em” – Ae Soon

“Suốt tang lễ, bà nội tôi không trách móc gì mẹ. Bà bảo một người mẹ mất con thì nước mắt còn nhiều hơn biển cả” – Geum Myeong

“Nghe nói sự phù phiếm bắt nguồn từ nỗi trống rỗng. Có lẽ con mua sắm nhiều như vậy vì đã lớn lên trong nghèo khó” – Geum Myeong

“Với ai kiếm sống trên mặt đất khi có chút khó khăn, họ cứ than mãi rằng họ sẽ chết. Nhưng hải nữ dù có muốn sống hay khổ sở tới đâu cũng không bao giờ nói mấy lời đó, nơi biển cả rộng lớn cứ trăm lần đối mặt với cái chết, là mẹ có trăm lý do để muốn sống” – Gwang Rye

“Tôi chỉ thấy con tôi, còn mẹ tôi chỉ thấy tôi. Tôi biết hàng ngàn nét mặt của con gái, nhưng lại chẳng nhớ được nét mặt nào của mẹ. Lúc đó tôi không biết, cũng chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó, tôi chỉ có thể nhớ về mẹ qua nét mặt lúng túng lưu lại trong ảnh” – Geum Myeong

“Thật kỳ lạ. Cha mẹ thì luôn khắc sâu những gì họ thấy có lỗi. Còn con cái chỉ để ý những gì làm nó thất vọng” – Geum Myeong

Nhóm thực hiện

Bài: Hoàng Thúy Vân

Ảnh: Tổng hợp

Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)