Không còn những bài ballad tự sự trầm buồn, CITOPIA đã thổi một làn gió mới cho khán giả Việt Nam với 10 bài hát đậm chất city pop do chính Phùng Khánh Linh sáng tác.
Một đô thị rất Việt Nam
Phùng Khánh Linh không phải là ca sĩ Việt đầu tiên tìm hiểu về city pop – thể loại mà một số nghệ sĩ indie đã theo đuổi từ lâu. Thế nhưng, CITOPIA xứng đáng nằm trong ngôi vị đầu bảng của những nhạc phẩm mang âm hưởng city pop với sự chỉn chu, đầu tư về mặt chất lượng từ khâu hình ảnh, sáng tác đến thu âm, hậu kỳ.
Rõ ràng city pop là khái niệm không quá xa lạ với giới mộ điệu âm nhạc, đặc biệt là những người yêu thích thể loại J-pop. City pop là một nhánh nhỏ không chính thức của pop Nhật Bản, nó đại diện cho thời kỳ hưng thịnh của đất nước mặt trời mọc vào khoảng năm 1970-1980, lúc nền công nghiệp giải trí ở đây trở nên chuyên nghiệp và chịu một phần ảnh hưởng từ âm nhạc Mỹ cùng văn hóa Disco. Trong những năm gần đây, city pop có xu hướng quay trở lại nền công nghiệp âm nhạc và được người nghe ưa chuộng.
Phùng Khánh Linh vô cùng khôn khéo khi lựa chọn city pop là yếu tố để “rũ bỏ” đi hình tượng cũ. CITOPIA là sự kết hợp giữa yếu tố city (thành phố) và utopia (không tưởng), đã hoàn toàn vẽ lên một thành phố trong mơ, mà ở nơi đó, Phùng Khánh Linh là người làm chủ vận mệnh của mình. Cô khá nhạy bén khi có thể khiến người nghe trầm trồ rằng những bài hát trong CITOPIA phảng phất hơi thở của Plastic love – Takeuchi Mariya, nhưng họ vẫn có thể mường tượng ra khung cảnh “rất Việt Nam”, gồm có con người, mùa Hè, đô thị phồn hoa… không thể nhầm lẫn với đô thị Nhật Bản. Chẳng hạn, trong Căn gác mùa Hè, cô gieo vần cho mỗi câu hát: “Giữa chốn mộng mơ/Chất ngất tình thơ/Đắm đuối ngẩn ngơ/Cuộn tròn bên anh mãi” không gợi hình ảnh trực tiếp. Vô hình trung, người nghe sẽ vô thức liên tưởng đến những cảnh vật gần gũi, quen thuộc mà họ đã trải qua.
BÀI LIÊN QUAN
Tính nữ được khoác màu sắc mới
Có thể thấy, tình yêu là một yếu tố lớn nhất chi phối toàn bộ quá trình làm nhạc của Phùng Khánh Linh. Trong một cuộc phỏng vấn với ELLE, Phùng Khánh Linh từng bày tỏ: “Tôi không cố giới hạn thông điệp mình truyền đạt. Tôi đơn giản chân thành với người phụ nữ trong mình. Mọi phụ nữ đều có quyền được yêu hết mình và buông bỏ những gì thuộc về mình”.
Nếu trước đây, âm nhạc của Phùng Khánh Linh thường mang màu sắc ủy mị, đa sầu đa cảm, cô thường tự dằn vặt bản thân bằng những câu hỏi: “Hỡi anh này, tôi rất yêu anh. Sao anh lại ra đi?”, “Ngàn ngôi sao có thấu cho lòng em?”… thì ở CITOPIA, cô không đặt mình vào khuôn khổ phải kể ra hết những tâm sự chất chứa.
Việc tạo ra các góc nhìn đa dạng và trở nên “tinh nghịch” cũng như Funky hơn là điều cần thiết giúp CITOPIA có thể trở thành một album city pop tròn trịa, hoàn chỉnh trong thị trường âm nhạc Việt Nam lúc bấy giờ.
