Văn hóa / Thế giới văn hóa

Học cách chữa lành tổn thương tâm lý như phim Điên Thì Có Sao

Không chỉ là câu chuyện lãng mạn về tình cảm lứa đôi, Điên Thì Có Sao còn lồng ghép những phương thức giúp chữa lành tổn thương tâm lý rất đáng học hỏi.

Những tổn thương về thể chất có thể được kê toa và chữa trị bởi các bác sĩ chuyên ngành nhưng với bệnh lý tâm thần, chỉ những chuyên gia tâm lý là chưa đủ để hàn gắn và giúp người bệnh phục hồi. Bởi sự thấu hiểu và đồng hành của người thân còn là yếu tố tiên quyết bên chặng đường làm chủ bản thân và chinh phục bệnh tình. Hơn ai hết, họ hiểu rằng những viên thuốc vô tri không trở thành tiên dược mà chính tình yêu thương và cái nhìn đồng cảm từ mọi người xung quanh mới mang đến chất xúc tác diệu kỳ, xoa dịu tổn thương hằn sâu trong tâm khảm người bệnh. Đó cũng là thông điệp mà những người thực hiện bộ phim Điên Thì Có Sao ấp ủ được lan tỏa đến mọi người.

Nhìn một cách thấu đáo, khái niệm “bình thường” hẳn không thể đồng nhất trong góc nhìn của toàn xã hội. Với mỗi cá nhân, vùng đất, thời gian khác nhau, quan niệm của mỗi người về một cá thể bình thường là đa dạng. Tuy nhiên, vẫn có những tiêu chuẩn phổ quát để đặt định tầm nhìn chung của một tập thể. Khi có một khái niệm bao hàm để so sánh đánh giá, một bộ phận trong cộng đồng không tránh khỏi việc áp đặt và có cái nhìn kỳ thị với những người được cho là “không bình thường” hay thậm chí là “điên”.

chữa bệnh tâm lý như phim Điên Thì Có Sao
Ảnh: tvN

Nhưng “điên” thì đã sao? Không phải trong một phần nào đó của mỗi chúng ta, chất “điên” ấy chẳng khác gì quả bom bí ẩn chực chờ bùng nổ? Với cách tiếp cận ấy, đạo diễn Park Shin Woo của phim Điên Thì Có Sao muốn người xem không với tư cách người ngoài cuộc mà nhìn từ khía cạnh bên trong để hiểu và sẻ chia với những người “điên” hoặc giả là với tính “điên” trong chính con người mình. Từ những tình tiết được xây dựng trong phim, bằng cách này hay cách khác, chúng ta sẽ học được cách chữa lành những tổn thương tâm lý cho người bệnh, như:

CHẤP NHẬN SỰ KHÁC BIỆT

Ngay từ chính tiêu đề bộ phim Điên Thì Có Sao (It’s Okay to Not Be Okay/Psycho but It’s Okay) đã gợi lên suy nghĩ trong lòng khán giả về một thế giới quan khác biệt. Nếu trong cuộc sống thường nhật, người ta đã quá quen với việc phải hòa mình vào những điều được xã hội chấp nhận thì trong tác phẩm truyền hình này, nhà làm phim Hàn Quốc lại thử lật dòng suy nghĩ để người xem có thể tự chiêm nghiệm và đánh giá mọi thứ theo một cách “điên”.

chứng hưng cảm được minh họa trong Điên Thì Có Sao
Sự khác biệt khiến người con trai bị từ bỏ bởi chính gia đình mình. Ảnh: hancinema

Việc trở nên khác biệt khiến người bệnh cảm thấy lạc lõng và cô đơn ngay trong chính thế giới của mình, có thể bởi sự kỳ thị của người ngoài nhưng cũng có thể là sự nghi hoặc dấy lên nơi nội tâm. Thay vì ánh mắt dè chừng hay thương hại, những người khác biệt mong mỏi được nhìn nhận như một cá thể độc lập nhưng không bị cô lập. Điên Thì Có Sao có một câu thoại thế này: “Trên thế giới này, bệnh nhân không mặc đồ bệnh nhân nhiều hơn rất nhiều”. Vậy những người bệnh từ chối khoác chiếc áo bệnh ngoài kia vốn không nhận ra hay đang phủ quyết sự khác biệt của chính mình?

“Trên thế giới này, bệnh nhân không mặc đồ bệnh nhân nhiều hơn rất nhiều”.

chấp nhận sự khác biệt giúp xoa dịu người bệnh tâm lý trong Điên Thì Có Sao
Ảnh: hancinema

Được sinh ra với mục đích bảo vệ người anh trai tự kỷ, Gang Tae (Kim Soo Hyun) không giấu nổi cảm giác chán ghét khi phải “gánh vác” người anh bệnh tật. Mong ước có một anh trai bình thường như bao người khác từng được cậu bé thổ lộ lúc ấu thơ. Nhưng cũng chính vì suy nghĩ dù chỉ lóe lên ấy của em trai, Sang Tae (Oh Jung Se) đã luôn ghi nhớ và khắc ký ức đau thương ấy vào tâm trí dù đã ngoài 30.

Dù vậy, Gang Tae không từ bỏ người thân duy nhất mà sẵn sàng trốn chạy khỏi đồn cảnh sát để được sống bên anh, hy sinh cả sự ổn định, bình yên của việc an cư… Sau tất cả, so với việc bảo bọc người anh khác biệt này, Gang Tae cũng đã học được cách tôn trọng và ứng xử với anh như một người lớn. Sự công nhận của cậu em trai giúp Sang Tae ý thức về bản thân như một người anh trai có trách nhiệm chứ không phải là một tên gàn dở to xác.

VƯỢT LÊN NỖI ĐAU quá khứ

Bên cạnh những yếu tố di truyền, tác động thể chất… ảnh hưởng tâm lý từ người thân lúc nhỏ cũng là một trong những nguyên nhân gây ra và làm trầm trọng bệnh tâm thần. Nỗi ám ảnh mơ hồ về những con bướm bướm giết chết người mẹ năm xưa khiến Sang Tae không ngừng gặp ác mộng mỗi đêm. Ấy vậy nên mùa sinh sôi của lũ bướm “sát thủ” – Xuân – cũng là mùa di cư của cặp anh em bất hạnh. Sự dằn vặt trong tâm trí người anh cũng là nỗi khắc khoải không thể giãi bày cùng ai của cậu em trai. Vậy nên, xấp xỉ một năm, họ lại thu dọn hành trang và trốn chạy khỏi cơn ác mộng về loài bướm trong tiềm thức Sang Tae.

tình yêu thương giúp chữa lành tổn thương tâm lý trong Điên Thì Có Sao
Ảnh: hancinema

Nhưng hóa ra, người sợ bướm và mong muốn trốn chạy nhất lại là một Gang Tae có vẻ ngoài mạnh mẽ. Sự cứng rắn, lãnh cảm bấy lâu nay hóa ra chỉ là lớp vỏ được chàng điều dưỡng trẻ dựng nên để che giấu mảnh hồn đầy khiếm khuyết bên trong. Quyết định quay trở lại cố hương, nơi đầy ắp kỷ niệm ngọt ngào lẫn tang thương đòi hỏi lòng dũng cảm và quyết tâm vượt lên nỗi đau từ quá khứ. Sau nhiều năm vùi lấp những ký ức bất hạnh, nay họ đã chọn cách đối đầu để bước qua một cách trực diện.

phương pháp ôm kiểu bướm trong Điên Thì Có Sao
Gang Tae hướng dẫn Mun Young thực hiện phương pháp ôm kiểu bướm mỗi khi mất kiểm soát. Ảnh: hancinema

“Ký ức đau buồn. Ký ức khiến ta hối hận. Ký ức mình bị tổn thương và làm người khác tổn thương. Ký ức bị bỏ rơi và quay lưng. Chỉ ai sống với ký ức được chôn chặt trong tim như vậy mới mạnh mẽ hơn, cuồng nhiệt hơn và dễ thay đổi cảm xúc hơn” – Ko Mun Young.

“Ký ức đau buồn. Ký ức khiến ta hối hận. Ký ức mình bị tổn thương và làm người khác tổn thương. Ký ức bị bỏ rơi và quay lưng. Chỉ ai sống với ký ức được chôn chặt trong tim như vậy mới mạnh mẽ hơn, cuồng nhiệt hơn và dễ thay đổi cảm xúc hơn. Chỉ những kẻ như vậy mới hạnh phúc. Vì vậy, đừng quên mà hãy vượt qua nó. Nếu không thể vượt qua thì ngươi chỉ là một đứa trẻ có tâm hồn chưa lớn mà thôi” – nội dung được nhà văn Ko Mun Young (Seo Ye Ji) truyền đạt trong tập truyện Cậu bé lớn lên bằng ác mộng, cũng là lời gửi gắm chân thành đến những tâm hồn đang tổn thương và dè chừng quá khứ.

GIẢI PHÓNG KHỎI TÌNH yêu ĐỘC HẠI

Tình yêu khiến ta cảm thấy sợ hãi và hưng phấn. Đây là loại cảm giác có thể làm ta đau khổ nhưng cũng giúp tâm hồn được thăng hoa. Những người khi yêu có thể đánh mất chính mình nhưng cũng bằng cách nào đó có thể tìm thấy chính mình. Tình yêu mang đến thứ sức mạnh diệu kỳ và đáng sợ. Ai cũng mong muốn nhận lấy tình yêu thương, sự quan tâm từ người thân và niềm mong muốn ấy càng mãnh liệt hơn với những con người mắc bệnh tâm lý. Tuy nhiên, tình yêu thương ấy chỉ có tác dụng khi được trao đi đúng cách.

tình yêu là sức mạnh chữa bệnh tâm lý trong Điên Thì Có Sao
Tình yêu có thể là sức mạnh chữa lành bệnh tâm lý… Ảnh: hancinema
tình yêu độc hại trong Điên thì có sao
…nhưng cũng có thể hủy hoại ai đó. Ảnh: hancinema

Như một nàng công chúa bị giam cầm trong lâu đài cổ tích, Ko Mun Young sống dưới mọi sự áp đặt của người mẹ luôn bị ám ảnh bởi “sự hoàn hảo”. Cô dần lớn lên với hội chứng chống đối xã hội, dù người mẹ ấy không còn hiện hữu cạnh bên nhưng những lời giáo huấn vẫn in đậm trong tâm trí nhà văn trẻ và biến cô thành con rối của người mẹ vô hình. Sự bảo bọc đầy áp chế ấy có thật xuất phát từ tình yêu hay chỉ là sự nhân danh của tính ích kỷ.

giải phóng khỏi tình yêu độc hại như phim Điên Thì có Sao
Cắt đi mái tóc dài người mẹ yêu quý, Ko Mun Young đã cắt luôn sợi dây trói buộc cô cùng quá khứ bị kiểm soát. Ảnh: hancinema

Đừng chỉ nhìn sao trên bầu trời đêm. Cũng nên nhìn bàn chân bị kẹt dưới mương chứ. Vào thời khắc nhận ra và chấp nhận được hiện thực đó, mọi người sẽ thấy hạnh phúc” – Ko Mun Young có lẽ đang rút ra bài học trên sau thời gian dài đằng đẵng mắc kẹt trong vũng lầy yêu thương. Tạm biệt với những tâm tình ta đã quá quen thuộc có thể mang lại cảm giác trống rỗng ban đầu nhưng cũng là phương thức dọn chỗ cho tâm hồn sản sinh những tình thương mới tốt đẹp hơn. Người có vấn đề về tâm lý nhạy cảm với mọi thứ, thế nên, để tình yêu thương ta mang đến cho họ không trở thành độc hại, hãy vun bồi sự tinh tế khi trao gửi yêu thương.

“Đừng chỉ nhìn sao trên bầu trời đêm. Cũng nên nhìn bàn chân bị kẹt dưới mương chứ. Vào thời khắc nhận ra và chấp nhận được hiện thực đó, mọi người sẽ thấy hạnh phúc” – Ko Mun Young.

giải phóng khỏi tình yêu độc hại trong Điên Thì Có Sao
Giải phóng khỏi tình yêu độc hại tuy khó khăn nhưng cần thiết để chấm dứt vòng lặp khổ đau nội tâm. Ảnh: hancinema

Một điều dưỡng không tin vào tình yêu và hy vọng vào cuộc sống; một tác giả truyện tranh thiếu nhi mang nhân cách chống đối xã hội; một cậu trai ngoài 30 mắc hội chứng tự kỷ và những câu chuyện nhỏ trong một viện tâm thần vùng quê là những gì được kể trong Điên Thì Có Sao. Bộ phim được chiếu vào thứ Bảy và Chủ Nhật hàng tuần trên Netflix và tvN đang nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả bởi chuyện tình lãng mạn như cổ tích và cách họ dùng tình yêu chữa lành thương tổn cho nhau.

Nhóm thực hiện

Bài: Diễm Ái Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE  
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)