Văn hóa / Thế giới văn hóa

Cơ sở thưởng thức hội họa

Không ít ý kiến và lời khuyên từ giới làm nghệ thuật cho rằng, bạn nên xem tranh bằng cảm tính cá nhân và từ đó tự tìm ra cảm nhận cho chính bản thân.

Tuy nhiên, trong giới thưởng ngoạn mỹ thuật và hội họa cũng có không ít người xem tranh theo một số công thức hoặc định chuẩn về cái đẹp. Chuyên gia Mary Acton từ Đại học Oxford viết quyển “Học xem tranh” để giới thiệu tổng hợp các phương pháp phân tích, giúp học viên nhìn và hiểu các đặc tính của mỗi thể loại, mỗi trường phái mỹ thuật khác nhau.

Một số nét chính được ELLE tổng hợp trong bài này hi vọng giúp độc giả có thêm kiến thức cơ bản khi đọc các bài viết về mỹ thuật, hội họa, tranh ảnh…

Bố cục

Theo Mary Acton, trước hết nên tìm bố cục của tranh qua các đường nét kết nối, như đường ngang, đường dọc, đường xiên góc.

Bố cục theo định nghĩa là cách mà họa sĩ sắp đặt các chủ thể trong tranh, thêm hay bớt chi tiết nhằm tạo nên hiệu ứng thị giác. Bố cục có thể chỉ đơn giản là các đường dọc của thân cây, tư thế người đứng, hay các đường ngang như chân trời, mắt người, nếp váy áo. Những đường ngang dọc tự nhiên như cạnh bản đồ, góc bàn ghế cũng có thể được họa sĩ cố ý nhấn mạnh qua cách dùng màu để tạo sự cân bằng, hay hài hòa cho bức tranh.

Họa sĩ cũng có thể tạo ra nhịp điệu cho bố cục bằng mối quan hệ qua lại giữa nhân vật chính và nền, đặc biệt là khi nền đơn giản, tạo cho mắt người xem có cảm giác va đập, hay dao động trong không gian giữa các chủ thể, theo nhịp điệu.

Trong giai đoạn hưng thịnh của các thể loại tranh hùng tráng, với những vị tướng cưỡi ngựa, người ta hay có xu thế thay bố cục ngang- dọc bằng những đường cong và góc cạnh. Qua sử dụng màu sắc mang cá tính ấm nóng, hay lạnh lùng, người họa sĩ có thể tạo ra chiều sâu cho mặt phẳng tranh vốn chỉ là hai chiều. Cũng có những họa sĩ sắp đặt chủ thể theo lối bất cân xứng mà người xem thoạt đầu có thể coi là lộn xộn, nhưng nhìn kỹ sẽ phát hiện ra trật tự riêng của bố cục. Và có những tranh được xếp bố cục theo lối ngẫu hứng – random, nhưng không thực sự tùy tiện vì tuân theo một trật tự sắp đặt riêng biệt của người họa sĩ.

 

Irises - Một bức hội họa của Vincent Van Gogh
Irises – Một bức hội họa của Vincent Van Gogh

Không gian

Trong hội họa nói riêng và mỹ thuật nói chung, do hiệu ứng thị giác mà vật đặt gần hay xa mắt người sẽ có chiều cao khác nhau, và hiện tượng này đã được giới họa sĩ phát hiện ra từ rất lâu trước khi có máy ảnh.

Một số tranh cổ điển phân người thành những hàng ngang từ gần đến xa, như những hàng ghế trong nhà hát. Những tranh vẽ bên trong lâu đài không chỉ đơn giản phân chủ thể thành các hàng, mà còn phải nối kết những vật gần xa đó bằng nền nhà, hay tường, cho nên phải thể hiện độ xa gần theo lối thay đổi liên tục. Trong những bức tranh vẽ người cùng với thần thánh, vị trí của thần được họa sĩ quy định rất nghiêm ngặt để hòa hợp nhưng không hòa đồng với người. Một số tranh thời Phục hưng còn áp dụng thêm hiệu ứng không khí, khi những vật ở rất xa thường được pha thêm màu xanh dương, do nhìn qua làn không khí, phản xạ màu của bầu trời.

Có những tranh phong cảnh khi vẽ được tính toán cả không gian sao cho người xem có cảm giác mình đang đứng bên trong khung cảnh đó. Thế nhưng cũng có những tranh cắt bỏ khoảng cách giữa chủ thể và người xem, cho họ tiếp cận, gặp gỡ ngay với chủ thể trên tranh, đằng sau mới là phong cảnh nền.

Có những họa sĩ không thích mất thời gian với không gian nền mà tạo không gian ngay trên mặt chủ thể với các góc, cạnh, được thể hiện sắc nét, tạo bề nổi ấn tượng.

Nói chung, để xác định không gian trên tranh, người xem có thể tự đặt cho mình câu hỏi xem mình có quan hệ như thế nào về chiều không gian, và không gian đó nhỏ hơn, hay lớn hơn so với góc nhìn thông thường.

