Nhà thờ Đức Bà Paris – Hơn cả ý nghĩa của trái tim thành phố
Nhiều thế hệ dân chúng tìm đến nhà thờ Đức Bà Paris như một chốn nương tựa an toàn – “thành lũy” của niềm tự hào và bản sắc dân tộc Pháp, để rồi thấy nó tan hoang, vụn vỡ trong tàn lửa và tro bụi.
Nhà thờ Đức Bà Paris chìm trong biển lửa vào ngày 15/4/2019, ngày mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đáng lẽ phải đưa ra biện pháp giải quyết những yêu cầu của phe biểu tình “Áo vàng” – những người dân giận dữ trước các chính sách kinh tế bất ổn của chính quyền Macron. Một quốc gia đau khổ, bồn chồn đã phải vật lộn đối phó với các cuộc nổi dậy kéo dài hàng tháng trời và với một “mạng lưới” an toàn xã hội tả tơi. Nhiều thế hệ dân chúng tìm đến nhà thờ Đức Bà Paris như một chốn nương tựa an toàn – “thành lũy” của niềm tự hào và bản sắc dân tộc Pháp, để rồi thấy nó tan hoang, vụn vỡ trong tàn lửa và tro bụi.
“Our Lady of Paris” dõi theo cuộc đời đất nước
Nhà thờ Đức Bà Paris, kiệt tác kiến trúc Gothic thế giới, đã luôn là biểu tượng tuyệt mỹ của thủ đô nước Pháp trong suốt 850 năm qua.
Được người Pháp gọi âu yếm với cái tên “Our Lady of Paris” (Đức Mẹ Paris), nhà thờ Đức Bà là một trong những di tích lịch sử lâu đời, mang tính biểu tượng của thủ đô nước Pháp, đồng thời là một trong những nhà thờ nổi tiếng nhất châu Âu và trên thế giới.
Với nhiều người dân Paris, nhà thờ Đức Bà, đơn giản, chính là trái tim của thành phố họ đang sống. Với hai tòa tháp vuông vươn lên sừng sững giữa các mái nhà dọc sông Seine, nhà thờ chứng kiến cuộc đời mỗi người dân thành phố sinh ra, lớn lên, chứng kiến người đến kẻ đi, chứng kiến cả những bước chuyển mình lịch sử của thủ đô, của nước Pháp.
Nhà thờ Đức Bà là nơi tổ chức các đám cưới của Hoàng gia Pháp, nơi vị tướng tài ba Napoleon Bonaparte được trao vương miệng trở thành hoàng đế Napoleon I, nơi nữ anh hùng Jeanne d’Arc được Giáo hoàng phong Chân Phước và rửa sạch mối oan.
Xuyên suốt 850 năm lịch sử, đây là nơi nước Pháp tôn vinh cuộc đời của những người vĩ đại và tử tế.
Năm 1163, vua Louis VII quyết định đặt viên đá đầu tiên xây dựng nên nhà thờ Đức Bà Paris với mong muốn nơi đây sẽ trở thành biểu tượng cho quyền lực chính trị, kinh tế, trí tuệ và văn hóa Paris, cả trong và ngoài nước. Thời điểm đó, thành phố này đã được biết đến như trung tâm quyền lực của nước Pháp, nó cần thêm một “tượng đài” tôn giáo để tương xứng với vị thế mới của mình.
Hai tòa tháp ở mặt phía Tây của nhà thờ được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 13. Khách du lịch có thể tham quan tòa tháp phía Bắc sau khi leo lên 387 bậc cầu thang, trong khi tháp phía Nam là nơi đặt 10 chiếc chuông lớn của nhà thờ. Trong đó, chiếc chuông cổ nhất Emmanuel đã rung vang trong hàng loạt sự kiện lịch sử của Pháp, từ lễ đăng quang của các vị vua, các chuyến thăm của Giáo hoàng đến thời điểm đánh dấu kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai.
Chuông Emmanuel cũng được gióng lên để chia buồn khi tòa tháp đôi biểu tượng của sức mạnh kinh tế Mỹ sụp đổ vào ngày 11/9/2001. Trong những lần nhà thờ thay chuông, người ta luôn đảm bảo những chiếc chuông mới phải có âm thanh hài hòa với tiếng vang của chuông Emmanuel.
Rồi nhà thờ Đức Bà đi vào văn chương, sống đời bất tử trong cuốn tiểu thuyết kinh điển Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo. Thời điểm đó, nhà thờ gần như chỉ là một đống đổ nát do chiến tranh. Hugo gọi nó là “một bản giao hưởng hào hùng của đá”, “mạnh mẽ và huyền bí như tác phẩm của thánh thần” và bày tỏ nỗi đau khổ khi nơi này phải trở trành nạn nhân của sự chế giễu do hư hỏng.
Chịu nhiều thiệt hại trong cách mạng Pháp, đầu thế kỷ thứ 19, bên trong nhà thờ Đức Bà đổ nát và bị hủy hoại hơn một nửa. Nhưng nhờ sự lên ngôi của Hoàng đế Napoleon, nối tiếp bởi thành công của tiểu thuyết Thằng gù ở nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Đức Bà Paris thu hút được sự chú ý của người Pháp, dẫn đến nhiều cuộc trùng tu lớn bắt đầu từ giữa thế kỷ thứ 19.
Về sau, câu chuyện thằng gù rung chuông nhà thờ Quasimodo được Walt Disney chuyển thể thành phim hoạt hình, và nhà thờ Đức Bà Paris bắt đầu đi vào thế giới tuổi thơ của hàng triệu trẻ nhỏ trên thế giới.
Nhà thờ Đức Bà – trái tim thủ đô nước Pháp, trái tim của nhà thờ Công giáo La Mã ở Paris – còn là địa điểm du lịch nổi tiếng châu Âu, thu hút khoảng 13 triệu lượt khách du lịch mỗi năm.
Nếu tháp Eiffel đại diện cho một Paris hiện đại, hạnh phúc và đổi mới, nhà thờ Đức Bà là hiện thân của một thành phố cổ, của Paris xây lên bằng đá tảng và đức tin.
Ngày “trái tim” rực cháy và niềm tin bất tử
Chiều thứ Hai, ngày 15/4/2019, khi ngọn lửa và khói bụi bốc lên cao từ tháp nhà thờ Đức Bà Paris, người dân thành phố chết sững, nước Pháp và cả thế giới bàng hoàng.
“Trái tim” họ đang rực cháy.
Tháng 6/2017, ngọn lửa giết chết hàng chục người mắc kẹt trong tháp Grenfell ở London phơi bày những thiếu sót tai tiếng của chính quyền và sự bất bình đẳng trong thành phố. Vụ sập cầu Genoa, Ý gây thương vong hồi tháng 8/2018 tiết lộ thói tham lam tai hại của tư nhân hóa và sự thờ ơ cố hữu của những người lãnh đạo. Cũng vào năm 2018, vụ cháy Bảo tàng Quốc gia Brazil đã xóa sạch một phần lịch sử Nam Mỹ, thiêu hủy hàng loạt ghi chép nhân học về các nền văn minh đã mất.
Trong series truyền hình nổi tiếng Civilization (tạm dịch: Văn minh), nhà sử học nghệ thuật Kenneth Clark đặt câu hỏi: “Vậy văn minh là gì? Tôi không biết nữa. Tôi vẫn chưa thể định nghĩa nó bằng những thuật ngữ trừu tượng. Nhưng tôi nghĩ tôi có thể nhận ra đâu là văn minh khi nhìn thấy nó”.
Rồi ông quay lưng lại, nhìn về phía nhà thờ Đức Bà Paris: “Đây, ngay lúc này, tôi đang nhìn vào văn minh”.
Hôm nay, “văn minh” của Kenneth Clark chìm trong biển lửa. Hôm nay, vụ hỏa hoạn ở nhà thờ Đức Bà Paris đại diện cho một loại thảm họa toàn cầu khác không kém phần bi thương, thảm họa về sự hủy hoại của cái đẹp, những giá trị tinh thần và tính biểu tượng.
Nhìn bụi tro tung mù trong không khí từ tháp nhà thờ, người Pháp không khỏi đau buồn nghĩ, dường như đó là từng lớp, từng lớp lịch sử, văn hóa của quê hương họ đang hóa ra tro, bị cuốn bay theo gió.
Hàng ngàn người Pháp đứng dọc theo bờ sông Seine, có người rơi nước mắt, có người không nói nổi lời nào. Họ nhìn về phía ngọn lửa đang ngấu nghiến “trái tim” đã sống sót qua hai lần Chiến tranh thế giới của mình. Họ cùng hát những khúc thánh ca cầu nguyện. Nhiều người theo dõi live-stream sự việc trên mạng xã hội và các bản tin truyền hình.
Trên khắp thế giới, từ chính phủ các nước, các nhà lãnh đạo Công giáo La Mã đến người nổi tiếng, khách du lịch từng ghé thăm nhà thờ đều chia buồn với nước Pháp trên các trang mạng xã hội. Tòa thánh Vatican cho biết, Đức Giáo hoàng Francis cảm thấy “sốc và đau buồn khi biết tin vụ hỏa hoạn khủng khiếp tại nhà thờ Đức Bà, biểu tượng của Thiên Chúa giáo ở Pháp và trên thế giới”.
Đang tham dự một sự kiện ở bang Minnesota, Tổng thống Mỹ Donald Trump gọi đây là “vụ cháy kinh khủng, kinh khủng khiếp” tại “một trong những kho báu vĩ đại nhất thế giới”, đồng thời thúc giục chính quyền Pháp phải hành động nhanh chóng để giải quyết tình hình.
God bless the people of France!
— Donald J. Trump (@realDonaldTrump) 15 tháng 4, 2019
Nữ ca sĩ người Anh Ellie Goulding chia sẻ, cô cảm thấy “buồn sâu sắc” trước vụ việc: “Mất mát quá lớn chỉ trong vài giây… Tôi đang cầu nguyện (việc tôi không mấy khi làm) để ngọn lửa sớm được kiểm soát. Thực sự đau đớn”.
Feel profoundly sad about this… so much lost in a few seconds … I am praying (which I don’t do often) for the fire to be contained soon …. utterly heartbreaking https://t.co/VnRPHdHOFs
— Ellie Goulding (@elliegoulding) 15 tháng 4, 2019
Diễn viên Idris Elba với vai diễn thần Heimdall trong phim Thor chỉ có thể thốt lên một câu: “Tôi không thể tin được những gì đang xảy ra với nhà thờ Đức Bà Paris”.
I cannot believe what’s happening to Notre Dame.
— Idris Elba (@idriselba) 15 tháng 4, 2019
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama chia sẻ hình ảnh chuyến thăm nhà thờ Đức Bà của gia đình với lời nhắn: “Thương tiếc khi chứng kiến lịch sử bị mất đi là bản chất tự nhiên của con người. Nhưng xây dựng lại chúng vì tương lai, mạnh mẽ nhất có thể, cũng chính là bản chất của chúng ta”.
Notre Dame is one of the world’s great treasures, and we’re thinking of the people of France in your time of grief. It’s in our nature to mourn when we see history lost – but it’s also in our nature to rebuild for tomorrow, as strong as we can. pic.twitter.com/SpMEvv1BzB
— Barack Obama (@BarackObama) 15 tháng 4, 2019
Nguyên thị trưởng Paris Bertrand Delanoë bày tỏ “nỗi đau buồn vô hạn” khi chứng kiến nhà thờ Đức Bà bị tàn phá: “Đây là nỗi mất mát không thể đo đếm được… Nhà thờ Đức Bà Paris phải sống. Chúng ta không được phép bỏ cuộc. Nhà thờ là di sản của toàn nhân loại”.
Từ hôm nay, nước Pháp bắt đầu chung tay vào công cuộc giải cứu và tái thiết biểu tượng văn hóa – lịch sử không thể thay thế của đất nước họ. Tờ The Guardian đưa tin về bài phát biểu của Tổng thống Emmanuel Macron:
“Ngọn lửa sẽ còn tiếp tục trong vài ngày. Những gì xảy ra tối nay thực sự là một thảm họa. Các đơn vị cứu hộ đã chiến đấu với lòng dũng cảm, sự chuyên nghiệp và quyết tâm. Thay mặt người dân cả nước, tôi xin cảm ơn các nhân viên cứu hỏa.
Tại thời điểm này, viễn cảnh tồi tệ nhất đã được tránh khỏi. Dù nhà thờ không bị phá hủy hoàn toàn, vài giờ tới vẫn sẽ khó khăn, nhưng nhờ nỗ lực của rất nhiều người mà mặt tiền của tòa nhà đã được cứu.
Nhà thờ Đức Bà Paris là lịch sử, là trí tưởng tượng của chúng ta, nơi chúng ta sống những khoảnh khắc tuyệt vời nhất, là tâm điểm của cuộc sống. Nhà thờ xuất hiện trong sách vở, trong tranh vẽ. Đây là nhà thờ của toàn thể người dân Pháp, cho dù họ từng đặt chân đến nơi này hay chưa. Thế nhưng nó lại đang bốc cháy, và tất cả công dân Pháp đều rất đau buồn.
Ngày mai, một quỹ quyên góp sẽ được phát động trên toàn quốc để giúp xây dựng lại nhà thờ Đức Bà vĩ đại. Đó là điều người Pháp mong muốn. Đó là điều lịch sử nước Pháp yêu cầu. Đó là vận mệnh của chúng ta”.
Một ngày nào đó trong tương lai, trận cháy năm 2019 cũng sẽ phai nhòa vào dòng lịch sử dài hàng ngàn năm của nhà thờ Đức Bà Paris, dù có thể sẽ phải mất nhiều năm liền mới sửa chữa được thiệt hại do nó gây ra. Chắc chắn, khi nào còn sống trong trái tim dân chúng Pháp và thế giới, nhà thờ Đức Bà Paris sẽ còn bất tử, sẽ còn chuyển mình để mạnh mẽ tái sinh.
—
Xem thêm
Muôn vẻ nhịp sống người Paris bên hai bờ sông Seine
Nếu có 24 giờ ở thành phố Paris, bạn sẽ muốn khám phá điều gì?
Bài: Thùy Anh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE
Tham khảo: The Guardian, New York Times