Nhưng cái giá của việc chỉnh sửa ảnh là gì? Nhiếp ảnh gia người Anh, Rankin đưa ra câu trả lời trong bộ ảnh mới mang tên Selfie Harm của anh.
Rankin tìm ra 15 bạn trẻ không thường xuyên sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh với các tấm hình tự chụp rất tự nhiên, đơn giản. Sau bài học nhanh cách sử dụng cơ bản ứng dụng chỉnh sửa trên điện thoại, họ được yêu cầu chỉnh sửa ảnh chân dung của mình sao cho nhận được nhiều lượt thích hơn. Kết quả là những tấm hình trông na ná nhau, phần nào phản ánh “lý tưởng làm đẹp” của giới trẻ ngày nay.
Selfie Harm là một phần dự án lớn mà Rankin đang thực hiện để khám phá vai trò của hình ảnh đối với sức khỏe tâm thần – Visual Diet. Đây là một chiến dịch do M&C Saatchi khởi xướng, hợp tác với nhiếp ảnh gia nổi tiếng và MTArt Agency nhằm mang đến một góc nhìn về việc chỉnh sửa ảnh quá mức, gây nghiện theo thời gian, từ đó hình thành cách cảm nhận sai lệch của chúng ta về bản thân.
Trong thời đại bây giờ, người ta khao khát hướng đến hình ảnh chân chất, tự nhiên, nhưng đồng thời, những tiến bộ công nghệ cũng khiến việc xóa nhòa ranh giới giữa hư và thực trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chính điều này làm cho những dự án như Selfie Harm trở nên quan trọng trong việc thúc đẩy tranh luận về tương lai của hình ảnh trực tuyến.
Cùng ELLE Việt Nam theo dõi bài phỏng vấn nhiếp ảnh gia Rankin do My Modern Met thực hiện.
Cơ duyên nào đưa anh đến với dự án này?
Trước khi có mạng truyền thông xã hội, việc mọi người tự chụp ảnh ở nhà cho người khác xem thực sự là một điều vô lý. Nhưng bây giờ, với Facebook, Instagram và nhiều ứng dụng khác, ảnh “tự sướng” trở thành một sản phẩm đại chúng – từ thanh thiếu niên đến ông bà cụ đều có thể đăng ảnh của chính mình. Mỗi chia sẻ như vậy sẽ mang hình ảnh cá nhân về cuộc sống của bạn vào cuộc đua trực tuyến cùng mọi người.
Bạn không muốn bị bỏ lại sau lưng, hoặc tệ hơn, bạn không muốn người người khác bình phẩm về ngoại hình hay những việc bạn làm. Những cảm giác này thúc đẩy bạn chọn đăng những hình ảnh tốt nhất của bản thân, “trang hoàng” ngoại hình bằng các ứng dụng. Và bạn sẽ có cảm giác mình chưa đủ ấn tượng nếu chưa giống những người có ảnh hưởng mà bạn theo dõi.
Hình ảnh trong dự án là kết quả của quá trình làm việc với các bộ lọc và ứng dụng trên điện thoại thông minh trong 2 năm qua, để thử nghiệm tính ứng dụng và mức độ gây nghiện của chúng. Tôi tạo ra bộ ảnh này vì muốn tham gia vào phong trào chống lại các tác động có hại mà công nghệ cao có thể gây ra cho tinh thần.
Trong con mắt của một người yêu thích nghệ thuật, tôi cũng thấy tác động triệt để mà chúng gây ra cho nhiếp ảnh. Chúng ta cần tranh luận nhiều hơn về chủ đề này, để hiểu hơn cách thế giới đang sử dụng và lạm dụng việc chỉnh sửa ảnh. Tôi e một khi các ứng dụng ngày một tinh vi và công nghệ càng thêm phát triển thì sẽ có những bộ lọc chỉnh sửa tốt hơn ra đời, đến nỗi không còn phân biệt được thật giả.
Điều gì thôi thúc anh mở rộng dự án cho thanh thiếu niên?
Ý định của tôi là chỉ ra những gì mà bất kỳ đứa trẻ 13 tuổi nào cũng có thể làm với một ứng dụng chỉnh sửa ảnh tải xuống từ điện thoại thông minh. Tôi sớm nhận ra các ứng dụng thực sự thú vị và gây nghiện. Nếu như tôi thích chúng, hầu hết bọn trẻ cũng sẽ như vậy. Nhưng đó cũng là mối nguy hiểm của những ứng dụng này. Chúng biến ý tưởng thay đổi khuôn mặt bạn thành một trò chơi. Bản thân điều này sẽ khiến bạn cảm thấy xa lạ với chính mình. Đến cả tôi còn thấy bối rối với khuôn mặt 50 tuổi của mình, không biết bọn trẻ sẽ cảm nhận và suy nghĩ ra sao?
BÀI LIÊN QUAN
Các bạn trẻ đã phản ứng ra sao khi xem ảnh mộc và họ đã chỉnh sửa ảnh như thế nào?
Chúng tôi chọn những người không sử dụng các ứng dụng này thường xuyên và yêu cầu họ dùng thử. Các bạn trẻ được chỉ dẫn cách sử dụng chỉ trong ngắn ngủi vài giây, và sau đó họ tự chỉnh sửa với các bộ lọc đơn giản sao cho bức hình được nhiều lượt thích hơn.
Tất cả bọn họ đều tuyệt vời với những cá tính thú vị riêng biệt. Nhưng khi chỉnh sửa ảnh, họ lại tự tạo cho mình mình một diện mạo khá tương đồng – đôi mắt to hơn, cằm nhọn hơn và làn da sáng hơn. Rõ ràng, tất cả các bạn trẻ đều có chung một quy chuẩn về cái đẹp phi thực tế và cố gắng biến mình trở nên như vậy. Tất cả các đối tượng đều thích tấm hình chưa qua xử lý của mình hơn những vẫn muốn đăng tấm hình đã qua chỉnh sửa. Dẫu thật buồn khi nghe nhưng tôi không mấy ngạc nhiên về điều này.
Anh nghĩ quan niệm sai lầm nhất về cách hoạt động của những ứng dụng này là gì?
Tôi nghĩ rằng họ không cảm thấy đây là một trò chơi. Các ứng dụng tạo cho bạn sân chơi trên chính khuôn mặt và cơ thể mình. Điều này vốn dĩ không thỏa đáng.
Là một nhiếp ảnh gia, anh thấy vai trò của sự thay đổi sản phẩm hậu kỳ trong 15 năm qua như thế nào?
Nhìn lại ngành thời trang và quảng cáo vào cuối những năm 1990 đầu những năm 2000, rõ ràng mọi người đều “khá nặng” tay trong khâu chỉnh sửa ảnh, bao gồm cả tôi. Photoshop đã cách mạng hóa nền công nghiệp này, rồi thời trang kéo mọi thứ về lại tính chân thật vốn dĩ. Những ứng dụng cho các phương tiện truyền thông xã hội chỉ mới xuất hiện vài năm gần đây, nhưng lại ảnh hưởng đáng kể đến nhiều người. Ấy vậy mà hiếm ai thảo luận về vấn đề này!?
Anh hy vọng công chúng nhận được những gì từ bộ ảnh này?
Chúng ta đang sống trong thế giới của FOMO (Fear Of Missing Out, hội chứng sợ bị bỏ rơi), nỗi buồn, sự lo lắng ngày càng tăng cao và Snapchat dysmorphia (một dạng hội chứng tâm thần xoay quanh mặc cảm ngoại hình, khiến bệnh nhân muốn trở nên giống với hình ảnh của chính mình sau khi sử dụng công cụ chỉnh sửa ảnh của Snapchat). Đã đến lúc phải thừa nhận những tác động tai hại mà những phương tiện truyền thông xã hội gây ra. Tôi hy vọng dự án này sẽ mở ra nhiều cuộc tranh luận, qua đó đề ra các phương án cùng cái nhìn sâu sắc hơn về tính giả dối mà mạng xã hội đem lại.
—
Xem thêm
Nhiếp ảnh gia Tom Hegen và bộ ảnh báo động về thực trạng “băng tan” ở Bắc Cực
Điểm danh 10 nữ nhiếp ảnh gia hàng đầu theo từng thể loại ảnh
Nhóm thực hiện
Lược dịch: Huyết Vy Theo: Tạp chí Phái đẹp ELLE Nguồn: mymodernmet.com