Phùng Khánh Linh chia sẻ rằng, 10 track trong album giống như 10 căn nhà, mỗi căn sẽ có một sắc thái, câu chuyện khác nhau. Nhìn chung, có thể chia album ra theo tỉ lệ 5:5, khi 5 bài hát đầu tiên trong playlist gồm: Căn gác mùa hè, Quý cô say xỉn, Nói lời có giữ lời, Ngưu tầm ngưu mã tầm mã và 1, 2 ,3 ,4 tí tách mang giai điệu sôi động và làm bật lên hình ảnh vô cùng cá tính, gai góc; cô có thể chủ động quyến rũ người mình yêu, hoặc thẳng thừng nói “cá mè một lứa biến nhanh cho rồi” với người đã lừa dối mình. Còn ở 5 bài hát còn lại, Phùng Khánh Linh lại thể hiện những vết thương âm ỉ, sâu kín nhất đằng sau vẻ ngoài lộng lẫy của những cô gái thành thị.
Thế nên, có lẽ CITOPIA không chỉ dừng lại ở việc đánh dấu Phùng Khánh Linh thoát khỏi cái bóng “ca sĩ một hit”, mà còn là bước phát triển cao hơn, trưởng thành hơn của một cô gái đã trải qua nhiều thăng trầm kể từ Hôm nay tôi buồn cho đến album đầu tay Yesteryear.
Xem thêm
• Du hành muôn nơi với âm nhạc
• Trang: Thể hiện âm nhạc theo cách bình dị và nhẹ nhàng hơn
• Cung hoàng đạo ảnh hưởng đến sở thích âm nhạc của bạn như thế nào?
Cú bật thành công của Phùng Khánh Linh
Là album Việt Nam đầu tiên đậm chất city pop, CITOPIA không thể tránh khỏi một số hạn chế nhỏ. Đầu tiên, dù Phùng Khánh Linh truyền tải thông điệp về cảm xúc rất tốt trong album lần này, nhưng 10 bài hát vẫn chưa liên kết chặt chẽ với nhau về mặt nội dung. Chính vì sự thống nhất về mặt âm thanh, có lẽ CITOPIA cần một câu chuyện dài hơn để có thể tạo cảm giác thỏa mãn cho người nghe. Thêm vào đó, một vài câu hát trong album vẫn chưa tròn vành, rõ chữ trong các bài có nhịp điệu, tiết tấu nhanh như Quý cô say xỉn hay Ngưu tầm ngưu mã tầm mã.
Tuy nhiên, xét về tổng thể, những hạn chế trên là không đáng kể và không thể che khuất đi điểm đáng khen trong album này. Hòa quyện tiếng synth, saxophone, flute… các nhà sản xuất nổi tiếng ở Nashville (Mỹ) dễ dàng khiến người nghe nhịp chân và lắc lư theo điệu nhạc – đúng với tinh thần của city pop, phối hợp ăn ý cùng Phùng Khánh Linh tạo nên những bài hát lôi cuốn, nhưng vẫn đủ sâu lắng để người nghe nhận biết cảm xúc của tác giả sau những tầng lớp âm thanh ấy.
Nếu tinh ý hơn, chúng ta có thể cảm nhận được những chi tiết rất “đắt” được gửi gắm ở CITOPIA. Ví như single Năm ngoái giờ này, để miêu tả cho tâm trạng khi bị người mình yêu lừa dối, câu hát “không phải là em” được lặp đi lặp lại liên tục để kết thúc bài hát trong tiếc nuối và cay đắng. Và nghe kĩ, chúng ta sẽ nhận ra được Phùng Khánh Linh đã khéo léo thay đổi cách ngắt nhịp từ “không phải/là em” đến “không/phải là em”, như nỗi niềm cố chấp, không thể buông bỏ mối tình của cô gái.
Thêm vào đó, album này còn có một điều tinh tế khác mà chúng ta chỉ nhận biết được khi nghe tất cả các track trong album theo thứ tự: giữa hai track Mùa hè 1994 và Đằng sau sân khấu hoàn toàn được nối tiếp với nhau, khi outro của Mùa hè 1994 được đồng bộ với intro của Đằng sau sân khấu.
Sự tỉ mỉ trong âm nhạc của Phùng Khánh Linh đã được đền đáp khi boxset CITOPIA hoàn toàn cháy hàng trong ngày đầu tiên ra mắt. Bằng sức sáng tạo không giới hạn, cũng như không ngại làm mới mình, chắc chắn rằng Phùng Khánh Linh sẽ không còn dừng lại ở hình ảnh một cô ca sĩ chuyên hát nhạc ballad sau album này.
Nhóm thực hiện
Bài: Như Quỳnh
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE