Văn hóa / Thế giới văn hóa

Những điều cần biết về Ngày Quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT

Ngày 17/5 hàng năm là ngày thế giới lên tiếng chống lại nạn kỳ thị và phân biệt đối xử với người thuộc cộng đồng LGBT bằng nhiều hành động ý nghĩa.

Lịch sử, nguồn gốc Ngày Quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT (IDAHOT)

Trước khi được Liên Hợp Quốc công nhận, trong một thời gian dài ở Đức, ngày 17/5 được xem là Gay Day và được viết dưới dạng 17/5. Ngày này được kỷ niệm một cách không chính thức dựa theo Bộ luật hình sự 175 quy định quy tắc đối xử với những người đồng tính. Một sự kiện khác ý nghĩa không kém là vào ngày 17/5/1990, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần. Điều này là tín hiệu đáng mừng cho cộng đồng LGBT trên toàn thế giới.

Dù đã có nhiều hoạt động ủng hộ LGBT từ trước đó nhưng mãi đến năm 2014, với nỗ lực không ngừng của 24.000 cá nhân và các tổ chức về LGBT lớn như Hiệp hội đồng tính nữ và đồng tính nữ quốc tế ILGA, Ủy ban Nhân quyền Đồng tính và Đồng tính Quốc tế (IGLHRC), Hội nghị Thế giới của những người Do Thái LGBT và Liên minh Đồng tính nữ châu Phi, ngày 17/5 mới chính thức trở thành Ngày Quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) –  IDAHOT (International Day Against Homophobia and Transphobia) được Liên Hợp Quốc thông qua.

Ngày Quốc tế chống kì thị LGBT đã được chính thức công nhận tại các nước như Canada, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bỉ, Anh, Mexico, Costa Rica, Croatia, Hà Lan, Pháp, Luxembourg, Venezuela và Liên minh châu Âu EU. Ủy ban IDAHOT được hình thành ở nhiều nước để tổ chức các hoạt động hưởng ứng sự kiện này.

Ngày LGBT 1
(Ảnh: Thomas Hawk)

Mục đích, ý nghĩa của ngày IDAHOT

Mục đích chính của ngày IDAHOT là nhằm giúp nâng cao nhận thức của xã hội về nạn bạo lực, kỳ thị, phân biệt đối xử với cộng đồng LGBT trên phạm vi toàn cầu. Từ đó, sự kiện ngày 17/5 là tiền đề để tổ chức nhiều hoạt động vì LGBT với mong muốn thay đổi cách nhìn của xã hội và tác động đến các nhà hoạch định chính sách. Cách thức hưởng ứng ngày IDAHOT ở các nước có sự đa dạng để phù hợp với văn hóa, tôn giáo và xã hội của mỗi quốc gia. Năm 2013, sự kiện IDAHOT đã được tổ chức tại gần 120 quốc gia ở tất cả châu lục trên thế giới, trong đó hoạt động mạnh mẽ ở châu Âu và châu mỹ Latinh.

Những nhà hoạt động xã hội đã nhận xét tích cực về tác động và ý nghĩa của ngày IDAHOT đối với cộng đồng LGBT toàn cầu. Một nhà hoạt động người Sri Lanka chia sẻ: “Sự công nhận rộng rãi ngày IDAHOT cho phép các tổ chức tận dụng các chính sách hỗ trợ. Dựa trên sự công nhận của Chính phủ phương Tây, tất cả các Đại sự quán ở đây đã giơ cao lá cờ cầu vồng vào ngày 17/5 hằng năm”. Một nhà hoạt động khác ở Trung Quốc cho biết: “Ngày 17/5 là thời điểm duy nhất chúng ta, những người từ các tổ chức khác nhau ở nhiều quốc gia, cùng hành động vì một mục đích chung. Chúng ta có thể dành nhiều thời gian để nói về việc phải làm một điều gì đó, nhưng ngày 17/5 là thời điểm chúng ta hiện thực hóa chúng”.

Ngày LGBT 2
(Ảnh: Stocksy)

Các hoạt động hưởng ứng ngày IDAHOT trên thế giới

Nhìn chung, tính chất của các hoạt động về ngày IDAHOT ở các nước trên thế giới đều có chung hình thức là diễu hành, tuần hành và lễ hội. Ở Cuba, Mariela Castro, con gái của Chủ tịch Cuba Raul Castro là người hoạt động tích cực nhằm bảo vệ cho những người LGBT trong nhiều năm qua. Bắt đầu từ năm 2013, Mariela Castro đã dẫn đầu một cuộc diễu hành đường phố với quy mô lớn hưởng ứng ngày 17/5. Cũng vào năm này, tại Chile, 50.000 người đã xuống đường kỷ niệm ngày dành cho LGBT.

Ngày LGBT 3
Bà Mariela Castro tích cực tham gia nhiều hoạt động vì cộng đồng LGBT ở Cuba. Mariela cũng là người khởi xướng cuộc diễu hành đường phố quy mô lớn hưởng ứng ngày 17/5 tại quốc gia này. (Ảnh: Michael Key/Washington Blade)
Ngày LGBT 4
Những người thuộc cộng đồng LGBT tham gia cuộc diễu hành ở Cuba năm 2013. (Ảnh: Rosalino Ramos/HBO)

Ngày 17/5 cũng được kỷ niệm thông qua các lễ hội âm nhạc, các sự kiện văn hóa nghệ thuật. Những nhà hoạt động người Bangladesh đã tổ chức lễ hội âm nhạc Love music Hate homophobia năm 2013. Ở Albania, nhiều người đã xuống phố tham gia đạp xe qua các đường phố của thủ đô Tirana trong hai năm 2012 và 2013. Năm 2013 được xem là “năm của LGBT” khi có nhiều hoạt động, sự kiện lớn diễn ra trên thế giới. Trong đó, sự kiện Global rainbow flashmob được tổ chức ở 100 thành phố từ 50 quốc gia.

Ngày LGBT 5
Diễu hành tại New York năm 2013 (Ảnh: Mashable)

Hòa mình vào làn sóng ủng hộ LGBT trên thế giới, cộng đồng LGBT ở Việt Nam đã có những sự kiện thú vị, ý nghĩa trong ngày 17/5. Trong đó, có thể kể đến sự kiện BUBU Town (Vùng đất tự do và sáng tạo) tại Hà Nội và sự kiện Đón cầu vồng tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015.

Bên cạnh đó, tháng 6 hàng năm, cộng đồng LGBT Việt Nam với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức liên quan đã thực hiện thành công sự kiện Viet Pride với quy mô trên cả nước bắt đầu từ năm 2012. Đây là sự kiện có quy mô lớn nhất và ý nghĩa nhất với những người LGBT. Thành công của những hoạt động trên đã thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách và truyền thông nhằm hướng mọi người quan tâm đến vấn đề bạo lực, phân biệt đối xử và những khó khăn khác mà người đồng tính, song tính và chuyển giới phải đối mặt.

Ngày LGBT 6
Sự kiện Viet Pride 2015 với chủ đề Tung cánh nhằm kỷ niệm sự kiện Quốc hội Việt Nam chính thức thừa nhận quyền chuyển đổi giới tính. (Ảnh: Viet Pride 2015)

Xem thêm: 

Lần đầu tiên, cộng đồng LGBT được công nhận hợp pháp tại California

Những bộ phim Việt Nam nào đề cập tới chủ đề LGBT?

Nhóm thực hiện

Thùy Dung (Nguồn: Tạp chí Phái đẹp ELLE/ Tổng hợp)
Kết nối với ELLE! Bắt kịp nhịp đập thời trang, làm đẹp và phong cách sống.

BÌNH LUẬN (0)