Chuyện tôi và ma quỷ thành người một nhà: Câu chuyện hài hước với đề tài mới lạ
Vừa hài hước vừa xúc động, “Chuyện tôi và quỷ thành người một nhà” thực sự là một tác phẩm boy-love không thể bỏ qua trong năm nay.
Ngay từ khi công bố, Chuyện tôi và ma quỷ thành người một nhà (tựa tiếng Anh: Marry my dead body) có nhiều yếu tố thu hút khán giả. Đây là phim boy-love (tình yêu nam nam) được chú ý nhất hiện nay khi quy tụ “nam thần” Hứa Quang Hán – gương mặt quen thuộc của màn ảnh Đài Loan.
Chưa kể, tác phẩm còn khai thác đề tài minh hôn (kết hôn với người đã khuất), khéo léo kết hợp thể loại trinh thám và hài hước để tạo thành một câu chuyện mới lạ, hấp dẫn.
Đám cưới bất đắc dĩ trong “Chuyện tôi và ma quỷ thành người một nhà”
Nhân vật chính trong phim là chàng cảnh sát hình sự trẻ tuổi Ngô Minh Hàn (Hứa Quang Hán) chuyên bắt tội phạm ma túy. Một lần thực hiện nhiệm vụ, anh tình cờ nhặt được phong bao lì xì trên đường. Điều bất ngờ đó là món đồ mà một người bà chuẩn bị cho cháu trai mới mất Mao Mao (Lâm Bách Hoành) với mong muốn sẽ tìm được “chồng” cho anh chàng xấu số.
Từ đó, số phận Minh Hàn gắn liền với Mao Mao. Nhưng rắc rối ở chỗ, Mao Mao là người đồng tính còn Minh Hàn lại thường xuyên kỳ thị những người ẻo lả, chưa kể còn có sự cách trở về hai cõi âm – dương. Thế nhưng, hai tính cách trái ngược và khác dấu dần dần xích lại gần nhau, trong khi Minh Hàn quyết tìm hung thủ cướp đi mạng sống của Mao Mao.
Dù là một câu chuyện đồng tính, các nhà làm phim không đi vào lối mòn khi tạo ra nhiều bi kịch. Trái lại, phim liên tục gây cười, khiến khán giả thư giãn vì nhiều câu thoại và tình huống hài hước. Cách xây dựng và xử lý câu chuyện cũng tự nhiên nên dễ dàng chiếm trọn tình cảm của người xem.
Tác phẩm của đạo diễn tên tuổi
Ngoài dàn diễn viên sáng giá, điểm khiến Chuyện tôi và ma quỷ thành người một nhà không thể bỏ qua chính là ê-kíp “trong mơ”. Kịch bản phim vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên, từng thắng giải nhất Dã Thảo Kế Hoa – giải thưởng dành cho các biên kịch trẻ có những sản phẩm sáng tạo và xuất sắc.
Người chấp bút kịch bản cũng chính là đạo diễn phim Trịnh Vĩnh Hào. Anh vốn là người từng đoạt giải Đạo diễn mới xuất sắc tại Liên hoan phim Nam Đài Loan hơn 14 năm trước với tác phẩm đầu tay You Are Not Alone (2008).
Sau đó, nhà làm phim liên tục khẳng định tên tuổi bằng nhiều tác phẩm chất lượng. Điển hình là The Death of a Security Guard (2015) – thắng giải thưởng Phim ngắn hay nhất tại giải Kim Mã lần thứ 52. Hay The Tag-Along (2015) – một trong những phim kinh dị ăn khách nhất thập kỷ tại Đài Loan.
Chính nhờ kinh nghiệm và khả năng sáng tạo, Trịnh Vĩnh Hào đã mang đến tác phẩm nhiều sự bất ngờ, kết hợp hoàn hảo giữa nhiều yếu tố từ hành động, trinh thám, đến kinh dị, hài hước và tất nhiên là tình yêu đồng giới.
Xem thêm
• 5 bộ phim Hoa ngữ “thanh xuân vườn trường” giúp bạn cảm thấy yêu đời hơn
• Những bộ phim Hoa ngữ được chuyển thể từ tiểu thuyết bạn không thể bỏ qua
• Những câu nói ngôn tình trong phim cổ trang Hoa ngữ
Diễn xuất duyên dáng trong “Chuyện tôi và ma quỷ thành người một nhà”
Một trong những điểm giúp phim thành công là diễn xuất duyên dáng của 2 nam chính. Khó thể tìm được ai diễn vai Minh Hàn tốt hơn Hứa Quang Hán. Anh chinh phục khán giả bằng lối diễn tự nhiên, không lên gân, thậm chí sẵn sàng đóng những cảnh 18+ với biểu cảm hài hước khó đỡ.
Trong khi đó, Lâm Bách Hoành thực sự chinh phục khán giả khi hóa thân một Mao Mao nhiều cảm xúc. Có lúc anh xuất hiện với vẻ mặt hài hước, gây cười. Có khi anh lại khiến người xem phải chảy nước mắt vì số phận nhân vật. Dù lần đầu “đóng cặp”, Lâm Bách Hoành phối hợp ăn ý với Hứa Quan Hán trên màn ảnh, ít nhiều giúp phim trở nên hấp dẫn hơn.
Điểm trừ của tác phẩm là khâu kỹ xảo còn chưa được đầu tư. Hình ảnh ma quỷ, cháy nổ còn được lồng ghép với chất lượng thấp. Yếu tố này có thể làm giảm mạch cảm xúc đối với những người xem khó tính. Ngoài ra, nửa đầu phim còn hơi dông dài và chưa thực sự mượt mà. Song, kết phim thực sự bất ngờ, phần nào khỏa lấp được những hạn chế ở nửa đầu.
Nhìn chung, Chuyện tôi và ma quỷ thành người một nhà là một bộ phim vừa hài hước vừa xúc động. Dù còn một vài hạn chế, đây vẫn là tác phẩm được thực hiện chỉn chu, xứng đáng để thưởng thức tại rạp.
Bài: Văn Nghệ