 

Les Noces de Pierrette
Les Noces de Pierrette

Hình thể

Để giúp người xem thưởng thức hình thể của chủ thể trong một tác phẩm hội họa, chuyên gia Mary Acton khuyên nên đặt câu hỏi xem tranh này có tạo cảm giác ba chiều hay không.

Một trong những hệ giá trị được đặt ra cho giới họa sĩ là việc thể hiện hình khối, hay còn gọi là họa hình – plastic – lên mặt phẳng.

Hình khối trước tiên là cảm giác mà khi quý vị xem tranh sẽ thấy người mẫu nổi bật hẳn lên trên mặt tranh, nổi như pho tượng nổi.

Lối thể hiện thường gặp trong thời Phục hưng là ghi nhận lại các nét sáng tối mà ánh sáng đã để lại trên bề mặt hình mẫu (grisaille).

Một số họa sĩ như Leonardo da Vinci tìm kiếm thêm hình thể không chỉ ở độ sáng – tối mà còn cả qua mối quan hệ tương phản bóng – nét chiếu sáng (chiasoscuro), cũng như nét mờ ở nơi tiếp xúc với vùng tối (sfumato).

Sang đến lối vẽ hiện đại thì phong cách thể hiện hình khối có nhiều thay đổi, khi nhóm Ấn Tượng xem nhẹ vấn đề này, còn Hậu Ấn Tượng lại tái phục hồi nó. Về sau này có những lối vẽ kết hợp cả hai xu hướng đó, thể hiện hình thể bằng màu sắc, theo quy luật của lý thuyết màu.

 

Les Demoiselles d'Avignon
Les Demoiselles d’Avignon

Độ sáng tối

Mặc dù độ sáng tối được dùng để thể hiện bố cục, mặt phẳng và hình thể, nhưng theo chuyên gia Mary Acton, thỉnh thoảng chúng ta cũng nên tự đặt câu hỏi xem khi nhìn tổng thể thì độ sáng tối có giữ vai trò gì trong những tác động của tranh lên cảm giác của chúng ta hay không, vì có khi chính độ sáng tối là chủ đề chính của bức tranh.

Thời cổ điển, sáng tối thường được dùng để tạo ra bi kịch trên tranh, hay thậm chí cả cảm xúc nữa, hoặc không khí chung cho cả tranh. Nếu thông thường thời đó họa sĩ vẽ người sáng trên nền tối thì cũng có những họa sĩ thích vẽ người mặc quần áo tối trên nền sáng, gia tăng cảm nhận lý tính về chủ thể.

Màu sắc

Mặc dù chức năng chính của màu sắc là để thể hiện lại chủ thể, nhưng có không ít tranh dùng màu sắc để thể hiện cảm xúc hoặc thiết lập một hệ tư duy logic.

Một số họa sĩ theo trường phái cảm xúc thường bị ảnh hưởng bởi lý thuyết màu của nhà thơ Đức Goethe, phân tích mối quan hệ qua lại giữa màu sắc và cảm xúc. Một số họa sĩ theo trường phái kỹ thuật lại thường bị ảnh hưởng bởi lý thuyết màu vật lý, mà nhà bác học Anh Newton là một trong số những người phát kiến, giải thích mối quan hệ vật lý giữa ánh sáng và vật thể được chiếu sáng.

 

Gustav Klimt
Gustav Klimt

Chủ đề

Có không ít tranh vẽ đòi hỏi người xem có hiểu biết quanh chủ đề được thể hiện, như tranh tôn giáo, lịch sử, thần thoại. Nhiều tranh vẽ cảnh sống đời thường nhưng hàm ý các vấn đề đạo đức của thời đại, hay thể hiện lại trí tưởng tượng từng được ghi nhận qua văn thơ, truyện truyền khẩu. Nhiều họa sĩ dùng tranh để thể hiện ý tưởng tư duy trừu tượng trong đầu họ, hoặc của một trào lưu triết học.

Tổng quát

Đi từ những nguyên tắc đến cụ thể lên thành hệ tư duy cảm nhận riêng cho mỗi cá nhân.

Với một số nguyên tắc cơ bản, độc giả có thể áp dụng ngay những công thức cơ bản nhất để xem tranh qua mạng Internet, ở bảo tàng, trong phòng triển lãm, và tại các xưởng họa gần nhà, để tự luyện tập và xây dựng cho mỹ quan của mình hệ thống cảm nhận riêng biệt.

Khi đã thuần thục một số phương pháp tư duy về xem tranh, các bạn có thể tự phát hiện và xây dựng thêm các nguyên lý mới cho bản thân, mà chắc chắn sẽ khiến quý vị thỏa mãn hơn khi thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật đang treo trong nhà mình, nhìn lâu không chán.

Xem thêm:

Sức hút của nghệ thuật công cộng

Gì cũng là nghệ thuật, trừ nghệ thuật

Bút bi và hành trình thay đổi thế giới nghệ thuật

Nhóm thực hiện

Bài: Nam Hie.
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.
for Onesignal ring banner

BÌNH LUẬN (0)