Copycat Killer: Trò chơi thao túng của kẻ sát nhân
Những vụ án mạng liên hoàn là một đề tài chưa bao giờ lỗi thời đối với các TV series và phim điện ảnh thuộc thể loại trinh thám. Đây cũng là mảnh đất lý tưởng để các nhà làm phim gieo trồng những hạt giống sáng tạo nghệ thuật của mình. Giữa những tác phẩm đặc sắc cùng thể loại, “Copycat Killer (tựa Việt: Sát Nhân Bắt Chước) đến từ Đài Loan có những điểm nổi bật nào để chinh phục khán giả?
Phim ảnh xứ Đài gây tiếng vang lớn với nhiều tuyệt phẩm giàu cảm xúc, là chuyến du hành thời gian tìm kiếm tình yêu trong Someday Or One Day, tình cảm học trò trong trẻo trong You Are Apple Of My Eyes hay gần đây nhất là thế giới phức tạp của những người phụ nữ trưởng thành trong Light The Night. Nếu bạn muốn tận hưởng sự thi vị của điện ảnh Đài Loan và muốn đổi gió với những tựa phim kịch tính hơn, Sát Nhân Bắt Chước (Copycat Killer) sẽ là trải nghiệm thú vị với mạch truyện trinh thám gay cấn và thách thức óc phán đoán của người xem. Bộ phim thành công ghi tên mình trong Top 10 Netflix toàn cầu. Phim cũng đạt được số điểm ấn tượng trên Douban và IMDb.
Vẫn là câu chuyện phá án đã được kể rất nhiều lần trên màn ảnh, điều gì làm nên sức hút của Copycat Killer?
Cuộc truy đuổi cái ác nhiều nút thắt
Phim dẫn người xem về Đài Loan thập niên 90. Thành phố Tùng Diên trở nên rúng động khi một chiếc hộp màu đỏ chứa bàn tay của nữ giới được phát hiện trong công viên. Không lâu sau đó, kiểm sát viên Quách Hiểu Kỳ và cộng sự tìm thấy mối liên hệ giữa bàn tay với vụ án mạng của một người phụ nữ trẻ đã kết án từ 2 năm trước. Khi sự việc còn chưa rõ ràng, nhiều cô gái đột nhiên mất tích một cách bí ẩn. Điều này dấy lên nghi ngờ rằng đứng sau tất cả những kinh hoàng là một kẻ sát nhân điên loạn. Sự căng thẳng gia tăng theo cấp số nhân khi hung thủ không đơn giản sát hại những nạn nhân vô tội mà phô trương tội ác của mình lên các phương tiện truyền thông như một trò đùa.
Quách Hiểu Kỳ là người dẫn dắt góc nhìn của khán giả, vì thế chúng ta được theo đuôi hành trình mò mẫm trong vô số những bóng tối để vạch trần tội ác. Qua những cảnh phim đầu tiên, anh được khắc họa là một người lý trí và nguyên tắc. Anh chơi một trò chơi điện tử trong hai tuần để chứng minh cho phán đoán của mình. Anh không một chút đắng đo ra lệnh cho đội cảnh sát bắt giữ tên cấp trên làm chuyện phi pháp. Phân cảnh nhìn thẳng vào camera với ánh mắt phẫn nộ và tuyên bố chắc chắn sẽ không để kẻ sát nhân chạy thoát là một trong những trường đoạn ấn tượng của phim.
Đối trọng với hình tượng anh hùng của Quách Hiểu Kỳ, biên kịch đã xây dựng thế lực phản diện nhiều lớp lang chặt chẽ. Kẻ sát nhân trong phim tự tin thách thức lực lượng cảnh sát trên sóng truyền hình và hả hê ngồi nhìn lực lượng cảnh sát bất lực trong việc tìm ra lời giải. Hắn ta tìm kiếm khoái cảm từ việc hành hạ người khác, cảm thấy thỏa mãn khi được mọi người chú ý. Hắn chở nạn nhân lướt qua trước mặt người thân của họ, bắt thân nhân làm theo những yêu cầu biến thái của hắn để cầu xin lòng từ bi để rồi không có sự nhân từ nào được ban phát, nạn nhân vẫn ra đi trong đau đớn.
Copycat Killer được điều hòa theo tiết tấu chậm rãi, từ tốn cuốn người xem vào câu chuyện về hành trình vạch trần một tội ác không thể dung thứ. Đây cũng là cách nhà làm phim cung cấp các thông tin từ rõ ràng đến mơ hồ để người xem có thể tự xâu chuỗi và đưa ra những phán đoán của riêng mình. Tuy nhiên, kết cấu phim dàn trải lại khiến khán giả uể oải và dễ sao nhãng trong phần lớn thời lượng của phim.
Phim có nhiều nhân vật và mỗi người đều ẩn chứa một bí mật nào đó, góp phần “tung hỏa mù” vào suy luận của khán giả. Thêm vào đó, mối liên hệ của các cá nhân không được giới thiệu rõ ràng và sự mập mờ ấy hoàn toàn có chủ đích, khiến người xem cảm giác dường như mình đã tìm ra sự thật nhưng lại nhanh chóng bị những tình tiết tiếp theo phủ định. Điểm đặc biệt của phim là những cú twist chồng lên nhau, đủ sức thỏa mãn những mọt phim trinh thám.
Copycat Killer trau chuốt vô cùng kỹ lưỡng ở phần hình ảnh. Ánh sáng và màu sắc với độ tương phản cao trong bản phối theo thẩm mỹ đặc trưng xứ Đài, làm cho mỗi khung hình của phim đậm chất điện ảnh. Không chỉ xây dựng được bầu không khí nhuốm màu ảm đạm đến rợn người, người xem còn được trải nghiệm nỗi sợ hãi khi tất cả phân cảnh đều được ê-kíp làm phim thực hiện đến mức độ chân thật và ám ảnh.
Dễ dàng nhận thấy là phim không dành nhiều thời lượng cho những cảnh kinh dị, mà xoáy sâu vào nội tâm phức tạp của kẻ ác nhân, cảnh sát, nạn nhân và người thân của nạn thân. Sau khúc dạo đầu thê lương, phim ngày càng có nhiều nút thắt và gia tăng cao trào, khiến người xem vô thức bị cuốn vào những màn dày vò tinh thần điên rồ, không dễ đồng cảm nhưng cuốn hút đến kỳ lạ.
Xem thêm
• Điểm danh 6 bộ phim Hàn xuyên không đình đám nhất
• Điều gì làm nên khả năng “đại bạo” của Trường Nguyệt Tẫn Minh trong mùa Hè 2023?
• Những hình tượng “anh hùng” khác biệt trong phim Hàn
Được chuyển thể bằng sự khéo léo và cẩn trọng
Copycat Killer được cầm trịch bởi Trương Vinh Cát – đạo diễn của tác phẩm nhận được đề cử Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 85 Touch of the Light và Trương Hưởng Như – người đứng sau thành công của One Step is Enough, Days on the Crosswalk.
Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết Mohouhan/The Copycat của nhà văn Nhật Bản Miyabe Miyuki và chính xứ sở hoa anh đào cũng từng đưa câu chuyện này lên màn ảnh rộng. Điểm 7.5 Douban đã chứng minh Copycat Killer không phải là một tác phẩm chuyển thể qua loa và các nhà làm phim đã mang tác phẩm văn học đậm chất Nhật đặt trong bối cảnh Đài Loan một cách thuyết phục nhất. Thực tế, họ đã phải đã cân nhắc rất kỹ lưỡng để lựa chọn không gian/thời gian thích hợp cho bộ phim.
Việc cải biên để phù hợp văn hóa bản địa, phát triển cốt truyện mang nhiều giá trị đương đại hơn là một thử thách không dễ dàng đối với biên kịch và đạo diễn. Hơn nữa, cách truyền tải của tiểu thuyết không chỉ đứng ở phương diện lý tính mà còn là cảm tính, thế nên để giữ vững tinh thần của nguyên tác, nhà làm phim cần phải xây dựng kết cấu kể chuyện logic và khắc họa được sự vùng vẫy của từng nhân vật trong sự mơ hồ của ranh giới đạo đức. Vì lẽ đó, quá trình từ kịch bản cho đến những thước phim trên màn ảnh được đội ngũ sản xuất chăm chút trong hơn 3 năm. Trong thời gian thực hiện, bộ phim cũng đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ trong khâu sản xuất từ nền tảng Netflix.
Kết quả là chúng ta được thưởng thức một TV series hấp dẫn và nghẹt thở. Nhờ trung thành với cách kể chuyện “chậm mà chắc”, Copycat Killer đem đến cho người xem sự thỏa mãn về trí tuệ lẫn cảm xúc.
Những thông điệp xã hội sâu sắc
Thông qua một hành trình rùng rợn nơi bản ngã con người được thử thách đến cùng cực, Copycat Killer làm nổi bật lên thứ cốt lõi nhất của mọi bi kịch là bản tính thiện — ác trong mỗi con người.
Phim tiếp cận vấn đề này từ hai triết lý mang tính đối nghịch, dưới góc độ của những kẻ sát nhân. Nếu triết thuyết “Nhân chi sơ, tính bản thiện” của Mạnh Tử khẳng định lương thiện là bản năng tự nhiên của con người kể từ khi sinh ra thì Tuân Tử cho rằng bất kỳ ai cũng bắt nguồn từ cái ác và để khắc chế khuynh hướng xấu, cần có một quá trình bồi dưỡng sự tĩnh tại trong tâm. Copycat Killer cho chúng ta cơ sở để tin tưởng những lý luận này, có thể kẻ sát nhân hình thành tâm lý méo mó từ những sang chấn tuổi thơ, cũng có thể hắn đơn thuần xem giết chóc như một màn trình diễn nghệ thuật đáng tự hào, qua đó phim từ chối đưa ra một nhận định cụ thể về bản tính con người. Bằng việc mang đến những nhân vật trần trụi, không ngần ngại phơi bày những thứ xấu xa nhất của không chỉ nhân vật phản diện mà cả chính diện, phim hướng người xem đến những suy ngẫm về giới hạn của con người. Từ những kẻ thủ ác được xây dựng nội tâm sâu sắc và truyền tải thuyết phục, những giá trị của phim được nâng lên một tầm cao hơn sự mơ hồ không rõ trắng đen của con người.
Bộ phim mang diện mạo gai góc, thực chất là lời châm biếm của nhà làm phim đến hệ thống truyền thông. Phim khắc họa cuộc chạy đua thông tin khốc liệt giữa các nhà đài và những mặt trái u ám của ngành công nghiệp tin tức. Những người vận hành nó “hào hứng” khai thác các sự kiện đau thương, tàn nhẫn nhắm mắt đẩy những người thân của nạn nhân ra trước dư luận tàn bạo để đạt được tỷ suất người xem cao nhất hay quy chụp những sự thật bị bẻ cong theo hướng mà công chúng muốn biết nhằm thu lợi nhuận tối đa. Bằng cách đó, các phương tiện truyền thông trở thành công cụ để tên sát nhân giễu cợt pháp luật và gieo rắc sự kinh hoàng đến người dân cả nước. Từ đó, từng câu thoại có sức nặng hơn trong việc đánh thức nhận thức của khán giả.
———
“Sự thật là một cuộc thi kể chuyện. Để xem ai nói nhanh hơn và thuyết phục hơn”.
Quy tụ dàn diễn viên bảo chứng diễn xuất
Thổi hồn cho kịch bản “nặng đô” của Copycat Killer là màn trình diễn ấn tượng đến từ dàn diễn viên thực lực. Trong bức tranh u ám của phim, mỗi người là một mảnh ghép trọn vẹn, khiến khán giả không thể nào quên sau khi tấn bi kịch kết thúc. Dẫu bạn có nhiều hoài nghi về cốt truyện, nhưng chắc chắn bạn sẽ được trải nghiệm một bữa tiệc diễn xuất đúng nghĩa khi phim quy tụ Ảnh Đế và Thị Hậu của màn ảnh xứ Đài.
Chắc hẳn người xem đều phải đồng ý rằng người chiếm giữ ánh hào quang là Ảnh Đế Ngô Khảng Nhân với ánh mắt đầy day dứt cùng với nhiều phân cảnh đắt giá trong vai kiểm sát viên chính trực Quách Hiểu Kỳ. Nam diễn viên là một viên ngọc quý được phát hiện muộn bởi anh chạm ngõ nền nghệ thuật thứ bảy khi đã 27 tuổi. Bằng tài năng dị biệt và khát khao thử thách, Ngô Khảng Nhân biến hóa đa chiều qua hàng loạt vai diễn có chiều sâu, có cá tính và hơn cả là tạo được cảm xúc mạnh nơi người xem. Những nhân vật đặc trưng có thể kể đến như gã đồng tính trong Fragile In Love: Poetry In The Motion, anh kỹ sư trẻ bị bại liệt trong Emerging Light, tay đầu bếp trong loạt phim hài The Perfect Match hay tú bà chính hiệu trong Light The Night. Ngô Khảng Nhân bỏ túi nhiều giải thưởng hàn lâm và được đánh giá rất cao bởi giới phê bình. Tất cả đã làm nên một bảo chứng diễn xuất không thể nào xô đổ trong làng giải trí Đài Loan.
Thực chất, nam diễn viên đã từng thể hiện vai luật sư đấu tranh cho nhân quyền của những nghi phạm trong một bộ phim có đề tài tương tự như Copycat Killer là The World Between Us (Khoảng cách giữa chúng ta và cái ác). Vì thế, không ít người đặt hai màn trình diễn của Ngô Khảng Nhân lên bàn cân so sánh, với một thang điểm công tâm thì cả hai nhân vật đều được Ảnh Đế khắc họa khéo léo diễn biến tâm lý sâu sắc và cách thể hiện của anh cũng không lặp lại chính mình.
Tuy không có nhiều đất diễn, Thị Hậu Kha Giai Yến vẫn là một điểm nhấn giàu cảm xúc trong Copycat Killer. Nữ diễn viên đã quen thuộc với khán giả Việt qua câu chuyện tình yêu thổn thức trong vô số vòng lặp thời gian của Someday Or One day (Muốn Gặp Anh). Để có thể hóa thân mượt mà thành nhà tâm lý học lâm sàng Hồ Doãn Tuệ, mỹ nhân xứ Đài đã tham gia học một số khóa học chuyên ngành tâm lý. Với nỗ lực đầu tư cho nhân vật và tài năng diễn xuất của Kha Giai Yến, chúng ta được chứng kiến Doãn Tuệ đi từ những nỗi đau âm ỉ trong tâm hồn cho đến những nền móng chống đỡ tinh thần mạnh mẽ bị sụp đổ hoàn toàn.
Đến với Copycat Killer, Lâm Tâm Như cũng đã có thêm một vai diễn ấn tượng trong sự nghiệp của mình. Nữ diễn viên khiến người xem từ yêu đến ghét rồi lại yêu phát thanh viên Diêu Nhã Từ chỉ với những thay đổi rất nhỏ trong nét mặt của cô. Một sự thật thú vị là nếu bạn đã xem Light The Night (Hoa Đăng Sơ Thượng) do Lâm Tâm Như sản xuất và đóng chính, bạn sẽ gặp lại nhiều gương mặt quen thuộc ở bộ phim này.
Không chỉ những cái tên nổi đình nổi đám chứng minh được sức hút của mình, Hạ Đằng Hoành trong vai phóng viên Hồ Kiện Hòa, Phạm Thiếu Huân trong vai DJ Thẩm Gia Văn và Giang Nghi Dung trong vai ký giả Lộ Nghiêng Chân cũng đã thành công khiến khán giả quay cuồng trong vòng xoáy bí ẩn của câu chuyện sát nhân hàng loạt.
Sát nhân bắt chước hội tủ đủ yếu tố làm nên sức hút của một bộ phim trinh thám, nhưng vẫn ẩn chứa những tình tiết và yếu tố mới mẻ khiến bộ phim thành công thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả. Copycat Killer chắc chắn sẽ khiến bạn hồi hộp đến nghẹt thờ trong từng phân cảnh của bộ phim.
Bài: Xuân Yến