[Review sách hay] Đọc Cơn Sốt Lúc Bình Minh để hiểu về sức mạnh của tình yêu
[Tạp chí Phái đẹp ELLE – số tháng 2/2019] Lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật về những lá thư của cha mẹ Gárdos Péter, “Cơn sốt lúc bình minh” là một câu chuyện sôi nổi, kỳ lạ và khó quên, cho thấy sức mạnh bất chấp của con người trong những điều khắc nghiệt nhất, để sống và yêu.
Gárdos Péter sinh năm 1948 tại Budapest, là đạo diễn phim nổi tiếng của Hungary. Cha mẹ Gárdos Péter có một câu chuyện tình yêu lạ thường, đầy kịch tính mà một thời gian dài ông không hề biết. Sau khi cha ông mất vào năm 1998, bà mẹ trao cho ông những xấp thư trao đổi giữa hai người. Gárdos Péter đọc hết chúng trong một đêm, nhưng tiểu thuyết Cơn sốt lúc bình minh lại ra đời sau đó mười năm và gây tiếng vang. Những bức thư tình tuyệt vời này cũng đã truyền cảm hứng để Gárdos Péter dựng thành phim, công chiếu vào tháng 12/2015.
Cốt truyện táo bạo được ấp ủ với nhân vật chính là Miklos, một thanh niên chỉ mới 23 tuổi được báo rằng anh chỉ còn sống thêm sáu tháng nữa do biến chứng của bệnh lao. Thay vì đau buồn và tuyệt vọng, anh đã có một quyết định vô cùng lãng mạn, đó là viết thư cho 117 nữ thanh niên Hungary còn sống sót trong các trại tập trung với hy vọng một trong số họ sẽ trở thành vợ của mình. Một cô gái trong số đó tên Lili, với sự khích lệ của vài người bạn quanh mình cộng thêm những chuỗi ngày nhàm chán chờ phục hồi sức khỏe, cô đã trả lời thư của Miklos. Cả hai người đã không ngờ rằng đó là sự khởi đầu của một cuộc tình đầy yếu tố kỳ lạ. Những bức thư chứa đựng những câu chuyện vừa trần trụi về cuộc sống trong trại, vừa chất chứa yêu thương là sợi dây nối kết tâm hồn hai người trẻ tuổi.
Cơn sốt lúc bình minh như một kịch bản phim, liên tục chuyển từ cảnh này sang cảnh khác bởi hành động thay vì độc thoại nội tâm. Bên cạnh đó, Gárdos còn thêm vào những chi tiết hài hước cùng các nhân vật phụ kỳ quặc nhưng trung thành như anh bạn Harry, người từng rất tuyệt vọng đã tự chữa khỏi chứng bất lực của mình, và một giáo sĩ can đảm bị ám ảnh bởi cá trích.
Mỗi nhân vật trong Cơn sốt lúc bình minh đều mang vết sẹo của riêng mình: lo lắng về bệnh tật, số phận của gia đình, hy vọng, kế hoạch và ước mơ về tương lai. Sau tất cả những gì Miklos và Lili đã trải qua với sự kiên trì, tình yêu của họ được nuôi dưỡng bền bỉ ngay cả trong những điều kiện tưởng chừng khắc nghiệt nhất. Sức hút đến từ sự chân thực, biến những thứ tầm thường của chiến tranh trở thành một hành trình đầy cuốn hút, từ bờ vực thẳm của cái chết vươn đến bình mình tươi sáng của sự sống, của tình yêu. Sau tất cả, sự lãng mạn kỳ quặc và quyến rũ của hai người trẻ Hungary đã dẫn đến cuộc hôn nhân dài 52 năm. Chỉ với một câu nói đầy châm biếm nhưng chứa đựng sự yêu thương: “Cha anh đã cưa đổ mẹ bằng những lá thư”, Gárdos Péter đã mang đến cho độc giả một câu chuyện tình thăng hoa và tràn đầy hy vọng, như nhà văn Julie Orringer nhận xét: “Cuốn tiểu thuyết Cơn sốt lúc bình minh khẳng định sức mạnh của tình yêu giữa thế giới vừa qua cơn hoang tàn thù hận. Gárdos Péter đã soi sáng sức mạnh vô biên của ý chí con người – không chỉ là động lực để sống sót, mà còn để chạm đến cuộc sống đáng tôn vinh”.
—
Xem thêm
[Review sách hay] Ai Đổ Đống Rác Ở Đây? – Cuốn ngôn tình dành tặng cả gia đình
[Review sách hay] Muốn ít đi, hạnh phúc nhiều hơn – Tối giản cùng gia đình mình, tại sao không?
Bài: Hương Tôn
Ảnh: Tư liệu
Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE